11/07/2019
768
Suy niệm Chúa Nhật 15 Thường Niên năm C_Lm Trầm Phúc

















 

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa Nhật 15 Thường Niên năm C

Lời Chúa: Lc 10,25-37

 

Để trả lời cho một thầy thông luật hỏi Ngài phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp, Chúa Giêsu đưa ông trở về nguồn gốc của Luật Chúa mà ông đã thuộc lòng từ thuở nhỏ. Ông đã trả lời rất chính xác, nhưng ông cũng chưa thỏa mãn và có lẽ muốn cái gì nữa nên hỏi Chúa thêm: “Ai là người thân cận của tôi? “Nhân dịp đó Chúa cho anh một dụ ngôn, đó là dụ ngôn người Samari nhân hậu mà chúng ta ai cũng biết.

Một nạn nhân bị cướp bỏ nằm giở sống giở chết giữa đường Giêricô và Giêrusalem. Con đường này ngày nay vẫn là một con đường đầy gò nỗng hiểm trở và nắng cháy. Ngày xưa là nơi các bọn cướp hay hoạt động, dài độ 35 cây số.

Một thầy tư tế đi ngang đó, nhìn thấy nạn nhân chứ không phải là không thấy, nhưng ông cứ điềm tĩnh đi qua. Ông là một tư tế ở Đền Thờ, hẳn ông biết luật Chúa, nhưng sao ông không cứu giúp người bị nạn? Có thể ông cho mình là một tư tế, lo những việc cao trọng, ông không thể cứu giúp nạn nhân vì ông không làm việc đó được. Việc đó dành cho những người tầm thường thấp bé, còn ông là bậc thầy, chỉ lo việc đại sự mà thôi…

Một thầy Lêvi, tức là một người giúp việc trong đền thờ, lo việc tế tự. Ông này thấy nạn nhân cũng bỏ đi qua. Có lẽ vì ông sợ rủi người ấy chết thì ông sẽ bị ô uế. Cả hai vị này, vì lý do tôn giáo và lề luật đã không dám cứu người gặp nạn.

Một người Samari, tức là một người mà người Do Thái khinh thường, cũng đi trên đường đó, nhìn thấy nạn nhân. Anh đã làm gì? Thánh Luca kể rất tỉ mỉ những hành động của anh này: anh động lòng thương. Anh lại gần, lấy dầu lấy rượu xức vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy lên lưng lừa của mình, đưa vào quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, anh lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán mà nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém bao nhiêu, thì khi trở về, tôi sẽ hoàn lại cho bác”. Chúng ta nghĩ sao về hành động của người Samari này?

Đây chỉ là một dụ ngôn, nhưng là một dụ ngôn đáng suy nghĩ. Và Chúa muốn nó trở thành sự thật trong đời sống chúng ta. Vì thế Ngài bảo thầy thông luật kia: “Ông hãy về và làm như vậy”. Chúa cũng bảo chúng ta như thế. Chúng ta làm được không? Nếu chúng ta không làm được thì chúng ta làm sao tự cho mình là Kitô hữu? Nhiều người trong chúng ta không phải là Kitô hữu đích danh, chúng ta chỉ mang tên Kitô hữu thôi. Có đúng như thế không? Vì chúng ta chưa yêu thương đủ.

Dụ ngôn này là một bài học luôn luôn mới và chúng ta phải thi hành, nếu không chúng ta chỉ là những người có đạo chứ không giữ đạo. Đạo công giáo không là một lý thuyết hay một đường lối luân lý mà là một mối tình. Thiên Chúa thương chúng ta và đòi buộc chúng ta phải yêu thương nhau, không kể màu da, sắc tộc. Người Samari trong dụ ngôn không phải là Do Thái, là kẻ thù của người Do Thái, nhưng ông đã yêu thương thực sự chứ không như thầy tư tế hay thầy Lêvi kia, là những chức sắc trong đạo Do Thái. Người Samari trước hết động lòng thương. Nếu không có lòng trắc ẩn thì có lẽ ông cũng làm như thầy tư tế kia. Anh dừng lại, xuống lừa, lấy chính những gì của anh là rượu và dầu, băng bó cho người bị nạn, rồi đưa lên lưng lừa chở về quán trọ tiếp tục săn sóc nạn nhân cho đến hôm sau. Anh không kể gì nhọc mệt hay khó khăn miễn là nạn nhân thoát nạn. Vì công việc của anh đang chờ, anh phải ra đi, nhưng còn móc tiền túi đưa cho chủ quán trọ bảo tiếp tục săn sóc nạn nhân cho đến khi anh về sẽ thanh toán tiếp. Nạn nhân là người không quen không biết, và có thể là một người Do Thái, là kẻ thù. Nhưng anh không kể gì cả, anh chỉ biết yêu thương thôi.

Nhưng muốn yêu thương như thế, chúng ta cần một điều căn bản là phải đầy Chúa, nghĩa là phải yêu mến Chúa thực tình. Chính tình yêu Chúa mới là sức mạnh cần thiết giúp chúng ta dám xả thân cho những người anh chị em khốn khổ của chúng ta. Và nếu chúng ta là nạn nhân, chúng ta mong đợi gì? Phải chăng là được cứu vớt? Nếu chúng ta chưa là nạn nhân của một bọn cướp nào, nếu chúng ta còn có khả năng, chúng ta hãy làm như Chúa dạy. Thánh Gioan Thánh Giá nói: “Ngày chung thẩm, chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu”. Chính Chúa Giêsu cũng nói: “Khi các ngươi làm một điều gì cho người anh em nhỏ bé nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta”. Nếu chúng ta yêu mến Chúa, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra khuôn mặt của Chúa Giêsu trong người anh em. Lúc đó, chúng ta dễ yêu thương họ mặc dù đôi khi họ khó thương.

Hơn nữa, các thánh đã nhìn thấy nơi người Samari nhân hậu kia là chính Chúa Giêsu. Nạn nhân chính là chúng ta, là những người  bị ma quỷ bỏ giở sống giở chết trên trần gian. Chúa từ trời đã đến vực chúng ta dậy, chữa lành cho chúng ta, mang chúng ta vào Giáo Hội và hẹn một ngày nào sẽ trở lại. Ngài là vị cứu tinh duy nhất có thể mang lại cho chúng ta hạnh phúc đời đời. Chỉ có Ngài thôi, vì ngay cả Lề Luật Môsê cũng không cứu được chúng ta.

Nhưng Ngài đã đi ngang qua cuộc đời chúng ta, đã sống với chúng ta trong trần gian này và đã chết, sống lại cho chúng ta, hôm nay vẫn đến với chúng ta, nuôi dưỡng chúng ta bằng chính thịt máu Ngài. Còn hạnh phúc nào bằng khi chúng ta được ăn lấy Chúa của mình, nuốt Ngài vào trong chúng ta! Nhưng mấy người đã biết được hạnh phúc đó? Với Ngài chúng ta dám yêu thương đến cùng vì không có Ngài, chúng ta chỉ là tro bụi. Ăn lấy Ngài, chúng ta hãy đi và làm như vậy, trở thành người Samari nhân hậu đối với những người anh em đang giở sống giở chết trên đường về Giêrusalem.

Lm. Trầm Phúc

Gp. Mỹ Tho