17/09/2016
996
Suy Niệm Chúa Nhật 25 TN năm C_Lm Giuse Minh





















CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN C

Am 8,4-7; 1Tm 2,1-8; Lc 16,1-13

“KHÔNG AI CÓ THỂ LÀM TÔI HAI CHỦ”

 

Bối cảnh Tin Mừng

Người ta kể rằng: Thời Chiến Quốc, Phùng Nguyên phục vụ cho Mạnh Thường Quân, là tướng nước Tề. Một hôm, Mạnh Thường Quân nhờ Phùng Nguyên sang đất Tiết để thu các món nợ. Trước khi ra đi Phùng Nguyên hỏi: “Thu xong nợ rồi có cần mua gì không?” – Mạnh Thường Quân bảo: “Xem trong nhà còn thiếu vật gì thì cứ mua về”.

Phùng Nguyên đến đất Tiết, cho mời tất cả những con nợ của chủ đến mà nói: “Mạnh Thường Quân ra lệnh xoá bỏ tất cả các món nợ”. Phùng Nguyên thu hết các giấy nợ và mang đốt hết đi. Toàn dân đất Tiết rất vui mừng tung hô vạn tuế.

Khi Phùng Nguyên trở về, Mạnh Thường Quân hỏi: “Đã thu nợ xong chưa?”, Phùng Nguyên trả lời: “Thu xong cả rồi”, Mạnh Thường Quân hỏi: “Còn vật mua về đâu?”, “Nhà mình không thiếu gì chỉ thiếu nhân nghĩa nên tôi đã mua nhân nghĩa đem về cho Ngài”.

Một năm sau, vua Tề không dùng Mạnh Thường Quân làm tướng nữa, nên ông phải về đất Tiết, lúc ấy già trẻ lớn bé ra đường đón chào hoan hô. Mạnh Thường Quân ngoảnh lại bảo Phùng Nguyên: “Đó hẳn là cái ơn nghĩa mà ông đã mua cho tôi ngày trước”.

Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay cũng dạy chúng ta phải sử dụng tiền của thế nào để có được lợi ích đích thực.

Trước hết Lời Chúa trong sách ngôn sứ Amos (Am 8,4-7). Có người gọi Amốt là một vị ngôn sứ của công bình: ông đã lên tiếng đấu tranh cho công bình xã hội, mạnh mẽ lên án những tội lỗi của người giàu, chỉ trích và chống đối sự áp bức, bóc lột người nghèo khổ. Ông thấy rõ sự xấu xa của cuộc sống bất công và gian tham của dân Israel. Lối sống gian tham của họ ở chỗ bề ngoài có vẻ như giữ tỉ mỉ những ngày lễ nghỉ, trong khi lại cư xử bất công với tha nhân. Khi làm ăn, họ dùng đủ cách gian lận: “Làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm”. Đặc biệt họ khai thác và bóc lột những người nghèo.

Còn trong bài đọc II (1 Tm 2,1-8) Thánh Phaolô khuyên tín hữu mình đừng ganh tị, tranh chấp với nhau: nguồn gốc của tranh chấp là lòng tham. Thay vì tranh chấp, hãy tích cực xây dựng hoà bình.

Trong Tin Mừng của Thánh Luca (16,1-3) hôm nay, Chúa Giêsu dạy môn đệ cách sử dụng tiền bạc, của cải vật chất. Trước tiên Ngài dùng một dụ ngôn “Người Quản Gia” và sau đó nói về cách sử dụng tiền của.

Dụ ngôn “Người Quản Gia”: Đối với người Do Thái, quản gia không phải chỉ là một trong những người làm mướn ăn lương của chủ, mà là một nhân vật rất có thế lực. Quản gia là người thay mặt chủ để lo những chuyện tài sản trong nhà. Do đó, có quyền thu xếp tài sản của chủ cách nào tùy ý miễn sao có lợi cho chủ thôi. Người quản gia không có lương, nên thường tìm thu nhập thêm bằng cách kê thêm số của cho vay. Thí dụ cho vay 100 kê thành 120 chẳng hạn. Chúa Giêsu nói người quản gia trong dụ ngôn này là “bất lương”. Các nhà nghiên cứu Thánh Kinh vẫn còn chưa thống nhất với nhau về tính bất lương ấy. Có người cho là do ăn gian tiền của chủ, cho vay ăn lời cắt cổ, hay là sửa đổi giấy nợ? Như thế, người quản gia này khôn ngoan nhưng không trung thành. Khôn ngoan, nhanh nhẹn, trong một thời gian ngắn đã tìm ra phương thế để chuẩn bị cho tương lai nhưng ông đã không trung thành vì ông đã phung phí làm hại tài sản của chủ. Nhưng ở đây, điều Chúa Giêsu muốn ta noi gương nơi người quản gia này là “cách sử dụng tiền của”: người quản gia này là con cái thế gian, thế mà còn biết sử dụng của cải một cách khôn khéo bằng cách cho đi của cải hiện tại để đổi lấy sự bảo đảm cho tương lại: “Con cái của sự sáng” phải noi gương đó, phải biết dùng của cải của thế gian mà mua sắm của cải trên trời. Bởi lẽ vì không ai vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được.

Tuy nhiên sức mạnh của đồng tiền lại rất lớn. Gần đây ở Việt Nam có câu:

Tiền là Tiên là Phật

Là sức bật tuổi trẻ

Là sức khỏe tuổi già

Là cái đà danh vọng

Là cái lọng che thân

Là cán cân công lý

Đồng tiền là hết ý

Theo lẽ tự nhiên, một khi con người chạy theo tiền của, con người dễ bị ma lực của đồng tiền mê hoặc khiến mất khả năng nghĩ tới Chúa, những giá trị siêu nhiên và ngay cả hạnh phúc vĩnh cửu của đời mình. Câu chuyện nhà phú hộ dại khờ trong Phúc Âm chỉ lo tích trữ của cải cho mình, chỉ lo hưởng thụ mà quên đi giây phút phải ra trước tòa Chúa là một ví dụ điển hình.

Tiền của dễ đưa con người đến chỗ gian lận, bất công và phân biệt đối xử: người ta thường dùng cân nặng cân nhẹ, đấu to đấu nhỏ để mua vào bán ra. Với đồng tiền người ta dễ bẻ cong cán cân công lý làm thiệt hại cho những kẻ thấp cổ bé họng.

Tiền của dễ dàng lôi kéo người ta xa Chúa là như thế, nhưng Công Đồng Vatican II đã có cái nhìn tích cực hơn về tiền của. Bởi lẽ, tiền của tự nó không phải là xấu, vì nó là thành quả của lao động, là phương tiện trao đổi nhẹ nhàng và tiện lợi trong cộng đồng nhân loại. Nó còn là lợi khí giúp cho đời sống con người được hạnh phúc hơn, xứng với phẩm giá con người hơn. Tiền của trở nên tốt hay xấu tùy cách thức con người kiếm ra nó và sử dụng nó: Ngay cả Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu bảo các môn đệ của mình hãy dùng tiền của như chia sẻ và bố thí để mua lấy bạn bè, gây tình thân hữu và mưu ích cho phần rỗi mai ngày của mình.

Giáo huấn của thánh Phaolô cũng đã dạy trong thư gởi Timôthêô: “Hãy làm việc thiện, hãy ăn ở rộng rãi và sẵn sàng chia sẻ. Như vậy sẽ tích trữ cho mình một vốn liếng vững chắc cho tương lai, để được sự sống đời đời” (1 Tm 6,18-19).

Lm Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho