28/06/2019
931
Suy niệm Chúa Nhật 13 Thường Niên năm C_Lm Trầm Phúc

















 

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa Nhật 13 thường niên năm C

Lời Chúa: Lc 9,51-62

 

Khi nghe đọc đoạn Tin Mừng hôm nay, có lẽ rất nhiều người trong chúng ta không để ý đến một câu: “Khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời, Ngài nhất quyết đi lên Giêrusalem”. Một câu ngắn ngủi nhưng có tầm quan trọng của nó. Điều này có nghĩa gì? Sứ mệnh của Chúa Giêsu đã được ấn định trước và đến hôm nay là giai đoạn kết thúc, và kết thúc tại Giêrusalem.

Đường lên Giêrusalem là con đường định mệnh của Ngài. Ngài biết giờ Ngài sắp đến rồi, giờ thực hiện ý Chúa Cha. Ngài biết sẽ bị nộp, bị đóng đinh và chết. Vì thế Ngài cương quyết đi về Giêrusalem. Nhưng Giêrusalem cũng là nơi Ngài chiến thắng và lên trời.

Như thường lệ, Ngài sai hai môn đệ đi trước dọn đường cho Ngài. Vì con đường Ngài đi phải ngang qua Samari. Dân Samari không đón tiếp Ngài vì biết Ngài đi Giêrusalem, vì dân Samari xem Giêrusalem là kẻ thù. Các môn đệ tức tối vì sự từ chối của dân Samari và thỉnh ý Chúa, xin cho lửa trên trời xuống đốt cả thành dân Samari. Chúa không chấp nhận và cùng nhau đi sang một làng khác. Chúng ta thường có những phản ứng giống như các môn đệ, muốn xin Chúa diệt trừ những người gian ác. Chúng ta quên rằng, Chúa đến là để cứu vớt chứ không tiêu diệt. Chúng ta hay yêu thương những người lầm lạc, những người tội lỗi vì chính chúng ta cũng là những người tội lỗi.

Trên đường đi, một người đến gặp Chúa và ngỏ ý xin đi theo Ngài: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo”. Đây là một người đầy thiện chí, đầy quảng đại. Anh say mê những lời giảng của Thầy, thấy những việc Thầy làm và muốn làm môn đệ. Chúa ra điều kiện cho anh: muốn theo Thầy thì phải sống như Thầy không có nơi tựa đầu. Là rong rủi trên đường, sống bấp bênh, không tiện nghi, tay trắng, với của ăn là làm theo ý Cha, tìm con chiên lạc…

Chúa để ý đến môt người khác và kêu gọi anh: “Hãy theo tôi”. Anh thưa lại: “Xin Thầy cho con về chôn cất cha mẹ con đã”. Chúa bảo: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, hãy đi loan báo Triều Đại của Thiên Chúa”. Bổn phận của con cái là báo hiếu cho cha mẹ. Điều đó rất hợp lý, nhưng có những điều quan trọng hơn gia đình, hơn cả cha mẹ đó là Triều Đại của Thiên Chúa. Chúa Giêsu lìa bỏ Mẹ Maria để đi rao giảng, để theo ý Chúa Cha. Như vậy Chúa có bất hiếu không? Để kẻ chết chôn kẻ chết của họ, có nghĩa gì? Là để cho người thế gian lo việc thế gian. Một số các tông đồ đã có gia đình, nhưng khi Chúa gọi, họ đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Các giám mục, linh mục và tu sĩ đã bỏ mọi sự để không vướng mắc những việc trần thế để hoàn toàn thuộc về Chúa, họ đã làm đúng như Chúa muốn. Bỏ gia đình cũng chỉ là giai đoạn đầu tiên, Chúa còn đòi hỏi chúng ta bỏ cả bản thân để hoàn toàn dưới quyền sử dụng của Chúa. Điều này càng khó hơn, nhưng Chúa đòi buộc tất cả: “Ai muốn theo Ta, phải bỏ mình, vác thập giá và theo Ta”. “Ai yêu cha mẹ, vợ con hơn Ta, thì không xứng đáng với Ta”.

Một người thứ ba cũng tình nguyện theo Chúa, nhưng còn xin trở về từ giả gia đình. Chúa nói: “Ai cầm cày còn ngó lại sau lưng thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa”. Theo Thầy tức là dứt khoát. Chúa phải là trên hết mọi sự. Theo Chúa là gắn bó với một mình Chúa với một tình yêu không chia sẻ, là yêu mến Chúa hết lòng, hết sức, trên hết mọi sự. Nếu chúng ta yêu mến Chúa thật tình, thì mọi sự trên đời này trở nên vô nghĩa với chúng ta, mọi sự chỉ là tro bụi. Lúc đó, chúng ta dễ dàng từ bỏ mọi sự, dám cho đi tất cả. Và ngược lại, nếu chúng ta chưa yêu mến Chúa, thì Chúa không còn hấp dẫn đối với chúng ta. Trần gian sẽ chiếm đoạt chúng ta, sẽ đặt ách nô lệ của nó lên chúng ta. Vì thế cầm cày mà còn ngoái lại sau lưng không thể thích hợp với Nước Thiên Chúa.

Chúa Giêsu phải là tất cả. Ngài đã từ bỏ chính mình, mang thân nô lệ vì chúng ta, Ngài đã đưa chúng ta trở về trong tình yêu Chúa Cha, Ngài chỉ muốn chúng ta theo Ngài, không phải vì chúng ta có công trạng gì mà chỉ vì muốn chúng ta hạnh phúc với Ngài. Theo Ngài là con đường duy nhất đưa chúng ta vào hạnh phúc. Ba người muốn theo Chúa, thánh Luca không nói họ có theo Chúa hay không mà chỉ muốn cho chúng ta một thông điệp là Chúa luôn mời gọi chúng ta theo Ngài, dù trong cương vị nào. Việc loan báo Tin Mừng là công việc của mọi người không trừ ai. Những kẻ bỏ mọi sự mà theo Chúa là những người ưu tiên trở thành môn đệ, nhưng những người sống trong gia đình vẫn có thể từ bỏ chính mình, vác thập giá và theo Ngài. Việc từ bỏ ở đây có tính cách nội tâm hơn là vật chất.

Giáo Hội luôn khích lệ giáo dân tham dự vào việc loan báo Tin Mừng vì chính giáo dân mới là muối và men trong xã hội. Họ dễ hòa mình vào trần gian hơn giáo sĩ, và họ ở trong mọi tầng lớp xã hội. Tin mừng có thể đi sâu vào cuộc sống nhờ những giáo dân dấn thân, dám làm chứng cho Chúa trong cuộc sống lao nhọc của họ.

Chúa Giêsu đã dám dấn thân vào trần gian, Ngài là gương mẫu của mọi người tín hữu. Ngài đã sống cuộc đời nghèo khó, lao động để chứng minh rằng, cuộc sống âm thầm và khổ cực không vô ích, nếu chúng ta dám sống như Ngài, tuân hành ý Cha như Ngài. Ngài vẫn luôn kề cận với chúng ta mà chúng ta không hay biết hay ít khi để ý đến Ngài. Ngài ở trong mỗi người chúng ta khi chúng ta ăn lấy Ngài. Ngài đang cần chúng ta nuôi dưỡng Ngài trong chúng ta bằng tình yêu của chúng ta, bằng cả những cố gắng hằng ngày của chúng ta, làm cho Ngài lớn lên trong chúng ta và trong thế giới. Hãy lắng nghe tiếng Chúa luôn mời gọi: “Hãy theo Thầy”.

Lm. Trầm Phúc

Gp. Mỹ Tho