23/06/2016
916
Suy Niệm Chúa Nhật 13 TN năm C_Lm Giuse Minh






















CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN - NĂM C

1V 19,16b.19-21; Gl 5,1.13-18; Lc 9,51-62

CUỘC HÀNH TRÌNH ĐI THEO CHÚA

 

“Người quyết lên đường đi Giêrusalem”

Thánh sử Luca dẫn nhập vào bài Phúc Âm hôm nay bằng một câu thật trang trọng nhưng cũng bi thảm: “Vì gần tới thời gian Chúa Giêsu phải cất khỏi đời này, Ngài cương quyết lên đường đi Giêrusalem”. Người biết đã đến lúc sẽ bị treo trên thập giá, đồng thời cũng sẽ là lúc được cất nhắc về trời. Nhưng Người vẫn quả cảm đi Giêrusalem để chịu chết cũng như để vượt qua đến sự sống lại. Người đã chấp nhận đau khổ theo ý Chúa Cha chứ không trốn tránh, nhưng còn các môn đệ của Chúa có đồng hành với Chúa trên con đường thập giá để được ơn cứu độ của Chúa không? Người môn đệ có sẵn sàng từ bỏ mọi sự để theo Chúa không? Đòi hỏi từ bỏ này đã được câu chuyện Êlisa báo trước, rồi được chính Chúa Giêsu xác định, và Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Galát khuyến khích đem ra thực hành.

I./ Cuộc hành trình của Chúa Kitô lên Giêrusalem:

Lịch sử của dân Thiên Chúa trong Cựu ước là lịch sử của những cuộc hành trình. Tổ phụ Abraham đã được Chúa gọi lên đường thực hiện cuộc hành trình về miền đất xa lạ (St 12,1); Môse dẫn dân rời bỏ Ai Cập đi vào cuộc hành trình 40 năm trong sa mạc tiến về miền đất hứa (Xh 13,37); Tiên tri Elisa bỏ việc đồng áng thực hiện cuộc hành trình theo làm môn đệ tiên tri Elia...

Theo các học giả Kinh Thánh, Phúc Âm thánh Luca cũng là bản tường thuật về những cuộc hành trình. Mỗi cuộc hành trình đều có một ý nghĩa thiêng liêng trong sứ mệnh cứu rỗi nhân loại của Chúa Giêsu. Khởi đầu là cuộc hành trình của Đức Maria đi thăm viếng bà Elizabeth đem Tin Mừng cứu rỗi (Lc 1,39); Cuộc hành trình của Đức Maria và Thánh Giuse lên thành Belem sinh Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ (Lc 2,5). Cuối cùng là cuộc hành trình của Chúa Giêsu lên Giêrusalem (Lc 19,28) để cử hành lễ vượt qua, mà đích điểm là cái chết trên thập giá. Đây là phần độc đáo nhất của Luca đối với hai Tin Mừng nhất lãm khác: Luca đã dành cho biến cố này gần 10 chương. Thể văn sử dụng trong các đoạn này rất đa dạng phong phú như trình thuật, diễn từ giáo huấn các môn đệ, diễn từ ngỏ lời với dân chúng. Tất cả là những giáo huấn của Chúa Giêsu dùng để hướng dẫn các môn đệ, tín hữu và Hội Thánh về cách sống và hành động.

Đối với nhóm 12 đã đi theo Chúa, đã đáp lại lời mời gọi của Chúa, nhưng trong tâm trí các ông, Chúa Giêsu là Đấng Mêsia toàn dân mong đợi sẽ khôi phục lại nước Israel. Ngài sẽ làm vua và các môn đệ sẽ được chia chác chức quyền trong vương quốc của Chúa Giêsu. Chính vì thế ba lần Chúa Giêsu loan báo cuộc khổ nạn Ngài sẽ phải lãnh nhận theo ý Chúa Cha để cứu độ nhân loại, các môn đệ không thể nào hiểu nổi sứ mạng của Chúa, không thể cảm thông, chia sẻ với Chúa được. Các ông còn bận tâm chạy theo những tính toán riêng tư. Thánh Phêrô, người môn đệ sẽ được Chúa đặt làm thủ lãnh Giáo hội đã nóng nảy, bộc trực cản ngăn con đường cứu thế của Chúa. Lần thứ hai các môn đệ đang tranh cãi xem ai sẽ làm lớn trong vương quốc của Chúa Giêsu. Các ông tranh luận giành giựt chỗ cao chỗ thấp, ngồi bên tả bên hữu Chúa gây mất đoàn kết, chia rẽ giữa các tông đồ. Nhưng trong lần loan báo thứ ba này, các tông đồ theo Chúa Giêsu đi về Giêrusalem, nơi đó Chúa Giêsu sẽ phải đối diện với những kẻ đang tìm cách hãm hại, bắt Ngài và kết án Ngài. Hẳn các tông đồ đã phần nào hiểu đi lên Giêrusalem là gặp nguy hiểm cho tính mạng khi các ông nghe Chúa kể ra những cực hình Ngài sẽ phải chịu. Thánh sử Marcô nói rõ các môn đệ theo Chúa Giêsu nhưng trong lòng đầy lo âu, hồi hợp, sợ hãi. Còn đối với Chúa Giêsu, các cực hình, các khổ đau không làm Ngài bỏ cuộc, chùn bước. Chúa Giêsu vẫn tiến bước về Giêrusalem trong thái độ luôn chấp nhận, và sẵn sàng làm theo ý Chúa Cha.

II./ Điều kiện bước theo Chúa Kitô tiến về Giêrusalem:

Trên đường lên thành Thánh, Chúa Giêsu đã gặp bốn sự kiện, từ đó Chúa gợi ý những lời giáo huấn cho các môn đệ phải thực hiện khi lên đường theo Chúa.

Chúa sai một số môn đệ, trong đó có hai anh em Giacôbê và Gioan đi trước dọn chỗ cho Ngài và các môn đệ sẽ đến sau. Nhưng dân làng Samaria không chịu đón tiếp vì các Ngài lên Giêrusalem dự lễ, khiến hai anh em “con của sấm sét” tức giận đến xin Chúa cho gọi lửa từ trời xuống thiêu đốt các làng Samaria không đón tiếp các Ngài. Chúa Giêsu nhân dịp này huấn luyện và giảng huấn cho các môn đệ bài học nhẫn nại, không nên phản ứng theo cảm xúc tự phát nóng giận, mà phải theo định hướng căn bản của sứ mệnh được trao ban: “không nhằm giết chết mà nhằm cứu sống”.

Sau đó, Chúa gặp ba người đến muốn làm ứng viên đi theo Chúa, trở nên môn đệ Người. Người thứ nhất đến thưa rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu tôi cũng xin đi theo”. Chúa Giêsu đọc trong tâm hồn kẻ ấy và thoáng thấy ít nhiều vụ lợi nào đó hoặc không hiểu việc Chúa lên Giêrusalem là dấn thân vào cuộc khổ nạn để thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa, nên Ngài đưa ra những yêu sách triệt để cho những ai muốn đi theo Ngài. Người ấy phải biết chia sẻ thân phận “Con người” của Ngài: tức là từ bỏ mọi hình thức an toàn về đời sống vật chất, như nơi ăn chốn ở, các tiện nghi, và não trạng hưởng thụ (x.9,58). Ngài nói: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng con người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9, 58). Điều này có nghĩa là đi theo Chúa phải chấp nhận một cuộc sống bấp bênh không bảo đảm an toàn, chấp nhận băng mình vào những khó khăn của cuộc sống.

Người thứ hai khi gặp Chúa, Người nói với anh ta: “Anh hãy theo tôi”. Nhưng người ấy xin được về lo tang sự cho thân sinh đã. Chúa trả lời: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ, còn anh, hãy đi loan báo triều đại Thiên Chúa”. Ở đây, Chúa Giêsu khẳng định những bổn phận trần thế và gia đình là phụ thuộc đối với những đòi hỏi về Nước Trời. Tất nhiên, Người không cho những bổn phận ấy là không đáng kể, nhưng trong trường hợp cần phải chọn lựa thì đòi hỏi của Nước Trời, của Thiên Chúa phải được coi trọng và thi hành trước tiên. Có nghĩa là tình yêu Thiên Chúa phải được đặt trên tình yêu cha mẹ và gia đình (x. Lc 14, 26; Mt 10, 37).

Một người nữa giống như Êlisa xin về nhà từ giã gia đình. Chúa Giêsu bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau thì không phù hợp với Nước Thiên Chúa”. Trong trường hợp này, Chúa bảo phải dứt bỏ quá khứ hướng đến tương lai. Đi theo Chúa thì phải dứt bỏ những mối dây ràng buộc của gia đình, tiền tài, danh vọng để hoàn toàn dâng hiến cuộc đời cho Chúa.

Trong bài đọc 1, ta thấy tiên tri Êlisa là người đã biết phá vỡ những trói buộc vướng bận ràng buộc đan nhau để theo Thầy Elia, trong khi đang cày ruộng với 12 cặp bò. Có 12 đôi bò tức là khá giàu có. Thế mà, khi nghe thầy Elia kêu gọi, Elisa đã chẻ cày làm củi, giết bò làm lễ vật, thiêu đốt tất cả để dâng tiến Chúa, rồi lên đường theo Thầy. Làm nghề nông thì tài sản là ruộng đất, trâu bò, cày cuốc. Đốt cày cuốc, giết trâu bò có nghĩa là từ bỏ tài sản của mình. Điều ấy có nghiã là đoạn tuyệt với nghề cũ để theo đuổi nghề nghiệp mới, từ bỏ quá khứ để phóng mình vào tương lai. Đó là một sự chọn lựa dứt khoát, ra đi không vướng bận. Thái độ của tiên tri Êlisa cũng là một đòi hỏi của Chúa Giêsu đối với các môn đệ đi theo Chúa.

Hơn thế nữa, Chúa Giêsu còn muốn những kẻ theo Người phải chuẩn bị đương đầu với số phận bi thảm mà chính Người phải trải qua: cuộc khổ nạn và cái chết của Người trên thập giá, là sự lột bỏ trọn vẹn đối với tất cả sự an toàn trong cuộc sống, để thực hiện công cuộc cứu độ nhân loại.

III./ Hành trình đức tin của Kitô hữu bước theo Đức Kitô:

Là Kitô hữu, tự bản chất đã là một ơn gọi trở nên môn đệ của Chúa Giêsu. Vì thế, ưu tiên số một của cuộc đời người Kitô hữu là Chúa Kitô. Từ bỏ mọi sự để đi theo Chúa và loan báo Tin Mừng, xây dựng Nước Thiên Chúa chính là mục đích tối hậu của mọi Kitô hữu: Tất cả quy chiếu về Chúa.

Cuộc sống của con người trên trần thế tùy thuộc vào lý tưởng và mục đích nhắm tới mà mỗi cá nhân có những lựa chọn ưu tiên trong cuộc sống. Chọn lựa ấy sẽ chi phối toàn bộ cuộc sống mỗi người. Với Kitô hữu cũng thế, lý tưởng cuộc đời, mục đích nhắm tới là chính Chúa Giêsu Kitô, như Thánh Phaolô khẳng định: “Đối với tôi sống là chính Đức Kitô”. Giữa bao nhiêu nhu cầu của cuộc sống từ vật chất đến tinh thần, người Kitô hữu luôn phải chọn Chúa là gia nghiệp và bước đi theo Chúa trong cuộc hành trình lên Giêrusalem.

Cuộc hành trình của Chúa Giêsu lên Giêrusalem để chu toàn sứ mạng thiên sai Chúa Cha trao phó là chịu nạn, chịu chết và phục sinh để cứu độ nhân loại, cũng phải là cuộc hành trình “vượt qua” đầy thử thách và gian khổ mà người Kitô hữu phải trải qua để bước vào con đường dẫn đến thành Thánh Giêrusalem trên trời.

Chúa Kitô cách đây trên 2000 năm cũng là Chúa Kitô hôm nay mà mỗi Kitô hữu phải đi theo. Ngài luôn đồng hành với họ và cũng đòi hỏi những điều kiện mà Người đã đề ra cho các môn đệ tiên khởi của Ngài. Đó là phải sống siêu thoát và phó thác để luôn luôn có thể giữ vững được khoảng cách đối với những của cải vật chất, đồng thời cũng biết cách sử dụng nó như phương thế để tìm kiếm và xây dựng những giá trị Nước Trời, như thực hiện công bình, bác ái, liên đới, mưu cầu công ích, chia sẻ với người túng thiếu bằng bàn tay và trái tim rộng mở để dẫn chứng rằng Nước Trời đã ngự đến.

Lạy Chúa, xin cho chúng con xứng đáng tham dự vào chương trình cứu độ của Chúa đối với Giáo hội và cộng đoàn chúng con. Đồng thời, trên hành trình về nhà Chúa xin giải thoát chúng con khỏi những ràng buộc của bản thân, của lề thói xã hội, để biết trao ban cho anh chị em chính Chúa là gia nghiệp và hạnh phúc của chúng con.

Lm. Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho