23/06/2017
719
Suy niệm Chúa Nhật 12 Thường Niên năm A_Lm Trầm Phúc























GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa Nhật 12 Thường Niên năm A

Lời Chúa: Mt 10,26-33

 

Những lời Chúa Giêsu nói với chúng ta hôm nay thật mạnh mẽ và cương quyết. Ngài vẽ ra khuôn mặt của người môn đệ: phải công khai rao giảng những gì đã được nghe. Không sợ bị bách hại, nhưng tin cậy tràn đầy, vì Thiên Chúa vẫn kề cận bên chúng ta, giữ gìn mạng sống của chúng ta, và Ngài là Thiên Chúa toàn năng.

Chúng ta biết điều đó, nhưng chúng ta vẫn e sợ. Ai trong chúng ta vui mừng đi đến cái chết khốc liệt như thánh Inhaxiô Antiôkia đã vui mừng như đi vào lễ hội? Ngài mong ước được nghiền nát dưới hàm răng của thú dữ để được ở cùng Chúa Giêsu. Giáo dân muốn cứu ngài khỏi chết, nhưng ngài xin họ đừng làm gì cả, đừng ngăn cản ngài trở thành mồi cho thú dữ. Ngài chỉ mong được thành một với Chúa của ngài thôi. Đó là người môn đệ chân chính của Chúa Kitô. Còn chúng ta? Chúng ta có vui mừng chịu mọi sự khốn khổ vì Chúa không? Tại sao? Vì chúng ta không yêu mến Chúa. Yêu ai, người ta thường làm bất cứ điều gì để làm đẹp lòng người mình yêu, dù phải hi sinh, khổ cực. Nếu chúng ta thực tình yêu mến Chúa, thì chúng ta sẵn sàng chấp nhận mọi hi sinh vì Ngài. Chúng ta chưa phải là môn đệ của Chúa. Có lẽ Chúa phải hỗ thẹn vì chúng ta trước mặt Cha Ngài. Có lẽ nhiều người trong chúng ta có thiện chí nhưng không đủ can đảm.

Chúa Giêsu bảo chúng ta phải công bố trước mặt mọi người những gì anh em nghe Thầy nói lúc đêm hôm, hãy nói ra giữa ban ngày, những gì anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà mà rao giảng. Chúng ta đã làm như Chúa bảo chưa? Chúng ta đưa ra mọi lý do để thối thoát. Điều đó cũng dễ hiểu thôi, vì chúng ta muốn được bình an không có vấn đề rắc rối, chúng ta sợ người ta chê cười… Chúa cũng biết chúng ta là những con chiên ở giữa bầy sói. Nhưng Ngài vẫn bảo chúng ta đừng sợ: “Anh em đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác mà không giết được linh hồn”. Điều đó có nghĩa là linh hồn quan trọng, thân xác không thể so sánh với linh hồn. Hy sinh thân xác mà cứu được linh hồn thì quan trọng hơn. Chúng ta yêu thân xác đến độ không dám chịu đựng một vài cực nhọc bên ngoài: chúng ta ăn chay ngày lễ tro, chúng ta cũng ngại ngùng, rên siết, thánh lễ kéo dài một chút, chúng ta cũng phàn nàn… như thế chúng ta làm sao có thể làm chứng cho Chúa? Chúa muốn chúng ta là nhân chứng của Ngài, và chúng ta chỉ có thể làm chứng nhân cho Ngài khi chúng ta xem Ngài là tất cả, là tuyệt đối đáng yêu hơn cả bản thân chúng ta. Khi ấy, chúng ta mới có can đảm hiến dâng trọn vẹn. Rốt cùng chỉ có tình yêu chân thực, tình yêu “nguyên chất” mới có thể đưa đến sự hiến dâng trọn vẹn.

Có những sự hiến dâng để trục lợi, không có giá trị và đê hèn. Có những sự hiến dâng nửa vời, hời hợt, cũng chẳng mang lại lợi ích gì. Chúa Giêsu cho chúng ta tất cả, Chúa là Đấng tuyệt đối, Ngài đã cho đi tất cả, Ngài cũng đòi buộc tất cả. Ngài kịch liệt phản đối mấy ông Pharisêu vì họ chỉ là cái vỏ bên ngoài, những mã tô vôi. Họ làm méo mó hình ảnh của Thiên Chúa.

Chúa cũng là sự thật, Ngài không thể chấp nhận những gì là dối trá. Ngài chấp nhận tâm tình ăn năn của Maria Macđala, vì nàng thành thật. Ngài chấp nhận Phêrô sau khi chối Thầy, vì ông đã thành thật. Ngài đòi buộc chúng ta làm chứng nhân cho Ngài, thì chính chúng ta phải là bằng chứng sống động của Ngài. Ngài không hiện diện hữu hình, Ngài muốn chúng ta hiện diện cho Ngài giữa anh em chúng ta. Cái chết thảm thương của Ngài trên thập giá là một sự thật, rõ ràng, minh bạch, Ngài cũng muốn chúng ta thành sự thật hiển nhiên đó hôm nay, trong cái thế giới ích kỷ và man rợ của chúng ta. Phải dám dấn thân như Ngài, dám yêu thương như Ngài, nếu không, Ngài sẽ hổ thẹn vì chúng ta trước mặt Cha Ngài. Một lời nói nghiêm trọng chúng ta cần lưu ý.

Chúa Giêsu cũng là sự sống. Nhưng Ngài đến trong thế gian là để chết. Ngài chết vì chúng ta đã chết. Nhưng sự chết không thể thống trị Ngài, Ngài đã sống lại, chiến thắng sự chết để đưa chúng ta vào sự sống, sự sống thật, sự sống vĩnh cửu. Chỉ có sự sống vĩnh cửu mới mang lại ý nghĩa cho cuộc sống hôm nay. Nếu chết là hết, thì cuộc sống này trở nên vô nghĩa. Vì thế, Chúa bảo chúng ta đừng sợ những ai chỉ giết được cái xác mà không thể giết được linh hồn. Vì chúng ta còn một cuộc sống mai sau trong hạnh phúc và vinh quang, nếu chúng ta cùng chết với Chúa Kitô thì chúng ta cũng cùng sống lại với Ngài. Và nếu sống, đối với chúng ta, là Chúa Kitô, thì cái chết phần xác này có nghĩa lý gì, mà ngược lại, nó lại là ngưỡng cửa đưa chúng ta vào hạnh phúc vĩnh cửu. Tại sao các thánh tử đạo không sợ chết? Vì các ngài tin rằng sau khổ nhục trần gian, các ngài sẽ được hạnh phúc với Đấng họ tôn thờ yêu mến.

Hơn nữa, mạng sống chúng ta vẫn quí trọng hơn mạng sống của những con chim nhỏ. Cha trên trời còn săn sóc chúng, thì chúng ta không được Cha trên trời săn sóc hay sao? Mọi sợi tóc trên đầu chúng ta, Cha trên trời đã đếm rồi. Như thế, chúng ta sợ gì? Tin cậy vào Cha và cứ vui sống hiên ngang, vì chúng ta vẫn được yêu thương. Những người dám tin thì cũng dám liều mạng. Cái chết sẽ trở nên nhẹ nhàng.

Chúa Giêsu biết chúng ta yếu đuối, mong manh. Các tông đồ xưa kia đã yếu đuối, sợ sệt, đã chạy trốn và Phêrô chối Thầy, vì thế Ngài hứa sẽ ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Ngài không bỏ mặc đàn chiên nhỏ bé của Ngài giữa bầy sói dữ mà không lo chăm sóc. Ngài vẫn hiện diện giữa đàn chiên bé nhỏ của Ngài bằng tấm bánh hằng sống. Ngài vẫn tiếp tục nuôi dưỡng đàn chiên bằng chính thịt máu mình. Sống với Ngài là một bảo đảm, vì chính Ngài sống và hoạt động trong chúng ta nếu chúng ta không cản trở Ngài, nếu chúng ta hợp tác với Ngài. Niềm hy vọng của chúng ta không thể tàn lụi vì Ngài là Thiên Chúa, và Ngài luôn trung thành.

Lm Trầm Phúc

Gp. Mỹ Tho