30/07/2016
1157
Suy Niệm Chúa Nhật 18 TN năm C_Lm Giuse Minh


















 

CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN – NĂM C

(Gv 1, 2; 2, 21-23; Cl 3, 1-5, 9-11; Lc 12, 13-21)

“Hãy làm giàu trước nhan Thiên Chúa”


Phụng vụ Lời Chúa trong Thánh lễ hôm nay, Thánh Luca đã gom những lời dạy của Chúa Giêsu liên quan đến việc sử dụng của cải, cũng như tin tưởng phó thác cho Chúa Quan Phòng vào chương 12. Chúa dạy đừng quá cậy dựa vào tiền của đến độ chỉ thu tích cho mình để hưởng thụ mà quên làm giàu trước nhan Thiên Chúa, nhưng phải dùng tiền của để mua lấy Nước Trời. Bởi vì những thứ mà thiên hạ cho là an toàn ấy có thể sụp đổ tan tành trong một sớm một chiều, như sách Giảng Viên nói: “Phù hoa nối tiếp phù hoa, trần gian tất cả là phù hoa”, còn Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Côlôsê cũng nằm trong chiếu hướng của bài Tin Mừng và sách Giảng Viên. Ngài khuyên chúng ta khi sinh sống ở đời phải nhìn đến tương lai và định mệnh, tức là phải vươn tới sự thành toàn trong vinh quang, bằng cách từ bỏ con người cũ, với những công việc xấu xa, tội lỗi gồm tóm trong các hành vi tham lam và thiếu hoà thuận.

I. Đức Giêsu giáo huấn các môn đệ về việc sử dụng của cải

Sau một thời gian hoạt động sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã có uy tín lớn và được dân chúng nể phục như một kinh sư có thế giá. Nhiều người có vấn đề khúc mắc đã tìm đến với Ngài, mong được Ngài cho ý kiến hoặc can thiệp. Hôm nay trong lúc Chúa Giêsu đang giảng có một người trong đám đông lên tiếng xin Ngài xử việc hai hanh em ruột tranh chấp phần gia tài được công bằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi”. Trong luật Môsê có qui định luật thừa kế (Đnl 21, 16; Ds 27, 1-11) nhưng chưa rõ đủ. Do đó, nhiều người phải nhờ tới các thầy thông luật giải quyết. Theo luật, người anh được hưởng hai phần ba, còn người em được một phần ba gia tài. Ở trường hợp này có lẽ vì tham lam nên người anh đã vơ toàn bộ số tài sản; Đức Giêsu từ chối không nhận lời yêu cầu can thiệp, vì điều đó không thuộc sứ mệnh của Ngài. Nhưng nhờ việc thuận tiện này, Ngài dạy dân chúng đừng tham lam của cải đời này: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu”. Vì của cải có thể lôi cuốn con người, khiến con người sinh ra bất công ích kỷ, của cải không phải là nguồn mạch sự sống đời đời.

Để dẫn chứng dễ hiểu giáo huấn của Ngài về vấn đề của cải, Đức Giêsu đã diễn giải bằng một dụ ngôn: “Người phú hộ giàu có”. Người phú hộ này giàu có nhưng có lòng tham vô đáy. Khi giới thiệu hình ảnh người phú hộ giàu có, Chúa Giêsu muốn trình bày lòng tham của cải nơi con người, và sức cuốn hút của vật chất trong đời sống con người. Như người La Mã có câu ngạn ngữ: “Của cải như nước muối, bạn càng uống thì càng khát”. Điển hình như người phú hộ chỉ chăm chú nghĩ đến mưu kế làm giàu thêm, tìm cách hưởng thụ để thoả mãn mọi thứ khoái lạc của trần thế mà không hề nghĩ đến người nghèo, người xấu số ở bên cạnh ông. Ông tự nhủ với lòng mình: “Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!”. Khi xử sự như vậy người phú hộ ở đây đã bị Chúa gọi là “ngốc”. Ông ta “ngốc” không phải vì ông ta thu tích được nhiều của cải, nhưng vì ông ta không biết sử dụng của cải để lập công phúc đời sau, nên khi chết, ông đến trước toà phán xét với hai bàn tay trắng. Qua dụ ngôn, Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ rằng: tài sản vật chất ở đời này không làm cho ta hạnh phúc thật. Chỉ có của cải thiêng liêng là những việc lành phúc đức trước mặt Thiên Chúa là đáng giá cho đời này và đời sau.

II. Sách Giảng Viên khuyến khích tìm hiểu về lẽ sống ở đời

Bài đọc thứ nhất trích sách Giảng Viên khuyến khích chúng ta tìm hiều về lẽ sống ở đời. Tác giả muốn nhân danh cộng đoàn dân Chúa mà giảng dạy, lời giảng của ông là những suy tư về sự khôn ngoan và lẽ sống ở đời, nên sách Giảng Viên được liệt vào sổ các sách khôn ngoan ở trong bộ Cựu Ước, và hết mọi sách khôn ngoan đều lấy Salômôn làm tổ phụ. Do đó, ở đây tác giả Giảng Viên xưng mình là Qohelet, con của Đavit, vua ở Giêrusalem. Tất cả những điều đó chỉ có nghĩa là bài sách và quyển sách Giảng Viên này nói lên giáo huấn đã suy tư một cách khôn ngoan, khởi hứng từ Salômôn, vị hoàng đế nổi danh là khôn ngoan tuyệt trần.

Câu đầu của đoạn sách đọc hôm nay cũng là câu đầu tiên của tác phẩm tóm tắt thành quả suy nghĩ của tác giả. Ông nhận thấy: “Phù vân, rất mực phù vân, thảy là phù vân”.

Ở đây tác giả nói đến mình, nói đến Salômôn đã lao nhọc và trổ tài khôn ngoan dưới ánh dương. Ông đã đem lao động tay chân và trí óc xây dựng sự nghiệp. Nhưng bây giờ ông tự hỏi: Công trình ấy sẽ để lại cho ai, sẽ rơi vào tay người nào? Phần ông chắc chắn sẽ chẳng mang theo được gì và không hiểu sẽ đi về đâu? Nghĩ như vậy mà không thấy hết thảy là phù vân sao?

Sự nghiệp của con người như vậy không có tương lai bảo đảm. Nó chẳng phải là phù vân, tức là mau qua như gió thổi và không có rễ sâu chắc chắn sao? Rồi đến con người làm ra nó, tác giả đã vận dụng tay chân và trí óc để xây dựng. Con người sẽ đi về đâu sau khi từ giã cõi đời, chẳng có gì bảo đảm tương lai cả. Đời sống con người cũng là phù vân vậy.

Chúng ta tưởng bài sách Giảng Viên đã để lộ ra một quan điểm bi quan, yếm thế về cuộc đời. Thế nhưng ở đây chúng ta thấy lập trường của ông rất tích cực. Ông khắc khoải về tương lai và muốn nắm chắc định mệnh đời người, có nghĩa là phải biết nhìn cao hơn bình diện đời này để xây dựng không uổng phí, và sự nghiệp khỏi trở thành phù vân. Tư tưởng của sách Giảng Viên vì thế dường như cũng là ý tưởng của bài Tin Mừng thánh Luca hôm nay.

Như thế sự an toàn của con người không nằm trong tầm tay của con người, mà nằm trong bàn tay của Thiên Chúa. Do đó, mọi sự an toàn nhất phải là : “Làm giàu trước mặt Thiên Chúa”.

Câu chuyện sau đây là một minh hoạ cho việc diễn giải Tin Mừng mà Chúa Giêsu muốn chuyển tải đến cộng đoàn chúng ta.

Người ta thuật lại rằng, một hôm John Wesley thuyết giảng về đề tài “sử dụng của cải”.

- Trong phần thứ nhất, nhà giảng thuyết diễn giải tư tưởng “Hãy làm giàu tối đa”. Người nông dân thúc cùi chỏ người bên cạnh và nói: “Một bài thuyết trình tuyệt vời”.

- Wesley khai triển điểm thứ hai: “Hãy tiết kiệm tối đa”. Người nông dân lại khen: “Chưa bao giờ tôi được nghe một giảng thuyết tuyệt vời như thế”.

- Wesley sang điểm thứ ba: “Hãy chia sẻ tối đa”. Người nông dân mất hứng nói: “Dở quá! Rồi rút khỏi hội trường, và buồn bã ra về”.

III. Người Kitô hữu phải biết làm giàu nơi Thiên Chúa

Từ dụ ngôn “Người phú hộ giàu có” này, Chúa Giêsu muốn mời gọi dân Chúa hãy làm giàu trước nhan Chúa bằng những việc làm phúc đức, nếu không họ sẽ bị chung số phận với người giàu có vô tâm và ích kỷ này. Đó cũng là bài học cho mọi tín hữu. Hãy cảnh giác và sám hối, vì đã từ lâu, chúng ta thường sống bo bo chỉ cho mình mà quên đi những người thiếu thốn xung quanh.

Thật vậy trong bối cảnh nhân loại hôm nay, chúng ta chứng kiến những cảnh sống chênh lệch thật quá đáng: “Người ăn không hết kẻ lần không ra”.

Bác sĩ Albert Scheweitzer, người đã bán hết gia tài kếch xù của ông xây dựng một bệnh viện và dấn thân cứu giúp những con người cùng khổ nhất ở Châu Phi, đã đật ra câu hỏi cho chính mình: “Làm sao chúng ta có thể sống hạnh phúc trong khi biết bao nhiêu người đau khổ?”.

Lời Chúa trong Thánh Lễ hôm nay, đặc biệt trong bài Tin Mừng, sau khi mô tả tình cảnh của người phú hộ hả hê với những của cải vật chất đầy kho, và tính cách hưởng thụ, Chúa Giêsu bảo ông ta là đồ ngốc, vì đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ông, thế thì những của cải tích trữ sẽ để lại cho ai? Như thế phải chăng Chúa không muốn cho ta giàu có. Ở đây, chúng ta phải hiểu Chúa không cấm chúng ta làm giàu vì của cải cần thiết cho đời sống, đồng thời khi nỗ lực làm giàu là chúng ta cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Làm ra của cải vật chất phục vụ con người. Ta hãy nghe lời chúc phúc của Chúa ghi trong Thánh Vịnh:

- “Khắp xứ sở đầy dư gạo thóc

Đỉnh non cao gợn sóng lúa vàng” (Tv 71)

- “Thăm trái đất mưa nhuần Chúa rải

Cho tràn trề của cải sinh ra…

Vùng hoang địa cỏ hoa đua nở

Cảnh núi đồi hớn hở xinh tươi

Chiên bò gặm cỏ đồng xanh

Nương vàng sóng lúa lượn quanh dạt dào

Câu hò tiếng hát trổi cao” (Tv 64)

Con người có khuynh hướng tạo an toàn cho cuộc sống của mình bằng tiền bạc, bằng bảo hiểm, bằng dự trữ. Vì thế người ta thường đặt tiền bạc của cải lên hàng đầu, và coi đó là “Thần tài”: tiền là tiên là phật, là sức bật …. Người ta chỉ lo kiếm tiền và bỏ quên mọi giá trị khác. Người ta còn thâm tín rằng tiền là ô dù lớn nhất bảo đảm được mạng sống mình... Chúa nói với họ: Hãy coi chừng, tiền bạc không những không bảo đảm được cuộc sống mà còn có thể làm hư hoá cả cuộc đời. Vì thế, hãy biết làm giàu bằng cách thay đổi tư duy thực dụng. Chuyển đổi sự sung túc, huê lợi của cải Thiên Chúa ban trong đời trần thế này sang thành sự sung túc, giàu có của tâm hồn, của một đời sống thiêng liêng.. Những huê lợi tinh thần đó là sự mở lòng bao dung, quảng đại, từ tâm và chia sẻ bằng những hành động thiết thực, thay vì tích góp cho mình thì hãy tích góp nơi tha nhân, nơi những con người hèn mọn nhất, vì nơi họ chính Chúa Giêsu đang hiện diện, đó là việc chúng ta tích góp cho thiên Chúa.

Để sống siêu thoát của cải vật chất như Chúa Giêsu đã dạy, các Kitô hữu tiên khởi đã sống phó thác và quảng đại, họ để chung của cải lại, chia sẻ với nhau và yêu thương đùm bọc nhau như cùng một gia đình. Họ cũng lấy sự phục vụ người nghèo làm ưu tiên hàng đầu.

Do đó, giàu hay nghèo , chúng ta cũng phải luôn ở tư thế sẳn sàng ra trước toà phán xét của Chúa bất cứ lúc nào bằng cách sống theo lời sách Huấn Ca nhắc nhở: “Trong hết mọi việc con làm, con hãy nhớ đến cứu cánh của mình thì không bao giờ vấp phạm”.

Xin Chúa Giêsu giúp chúng con có thái độ sống như Ngài, biết kiếm tìm sự khôn ngoan đích thực cho yêu thương, phục vụ, tha thứ; biết quí chuộng sự nghèo khó để cuộc sống chúng con trở nên dấu chỉ khả tín về sự hiện diện và giá trị chắc chắn của Nước Trời.

Lm. Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho