24/06/2016
812
Suy Niệm Chúa Nhật 13 TN năm C_Lm Trầm Phúc





















GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa Nhật 13 thường niên năm C

Lời Chúa: Lc 9,51-62

 

Chúa Giêsu sắp kết thúc sứ mệnh của Ngài nơi trần gian. Ngài quyết định lên Giêrusalem, ví nơi đó là nơi Ngài sẽ chịu chết và sống lại. Nhưng thánh Luca nói một cách bí ẩn rằng: “ Khi đã tới ngày đức Giêsu được rước lên trời, Ngài nhất quyết lên Giêrusalem.”  Thánh Gioan cũng nói một cách tương tự: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Ngài đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha…”. Điều đó nói lên cho chúng ta biết, Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Ngài đến trong trần gian là để thi hành chương trình cứu độ của Chúa Cha và để tôn vinh Chúa Cha. Ngài không bám trụ vào trần gian. Ngài sẽ trở về với Chúa Cha thôi. Nhưng trước đó, Ngài phải đi vào cuộc Vượt Qua và chính là tại Giêrusalem, Ngài sẽ bước vào giai đoạn quyết định của hành trình Ngài phải đi.

Giêrusalem là nơi người Do thái chống đối Ngài quyết liệt và nhiều lần đã định giết Ngài. Các môn đệ cũng hiểu điều đó và khi quyết định lên Giêrusalem, ông Tôma đã nói: “Chúng ta cùng đi với thầy và chết với Thầy.”

 Ngài sai các môn đệ đi trước để chuẩn bị cho Ngài ở Samari, có lẽ để rao giảng. Nhưng dân Samari không tiếp đón Ngài với lý do là Ngài lên Giêrusalem. Tại sao họ không muốn tiếp Ngài ?

Người Samari và người Do thái không thuận với nhau từ lâu. Người Do thái xem người Samari như những người lạc giáo, và không thuận thảo lắm. Người Samari không công nhận Đền thờ Giêrusalem. Họ xây một đền thờ khác trên núi Garidim. Dân Samari không tiếp đón những người hành hương về Giêrusalem, vì thế họ không đón tiếp Chúa Giêsu và các môn đệ Ngài.

Chúa Giêsu không chú ý đến mối thù truyền kiếp đó. Ngài vẫn giữ thiện cảm với người Samari. Ngài đã gặp người phụ nữ Samari ở bờ giếng Giacob và đã mạc khải cho chị mạch Nước Hằng sống và nhiều người Samari đã tin vào Ngài. Ngài chữa lành cho mười người tật phun trong đó chí có một người Samari, nhưng chính người nầy lại trở lại tạ ơn Chúa. Ngài lại dùng người Samari để làm gương cho người Do thái như trong dụ ngôn người Samari nhân hậu. Nhưng các môn đệ không nghĩ như thế. Họ xin phép Chúa cho lửa trên trời xuống đốt cháy thành người Samari. Chúa Giêsu không chấp nhận thái độ thù nghịch đó và đi sang làng khác.

Chúa đến không phải để xét xử hay trừng phạt những kẻ tội lỗi, nhưng là để cứu vớt. Nhiều người trong chúng ta vẫn còn mang não trạng trả thù, và đòi hỏi: tại sao Chúa không tiêu diệt những người độc ác mà cho họ lại giàu sang sung sướng? Cần phải học với Chúa Giêsu lòng bao dung, nhân hậu, không kết án nhưng yêu thương.

Trên đường đi, Chúa Giêsu gặp ba người muốn theo Ngài. Hai người tự nguyện và một người được Chúa gọi theo Ngài. Có lẽ thánh Luca đã tập trung lại những trường hợp rải rác đó đây trong khi Chúa đăng trình rao giảng.

Người thứ nhất tình nguyện xin theo Thầy, và Chúa đưa ra những điều kiện để theo Ngài là bàn tay trắng, không nơi gối đầu. Người thứ hai được Chúa chú ý và gọi theo Ngài. Người nầy chấp nhận nhưng cần phải lo phụng dưỡng cha mẹ rồi mới theo. Chúa bảo: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết, còn ngươi, hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa.” Từ kẻ chết ở đây được hiểu theo hai nghĩa: kẻ chết là những người còn sống có thể đi chôn những người thân của mình. Nghĩa thứ hai là những người chưa tìm được sự sống nơi Chúa. Cũng có thể hiểu là Chúa bảo để cho thế gian lo cho những người ở thế gian, con ngươi, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa.

Người thứ ba xin theo Thầy, nhưng xin phép về từ giả gia đình trước đã. Chúa bảo: “Ai cầm cày mà con ngó lại sau lưng thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa”. Câu nầy nhắc nhớ đến tiên tri Êlia kêu gọi Êlisa. Khi nghe tiên tri Êlia gọi mình, Êlisa xin phép về từ giả cha mẹ rồi sẽ theo. Đối với Chúa Giêsu, theo Chúa là vô điều kiện, là dứt kháot với gia đình thân thuộc. Chúa là tuyệt đối, theo Chúa là theo với tất cả thiện chí, không ngó lại sau lưng.

Thánh Luca không cho thấy những người xin theo Chúa đó có theo Chúa hay không. Ngài bỏ lửng không giải thích. Ngài chỉ nêu lên những điều kiện theo Chúa thôi.

Theo Chúa không phải là đi vào con đường đầy hoa mộng mà là đi vào một nếp sống cam go, bị từ chối xua đuổi như Chúa bị người Samari từ chối không tiếp.

Theo Chúa là nghe theo tiếng gọi của Ngài ngay không trù trừ, không luyến tiếc, không nghĩ đến việc gia đình… Chúa là cùng đích, là hạnh phúc đời con, là phần chén của con.

Theo Chúa là đi tới, là nhắm cùng đích là Nước Thiên Chúa chứ không còn gì khác.

Nói như trên, chúng ta nghĩ rằng ơn gọi chỉ nói đến những người đi tu. Phải, ưu tiên cho những người đi tu, bỏ tất cả gia đình, của cải để dấn thân theo Chúa. Nhưng điều nầy cũng áp dụng cho mọi ơn gọi. Không có ơn gọi nào mà không đòi hỏi  sự bỏ mình, tinh thần dứt khoát dấn thân. “Ai thương cha mẹ anh em con cái hơn Ta thì không xứng đáng với Ta”.

Mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, môi trường khác nhau. Mỗi người là một tác phẩm của Chúa, nhưng tất cả, người tu hay người ở thế gian, độc thân hay có gia đình, tất cả đều phải tự do, không bị ràng buộc vì gia đình, của cải vật chất, nghề nghiệp. Tự do tức là không  lệ thuộc như thánh Phaolô nói: “Người có vợ, hãy sống như không có; ai vui mừng như chẳng mừng vui, ai mua sắm, hãy làm như không có gì…”

Không có gì bằng Chúa. Không có ai có thể mang lại hạnh phúc cho ta bằng Chúa. “Ai đành mất mạng sống vì Ta và vì Tin Mừng thì sẽ tìm được sự sống.”

 Chúng ta dám theo Chúa không? Ở đời nhiều người vì tiền, vì danh vọng đã dám liều, chúng ta không dám liều vì Chúa sao?

Hãy cầu xin Thánh Thần cho chúng ta thấy rõ những gì cần phải làm và làm thế nào để danh Cha cả sáng.

Nơi bàn thờ hiến tế, Chúa Giêsu hiện diện qua tấm bánh. Ngài chứng tỏ tình yêu của Ngài bằng cách từ bỏ tất cả. Ngài chỉ còn là một tấm bánh. Ngài cho thấy, vì thương chúng ta,Ngài dám dấn thân, không có chỗ tựa đầu. Ngài muốn tựa đầu vào chúng ta, nương nhờ chúng ta để qua chúng ta, Ngài trở thành nguồn sống cho mọi người. Ngài đang kêu gọi chúng ta vào một công trình thật cao quí là mang Ngài đến cho mọi người quanh ta. Hãy ăn lấy Ngài để chúng ta thành hiện thân của Ngài để ai thấy chúng ta là thấy Chúa. Chúng ta không ai có thể trở thành Chúa như Chúa muốn, nhưng chính Chúa sẽ hoạt động trong chúng ta, chính Ngài sẽ đến với những người khác qua trung gian của chúng ta. Chúng ta chỉ là dụng cụ nhưng là những dụng cụ ý thức và sẵn sàng hiến dâng tất cả. Chớ gì mỗi lần chúng ta ăn lấy Chúa, chúng ta càng được thần hóa hơn, và hoạt động hữu hiệu hơn.

Lm Trầm Phúc

Gp. Mỹ Tho