21/09/2016
939
Suy Niệm Chúa Nhật 26 TN năm C_Lm Giuse Minh

















CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN-NĂM C

Am 6,1a.4-7; 1Tm 6,11-16; Lc 16,19-31

“Lời cảnh báo cho người giàu thiếu tình người”

“Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ”

I. Bối cảnh Phụng vụ Lời Chúa

Lời Chúa trong Thánh Lễ hôm nay, Giáo Hội trung thành với giáo huấn của Chúa Giêsu dạy chúng ta là phải cảnh giác chống lại mối hiểm nguy từ tiền của vật chất. Bởi vì, tiền của vật chất là một trong những nguyên nhân cơ bản tạo nên những sự xấu của xã hội loài người. Vì mối lợi vật chất mà người ta có thể làm nảy sinh những xung đột xã hội, chiến tranh, bất công, đói nghèo, phân rẽ cộng đoàn với gia đình. Là môn đệ của Đức Kitô, Kitô hữu chúng ta phải cảnh tỉnh trước nguy cơ của tiền tài vật chất, và phải biết dùng chúng để làm cho con người và xã hội tràn đầy tình bác ái. Biết xóa đi mọi khoảng cách phân hóa giàu nghèo trong cuộc sống. Đó chính là lời giải đáp cho cách sống của người tín hữu để được vào cõi phúc đời đời.

Trong bài đọc 1, ngôn sứ Amốt đã đả kích lên án bọn giàu sang ở cả Giuđa và Israel. Họ chỉ biết hưởng thụ ăn chơi phè phỡn, coi thường luật lệ, ông viết: Họ ăn chiên cừu cùng bê béo nhất chuồng, họ nghêu ngao họa theo tiếng đàn, tự bày nhạc khí theo Đavid, họ uống rượu cả tô và xức dầu thơm thượng hạng. Họ không màng chi đến lời răn dạy và giáo huấn của Chúa, cho nên họ là những kẻ đầu tiên phải bị lưu đày và đất nước sẽ bị Quân Assiry phá hủy.

Còn trong Tin Mừng Lc 16,10-31 là dụ ngôn “Người giàu có và anh Ladarô nghèo khó” trình bày hai cảnh đời. Một là người phú hộ luôn cậy dựa vào những giá trị đời này. Nhưng khi ông chết chỗ cậy dựa ấy cũng tiêu tan luôn, cho nên ông rơi vào cảnh huống rất khốn khổ. Còn Ladarô nghèo khó nhưng luôn đặt niềm tin cậy vào Chúa, nên ở bên kia cõi chết ông được hưởng hạnh phúc trong vòng tay Thiên Chúa.

II. Ý nghĩa dụ ngôn ông nhà giàu và anh Lazarô nghèo khó

Sự phân biệt giàu – nghèo luôn là một vấn đề xã hội. Tự nó đã hàm chứa một sự mâu thuẫn với nhau chăng? Có tiền thì không nghèo mà nghèo thì không có tiền. Thông thường người đời cho rằng: giàu là một cái phúc, và nghèo là một tai ương. Nhưng câu đầu tiên trong tám mối phước thật Chúa nói: “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). Lời Chúa hôm nay sẽ là một giải đáp cho cách sống của người tín hữu như thế nào để được cõi phúc đời đời.

Tin Mừng Luca 16,19-31, hôm nay là dụ ngôn “Ông nhà giàu và anh Lazarô nghèo khó” được trình thuật linh động, sâu sắc khắc họa lên hình ảnh hai cảnh đời trái ngược nhau trong xã hội loài người muôn nơi muôn thuở: Giàu và nghèo.

Người phú hộ giàu có ngày ngày yến tiệc linh đình, sống trong nhung lụa xa hoa, lại không biết đến người hành khất đói khổ, bệnh tật ngay trước cửa nhà ông, chỉ mong mụn bánh vụn từ bàn ăn của ông rớt xuống mà ăn cho đỡ đói mà không được. Giữa người phú hộ và người hành khất có một khoảng cách có lẽ quá xa khiến hai người gần nhau mà không gặp nhau. Ông phú hộ mù tối không thấy được, không lưu tâm đến sự hiện diện của Ladarô. Ông mù tối vì lòng ích kỷ, thiếu bác ái, không quan tâm lắng nghe giáo huấn của Chúa. Và kết thúc bi thảm dành cho người phú hộ sau khi chết. Cái khốn khổ của người phú hộ đã được Môsê và các ngôn sứ cảnh báo, và Chúa Giêsu đã răn dạy mới nổi rõ lên: chính khi chết là kết cục cho ông ta dưới âm phủ, bị ngăn cách bởi một vực thẳm khủng khiếp không thể vượt qua, nhưng lại là khởi đầu cho Lazarô trong bữa tiệc Nước Trời với Abraham và các ngôn sứ.

Kết cục xấu cho người phú hộ kia không phải vì ông “lắm tiền nhiều của”, cũng không phải vì ông ta làm ra nhiều của cải, nhưng chính là lối sống hưởng thụ, ích kỷ và vô tâm của ông trước người nghèo khó Lazarô ngày ngày lê lết bên cổng nhà ông, thèm được những thứ trên bàn ăn rơi xuống mà ăn cho no. Dụ ngôn này còn hướng tới chủ đích sửa sai quan niệm của người Biệt phái coi thịnh vượng vật chất là dấu chỉ phúc lành của Thiên Chúa, còn nghèo khổ là dấu chỉ bị ruồng bỏ. Cảnh ngộ trần thế không phản ánh trạng thái tâm hồn và càng không thể quyết định vận mạng vĩnh cửu.

III. Cách sống của người tín hữu để được vào cõi phúc

Từ dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn kêu gọi những người Do Thái và người Pharisêu ăn năn sám hối, nếu không họ cũng sẽ bị chung số phận như người giàu có vô tâm và ích kỷ kia. Đó cũng là bài học cho mọi tín hữu: hãy cảnh giác và sám hối, vì đã từ lâu, chúng ta thường sống bo bo chỉ cho mình mà quên đi những người thiếu thốn chung quanh ta.

Thật vậy, trong bối cảnh nhân loại hôm nay, chúng ta chứng kiến những cảnh sống chênh lệch thật quá đáng: “Người ăn không hết kẻ lần không ra”. Bác sĩ Albert Schweitzer, người đã bán hết gia tài kếch xù của ông, xây một bệnh viện và dấn thân cứu giúp những con người cùng khổ nhất Châu Phi đã đặt ra câu hỏi cho chính mình: “làm sao chúng ta có thể sống hạnh phúc trong khi biết bao người đang đau khổ”. Hàng ngày chúng ta thường có dịp tiếp xúc với đời sống xã hội trước mắt, loài người còn đầy rẫy những cảnh khổ: từ một ông lão sống kiếp đời hành khất, sống bằng lòng nhân đạo bố thí, đến hình ảnh một đứa trẻ tuổi còn thơ, đời còn quá bé bỏng, lại phải sống bằng cách đi nhặt từng mẩu bánh ăn dở, thay vì đứa bé ấy phải được cha mẹ nuông chiều dạy dỗ.

Vì thế, Cuộc Sống người Kitô hữu hôm nay không thể tránh khỏi những khoảng cách giàu-nghèo trong cuộc sống. Điều quan trọng là phải biết xóa dần đi những khoảng cách đó bằng nỗ lực sống và thực thi Tin Mừng. Luôn biết yêu thương quan tâm đến nhau, nhất là những anh em đau khổ, hoạn nạn chung quanh. Đặc biệt qua số phận trầm luân muôn đời của người phú hộ, luôn luôn nhắc nhở người tín hữu phải biết quan tâm đến những người sống chung quanh mình, biết khôn ngoan sử dụng những đồng tiền chóng qua mau hết vào những công việc từ thiện bác ái và những công trình xây dựng của Giáo Hội. Đừng tiếc đồng tiền bát gạo khi có thể cứu sống mạng người. Đừng tiếc thời giờ, tiếng nói, tấm lòng, nếu đem lại hạnh phúc cho người khác. Phương châm có câu: “Kẻ nào tặng người khác bông hoa hồng, trên tay người đó phảng phất mùi thơm”.

Trong tâm tình và ý nghĩa đó, chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau tham dự bàn tiệc lễ tạ ơn sốt sáng và ra đi dấn thân thực thi lời hy vọng này: “Điều các con làm cho người bé mọn nhất trong anh em là các con làm cho chính Ta” vậy.

Nguyện xin Chúa Giêsu là Đấng đang tự đồng hóa với những người nghèo khổ mở rộng đôi mắt và lòng bàn tay cuả chúng con để chúng con luôn biết mau mắn nhận diện và phục vụ Chúa trong mọi người.

Lm Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho