23/11/2019
550
Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ năm C_Lm Trầm Phúc



















 

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa Nhật 34 Thường Niên năm C

Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ

Lời Chúa : Lc 23, 35-43 

 

    Chúa Kitô là Anpha và Ômêga, nghĩa là Đầu và là Cuối của mọi sự, sách Khải Huyền đã viết như thế. Và đúng như vậy, chỉ có Ngài là Đấng Tạo nên mọi sự và là cùng đích của mọi sự. Tin Mừng thánh Gioan đã viết: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời…Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành…”  Chỉ có Ngài mới là cùng đích của mọi sự. Sách Khải Huyền cũng viết như thế. Giáo Hội thiết lập lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ vào Chúa Nhật cuối của năm phụng vụ là để cho chúng ta thấy vị trí siêu việt của Chúa, Ngài là chủ tể muôn vật muôn loài và mọi sự phải kết thúc trong Ngài. Ngoài Ngài ra không có gì tồn tại. Khởi đầu thư gửi cho giáo dân thành Côlôxê, thánh Phaolô đã nêu rõ  vai trò độc nhất vô nhị của Chúa Kitô. Giáo Hội tôn vinh Ngài là Vua vũ trụ là một điều xứng hợp. Ngài đáng tôn thờ và tôn vinh đến muôn đời.

    Nhưng vương quyền của Chúa Kitô không giống vương quyền của các vua trần thế. Chúng ta không thể so sánh vương quyền của Ngài với vương quyền trần thế. Ngài là Đấng Sáng Tạo, là Căn Nguyên của mọi loài. Mọi sự là do Ngài. Thánh Phaolô, trong thư gửi giáo đoàn Côlôxê đã nêu rõ như thế: “Trong Ngài, mọi vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất…” Vương quyền của Ngài là vương quyền vĩnh cửu, không có gì trên trần gian nầy có thể so sánh được. Hơn nữa, Ngài đã chết để cứu vớt những tạo vật mà Ngài đã dựng nên, thì Ngài lại là một vị vua lạ lùng hơn nữa.

    Thánh Luca tường thuật cái chết của Ngài trên thập giá như một tuyên xưng vương quyền thần linh của Ngài. Trước mặt người đời, Ngài là một tội nhân, nhưng trước mặt những kẻ tin, Ngài là Thiên Chúa, Ngài nắm vương quyền trên trời dưới đất, bằng chứng cho thấy khi một tội nhân cùng chịu đóng đinh với Ngài nhạo báng Ngài, thì tội nhân khác cùng chịu khổ hình với Ngài đã tuyên xưng đức tin. Chính lúc nầy chúng ta mới thấy được vương quyền của Ngài như thế nào. Anh nói: “Chúng ta chịu như thế nầy là đích đáng… chứ ông nầy có làm điều gì trái đâu!” Rồi anh thưa với Đức Giêsu: “Ông Giêsu ơi! khi ông vào nước của ông, xin nhớ đến tôi! Và Người nói với anh:“Tôi bảo thật anh, hôm nay,anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng.”

    Một tên tử tội đã nói được những lời thật không thể ngờ! Anh chấp nhận thân phận tội lỗi của anh và chấp nhận cả án tử. Nhưng đối với Chúa Giêsu, anh nhìn nhận sự vô tội của Ngài. Và sau cùng anh tuyên xưng đức tin vào Chúa, nhìn nhận Ngài là vua. Có thể trong  khi xử án Chúa, tên tội nhân nầy cũng có mặt và đã nghe lời Chúa nói: “Tôi là vua, nhưng nước tôi không ở trần gian nầy”. Và anh đã tin.

    Nghe lời nguyện xin của tên tử tội, Chúa Giêsu đáp: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng”. Phải chăng Chúa xác quyết một cách mạnh mẽ rằng Ngài là vua và nước Ngài là thiên đàng. Ngài nói những lời nầy, không phải giữa một đám người tôn vinh hay ủng hộ Ngài, mà giữa một bọn người đang cười nhạo Ngài. Ngài đáp lại niềm tin của một tử tội. Ngài sắp chết và người tử tội cũng sắp chết, nhưng Chúa vẫn nói rõ: “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng”. Lời nầy chứng tỏ Ngài là vua vượt khỏi những biến cố ở đời nầy, vượt qua cả sự chết. Nước Ngài không là nước của những kẻ chết mà là nước của những kẻ vượt qua cái chết mà vào cõi sống. Nước của Ngài là nước của những con người biết ăn năn thống hối và tin vào Ngài. Vương quyền của Ngài không được bảo đảm bằng đoàn quân đông đảo hay vũ khí tối tân, mà là chính quyền phép của Ngài.

     Chúng ta có chấp nhận vương quyền tuyệt đối của Ngài không? Chúng ta có xứng đáng làm thần dân của Ngài không?

     Muốn làm thần dân của Ngài, phải đi theo con đường của Ngài, con đường thập giá. Ngài là một vị vua chịu đóng đinh thập giá. Chịu đóng đinh không phải vì thất bại, cũng không phải vì phạm những tội ác, mà vì yêu. Nếu là thần dân của Ngài, phải yêu thương như Ngài, yêu thương đến dám chết cho bạn hữu, dám bỏ mình vác thập giá. Nước Ngài là nước Tình Yêu, Lề luật của Ngài là luật yêu thương vì Ngài là Tình Yêu. Chúng ta dám theo Ngài không ? Những con người như thánh Phaolô đã dám theo Ngài đến cùng, vì ông cảm kích trước tình yêu vô biên của Chúa: “Ngài dã yêu tôi và đã chết cho tôi!”. Vì thế Phaolô đã dám bỏ mọi sự để hoàn toàn sống cho Ngài, trở nên một với Ngài: “Tôi sống, nhưng không phải tôi mà là Chúa Kitô sống trong tôi”. Và trên con đường tình yêu nầy, vô số các tâm hồn đã dấn thân cho Chúa, và nhiều người hiện nay, trong thế giới đầy tội ác nầy, đã dám sống cho tình yêu, dám hy sinh mọi sự để sống cho mọi người. Chúng ta đã tin vào Chúa, hãy tạ ơn vì hồng ân Chúa ban là kêu gọi chúng ta gia nhập vào đoàn dân của Ngài, đoàn dân mà thánh Phêrô gọi là dòng dõi lựa chọn, là chủng tộc thánh thiện , là dân riêng của Chúa. Đoàn dân mà Chúa nuôi dưỡng không phải bằng những của ăn trần thế hay hư nát mà bằng chính thịt máu Ngài. Còn hạnh phúc nào hơn?

Lm. Trầm Phúc

Gp. Mỹ Tho