07/04/2017
1732
Chúa Nhật Lễ Lá_ Lm. Giuse Minh






















CHÚA NHẬT LỄ LÁ NĂM
A

Is 50,4-7; Đnl 2,6-11; Mt 26,14-27,66

THẬP GIÁ VÀ VINH QUANG

“Hosanna! Vạn Tuế Đấng Nhân Danh Chúa Mà Đến”

 

I. Dẫn vào Phụng Vụ Thánh Lễ

Hôm nay Chúa Nhật Lễ Lá, chúng ta bắt đầu tuần thánh bằng việc cử hành kiệu lá, tưởng niệm cuộc vào thành của Chúa Giêsu để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài. Cảnh tượng Đức Giêsu cỡi trên lưng lừa tiến vào Giêrusalem có dân chúng phất cành lá dừa hô vang: “Hosanna! Vạn tuế Đấng ngự đến nhân danh Chúa” đã làm cho khách hành hương dự lễ phải dừng lại kinh ngạc. Họ mảy may không biết rằng niềm hân hoan này sẽ chóng trôi qua. Rồi đây chiến thắng sẽ biến thành thảm kịch, những cành lá dừa sẽ biến thành cây khổ giá, những tiếng Hosanna sẽ trở thành những tiếng la ó đòi xử tử Ngài.

Một biểu tượng cho khung cảnh của ngày lễ hôm nay là bức tranh nổi tiếng nhất của danh họa Rembrandt người Hòa Lan, sống vào thế kỷ 17 đó là bức tranh “Ba cây Thập Giá”. Nhìn vào tác phẩm, ai cũng bị thu hút ngay vào trung tâm: giữa hai cây thập giá của kẻ bất lương, là thập giá của Đức Giêsu trổi lên một cách cao cả. Dưới chân thánh giá là cả một đám đông mà gương mặt nào cũng biểu lộ hận thù oán ghét. Nhà danh họa như muốn nói rằng không trừ một người nào mà không dính líu vào việc đóng đinh Đức Giêsu, không một ai là vô tội trước cái chết của Con Thiên Chúa.

II. Tại sao Chúa Giêsu lại chịu chết trên thập giá?

Phụng vụ Thánh lễ hôm nay cũng là dịp nhắc nhở chúng ta sự tráo trở, thay lòng đổi dạ của loài người trước tình yêu vô biên của Thiên Chúa.

Trong bài đọc thứ nhất trích từ ngôn sứ Isaia. Vào thế kỷ thứ VI, dưới thời lưu đày, một nhà đại tiên tri xuất hiện, nhà tiên tri nhìn thấy hình bóng một người “đầy tớ” vô tội và đau khổ. Ngài mô tả một cách chính xác đến nỗi người ta có cảm tưởng sự kiện được viết ra dưới chân thập giá mặc dầu hai thế kỷ đã trôi qua. Cuộc tử nạn theo Isaia là chóp đỉnh mạc khải về Đấng Mêssia, Đấng “tôi tớ đau khổ”, đã dạy chúng ta ý nghĩa sự đau khổ “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, đưa má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị người ta mắng nhiếc phỉ nhổ” (Is 50). Từ đấy, từng bước khắc hoạ chân dung một Đấng Cứu Thế đang tiến vào cuộc khổ nạn.

Tiếp đến là bài thánh ca trong thư Phaolô gởi tín hữu Philipphê, nói về cuộc tử nạn của Chúa Giêsu đã mô tả một “Đức Kitô vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập tự”, như là một lời tuyên xưng miên viễn về mầu nhiệm Tử Nạn – Phục Sinh của Con Một Thiên Chúa.

Nhưng ấn tượng nhất lại chính là bài tường thuật thương khó của Tin Mừng Matthêu, mở ra trước mắt chúng ta cảnh bi hùng của cuộc tử nạn, như một tưởng niệm về hình ảnh và các biến cố sau cùng của Thầy Chí Thánh, những hình ảnh đã khắc sâu trong tâm khảm của muôn thế hệ Kitô hữu.

Trong thời gian qua, thị trường điện ảnh đang xôn xao với bộ phim “Cuộc thương khó của Chúa Giêsu” của Mel Gibson. Bộ phim xoay quanh 12 giờ cuối cùng của Chúa Giêsu.

- Cảnh mở màn của bộ phim là Chúa Giêsu đang cầu nguyện trong vườn cây dầu (Lc 22,20-45) quỉ Satan đến cám dỗ Chúa Giêsu từ bỏ cuộc thương khó nhưng không thành.

- Tiếp đến, Giuđa phản bội, ông đưa người đến bắt Chúa Giêsu và dẫn đến nhà thượng tế Anna và Caipha.

- Rồi từ sáng sớm hôm sau, Chúa Giêsu bị điệu đến quan tổng trấn Philatô và bị hành hình dã man đến chết đi sống lại. Người xem được chứng kiến cảnh hành hình, con đường thập giá, đóng đinh máu chảy, tiếng rên khóc, đau đớn được Mel Gibson thực hiện như thật lấy từ Kinh Thánh, nhất là trong bài thương khó của Thánh Lễ hôm nay.

Cuộc thương khó của Chúa Giêsu thật bi ai thảm thiết, nhưng là để ứng nghiệm chương trình tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại. Nó rọi sáng đỉnh cao của tình yêu Đức Kitô đối với chúng ta, cho chúng ta cơ hội nhìn lại cuộc sống chính mình và nhận trách nhiệm phần tội lỗi của chúng ta.

III. Hãy vác Thập giá đi theo Chúa

Nhìn chân dung Đức Kitô hôm nay như Đấng đến nhân danh Chúa, như người tôi tớ đau khổ đến nỗi máu chảy hoà lẫn với mồ hôi thành giọt, chịu tra tấn tan nát cả thân mình và chịu đóng đinh trên Thập Giá… vậy mà Ngài vẫn hiền hậu với Giuđa, Phêrô, tên trộm lành để đem đến cho nhân loại ơn cứu độ. Vì thế người môn đệ Chúa không thể hơn Thầy được (Ga 15,20). Chúng ta cũng phải nối kết đời mình với cuộc đời của Chúa bằng cách là “chúng ta cùng chết với Chúa để được cùng sống lại với Ngài”.

Con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu sẽ không tránh né ngọn đồi Canvê. Chiến thắng của Đức Kitô, cũng như của người Kitô hữu chỉ có thể đạt được qua cây thập giá.

 Thật vậy, sẽ là một cuộc đời mới ánh lên Phục Sinh, nếu ta chấp nhận cùng chết với Chúa Kitô cho những gì là cũ xưa, tối tăm, tội lỗi, yếu mềm; sẽ là một cuộc đời mới, trẻ trung trong ơn Thánh nếu ta biết lột bỏ những tự cao tự đại để khiêm tốn cho Chúa dẫn đi; sẽ là phiên bản sống động của Chúa Kitô, nếu ta chân thành gắn bó với Ngài trong Tuần Thánh này.

Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu không phải là một màn kịch mà là một sự thật. Ngài đã chịu rất nhiều đau khổ, trong thân xác và tinh thần. Nhưng tất cả những đau khổ ấy Ngài tự nguyện gánh chịu, vì yêu thương chúng ta và để cứu chuộc chúng ta. Chúng ta hãy liên kết những đau khổ của chúng ta với những đau khổ của Chúa Giêsu trên Thập Giá, chúng ta sẽ tìm được bình an và ơn cứu độ. Amen

Lm. Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho