19/06/2016
667
Suy Niệm Chúa Nhật 12 TN năm C_Lm Trầm Phúc





















GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa Nhật 12 thường niên năm C

Lời Chúa: Lc 9,18-24

 

Thánh Luca luôn để ý đến việc Chúa Giêsu cầu nguyện trước khi quyết định một điều gì quan trọng. Trước khi chọn các môn đệ, Ngài cũng cầu nguyện thâu đêm. Hôm nay trước khi hỏi các môn đệ, Ngài cũng cầu nguyện một mình trước. Đây phải chăng là một biến cố quan trọng vì không chỉ hỏi các môn đệ về mối liên hệ giữa Ngài với các ông, Ngài còn cho các ông biết một biến cố lớn sẽ xảy đến cho Ngài là Ngài sẻ chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba thì sống lại.

Đây là một mạc khải quan trọng chứ không chỉ là một biến cố thông thường. Ngài biết các môn đệ sẽ không hiểu, sẽ hoang mang, vì thế Ngài dọn đường trước cho các ông. Nhưng trước khi báo cho các ông biến cố đặc biệt đó, Chúa muốn các ông xác định rõ nét mối liên hệ giữa Ngài với các ông: “Dân chúng nghĩ Thy là ai? Có người cho là Gioan Tẩy Giả, người khác cho là một tiên tri ngày xưa sống lại. Đó là dư luận của quần chúng. Điều đó không quan trọng, nhưng: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Đây mới là một lời tuyên xưng chính xác nhất và Thầy muốn điều đó.

Vấn đề Đấng Kitô là vấn đề then chốt. Người Do Thái đang chờ đợi một Đấng Kitô lừng danh, một đấng Kitô chiến thắng khải hoàn, đem lại cho toàn dân tự do và hạnh phúc. Nhưng Chúa Giêsu không phải là Đấng Kitô họ mong đợi, mà là một Đấng Kitô mà tiên tri Isaia đã vẽ lên khuôn mặt như một người gánh lấy tội lỗi của toàn dân, là Người Đầy Tớ của Thiên Chúa, là con người đau khổ, là con chiên bị mang để lò sát sinh mà không hở môi.

“Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa” nghĩa là Thiên Chúa cứu độ. Ngài có một sứ mệnh thiêng liêng chứ không là một vị vua trần thế. Dân chúng đã theo Ngài vì thấy những phép lạ Ngài làm, họ vẫn còn rất mập mờ về thân thế của Ngài. Ngay cả các môn đệ cũng lầm khi nhìn Thầy qua những ước mơ trần thế của họ. Họ tranh nhau ngồi chỗ nhất bên hữu và bên tả Thầy. Họ cải nhau xem ai là người lớn nhất. Ngài muốn cho các môn đệ biết rằng Ngài không là một nhà giải phóng dân tộc, cũng không là một vị vua đầy quyền thế, mà là Đấng Cứu Độ đau khổ. Vì thế, sau khi Phêrô tuyên xưng Ngài là Đấng Kitô của Thiên Chúa, Ngài nghiêm cấm các ông không được nói điều đó với ai. Hơn nữa Ngài cho các ông biết con đường Ngài sẽ đi là con đường đau khổ: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng các kinh sư loại bỏ, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ  trỗi dậy”.

 “Con Người phải chịu đau khổ nhiều”. Từ phải này cho chúng ta thấy rằng Ngài có một sứ mệnh phải chu toàn, một chương trình phải thực hiện. Đó là chết cho thế gian được sống. Vì thế Ngài ra điều kiện cho mỗi người chúng ta là những kẻ muốn theo Ngài: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”.

Chúng ta có ớn lạnh không? Theo Chúa, chúng ta sẽ được những gì? Đó là câu hỏi mà các môn đệ đã hỏi Chúa. Chúng ta có lẽ cũng muốn hỏi Chúa như thế. Theo Chúa, không phải để được giàu có sang trọng, hưởng thụ mọi thứ vui sướng trần gian, mà là phải bỏ mọi sự kể cả bản thân, vác thập giá… Vậy thì theo Chúa có lợi lộc gì?

Chúng ta hãy nhìn  cuộc sống quanh ta để có thể tự trả lời. Ai muốn thành công bất cứ trong lãnh vực nào cũng phải trả giá. Muốn làm kỷ sư hay bác sĩ phải chuyên tâm học hành suốt bao nhiêu năm. Muốn tạo một gia đình hạnh phúc cũng phải đầu tư rất nhiều công khó, rất nhiều hi sinh. Những người trẻ vẫn tưởng rằng con đường tình yêu là con đường êm đềm hoa mộng, nhưng khi bước vào tình yêu, hoa mộng vẫn có đấy, nhưng từ từ họ mới thấy rằng tình yêu là hy sinh, là đau khổ, là chịu đựng, là trách nhiệm. Vì thế, nhiều người không đủ can đảm, đã tàn phá chính tình yêu là công trình của mình đã xây dựng. Muốn hạnh phúc phải trả giá, và một giá rất đắt.

Chúa Giêsu muốn chúng ta hạnh phúc và hạnh phúc vĩnh cửu. Nếu hạnh phúc trần gian này còn phải trả một giá đắt, thì hạnh phúc đời đời cần phải trả một giá nào nữa? Chúa Giêsu không mơ mộng và cũng không ru ngủ chúng ta bằng những lời hứa hảo. Ngài đặt chúng ta trước sự thật. Phải bỏ mình, vác thập giá hằng ngày.

Bỏ mình. Không phải là bỏ mình vu vơ, mà là bỏ mình vì một cái gì đó, vì ai đó mới có ý nghĩa. Những người có gia đình bỏ mình vì con cái, vì thương con. Những người không thương con, không thể bỏ mình được. Những người chồng không thương vợ cũng không thể bỏ mình, không có can đảm hi sinh. Chúa Giêsu bảo chúng ta bỏ mình, vác thập giá là vì hạnh phúc của chúng ta, và hạnh phúc đó chính là Ngài.

Hãy nhìn các thánh. Thánh Phanxicô Assisi đã bỏ tất cả gia tài và cuộc sống giàu có vì Ngài. Nội dung của cuộc sống là chính Chúa Giêsu, Đấng đã chết cho chúng ta. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu cũng thế. Thánh nhân đã yêu Chúa đến nỗi chỉ mong ước thuộc về Chúa mà thôi. Chị đã bỏ gia đình, một cuộc sống êm ả được cưng chiều, giàu có để theo Chúa trong cuộc đời khổ hạnh của tu viện. Và chị đã nói: “Ơn gọi của tôi là yêu”. Yêu ai? Yêu Chúa, yêu Đấng chịu đóng đinh thập giá. Các Tông đồ, khi chưa hiểu con đường của Chúa đã ham mê trần gian chức quyền, nhưng khi đã hiểu, các ngài chỉ con một con đường là Giêsu, Thầy chí thánh. Thánh Phaolô là một gương mẫu cho mỗi người chúng ta. Khi chưa biết Chúa, ngài bách hại Hội Thánh một cách hăng say, nhưng khi đã nhận ra Chúa là ai, Ngài đã trở thành một đầy tớ trung thành, hoàn toàn sống cho Chúa, hi sinh tất cả vì Chúa thôi, chấp nhận mọi gian lao khổ nhọc chỉ vì yêu mến Chúa.

Chúng ta như thế nào? Chúa Giêsu là ai đối với chúng ta? Ngài đã yêu tôi và đã chết cho tôi, tôi đáp trả lại bằng gì? Bằng dửng dưng lạnh nhạt? Đừng đánh mất hạnh phúc của chúng ta. Cuộc sống hôm nay, nếu không có Chúa sẽ là gì? Chúng ta gặt hái được gì khi chạy theo thế gian này? Mọi sự qua đi, Chúa còn, và chỉ có Ngài mới là hạnh phúc thật của chúng ta.

Hôm nay, Chúa đến nơi bàn thờ để gặp chúng ta. Ngài cũng muốn hỏi chúng ta: “Chúng con nghĩ Thầy là ai?” Chúng ta sẽ trả lời sao? Ngài là Thiên Chúa quyền năng tuyệt đối, thế nhưng vì chúng ta, Ngài đã trở nên một tấm bánh nhỏ, Ngài chính là người mà thánh Phaolô đã nói: “Ngài đã yêu tôi và đã chết cho tôi”. Chúng ta sẽ làm gì? Hãy ăn lấy Ngài để yêu mến Ngài với con tim nhỏ bé của chúng ta. Chúng ta chỉ có một con đường đó để đạt đến hạnh phúc mà thôi.

Lm Trầm Phúc

Gp. Mỹ Tho