25/05/2017
824
Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên năm A_Lm. Giuse Minh




















LỄ CHÚA THĂNG THIÊNG NĂM A

Cv 1,1-11; Ep 1,17-23; Mt 28,16-20

HÃY LÀ CHỨNG NHÂN

Anh em hãy đi làm cho muôn dân trở thành

môn đệ của Thầy

 

 

Lễ Chúa Thăng Thiên là một trong những lễ trọng nhất trong Năm Phụng vụ. Trong Thánh lễ, Giáo hội mừng kính Chúa Giêsu khải hoàn lên trời ngự bên hữu Chúa Cha. Trong niềm yêu thương tha thiết, Đức Giêsu đã kết thúc sứ mệnh của Người. Vì thế, trước khi về trời Chúa Giêsu ủy thác cho các Tông đồ sứ vụ “làm chứng” cho Người, để làm cho kế hoạch cứu độ đã hoàn thành nơi Người được tỏ hiện cho muôn dân” (Mt 28,16-20).

Phụng vụ lời Chúa trong Thánh lễ mừng kính Chúa Thăng Thiên, Giáo hội trình thuật khung cảnh Đức Giêsu được đưa lên trời trong quyền năng và vinh quang của Thiên Chúa. Từ đó làm nổi bật sứ điệp Tin Mừng của lễ Thăng Thiên.

1. Kinh Thánh diễn tả khung cảnh Chúa Giêsu lên trời

Theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba từ cõi chết sống lại và được đưa lên trời ngự bên hữu Chúa Cha.

Trong bài đọc thứ nhất trích Công vụ Tông đồ diễn tả khung cảnh Chúa Giêsu sau những lời tâm sự và trao sứ mệnh “làm chứng” cho các môn đệ xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có “đám mây quyện lấy Người” rước Người lên (Cv 1,1-11). Quang cảnh Đức Giêsu lên trời trên những đám mây được Thánh Gioan Kim Khẩu cắt nghĩa là Ngài về trời với quyền năng và vinh quang trong Thiên Chúa. (Homélie II sur les Actes des Apôtres). Con đường vinh quang về trời của Chúa Giêsu đã được loan báo, ca tụng trong Thánh vịnh 46: “Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang. Hãy ca mừng, ca mừng Thiên Chúa, hãy ca mừng, ca mừng vua ta”. Lời ca tụng này được Giáo hội tuyên tín đó là “vinh quang thăng thiên” của Đức Kitô.

Trong khi đó các môn đệ còn đứng đó mang tâm trạng nuối tiếc nhìn đám mây trên trời với mong ước Người lại đến, thì có tiếng nhắc nhở: “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời? Đức Giêsu Đấng lìa bỏ các ông và được rước lên trời cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Ngài lên trời”. Như thế, bởi cái chết, sự phục sinh và lên trời, Đức Giêsu đã khai thông con đường về thiên quốc cho nhân loại:

“Người ngự giá trên mây trời lộng lẫy

Gieo niềm tin cho tín hữu tin rằng

Cửa thiên quốc tội Ađam đóng lại

Nhờ ơn Người nay mở rộng thênh thang”

(Thánh thi lễ Chúa Thăng Thiên)

Khi rời cuộc sống nhân gian, Đức Giêsu đã dẫn đầu đoàn nhân loại mới trở về cội nguồn là quê hương thiên quốc, không phải là để xa lìa chúng ta, nhưng là để dọn chỗ cho chúng ta, như Tin Mừng Gioan đã ghi lại trong những lời từ biệt (x.Ga 14,2-3). Chúa về trời nhưng Ngài vẫn canh cánh bên lòng một ước nguyện: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu thì những người Cha đã ban cho con cũng sẽ ở đấy với con” (Ga 17,24)

2. Sứ điệp Tin Mừng Lễ Chúa Giêsu lên trời

Trước khi về trời theo Tin Mừng Luca 24,46-53, Chúa Kitô nhắc nhở các Tông đồ về những giá trị mà Ngài đã hoàn tất. Kết thúc sứ mệnh của Ngài chiếu theo tất cả những điều đã được Kinh Thánh ghi chép về Ngài, và trong niềm tin yêu, Chúa Giêsu trao phó quyền hành và sứ vụ “làm chứng” cho các môn đệ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần” (Mt 18,19).

Biến cố Chúa Giêsu lên trời chứng tỏ rằng Chúa Giêsu đã giao phó nhiệm vụ cho các chứng nhân: Ngày xưa là các Tông đồ, ngày nay là Giáo hội và các Kitô hữu có nhiệm vụ làm cho kế hoạch cứu độ đã hoàn thành nơi Đức Kitô được tỏ hiện cho muôn dân đến tận cùng trái đất.

3. Sứ vụ chứng nhân của Kitô hữu trong thời đại hôm nay:

Ngày nay sứ vụ “chứng nhân” trong thời đại chúng ta càng trở nên cấp bách và khẩn thiết hơn bao giờ hết. Người Kitô hữu được Giáo hội mời gọi thực hiện sứ mạng truyền giáo bằng hội nhập văn hóa và đối thoại tôn giáo nhằm phổ biến Tin Mừng nơi môi trường sinh hoạt của mình để qua đó mọi người tin vào Chúa Giêsu Kitô mà được ơn cứu độ.

Nhìn vào Châu Á một lục địa mênh mông trải rộng từ Địa Trung Hải phía Tây Bắc tới quần đảo Indonexia phía Đông Nam. Lục địa này chiếm 2/3 dân số thế giới nhưng chỉ có 3% Kitô hữu. Còn 97% chưa nhận biết Tin Mừng. Riêng số tín hữu Công giáo chỉ ước 2% một tỷ lệ hết sức khiêm tốn.

Trước thực trạng đó, sự chọn lựa mục vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô cũng là lời nhắn gửi cho Giáo hội Việt Nam về mối quan tâm đến những vùng biên. Vùng biên ở đây không chỉ là về mặt địa lý mà còn phải hiểu là vùng biên hiện sinh, tức là những Giáo hội nhỏ bé và trong Giáo hội đó còn có những con người bị nhận chìm trong đói nghèo và đau khổ dưới mọi hình thức. Đối với Giáo hội Việt Nam, nhân dịp trong năm 2015 kỷ niệm 50 năm Sắc lệnh Truyền giáo (Ad Gentes), Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đề ra chương trình mục vụ cho Giáo hội Việt Nam là “Tân Phúc Âm hóa đời sống các giáo xứ và các cộng đoàn thánh hiến”. Để thực hiện có hiệu quả chương trình mục vụ này, các thành viên trong cộng đoàn phải cộng tác và chia sẻ với nhau để cùng xây dựng ngôi nhà chung là giáo xứ và thi hành sứ mạng chung là loan báo Tin Mừng. Cụ thể trong đời sống chứng tá Tin Mừng, người tín hữu có nhiều cơ hội để giới thiệu Chúa cho những người chung quanh bằng một đời sống khiêm tốn, tử tế, hiền hòa và bác ái như an ủi những bệnh nhân, xoa dịu những nỗi khổ đau, chia sẻ cho người nghèo trong nghĩa cử yêu thương và kính trọng họ, nhưng không chỉ là những người Công giáo mà còn là cả những anh chị em ngoài Giáo hội, để Giáo hội trở nên: “nơi chốn của lòng thương xót, ở đó mọi người cảm nhận mình được đón tiếp, yêu thương, tha thứ và khích lệ sống cuộc đời tốt đẹp của Phúc Âm” (Niềm vui Phúc Âm, số 114)

Lạy Chúa! Xin thôi thúc nơi chúng con khát vọng truyền giáo, muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc, niềm vui và bình an cho tha nhân, nhất là khát vọng muốn giới thiệu Chúa Giêsu cho thế giới. Bởi vì, tất cả hồng ân được ban cho chúng con, thì tất cả cũng phải được chia sẻ cho người anh chị em của mình để mọi người cùng được hạnh phúc Nước Trời mà Chúa Giêsu lên trước để dọn sẵn cho chúng con.

Lm. Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho