10/11/2022
1522
Bài giảng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam - Giáo phận Mỹ Tho









 

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa Nhật 33 Thường Niên năm C

Kính trọng thể các thánh Tử Đạo Việt Nam

Lm Trần Phúc

Giáo Hội Việt Nam hôm nay mừng kính các thánh Tử Đạo tại Việt Nam. Đối với chúng ta là những giáo dân Việt Nam, hôm nay chính một ngày hân hoan, một ngày lễ tạ ơn đặc biệt vì những kỳ công Chúa đã thực hiện nơi các thánh Tử Đạo tại Việt Nam. Trong số đó có đủ mọi hạng người, Giám Mục, linh mục, thầy giảng, giáo dân thuộc đủ các thành phần từ những bậc quan triều đình như thánh Hồ đình Hy, quân nhân, ngư phủ và đủ mọi thành phần giáo dân. Họ là những chứng nhân sống động của tình yêu. Họ đã chấp nhận chết cho Đấng đã sống, đã chết cho chúng ta, Chúa Giêsu, Chúa chúng ta.

Chúng ta mừng kính các thánh vì chúng ta biết hiện nay các ngài đã được vinh quang trong Thiên Chúa. Nhưng nếu chúng ta hồi tưởng lại hay đọc lại những tường thuật về cái chết của các ngài, chúng ta mới thấy rằng, chết cho Chúa không dễ. Các ngài phải chịu ngục tù, đòn vọt, hành hạ đủ cách, sau cùng mới chịu chết. Các ngài đã chấp nhận một cách bình thản cái chết đau đớn mà không hận thù. Các ngài noi theo gương Đấng đã sống và đã chết thảm thương trên thập giá. Các ngài chết vì yêu chứ không vì một lý do nào khác.

Chúng ta cũng biết rằng ai cũng sợ chết, ai cũng muốn sống nhàn hạ vui vẻ, có ai muốn chịu từ đày, đòn vọt đâu. Như thế, chúng ta mới hình dung được phần nào can đảm của các ngài, tình yêu của các ngài đối với Chúa mãnh liệt như thế nào. Trong cuộc bách hại kéo dài suốt gần ba thế kỷ, các ngài phải khốn khổ như thế nào để giữ vững đức tin? Làm sao chúng ta có thể hiểu được lòng can đảm và sự kiên trì của các thánh? Nguyện xin các thánh cầu bàu cho chúng ta đủ can đảm để giữ vững đức tin trong mọi hoàn cảnh. Cuộc bách hại đạo Chúa không bao giờ nguôi, như Chúa đã nói: “Thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian”. Các cuộc bách hại hiện nay trên thế giới vẫn tiếp diễn, lúc trực tiếp, lúc âm thầm nhưng càng ngày, càng tinh vi. Người công giáo luôn vẫn là thiểu số, chìm ngập trong một xã hội hoàn toàn vật chất, phải chăng đó là một thử thách lớn cho người tín hữu? Không cần phải bách hại, chỉ cần tạo một nếp sống vô đạo là như một cuộc bách hại âm thầm và độc hại. Nhiều người đã ngã theo trào lưu vật chất và dần dà đức tin bị xoái mòn, hình ảnh Chúa mờ dần trong tâm hồn, và sau cùng, bị lôi cuốn vào một cuộc sống chỉ hoàn toàn là vật chất, là hưởng thụ. Nguy cơ vẫn đe doạ từng người trong chúng ta.

Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho chúng ta. Ngài đã giữ gìn chúng ta từng người một, không bỏ sót một ai: “Xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần… Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ”. Chúng ta vững tin, vì không ai trong chúng ta bị bỏ quên, chỉ khi nào chúng ta quên Chúa, chúng ta mới rơi vào tay ác thần mà thôi. Chúng ta sống là sống cho Chúa, chết là cũng chết cho Chúa. Đó là ơn gọi của mỗi người chúng ta. Các thánh tử đạo tại Việt Nam đã đi trước. Gương sáng của các ngài hướng dẫn chúng ta. Tình yêu của các ngài luôn che chở chúng ta. Chúng ta được gọi để làm chứng cho Chúa mỗi ngày trong cuộc sống đầy gian khổ của chúng ta. Chúng ta không bị đem ra pháp trường để chặt đầu hay siết cổ đến chết, nhưng trong cuộc sống hằng ngày, giữa thế gian là một cuộc chiến liên lỉ không bao giờ chấm dứt, chúng ta phải chứng minh cho thế gian biết rằng chúng ta có một quê hương vĩnh cửu trên trời, nơi các thánh đang chờ đợi chúng ta, và Thiên Chúa mới là hạnh phúc tuyệt vời của chúng ta. Chỉ có Thiên Chúa mới đáng cho chúng ta suy phục tôn thờ. Việc tôn thờ cao quí nhất chính là hiến dâng mạng sống. Các thánh tử đạo đã hiến dâng tất cả, chúng ta cũng phải đi theo vết của các ngài, hiến dâng cả cuộc đời hôm nay để làm chứng cho Chúa. Dù chứng tá của chúng ta chỉ âm thầm, khiêm tốn, không ai hay biết, nhưng đó là của lễ đẹp lòng Chúa hơn mọi của lễ.

Chúa Giêsu là chứng nhân duy nhất đã hiến dâng tất cả. Ngài hoàn toàn sống vâng phục Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá. Ngài đã tôn vinh Cha Ngài bằng sự vâng phục vô điều kiện. Đó là chính việc thờ phượng cao quí nhất. Nhờ Ngài, chúng ta được làm con của Cha trên trời, chúng ta chỉ có một việc là vâng phục ý Cha dưới đất cũng như trên trời. Để giúp chúng ta sống đẹp lòng Cha trên trời, Chúa Giêsu đã không ngại trở nên một tấm bánh để nuôi dưỡng chúng ta, giúp chúng ta sống làm chứng cho Cha. Hãy ăn lấy Chúa để sống với Chúa và làm chứng không mỏi mệt cho Chúa đến hơi thở cuối cùng. Còn nếp sống nào cao quí hơn?

 


 

Lm. Tôma-Thiện Trần Quốc Hưng


Thánh lễ kính trọng thể các Thánh tử đạo tại Việt nam hôm nay có tầm quan trọng đặt biệt đối với Giáo hội Việt nam thân yêu của chúng ta. Chúng ta hãnh diện là thành viên của Giáo hội Việt nam đã được máu các thánh tử đạo đổ ra làm nảy sinh các người Kitô hữu mà chúng ta là con cháu của các ngài trong đức tin, đức cậy và đức ái. Hơn nữa, Giáo hội Việt nam nói chung và từng người tín hữu công giáo Việt nam nói riêng được cả đám mây các thánh cầu thay nguyện giúp từng ngày trên hành trình sống đức tin được biểu lộ qua đức ái. Đây chính là linh hồn và là sự sống của Giáo hội và từng người chúng ta. Theo cái nhìn này, hôm nay chúng ta cử hành mầu nhiệm sự sống vượt lên trên và chiến thắng sự chết; của lòng tha thứ trổi vượt trên hận thù; của tình yêu lớn hơn sự chết và lòng thương xót của Thiên Chúa chan hòa nơi các thánh tử đạo. Nói đúng hơn, là cử hành mầu nhiệm Chúa Kitô, là Đấng đầu tiên đã chiến thắng sự chết bằng cuộc phục sinh vinh hiển của Ngài; là Đấng đã được Thiên Chúa Cha tôn vinh và đặt ngự bên hữu của Cha qua mầu nhiệm thập giá. Giờ đây, Chúa Giêsu cũng tôn vinh những người môn đệ trung tín và khôn ngoan của mình là các thánh tử đạo Việt nam. Các ngài được Chúa Giêsu phục sinh cho tham dự vào cuộc khải hoàn của Ngài trên sự chết và tội lỗi. Bởi các ngài đã sống trọn vẹn tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho Hội thánh cũng như cho anh chị em của mình như Chúa Giêsu đã chết và sống lại cho và vì anh chị em của mình là chính mỗi người chúng ta. Như thế, đức tin mà chúng ta lãnh nhận có máu của các thánh tử đạo bởi có lời nói rằng: máu của các thánh tử đạo là hạt giống làm trổ sinh các người Kitô hữu.

Như anh chị em đã biết, ngày19/06/1988, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, nay là thánh Gioan Phaolô II đã tôn phong 117 vị chân phước tử đạo Việt nam lên hàng hiển thánh tại Rôma. Hay nói cách khác, Giáo hội đã ghi vào sổ bộ các thánh 117 vị thánh tử đạo Việt nam cho dù trong số họ có những người Pháp, Tây ban nha, Bồ đào nha và dĩ nhiên có người Việt nam nữa. Anh chị em có biết tại sao Hội thánh lại ấn định ngày lễ các Thánh tử đạo Việt nam vào ngày 24/11 hàng năm không? Thưa vào chính ngày 24/11/1960, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII, nay là thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã ký tông sắc thiết lập hàng giáo phẩm Việt nam. Từ đây các Đức Giám mục người Việt nam sẽ thay thế các Giám mục người ngoại quốc cai quản, chăm sóc và hướng dẫn Dân Chúa tại Việt nam. Và như thế, ngày 24/11/1960 là ngày sinh nhật của HĐGM Việt nam.

Cử hành lễ các thánh Tử đạo Việt nam hôm nay, anh chị em có bao giờ tự hỏi: đời sống đức tin của các ngài có liên hệ gì với đời sống đức tin của chúng ta hôm nay không? Và như thế nào? Thưa rằng, tất cả anh chị em chúng ta đây đều lãnh nhận đức tin có máu của các thánh tử đạo. Các thánh tử đạo là những chứng nhân của Thiên Chúa là Tình yêu và Thương xót. Bởi các ngài đã xác tín mạnh mẽ và vững chắc vào tình yêu của Thiên Chúa như lời thơ Rôma mà chúng ta vừa nghe: Không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, cho dù là đói rách, khốn khổ, gian truân, hiểm nguy, gươm giáo, bắt bớ. Các ngài đã luôn hướng về Chúa Kitô và để cho Thánh thần của Ngài tác động trong đời sống, chỉ huy hành động và soi sáng cuộc đời được cụ thể nơi đời sống của 117 vị thánh tử đạo được tôn phong. Con số những chứng nhân tử đạo vì đạo thánh Chúa trong khoảng 3 thế kỷ tại Việt nam đã lên tới hàng ngàn người. Như vậy tại sao chỉ có 117 vị được tuyên thánh mà thôi? Thưa là vì những vị này có đủ hồ sơ, chứng từ mà Giáo hội có thể làm bằng chứng chắc chắn và rõ ràng để xác định chính xác, chính họ là những người đã chịu chết vì đức tin vào Chúa Kitô. Trong số 117 vị, có những vị chết rũ tù và phần đông là đổ máu vì gươm vung và các hình thức xử tử khác nhau như: lăng trì, tùng xẻo (bá đao), tứ mã phân thây hay bị voi đạp cho đến chết. Anh chị em biết là trước khi bị xử tử, các thánh của chúng ta đã bị dụ dỗ, đe dọa dưới nhiều hình thức để buộc các ngài phải chối đạo bằng cách bước qua thập giá Chúa Kitô. Chúa đã ban ơn chịu khổ cho các ngài để các ngài trung tín cho đến hơi thở cuối cùng như lời tuyên xưng đức tin của thánh Kim Thông khi thưa cùng quan tỉnh rằng:  « Thánh giá tôi kính thờ, tôi giẫm lên sao được? » hay như thánh Emmanuel Phụng dặn các con của ngài khi trao cho họ ảnh Chúa Giêsu : « Con ơi, hãy nhận lấy kỷ vật cha trao lại: đây là ảnh Chúa Kitô, Chúa chúng ta, ảnh này quý hơn vàng bạc bội phần. » Tuy vậy, có vài vị đã sợ quá nên chối đạo nhưng sau đó lại sám hối và tuyên xưng đức tin, chấp nhận chịu chết vì đức tin. Anh chị em thấy đó, các thánh đã đứng về phía thập giá của Chúa Kitô và đã ôm lấy thập giá ấy bởi các ngài biết rõ giá trị của thập giá. Hay nói cách khác theo Tin mừng đó là: ai quý mạng sống mình thì sẽ mất nó; còn ai liều mất mạng sống vì Tin mừng thì sẽ giữ được nó cho đến muôn đời. Giẫm trên thập giá, hay bước qua thập giá chính là chối bỏ đức tin, chối bỏ Chúa Kitô. Một vị đã nói : « Tôi cả đời rao giảng về thập giá Chúa Kitô, làm sao tôi có thể chối bỏ thập giá được ? » Có vị tuyên bố : Chúng tôi không phạm tội ác, không chống lại lệnh vua, không lỗi luật nước. Chúng tôi chết chỉ vì là Kitô hữu » (thánh Phaolô Khoan). Anh chị em vẫn có thể đặt câu hỏi: điều gì làm nên việc tử đạo của các người kitô hữu? Có phải là các hình khổ ghê rợn như tùng xảo, tra tấn dã man, tứ mã phân thây…không? Thưa không phải vậy đâu! Điều làm nên việc tử đạo chính là tình yêu của các vị dành cho Thiên Chúa Cha và Chúa Giêsu Kitô. Chính tình yêu làm cho các chứng nhân tử đạo trở nên giống Chúa Giêsu hơn cả như lời Chúa nói: không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình vì người mình yêu; nếu hạt lúa mì không chết đi không thối đi thì không thể sinh nhiều bông hạt như lời Tin mừng hôm nay.

 

Anh chị em thân mến,

Ngày nay chúng ta không còn bị ép buộc chối đạo, không bị bách hại như cha ông chúng ta nếu không muốn nói là chúng ta được thoải mái sống đức tin hơn các vị hồi xưa nhiều, thì chúng ta phải sống đức tin như thế nào? Thưa, tinh thần tử đạo và đời sống chứng nhân cho Tin mừng của các thánh luôn động viên chúng ta để chúng ta có thể can đảm đối diện và vượt qua những dễ dãi, cám dỗ nhiều khi rất ngọt ngào; đối diện với những ích kỷ dưới nhiều hình thức, của thói tham lam, đố kỵ, ghen ghét nằm sâu trong mỗi người mà đôi khi chúng ta không muốn chấp nhận là sự thật nơi bản thân. Ngày nay, cuộc sống con người được nâng cao hơn, có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để thăng tiến đồng thời chúng ta cũng nhận thấy: sự ích kỷ trong con người cũng tăng theo cấp số nhân. Với thói ích kỷ chi phối mạnh mẽ đưa tới những cách sống, các suy nghĩ: cá nhân chủ nghĩa, thích hưởng thụ và đòi hỏi, sống đời sống của nền văn minh sự chết: bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, vô tâm vô cảm, bất công, hận thù, chán nản, mất niềm hy vọng…Đối diện với đám mây đen này, có bao giờ anh chị em thấy mình cũng đã góp phần tạo thêm bóng tối trong xã hội không? Có bao giờ, anh chị em được thúc đẩy phải mang lấy phần trách nhiệm cải tạo xã hội bằng một đời sống thấm đẫm những giá trị của Tin mừng không?

Đức Maria, Mẹ chúng ta được Giáo hội tôn phong là Nữ vương các thánh tử đạo dù Mẹ không phải đổ máu vì đức tin. Cùng với Mẹ, chúng ta sống tinh thần tử đạo chính là sống làm chứng cho Chúa Kitô khi mỗi người luôn sống những giá trị của Tin mừng là 8 mối phúc mỗi ngày: bác ái, hiền lành, tha thứ, xây dựng và trao ban bình an, lòng thương xót... Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria và các thánh tử đạo Việt nam, xin Chúa củng cố đức tin, đổ thêm tình yêu và sức mạnh của Chúa là Chúa Thánh thần đầy lòng chúng con, giúp chúng con sống làm chứng cho Chúa Kitô trong từng suy nghĩ, việc làm trong đời sống hàng ngày của chúng con. Amen.



 

Lm. Phêrô Trần Trọng Khương

TẬN THẾ LÀ CỦA CHÚA, KIÊN TRÌ LÀ CỦA TÔI

(Lc 21,5-19)
 

Sự kiện ngày tận thế luôn là chủ đề nóng bỏng cho óc hiếu kỳ, tò mò của rất nhiều người. Những tiên báo, những dự ngôn, những lời tiên tri, những biến cố: Chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai, đại họa… là ngay tức khắc dấy lên lời đồn đoán: Sắp tận thế.

Ngày tận thế là có thật. Chúa Giêsu đã nói đến điều này trong bài Tin Mừng. Các nhà khoa học cũng đã tính toán được khoản thời gian sẽ kết thúc sự sống trên trái đất, đó là ngày mà mặt trời không còn cháy sáng, không còn sưởi ấm địa cầu nữa, trái đất sẽ chìm vào băng giá, tăm tối và …. Sự sống kết thúc.

Theo tính toán của các nhà khoa học, mặt trời đã cháy sáng được 4,6 tỷ năm, và nó chỉ còn cháy sáng khoản 5 tỷ năm nữa, khi đó mặt trời sẽ cạn nhiên liệu và đi đến giai đoạn cuối của ngôi sao chết.

5 tỷ năm nữa. Con số quá lớn, quá dài, quá xa, quá lâu. Không biết bao nhiêu thế hệ loài người nữa mới đến được khoảnh khắc đó? Nhưng không có nghĩa là không có. Không có nghĩa là không xảy ra. Không có nghĩa là không đến.

Con người tính toán thời gian có thể diễn ra tận thế là như vậy, nhưng Thiên Chúa có thừa quyền năng để cho tận thế ngay tức thì, hoặc là kéo dài hơn nữa, vài chục tỷ năm chẳng hạn. Thánh ý nhiệm mầu của Chúa con người không thể dò thấu được.

Dẫn chứng như vậy để thấy rằng: Tận thế là thật. Nhưng thời gian chính xác xảy ra thì không ai biết được ngoại trừ Thiên Chúa. Vậy có thể kết luận: Tận thế là việc của Chúa. Bởi vì con người không thể can thiệp vào biến cố này được. Nó thuộc quyền sở hữu tối thượng của Thiên Chúa.

Con người không can dự vào biến cố tận thế, nhưng có liên quan trực tiếp đến biến cố này. Bởi vì: Tận thế là kết thúc sự sống trên trần gian của loài người. Điều đáng quan tâm hơn, là đừng để tận thế diễn ra đối với linh hồn. Tận thế đối với linh hồn là phải trầm luân hỏa ngục vĩnh viễn.

Tận thế trên địa cầu là biến cố con người không thể ngăn cản, không thể can thiệp được, nhưng tận thế linh hồn của mỗi người thì hoàn toàn có thể điều chỉnh và tránh được. Một trong nhiều cách để tránh linh hồn khỏi phải sa vào cõi chết ở hỏa ngục đó là: Kiên trì.

Chúa Giêsu dạy, có kiên trì anh em mới giữ được mạng sống mình. Kiên trì trong đời sống đức tin vào Chúa. Kiên trì trong bổn phận nghĩa vụ của đời sống mà mình đang sống. Làm chồng cho ra chồng, làm mẹ cho tròn chữ mẹ, làm ông làm bà cho gương mẫu, làm con cho tròn chữ hiếu, làm công dân thì phải chấp hành luật pháp quốc gia, làm lãnh đạo quan chức thì liêm chính công minh chí công vô tư lợi, là Kitô hữu thì trung tín trong đời sống đức tin, là linh mục tu sĩ nam nữ thì kiên trì sống cho đến cùng qua lời tuyên khấn của mình…. Cứ thế mà kiên trì.

Tất cả mọi sự, mọi việc… đều phải kiên trì cho đến cùng. Để sống và hoạt động theo tinh thần kiên trì là không phải dễ, nó đòi bản thân phải vượt thắng chính mình. Tâm lý bình thường, con người dễ buông xuôi bỏ cuộc, mặc cho cuộc đời thế sự và số phận quyết định.

Giáo huấn của Chúa Giêsu không cho phép như vậy, Chúa thúc giục sự kiên trì. Muốn kiên trì phải có ý chí, nghị lực, can đảm, khôn ngoan cùng sức mạnh. Không chỉ là sức mạnh cơ bắp, nhưng quan trọng hơn là sức mạnh từ bên trong, đó được gọi là nội lực. Nội lực là sự tổng hợp của ý chí, nghị lực, can đảm, khôn ngoan, tín thác và sức mạnh.

Có kiên trì mới hy vọng thoát được lưới tận thế hỏa ngục chụp xuống linh hồn.

Tận thế là việc của Chúa, còn kiên trì là việc của tôi và bạn phải thực hiện cho đến tận thế.

 

 

 

 

 TỬ ĐẠO THỜI NAY

Người Công giáo tại Việt Nam đã trải qua thời gian kéo dài đến vài trăm năm sống trong cảnh bị chèn ép, bắt bớ, giết hại vì đạo của mình. Thời kỳ tử đạo này nay không còn nữa, nó đã trở thành dấu ấn của lịch sử phát triển Đạo Công giáo tại Việt Nam. Hoa trái của giai đoạn đau thương này là biết bao mẫu gương của các vị anh hùng tử đạo.

Chết ngay tức khắc vì dám tuyên xưng đức tin của mình. Đó là đặc tính của tử đạo ngày xưa. Trong tích tắc một người giáo dân bình thường trở thành thánh ngay tức thì, mà không cần phải có thời gian nên thánh. Cần ơn can đảm tuyên xưng đức tin và … Đầu lìa khỏi cổ: Đúng là tử vì đạo rõ ràng nhất, không thể chối cãi được.

Các vị anh hùng tử đạo được Hội thánh tuyên phong hiển thánh là lẽ đương nhiên, bởi vì các ngài đã dùng mạng sống của mình để đảm bảo chắc chắn cho đức tin mà mình đã lãnh nhận. Đổ máu mất mạng, là hình thức tử đạo ngày xưa. Ngày nay vẫn còn tử đạo theo kiểu đổ máu mất mạng ở một vài nơi trên thế giới, nhưng xem ra không còn phổ biến nữa.

Không còn phổ biến vì nhiều lý do, trong đó lý do lớn nhất là tiếng nói của thế giới của mọi người cổ võ ủng hộ quyền tự do thực hành niềm tin tôn giáo của mỗi người. Nhờ vậy mà việc bắt đạo, lùng giết các Kitô hữu, các tín hữu không còn nữa. Các sắc chỉ bắt đạo mãi mãi đi vào lịch sử, và dám chắc không một quốc gia nào ban hành những quyết định bắt đạo đối với bất kỳ một tôn giáo nào nữa. Thời kỳ bắt đạo đã qua rồi.

Vậy thời nay có còn tử đạo nữa không? Câu trả lời là có, nhưng việc bắt đạo và tử vì đạo tinh vi hơn. Nói chính xác là: Bắt đạo tinh tế hơn, tử vì đạo nhẹ nhàn hơn. Cái chết vì đạo thời nay là cái chết từ từ. Việc bắt đạo không cần dùng vũ lực nhưng là dùng “mồi ngon có tẩm thuốc độc” để chiêu dụ người tín đồ rời bỏ đức tin của mình, mà bản thân đương sự cũng không hay biết.

Tử vì đạo - Cái chết từ từ vì đạo của mình: Phải nhìn nhận một điều rằng việc giữ đạo, sống đạo trong bối cảnh xã hội ngày nay là khó bởi vì: Sức hấp dẫn của thế giới trần tục vượt trội mọi mặt so với sức hấp dẫn từ nhà thờ. Nghe một đoạn hài độc thoại hấp dẫn hơn bài giảng của vị linh mục. Đến nhà thờ một giờ đồng hồ, chán hơn nhiều so với xem một trận bóng đá…

Đạo không mang đến sự hấp dẫn, nhưng mang đến giải thoát. Trong khi xu hướng con người thời nay sống cho những nhu cầu hơn là cho những giá trị vĩnh hằng. Vì thế, diễn ra sự giằng co ngay trong đời sống của người tín hữu. Sự giằng co đó là bên đạo bên đời, bên thế gian bên thiêng đàng, giằng co giữa giáo huấn của Hội thánh và chỉ dẫn của thế gian, giằng co trong chọn lựa giữa thực tế cuộc sống và hạnh phúc đời sau, giằng co giữa sống cho hạnh phúc của bản thân hay là tan cháy đi cho hạnh phúc của tha nhân.

Đúng là sống đạo và giữ đạo thời nay là khó. Vì khó, vì giằng co, vì lựa chọn, vì ưu tiên mà bào mòn dần mạng sống của Kitô hữu. Càng ưu tiên cho Đức tin của mình thì dường như càng bị thế giới và đồng loại bỏ lại phía sau, trở nên lạc hậu lỗi thời trong khi nhiều quan điểm cấp tiến của nhân loại đang tiến ào ào về phía trước nhưng lại trái với luân lý Công giáo.

Chẳng hạn như: Hôn nhân đồng tính, sinh con trong ống nghiệm mà không cần phải kết hợp vợ chồng, những vấn đề đạo đức trên không gian mạng, đạo đức máy tính, trí thông minh nhân tạo, đạo đức sinh học… Và còn biết bao vấn nạn khác nữa mà Giáo hội và người giáo dân đang phải đối diện. Trong bối cảnh như vậy, đức tin của người Kitô hữu đang bị bóp chết từ từ. Giữ vững đức tin trong hoàn cảnh này xem ra khó hơn giữ vững đức tin trong hoàn cảnh bị bớ.

Có thể nói: Giữ đạo theo kiểu bình yên quỳ gối lần chuỗi đọc kinh, khuyên răn người khác làm lành lánh dữ, Hãy như thế này, hãy như thế kia… Đã trở thành một điều gì đó nhàm chán. Nhàm chán bởi vì người giáo dân thời đại ngày nay họ phải đối diện với những giằng co và chọn lựa, đối diện với những ưu tiên và thứ bậc, đối diện với những vấn nạn và vấn đề mới phát sinh hằng ngày trong cuộc sống. Trong hoàn cảnh như vậy, sống đức tin, thực hành đức tin là cả một cố gắng hao mòn sinh lực của chính mình.

Bắt đạo bằng mồi ngon có tẩm thuốc độc: Ngày xưa bắt đạo bằng vũ lực, thì ngày nay việc bắt đạo tinh tế hơn là dùng mồi ngon để nhử. Chiêu thức này tạo cảm giác an toàn, bình an, hạnh phúc nhưng chết lúc nào không hay.

Miếng mồi ngon đó là: Tiền – Mọi sự quy ra tiền. Tuyên truyền sức mạnh của đồng tiền giải quyết được mọi vấn đề. Tất cả mọi ngóc ngách trong cuộc sống con người đồng tiền len lỏi và ngự trị như vị chúa tể.

Sự giàu có, sung sướng cho thân xác luôn là chọn lựa ưu tiên trong cuộc sống. Cả thế giới tạo thành một hệ thống cung ứng cho nhu cầu tạo ra thật nhiều tiền của, và trở thành quốc sách cho hầu hết mọi quốc gia. Dân giàu nước mạnh xã hội dân chủ công bằng văn minh, luôn là khẩu hiệu tốt cho đời sống thân xác, nhưng xem ra có vẻ chưa ổn lắm cho phần rỗi linh hồn. Đáng lý ra phải là: Dân giàu nước mạnh xã hội dân chủ công bằng văn minh đạo đức. Đó là sự tinh vi của bắt đạo thời nay.

Thời xưa người Kitô hữu bị bắt và vì không chịu nỗi những cực hình tra tấn có thể đã lung lay đức tin, thì ngày nay không có cực hình nào tra tấn người tín hữu nhưng trái lại dùng sự sung sướng, sức hấp dẫn của tiện nghi vật chất để làm cho người giáo dân xao nhãng dần đức tin của mình, và đến lúc nào đó sẽ ngụi hẳn và mất đức tin. Đúng là: Tự mình bách hại mình mà không cần phải có ai ra tay bắt bớ.

Sống giữa thế giới đầy rủi ro như vậy. Hít thở bầu khí đầy mùi kim tiền như vậy mà vẫn giữ vững được đức tin của mình là tử vì đạo. Cái chết từ từ và xâu xé giằng co trong tâm hồn.

Lạy Chúa xin ban thêm sức mạnh, ơn can đảm, sức chịu đựng, lòng trung thành để chúng con có thể giữ vững đức tin trong hoàn cảnh hiện nay. Xin các thánh Tử đạo Việt Nam phù hộ chúng con. Amen.






Tâm Thư

NIỀM TIN VÀO SỰ SỐNG ĐỜI SAU

Bài đọc 1 sách Macabê quyển thứ hai trình thuật, nhà Macabê trỗi dậy chống đế quốc Rôma nhằm tái lập nền phụng tự cho đền thờ Giêrusalem. Cuộc cách mạng riêng lẻ không mang lại kết quả. Nhà Macabê bị vua Antiôkhô bắt, đánh đập và buộc ăn thịt heo, là thức ăn luật Môsê cấm. Các con nhà Macabê thà chịu chết chứ không làm trái lề luật. Khi chuẩn bị hành hình, người mẹ đã khuyên các con: “Mẹ không rõ các con thành hình trong lòng mẹ thế nào… không phải mẹ ban cho các con thần khí và sự sống… chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người… chính Người do lòng thương xót cũng trả lại cho các con thần khí và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng lề Luật của Người hơn bản thân….” Và bà khuyên người con út: “con đừng sợ tên đau phủ này, nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con mà chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả lại các con cho mẹ.” Nhà Macabê can đảm chấp nhận tử đạo vì tin vào sự sống đời sau, tin rằng con người sẽ sống lại.

Niềm tin ấy cũng được các thánh tử đạo tại Việt Nam viết thành trang sử hào hùng. Các ngài  sống đức tin bằng việc tuân giữ những điều Đức Giêsu truyền dạy: “Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo…. Ai liều mất mạng sống vì tôi thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” Hành trình theo Đức Giêsu là hành trình từ bỏ và đón nhận. Từ bỏ ý riêng, từ bỏ những ham muốn của kiếp người để đón lấy ý chúa, phục vụ trong bác ái và yêu thương.

Các anh hùng tử đạo tại Việt Nam đã sống như thế. Các ngài đã từ bỏ gia đình, làng quê, từ bỏ của cải vật chất, khát vọng vinh hoa để chấp nhận bị bắt bớ, tù đầy, chấp nhận đòn roi, chấp nhận cái chết thảm hình để làm chứng cho Chúa, làm chứng cho tình yêu của Đức Kitô và làm chứng cho niềm tin vào sự sống lại. Giữa hàng vạn người tử đạo, có 118 anh hùng được lưu danh, trong số này có 76 vị bị xử trảm, 22 vị bị xử giảo, 9 vị chết rũ tù, 6 vị bị thiêu sống, 4 vị bị chặt chân tay và 1 vị bị bá đao.

Cha Phêrô Nguyễn Văn Lựu bị bắt khi cải trang thành người nông dân vào tù thăm bổn đạo. Quan tuần án buộc cha bước qua thập giá để chối bỏ niềm tin, nhưng cha trả lời: Đạo đã thấm nhập vào trong xương tủy, tôi làm sao bỏ được. Vả lại một người giáo hữu thường, một thày giảng còn không có quyền bỏ đạo, huống nữa tôi đây là đạo trưởng.” Anê Lê Thị Thành là một người đàn bà chân chất bị bắt vì chứa chấp giáo sĩ. Trong lao tù cực hình, mình đầy thương tích vẫn mỉm cười bảo với con của mình: Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc? Còn ngư phủ Đaminh Toại bị bắt vì theo Gia Tô Tả Đạo, quan quyền buộc ông bước qua thập giá để chối bỏ Chúa. Người đàn ông ngăm đen trả lời: “Tôi không bao giờ bỏ đạo, không bao giờ bước qua ảnh tượng Chúa. Tôi sẵn lòng chịu mọi hình khổ ở đời này để giữ lòng trung thành yêu mến Chúa.” Sau lời tuyên xưng đó, Đaminh Toại bị thiêu sống.

Chân dung của các vị tử đạo làm chúng ta nhớ lời thánh Phaolo trong thư gửi tín hữu Rôma: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?...Nhưng trong mọi thử thách chúng ta chiến thắng nhờ Đấng  yêu mến chúng ta.” Và như thế “không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô.” Các chứng nhân anh dũng đã xứng đáng nhận vòng hoa chiến thắng, nhận lấy sự sống muôn đời.

Ước gì qua gương các thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta can đảm sống chứng nhân của Chúa với niềm tin, tình yêu thương và lòng bao dung với mọi người, để trong ngày sau hết chúng ta được phục sinh với Đức Kitô.

 




Tôma Lê Duy Khang
 

Bài 1

Trong bài giảng Chúa nhật thứ 23 thường niên năm C được đăng trên trang Giáo phận Mỹ tho, Đức Cha Phêrô chia sẻ: “Có nhà lãnh đạo nào muốn người ta theo mình mà lại tuyên bố: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,27)? Có nhà thuyết giảng nào muốn người ta theo mình mà lại đòi hỏi: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,26)?”

Khi đặt câu hỏi như thế, Đức Cha nói thêm: “Chúa Giêsu rõ ràng là nhà lãnh đạo không giống ai, chẳng trách Đường Phúc Âm của Ngài là “con đường ít ai đi”! Thực tế đó cho thấy Chúa Giêsu nhấn mạnh đến phẩm chất hơn số lượng. Khi Chúa trút hơi thở cuối cùng trên thập giá, chỉ còn một nhóm rất nhỏ tin vào Ngài.”

Theo như lời Đức Cha thì con đường phúc âm của Chúa ít ai đi, ít ai đi nghĩa là cũng có người đi chứ không phải là không có, vậy những người đó là ai?

Cũng vậy, trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo,” chúng ta thấy lời dạy của Chúa Giêsu là khó thực hiện. Mặc dù vậy, vẫn có người thực hiện được, vậy người thực hiện được điều Chúa dạy là ai?

Chúng ta không tìm đâu xa, chúng ta chỉ cần dựa vào các bài đọc Lời Chúa, cũng như nhìn vào ngày lễ hôm nay thì sẽ thấy được số ít người đi theo Chúa, số ít người thực hiện được Lời Chúa dạy là ai.

Cụ thể trong bài đọc Cựu Ước, trích sách Macabê quyển thứ 2, chúng ta thấy được mẫu gương của bà mẹ có 7 người con bị vua Antiokhô bắt họ ăn thịt heo.

Chúng ta biết trên cuộc đời này không có bà mẹ nào mà không thương con, nhất là những đứa con mà mình mang nặng đẻ đau, thế nhưng Kinh thánh trình bày, khi bà mẹ thấy những người con của mình bị dụ dỗ, bị bắt ăn thịt heo, rồi vua cho đánh đập họ, người mẹ này vẫn một mực trung thành với lề luật.

Bà đã không khuyên các con hãy ăn thịt heo để được sống, nhưng bà khuyên các con của bà như thế này: “Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con hơi thở và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con hơi thở và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình” (2Mcb 7,22-23).

Sau đó bà còn khuyện người con trai út: “Con ơi, con hãy thương mẹ: chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, mẹ đã nuôi nấng dạy dỗ con đến ngần này tuổi đầu. Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy. Con đừng sợ tên đao phủ này; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con, mà chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ” (Mcb 7,27-29).

Rồi trong ngày lễ hôm nay, chúng ta thấy được mẫu gương của các thánh tử đạo nói riêng, cũng như mẫu gương của những anh hùng tử đạo nói chung (những anh hùng tử đạo là những vị đã anh dũng hy sinh vì chính đạo, mà chưa được phong thánh, có thể nói đây là những vị thánh bình dân), các ngài đã sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình để làm chứng cho Chúa.

Thánh Phêro Nguyễn Văn Lựu: “Đạo đã thấm vào xương tủy tôi, một người bình thường không thể bỏ được, huống chi tôi là đạo trưởng.”

Thánh Phaolo Lê Bảo Tịnh: “Thân xác tôi ở trong tay quan, quan muốn làm khổ thế nào tùy ý, nhưng linh hồn tôi là của Chúa, không có gì khiến tôi hy sinh nó được.”

John Ven (Jean Théophane Vénard): “Tôi đã suốt đời thuyết giảng về đạo thập giá, nay tôi lại đạp lên thập giá thế nào được? Tôi thiết nghĩ sự sống đời này đâu quí hoá đến độ tôi phải bỏ đạo mà mua!”

Lạy Mẹ Vô Nhiễm, khi đầu con rơi xuống dưới lưỡi gươm của lý hình, xin nhận lấy tôi tớ nhỏ bé như trái nho chín được hái, như bông hồng nở rộ được ngắt về dâng kính trên bàn thờ. Ave-Maria.”

Anê Lê Thị Thành (Ðệ): “Con đừng khóc nữa, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc?”

“Con chuyển lời mẹ nói với các anh chị em con: Hãy coi sóc việc nhà, giữ đạo sốt sắng, đọc kinh sáng tối, dâng lễ mỗi ngày, cầu nguyện cho mẹ vác thánh giá Chúa đến cùng. Chẳng bao lâu mẹ con ta sẽ đoàn tụ trên Nước Thiên đàng.”

Phêrô Ðoàn Công Quý: “Dù trăng trói, gông cùm tù rạc, Chén ngục hình xiềng tỏa chi nề, Miễn vui lòng cam chịu một bề, Cho trọn đạo trung thần hiếu tử” (xem thêm tại: http://conggiao.info/nhung-cau-noi-bat-hu-cua-cac-thanh-tu-dao-viet-nam-d-38205).

Nên chúng ta thấy, dù Lời Chúa dạy khó thực hiện, thế những vẫn có người đã thực hiện, vẫn có người sống được điều Chúa dạy.

Tại sao các ngài lại có thể thực hiện được điều Chúa dạy? Thưa vì các ngài có lòng yêu mến Chúa, nói theo ngôn ngữ của thánh Phaolo tông đồ: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?”  Nghĩa là khi sống trong chế độ tình yêu của Chúa, thì có thể vượt qua được tất cả.

Nói theo ngôn ngữ của nhà thần học John Henry Newman, thì có hai thứ ưng thuận: ưng thuận trên danh nghĩa và ưng thuận đích thực.

Ưng thuận trên danh nghĩa là chúng ta chấp thuận một điều nào đó nhưng trong thực tế, điều đó không có chút tác động nào lên đời sống của mình.

Còn ưng thuận đích thực là sự chấp thuận một điều và điều ấy có khả năng tác động lên toàn bộ con người và cuộc sống của chúng ta.

Các thánh tử đạo Việt Nam là những vị có sự ưng thuận đích thực, một khi đã theo Chúa, đã tin Chúa, thì trung thành với đức tin của mình cho đến cùng, dù có phải hy sinh mạng sống của mình.

Noi gương các thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta thấy lời Chúa dạy tuy khó, tuy chỉ có một số ít người đi theo và sống được, các thánh tử đạo là những người thuộc vào trong số ít đó, vì các ngài có lòng yêu mến Chúa, vì các ngài có sự ưng thuận đích thực. Xin cho mỗi người chúng ta có được lòng yêu mến Chúa, có được sự ưng thuận đích thực để có thể trung thành đi theo Chúa đến cùng, để số ít đi theo Chúa không còn là số ít nữa, mà trở thành số nhiều. Amen.

 

Bài 2

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo tôi.” Chúng ta thấy đòi hỏi của Chúa quá khắt khe.

Vậy câu hỏi đặt ra cho mỗi người chúng ta đó là đi theo Chúa để được cái gì, mà lại bị đòi hỏi khắt khe như vậy?

Đọc lại Kinh thánh, chúng ta thấy chính các tông đồ của Chúa cũng hỏi như vậy, cụ thể là thánh Phêrô: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” (Mt 19, 27).

Sở dĩ thánh nhân hỏi như thế là vì có anh thanh niên đến hỏi Chúa Giêsu làm thế nào để có sự sống đời đời. Và Chúa Giêsu đã chỉ cho anh ta là phải biết tuân giữ các giới răn: “Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng dối. Hãy thảo kính cha mẹ và yêu thương kẻ khác như chính mình.”

Anh thanh niên nói những điều đó anh đã giữ từ thuở bé, và hỏi còn thiếu điều gì nữa chăng? Chúa Giêsu trả lời: “Nếu ngươi muốn nên trọn lành, hãy bán tất cả của cải ngươi có mà bố thí cho người nghèo, thì ngươi sẽ có một kho tàng trên trời, rồi hãy đến mà theo Ta.” Nghe những lời này, anh thanh niên buồn bã bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.

Dựa vào câu hỏi của anh thanh niên rằng làm thế nào để có được sự sống đời đời, chúng ta biết được: đi theo Chúa, vác thập giá, từ bỏ mọi sự mà theo Chúa thì sẽ có được sự sống đời đời.

Và chính Chúa cũng xác nhận lại điều đó: “Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự toà vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Ítraen. Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp.” (Mt 19, 28-29).

Đó là cái nhìn đức tin, còn trong đời sống thực thế, chúng ta cũng thử đặt câu hỏi theo Chúa để làm gì?

Có một bài viết với tựa đề Tại sao người Công giáo chúng ta phải đi lễ Chúa nhật chia sẻ như thế này:

Một độc giả viết thư cho chủ bút của một tờ nhật báo và phàn nàn rằng: “Thật là vô nghĩa khi tôi phải đi lễ vào mỗi ngày Chúa Nhật. Tôi đã đi lễ hơn 30 năm nay, và tôi được nghe khoảng 3 ngàn bài giảng. Tuy nhiên, tôi chẳng nhớ lấy một bài giảng nào hết. Vì thế, tôi nghĩ rằng mình đã phí thì giờ để đến nghe giảng, và các Linh mục đã phí thì giờ vì phải soạn bài giảng!”

Thế là lời phàn nàn của ông trở thành một đề tài nóng bỏng cho mọi người. Rất nhiều người khác viết thư về toà báo để tranh luận. Việc tranh cãi này kéo dài đến hàng tuần, cho đến khi có một người viết thư để trả lời cho người phàn nàn kia rằng:

“Tôi đã làm đám cưới trên 30 năm nay. Cho đến bây giờ, vợ tôi đã nấu ăn đến trên 32 ngàn bữa cơm cho gia đình tôi. Trong đời sống, tôi không thể nhớ hết các thực đơn mà vợ tôi đã làm, nhưng tôi biết chắc một điều là: Các món ăn ấy đã nuôi dưỡng và cho tôi sức mạnh cần thiết để làm việc. Nếu tôi không được ăn thì tôi đã chết về phần xác từ lâu rồi. Tương tự như vậy, nếu tôi không đi dự Thánh lễ hàng ngày và hàng tuần để nghe Lời Chúa và Chịu Mình và Máu Thánh Chúa thì đời sống tâm linh của tôi cũng đói khát. Cuối cùng, linh hồn tôi sẽ tàn héo và chết đi! Đó là lợi ích của việc đi theo Chúa.”

Như vậy, vấn đề đặt ra với mỗi người chúng ta, khi từ bỏ mọi sự, khi vác thập giá để đi theo Chúa, và kết quả là sẽ có được sự sống đời đời, đó có phải là một kiểu tương quan công bằng có qua có lại hay không?

Chúng ta không nên hiểu như vậy, nhưng chúng ta phải hiểu đó là sự cộng tác của con người, con người từ bỏ mọi sự đi theo Chúa là đáp lại tình thương của Chúa dành cho mình.

Chúng ta biết, trong tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng của Michelangelo trên trần Nhà nguyện Sistine ở Vatican, tại sao ngón tay của Thiên Chúa và Adam không chạm vào nhau không?

Trong bức tranh, ngón tay của Chúa được vươn ra tối đa, nhưng ngón tay của Adam là điểm cuối. Chỉ cần Adam giương ngón tay lên là con người và Thiên Chúa chạm vào nhau.

Người ta giải thích rằng Chúa luôn ở đó, nhưng người quyết định đến gần Ngài hay không lại chính là con người. Nếu một người muốn chạm vào Thượng Đế, người đó sẽ muốn giương ngón tay của mình ra, nhưng bằng cách thu lại ngón tay, con người có thể sống cả đời mà không cần tìm kiếm Thượng Đế.

Điều này tượng trưng cho ý chí tự do của con người, họ có thể khước từ hoặc mở lòng để đón nhận Chúa. Nói như thánh Augustino: “CHÚA dựng nên con không cần ý con, nhưng để cứu độ con, chúa cần sự cộng tác của con.” Và chúng ta cũng có thể hiểu, khi con người giương ngón tay ra để chạm vào ngón tay Thiên Chúa, là con người đang đáp lại tình thương của Chúa dành cho mình, chứ không có thể hiểu theo nghĩa công bằng được.

Hiểu được như vậy, chúng ta mới thấy sở dĩ các thánh tử đạo Việt Nam dám hy sinh mạng sống của mình để đi theo Chúa là vì các ngài yêu mến Chúa, và hành động hy sinh từ bỏ của các ngài là đang đáp lại tình thương của Chúa dành cho mình.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết noi gương các thánh tử đạo, để đáp lại tình thương của Chúa dành cho chúng ta, để trong ngày sau hết chúng ta được ở trong tình thương của Chúa, ở trong vương quốc tình yêu của Ngài. Amen.

 


 

Bài 3

(Ml 3,19-20A; 2Tx 3,7-12; Lc 21,5-19)

Chắc ai trong chúng ta cũng nghe và cảm nghiệm được câu nói “thời thế tạo anh hùng,nói về những người trước kia chỉ là người bình thường, nhưng do một biến cố nào đó biết tận dụng cơ hội nên trở thành nổi tiếng.

Trong chuyện cổ tích Việt Nam của chúng ta có chuyện Thạch Sùng, trước kia chỉ là một người ăn mày vô danh tiểu tốt, nhưng do thời thế, năm đó lũ lụt đến bất ngờ không ai chuẩn bị gì hết, còn anh thì biết chuyện nên đã tích trữ gạo và bán ra với giá cao nên trở thành giàu có.

Hoặc là nếu chúng ta xem phim Hồng Kông cũng vậy, có những nhân vật tầm thường chẳng biết gì về võ công, nhưng một khi bị té núi, hay giúp đỡ một cao nhân nào đó thì được truyền thụ võ công trở thành cao thủ võ lâm.

Một vài suy nghĩ như thế, chúng ta trở về với trang Tin Mừng hôm nay vời lời của Chúa Giêsu: “Người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con đến các hội đường và ngục tù, điệu các con đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh thầy: các con sẽ có dịp làm chứng về thầy.” Đây có phải là cơ hội để tạo nên cho chúng ta một tương lai tươi sáng như đã nói hay không?

Nếu nhìn dưới con mắt đời thường, thì như lời Chúa nói, đây quả là một sự thất bại nặng nề, bởi vì anh hùng đâu chẳng thấy, lợi lộc đâu chẳng thấy, chỉ thấy sắp chết tới nơi, bị người khác khinh chê phỉ nhổ.

Nhưng nếu nhìn dưới con mắt đức tin thì, khi sống được điều đó mỗi người chúng ta đã và đang trở thành anh hùng trước mặt Chúa, được Chúa ân thưởng trên quê trời.

Trong thực tế, các môn đệ đã sống và thực hành điều đó. Phêrô và Gioan bị bắt và bị điệu ra trước Công nghị Do thái, các ngài chẳng những không buồn phiền, lo sợ, mà còn hân hoan, vui vẻ, vì nhờ đó có dịp để nói về Chúa Giêsu cho người khác. Phaolô bị bắt và bị xét xử, ngài cũng mạnh dạn nói về Chúa Giêsu cho các nhân vật cỡ lớn, như Tổng trấn Felix, Festo, và cả vua Herode Agrippa nữa.

Nhưng cái gì đã tạo ra sự biến đổi nơi các môn đệ, cũng là bắt bớ, bách hại mà có người cho là thất bại, người khác lại cho là cơ may? Thánh Augustino giải thích: “cuộc sống con người là sự xung đột giữa hai tình yêu: yêu Chúa đến độ khinh mình, hoặc yêu mình đến coi rẻ Thiên Chúa.”

Nếu tôi yêu mình đến coi rẻ Thiên Chúa thì dĩ nhiên tôi sẽ bám vào những gì tôi cho là sung sướng ở trần gian, như tiền bạc, danh vọng, sắc đẹp, và khi bị bắt bớ, tôi bị mất tất cả, lúc đó, bắt bớ bị coi là thất bại. Đó là con mắt của người đời.

Nhưng nếu tôi yêu Chúa đến độ coi thường bản thân, thì có bị bắt bớ vì Chúa, cũng chẳng mất mát gì; người ta có thể lấy tiền bạc, danh vọng, địa vị của tôi, chứ không thể lấy mất Chúa của tôi được, và đó còn là dịp để tôi rao giảng về Chúa cho họ là khác. Do đó, chẳng sợ gì hết, chỉ sợ tôi mà thôi; điều căn bản là tình yêu đối với Chúa, nó làm thay đổi cuộc đời. Nếu nhìn ra được thì đó là con mắt của đức tin.

Thật vậy, muốn biết chúng ta có yêu Chúa hay không, cứ nhìn vào cuộc sống hằng ngày xem chúng ta có dám vì Chúa mà can đảm khước từ những đam mê bất chính, những tham vọng không hợp ý Chúa, những thú vui không đẹp lòng Chúa, cho dẫu có vì thế chúng ta phải nghèo túng, phải vất vả hay không? Nếu trong cuộc sống, chúng ta dám hy sinh tất cả vì Chúa, lúc đó chúng ta mới có thể coi trường hợp bị bắt bớ vì Chúa là cơ hội để làm chứng cho Chúa, cơ hội để trở thành anh hùng dưới con mắt đức tin.

Xin Chúa cho chúng ta được luôn mạnh mẽ trong niềm xác tín đó, và sẵn sàng làm chứng cho Chúa trong bất cứ cảnh huống nào của cuộc đời. Amen.