01/12/2016
636
Suy niệm Chúa Nhật 2 Mùa Vọng năm A_Lm Trầm Phúc

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa Nhật 2 Mùa Vọng năm A

Lời Chúa: Mt 3,1-12

 

Chúng ta đang trông đợi Chúa đến trong mầu nhiệm giáng sinh. Chúng ta sẽ đợi Chúa cách nào? Chúng ta sẽ làm gì? Dân Do Thái cũng trông đợi như chúng ta, họ đợi chờ một vị cứu tinh sẽ đến cứu họ khỏi mọi sự khốn khổ, làm cho dân tộc của họ trở thành một dân tộc hùng mạnh, bá chủ hoàn cầu. Trong bối cảnh đó, một người đã xuất hiện bên bờ sông Giođan, đó là ông Gioan Tẩy Giả. Ông đến rao giảng cho dân, kêu gọi dân chúng ăn năn sám hối để đón nhận Nước Trời vì Nước Trời đã đến gần.

Gioan là ai? Thánh Matthêu xác minh rằng là người của Thiên Chúa vì chính tiên tri Isaia đã nói đến, là tiếng kêu trong hoang địa: hãy dọn đường cho Đức Chúa… Chúng ta cũng đã biết Gioan được loan báo và sinh ra như thế nào. Hôm nay ngài xuất hiện trong dáng vẻ của một nhà ẩn tu khắc khổ: mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, lấy châu chấu và mật ong làm thức ăn. Dáng vẻ khắc khổ đó đã làm cho dân chúng tin tưởng đến với ông thú tội và xin ông làm phép rửa cho.

Tuy nhiên, Gioan không muốn dân chúng chú ý đến mình vì sứ mệnh của ông là loan báo một người khác, một Đấng Cứu Tinh quan trọng hơn, quyền phép hơn: “Tôi chỉ rửa anh em trong nước để giục lòng anh em sám hối. Còn Đấng đến sau tôi, thì quyền thế hơn tôi… sẽ rửa anh em bằng  Thánh Thần và bằng lửa”. Gioan khiêm tốn nhìn nhận sự nhỏ hèn của mình trước Đấng sẽ đến: “Tôi không xứng đáng xách dép cho Ngài”. Ông chỉ muốn là một tiếng gọi trong hoang địa thôi.

Chúng ta hãy lắng nghe tiếng gọi của Gioan trong thời gian chờ đợi này. Hãy thật lòng sám hối. Ai trong chúng ta không cần sám hối? Ai trong chúng ta hoàn toàn trong trắng? Chúng ta cần cảm thấy rằng, chúng ta đã nhiều phen lạc xa đường Chúa, dám làm điều dữ trước mắt Chúa. Tiên tri Hôsê khi xưa đã trách dân Do Thái: “Nó đã không nhìn nhận rằng chính Ta đã cho nó lúa mì, lúa mạch và dầu tươi, đã cho nó vàng bạc, nhưng nó đã dùng để đúc tượng thần…”. Hãy lắng nghe tiếng Chúa và đừng cứng lòng. Chúng ta đã làm gì với cuộc đời chúng ta, với tất cả những gì Chúa ban cho chúng ta? Chúng ta đã mang lại những hoa quả nào đáng giá? Hay chúng ta chỉ đeo đuổi những mộng ước trần gian? Cuộc đời chúng ta chỉ còn là hư vô trống rỗng. Chúng ta quên rằng hạnh phúc, quê hương của chúng ta không là mãnh đất khổ lụy này mà là quê trời vinh sáng. Chúa Giêsu đã từng dạy chúng ta thu tích những kho tàng không mối mọt, không mục nát, nhưng chúng ta đã thu được gì? Đừng ngủ mê trong những thú vui trần thế, nhưng hãy tỉnh thức, chú tâm đến tình yêu của Chúa đang đến với chúng ta trong mầu nhiệm nhập thể, giáng sinh. Thiên Chúa vẫn yêu thương chúng ta. Ngài luôn chờ đợi nâng đỡ chúng ta, mời gọi chúng ta đến với Ngài để được hạnh phúc với Ngài.

Gioan rao giảng cho dân chúng, và họ đã lắng nghe. Họ đã sám hối và chịu phép rửa. Chúa không chỉ rửa cho chúng ta trong nước mà rửa chúng ta trong Thánh Thần.

Chúng ta đã được rửa sạch, chúng ta được lãnh nhận Thánh Thần, đã trở nên con Thiên Chúa. Hãy sống như những người con rất yêu quí của Chúa, như thánh Phaolô luôn khuyên bảo.

Gioan thấy những người Pharisêu đến, ông đã khiển trách họ nặng nề, đã gọi họ là nòi rắn độc. Họ là những người am hiểu lề luật, đã giữ luật một cách hết sức tỉ mỉ, nhưng tại sao Gioan là nòi rắn độc? Vì họ tôn thờ chính họ. Họ tự mãn là con cái của Abraham và lấy làm thỏa mãn vì đã giữ Luật một cách nghiêm minh, nhưng họ chỉ thờ Chúa bằng môi bằng miệng, nhưng lòng họ xa Chúa muôn trùng. Chúa không cần những con người ham đứng ở các ngã dường đọc kinh cho người ta thấy để ca tụng họ, những người giả hình giả bộ, khoe khoan tự mãn. Chúa chỉ cần những tâm hồn giập nát khiêm cung.

Gioan tỏ ra nghiêm khắc với những người Pharisêu vì họ ngoan cố trong sự tự mãn của họ. để thức tỉnh họ, kéo họ ra khỏi giấc mơ êm đềm của họ, tưởng mình không cần phải sám hối. Chúng ta cũng cần lắng nghe tiếng Chúa hơn nghe chính mình, vì chúng ta cũng dễ ru ngủ mình bằng những việc đạo đức của chúng ta: “Hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối”. Đối với Gioan, việc Chúa đến là để xét xử trần gian, như truyền thống các tiên tri trước kia: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây, bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa”. Nhưng Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa Tình Yêu, Ngài chậm giận và hay thương xót. Ngài không muốn kẻ tội lỗi phải chết, nhưng mong nó ăn năn và được sống”.

Thời gian này chính là thời gian ân sủng. Chúa vẫn thương chúng ta dù chúng ta phản bội. Khi xưa Chúa đã tha thứ cho dân Israel, thì nay Chúa vẫn tha thứ cho chúng ta nếu chúng ta thật tâm trở về với Ngài.

Mùa Vọng chính là lúc chúng ta nhìn thẳng vào Chúa, vì lòng thương của Chúa được tỏ hiện bằng cách ban cho chúng ta Người Con Một. Có hồng ân nào cao quí hơn không? Thánh Phaolô đã ngỡ ngàng trước hồng ân lạ lùng đó: “Đến Người Một Chúa còn ban cho chúng ta, thì còn gì mà Chúa lại không ban cho chúng ta?” Đây chính là một hồng ân nhưng không. Chúng ta chỉ lãnh nhận. Chúng ta có vui mừng không? Chúng ta có làm mọi cách để đón nhận xứng đáng hồng ân tuyệt diệu này không?

Mùa Vọng chính là thời gian của niềm trông cậy và trông cậy luôn là niềm vui. Hãy tạ ơn Chúa vì tình thương vô bờ của Chúa. Dù cuộc sống của chúng ta hôm nay vẫn khó khăn nhọc mệt, chúng ta không nản chí, vì ở đâu có tình yêu, ở đó có hạnh phúc. Hãy dọn đường cho Chúa bằng tình yêu khiêm tốn của chúng ta. “Hãy đón nhận nhau như Chúa đã đón nhận chúng ta”, thánh Phaolô đã căn dặn như thế. Anh em chúng ta đang khốn khổ trong nghèo đói cô đơn. Những người anh em đó chính là con đường dẫn chúng ta đến với Chúa dễ dàng nhất, vì họ chính là hình ảnh của Chúa chúng ta, Đấng đã đến mang thân nghèo khổ để mang lại cho chúng ta sự giàu có sung mãn của Ngài.

Hôm nay cũng như mọi ngày, Chúa vẫn đến với chúng ta trong khiêm tốn, qua hình thức một tấm bánh, tấm bánh của tình yêu. Ăn lấy tấm bánh thần linh đó, chúng ta mới đủ can đảm bước đi giữa bóng tối trần gian mà vẫn tràn đầy hy vọng, không hỗ thẹn vì được mang danh Chúa. Chúa mãi mãi là niềm hy vọng của chúng ta, là nguồn bình an như tiên tri Isaia đã nói: “Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ… Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này…” Đêm sắp tàn, ngày gần đến, vậy chúng ta hãy mặc lấy khí giới của sự sáng… Chúng ta hãy mặc lấy Chúa Kitô…” Đó là tiếng gọi hôm nay, tiếng gọi của niềm hy vọng. Hãy vững tin vì Chúa đang đến gần.

Lm. Trầm Phúc

Gp. Mỹ Tho