13/01/2017
789
Suy niệm Chúa Nhật 2 Thường Niên A_ Lm Giuse Minh




























CHÚA NHẬT II MÙA THƯỜNG NIÊN – NĂM A

Is 49,3.5-6; 1Cr 1,1-3; Ga 1,29-34

CHIÊN THIÊN CHÚA

“Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng Xoá Tội Trần Gian”

 

Dẫn vào Thánh Lễ

Với Chúa Nhật Đức Giêsu chịu phép rửa, phụng vụ Thánh lễ dẫn cộng đoàn chúng ta vào giai đoạn mới trong cuộc đời Chúa Giêsu, giai đoạn tỏ mình và hoạt động công khai nhằm cứu độ nhân thế. Phụng vụ gọi thời gian này là mùa thường niên. Mùa thường niên không cử hành một khía cạnh nào đặc biệt về mầu nhiệm Chúa Kitô, nhưng lại tôn vinh chính mầu nhiệm Chúa Kitô trong toàn bộ, nhất là trong các ngày lễ Chúa Nật. Trong ý hướng đó, phụng vụ Lời Chúa hôm nay giới thiệu Đức Giêsu là “Ánh sáng muôn dân và là Đấng xoá tội trần gian”, để mời gọi chúng ta thực sự tin nhận Đức Giêsu là Đấng cứu độ và trở thành môn đệ giới thiệu Đức Giêsu cho mọi người.

Ba bài đọc Kinh Thánh trong thánh lễ hôm nay cho phép ta gọi tên Chúa Nhật này là Chúa Nhật Người Tôi Tớ. Không những bài sách Isaia rõ ràng nói đến Người Tôi Tớ của Chúa, mà cả bài Tin Mừng Gioan cũng chỉ rõ nghĩa khi hiểu Đức Kitô theo các bản văn Cựu Ước nói về Người Tôi Tớ. Và cuối cùng mấy câu mở đầu thư thứ nhất của thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Côrintô sẽ phong phú nếu chúng ta hiểu mình cũng là những người được ơn gọi trở nên tôi tớ trung thành của Chúa.

Vậy cộng đoàn chúng ta hãy suy gẫm về chủ đề “Người Tôi Tớ nơi Cựu Ước, nơi Đức Kitô và nơi mỗi người chúng ta”.

I. Tuyên xưng Đức Giêsu là ánh sáng và chiên xoá tội

Các bài đọc Kinh Thánh hôm nay có một mối tương ứng rõ nét khi ta nối kết bài đọc thứ nhất trong sách ngôn sứ Isaia đệ nhị (49,3.5-6) với bài Tin Mừng theo thánh Gioan (1,29-34).

Trong sách Isaia đệ nhị, từ chương 40-55 có bốn bài ca thường được gọi là bài ca về Người Tôi Tớ, và bốn bài ca ấy tạo thành một toàn thể độc lập với những lời sấm trong sách.

Nhưng vấn đề là tác giả có ý ám chỉ ai khi phác hoạ “Chân dung Người Tôi Tớ”?. Trải qua lịch sử cứu độ xem ra không nhân vật nào hay tập thể nào hoạ lại hoàn toàn chân dung người tôi tớ của Isaia: Người Tôi Tớ ấy là cộng tác viên đắc lực trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Cũng vì thế, từ những thế kỷ đầu tiên, các Kitô hữu đã gặp được giữa chân dung Người Tôi Tớcuộc đời cũng như sứ vụ của Đức Giêsu có một sự tương ứng đặc biệt. Từ đó, người Kitô hữu tin nhận Người Tôi Tớ ấy chính là Đức Giêsu Kitô.

Bài đọc thứ nhất, trong sách ngôn sứ Isaia (43,3.5-6) trình bày sứ vụ Người Tôi Tớ ấy không chỉ là sứ vụ liên hệ đến Dân được tuyển chọn, nhưng còn là sứ vụ cứu độ phổ phát: “Này đây, Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của ta đến tận cùng cõi đất”.

Còn trong bài Tin Mừng, Ga 1,29-34, Gioan giới thiệu Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian”. Có nghĩa rất mạnh là “Đấng đến để khử trừ tội lỗi”, đem ơn cứu độ cho nhân loại.

Hình ảnh “con chiên” rất quen thuộc đối với dân Israel sống bằng nghề du mục. Con Chiên là con vật hiền lành được nuôi ở nông trại để xén lông làm áo len; thịt chiên thơm ngon. Con chiên còn tượng trưng cho sự thanh khiết và vô tội. (x. Gr 11,19; Is 11,6; 53,7)

Vì thế, khi giới thiệu Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian”, Gioan tỏ cho thấy Đức Giêsu vừa là Người Tôi Tớ đau khổ vừa là con chiên của lễ vượt qua.

Hình ảnh Người Tôi Tớ đau khổ vốn như con chiên bị dẫn đến lò sát sinh và câm lặng trước kẻ xén lông. Chính vì những đức tính này, qua một hình thức có tính cách biểu tượng, người ta đặt tội lỗi lên “con chiên” để hiến dâng cho Thiên Chúa như một lễ vật toàn thiêu, để xoá tan bóng đen tội lỗi. Cũng thế, Đức Giêsu Chiên Thiên Chúa sẽ đến khử trừ tội lỗi thế gian. Tội lỗi vốn được hình tượng hoá trong tư tưởng bài tự ngôn của Gioan bằng bóng đêm tối tăm.Đức Giêsu là ánh sáng bừng lên giữa màn đêm tăm tối ấy để sửa chữa lại tất cả những tàn phá mà tội lỗi đã mang vào thế gian.

Hình ảnh “Chiên Thiên Chúa” còn gợi nhớ tới “Chiên Vượt Qua” (Xh 12). Vào ngày lễ Vượt Qua, người Do Thái ăn thịt chiên con để tưởng nhớ cuộc giải phóng khỏi ách nô lệ bên Ai Cập khi xưa. Đức Giêsu trong lễ vượt qua, đã vượt qua từ cõi chết vào đời sống phục sinh trở thành “Con Chiên Hiến Tế” để cứu chuộc nhân loại.

Như thế, Đức Giêsu, Đấng được Chúa Cha sai đến để xoá tội trần gian và là ánh sáng muôn dân, nhờ Ngài mà muôn dân được đón nhận ơn cứu độ.

II. Để đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa

Nếu Đức Giêsu là ánh sáng muôn dân và là Đấng xoá tội trần gian, điều quan trọng là người tín hữu phải tin nhận Ngài làm Cứu Chúa của mình.

Chỉ có Chúa Giêsu mới giải thoát chúng ta khỏi thân phận nô lệ tội lỗi. Thiên Chúa cứu độ nhân loại không bằng lý thuyết đạo đức, cũng không bằng những lời khuyên dạy ăn ngay ở lành, nhưng trước hết và trên hết, ơn cứu độ được thực hiện nơi Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô, và ở nơi Đức Giêsu Kitô, phần phúc và sự cứu rỗi của ta mới có được (x. 1Cr 1,30). Vì thế, chúng ta phải chịu lấy, phải tin nhận Đức Giêsu trước đã, để quyền năng và tình thương của Thiên Chúa nơi thập giá Đức Kitô chữa lành ta, cho ta được sống lại trong sự phục sinh của Ngài. Chỉ có sức mạnh của thập giá Đức Kitô phục sinh mới khử trừ hết mọi tội lỗi trong ta và ban cho ta sức mạnh bước đi trong đường lối của Thiên Chúa. Sức mạnh đó là lòng mến của Thiên Chúa biến đổi lòng ta, làm cho ta yêu mến Chúa hết lòng. Và yêu thương tha nhân như chính mình, sức mạnh ấy là sự bình an và vui mừng của Thánh Thần. Và khi lòng ta mở ra bỏ ngỏ cho Thiên Chúa thì tối tăm tội lỗi không còn chỗ nào chen chân để tồn tại trong ta nữa.

III. Giới thiệu Đức Giêsu là ánh sáng và chiên cứu độ bằng đời sống chứng tá

Tin nhận Đức Giêsu để được giải thoát tội lỗi, đồng thời cũng đón nhận được ánh sáng để bước đi trong đường lối của Ngài. Người Kitô hữu còn có trách nhiệm giới thiệu Đức Giêsu cho người khác. Bởi vì, chính niềm tin vào Đức Giêsu, cùng với lòng yêu mến con người, muốn mang lại những gì tốt đẹp nhất cho tha nhân đã thúc bách chúng ta thực hiện sứ vụ chứng tá như Gioan đã gợi ý cho chúng ta.

Thật vậy tình yêu đáp lại tình yêu, ân tình đền đáp ân tình đã là qui luật cơ bản nhất của cuộc sống con người. niềm tin của người Kitô hữu thiết yếu chính là đáp trả ân tình của Chúa qua Đức Giêsu Kitô. Người Kitô hữu phải thiết tha yêu mến Chúa, mà còn phải quyết tâm sống hiến thân như Người đã sống: “Phục vụ và thí mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người” (Mc 10,45); đồng thời, luôn biết mở rộng cõi lòng để sống quảng đại với anh chị em của mình; đẩy xa những tị hiềm, ganh ghét, xấu xa, ích kỷ, bất công… có khi ngay trong một gia đình hay trong một cộng đoàn giáo xứ.

Mỗi lần chúng ta cử hành Thánh Lễ, ngay trước khi rước lễ, chủ tế đưa Bánh Thánh cho ta thấy và đọc “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian”, lúc đó chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Đấng đã hiến tế vì nhân loại chúng ta. Và khi rước lễ chính là hiệp thông vào thân mình của Ngài bị nộp, và máu Ngài đã đổ ra, chúng ta cũng có nhiệm vụ dấn thân phục vụ và yêu thương mọi người, để cũng như Gioan chúng ta vừa là người giới thiệu, vừa là chứng nhân cho Đấng đã chết và sống lại để ban ơn cứu độ cho nhân loại.

Ước gì trong Thánh Lễ hôm nay, mỗi người chúng ta thật sự đón nhận Đức Giêsu vào lòng để được ơn thứ tha tội lỗi và được ơn cứu độ của Thiên Chúa. Từ đó, chúng ta không ngừng qui chiếu cách sống của mình vào Đức Giêsu và góp phần giới thiệu Chúa cho mọi người. Amen

Lm. Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho