18/11/2022
795
Bài giảng Chúa Nhật XXXIV TN: Đức Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ - Giáo phận Mỹ Tho

















 

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa nhật 34 Thường Niên C

Đức Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ

(2Sm 5,1-3; Cl 1,12-20; Lc 23,35-43)
 

Lm Trần Phúc
 

Hôm nay Giáo Hội suy tôn Vua Giêsu của mình. Một vị vua không giống ai nhưng lại là Vua vũ trụ. Vị Vua này không giống ai vì ngai báu của Ngài là thập giá, triều thiên của Ngài là mão gai, cẩm bào của Ngài là thân xác bầm giập không chỗ nào lành. Thế nhưng, Giáo Hội suy tôn vị Vua khốn khổ đó. Nhưng Ngài mới thật là Vua vì Ngài không chỉ là vua một nước mà là Vua toàn thể vũ trụ, vì vũ trụ nầy chính là sản phẩm tay Ngài tạo nên. Thánh Phaolô, trong thư gởi giáo đoàn Côlôxê đã viết: “Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là Trưởng Tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Ngài muôn vật được tạo thành…tất cả là do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Ngài và cho Ngài”. Thánh Gioan cũng nói tương tự: “…Không có Ngài thì chẳng có gì được tạo thành”. Ngài là Vua duy nhất trong trời đất, vì Ngài sáng tạo ra mọi sự. Ngài là Con Thiên Chúa, vì thế Ngài đáng tôn thờ. Giáo Hội mừng Chúa Kytô là Vua vũ trụ vào Chúa Nhật cuối năm để nói rằng mọi sự phải kết thúc nơi Ngài, Ngài là cùng đích của mọi sự.

Hơn thế nữa, Ngài đã xuống thế làm người và đã chết để cứu vớt mọi người và ban cho mọi người được nên con Chúa như Ngài: “Nhờ máu Ngài đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời”. Vua chúng ta là Vua Bình An và cũng là Vua Tình Yêu vì Ngài đã chết vì yêu chúng ta, để chuộc tội chúng ta : “Không có tình yêu nào cao quí cho bằng dám chết cho bạn hữu”.

Vua Giêsu không giống ai. Chính trên thập giá Ngài mới tỏ cho thấy tình yêu và quyền uy của Ngài. Ai trong trời đất này dám nói như Ngài: “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng”? Và người tuyên xưng Ngài là Vua lại là một tử tội đang sắp chết: “Khi Ngài vào Nước của Ngài, xin nhớ đến tôi”.

Vua Giêsu không giống ai. Khi dân chúng muốn tôn Ngài làm Vua, khi cho họ ăn no, thì Ngài lại lẫn đi. Khi dân chúng tung hô Ngài khi vào Giêrusalem thì Ngài chỉ ngồi trên lưng một con lừa con. Trước mặt Philatô, ông này hỏi : “Ông là vua dân Do thái?” Chúa đáp: “Nước tôi không thuộc về thế gian này”. Ngài xác nhận với Philatô Ngài là Vua, nhưng là một vị Vua không thuộc trần gian nầy. Ngài chỉ làm vua khi Ngài bị bọn lính cho khoác chiếc áo đỏ và xem Ngài như một trò đùa. Ngài chỉ làm vua khi Philatô cho treo một bản án để nhạo cười: “này là vua dân Do thái”.

Đối với những người không hiểu biết, Ngài chỉ là một ông vua hề, nhưng đối với chúng ta, Ngài mới thực sự là vua. Giáo Hội tôn vinh Vua Giêsu không phải vì Ngài đánh đông dẹp Bắc hay được dân chúng công nhận, nhưng vì Ngài là Đấng tạo thành vũ trụ và là cùng đích mọi sự. Ngài chính là Vua trên hết các vua. Các vua trần gian chỉ có một thời, Ngài là Vua vĩnh cửu. Ngài là Đấng tạo thành thời gian. Và trên hết, Ngài là Vua chiến thắng cả sự chết. Ngài đã chết và đã sống lại. Ngài sống lại mang lại cho chúng ta sự sống. Chúng ta là đoàn dân của Ngài, đoàn dân Ngài đã chuộc về bằng cái chết đau thương và giặt sạch áo mình trong máu Con Chiên.

Vua Giêsu của chúng ta không phải là một vị vua ngồi trên ngai vàng và ra lệnh cho mọi người phải suy phục. Ngài chẳng những chết cho chúng ta, sống lại cho chúng ta mà còn nuôi dưỡng chúng ta, không phải bằng cơm bánh mà bằng chính thịt máu Ngài. Có vua nào ở trần gian thương dân mình như Ngài không? Hãy đến, Vua Giêsu của chúng ta đáng yêu biết chừng nào! Hãy ăn lấy Vua chúng ta, Ngài muốn như thế vì Ngài ước mong sống với chúng ta, chia sẻ mọi nỗi vui buồn của chúng ta và dẫn chúng ta vào vương quốc Tình Yêu của Ngài. Vì Ngài là Tình Yêu.


 



Tâm Thư

CHÚA GIÊSU - VUA TÌNH YÊU

Lẽ thường ở đời, người ta thấy khuyết điểm và sự thất bại của người khác hơn là thấy những điều tốt đẹp nơi họ. Trang Tin mừng Chúa nhật 34 TN năm C, thánh Luca trình thuật cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Nhìn vào, người đời cũng thấy sự thất bại của Chúa Giêsu, của Đấng Cứu Thế, bởi đó là cái chết ô nhục, là bản án dành cho kẻ tội lỗi. Những người Do thái cũng nghĩ Chúa Giêsu bị điên và họ chế giễu Người: “đáng đời cho kẻ dám xưng mình là con Thiên Chúa.” Hôm nay lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, tại sao Giáo hội chọn bài Tin mừng này?

Nếu suy nghĩ kỹ, chúng ta nhận ra rằng: ẩn sâu bên trong cái chết của Chúa Giêsu mà nhiều người cho là ô nhục, là thất bại, lại chứa đựng một tình yêu ngút ngàn, một tình yêu tự hiến vì nhân trần. Nhìn lại cuộc đời của Chúa Giêsu, chúng ta cảm nghiệm sâu xa.

Chúa Giêsu là Thiên Chúa, vì yêu thương nhân loại, muốn cứu chuộc con người nên Ngài chấp nhận nhập thể, mang lấy thân phận con người, sống một kiếp người, ra đi rao giảng Tin mừng, chữa lành mọi thương tật: người điếc được nghe, người câm nói được, người què đi được, người mù thấy được, kẻ chết sống lại,... . Thế nhưng đổi lại là điều gì? Phải chăng là sự khướt từ, là ganh ghét, là bản án thập giá: “đóng đinh nó đi, đóng đinh nó vào thập giá.”

Cả cuộc đời của Chúa Giêsu luôn xót thương người. Ngài đến để bênh vực cô nhi quả phụ, băng bó vết thương lòng cho người tội lỗi, thắp sáng niềm tin cho kẻ lạc đường. Nhưng dưới chân cây thập tự, dân chúng đứng nhìn sự đau khổ của Chúa Giêsu cách bàn quan như không hề liên can đến mình. Các thủ lãnh cùng quân lính thì buông lời chế giễu: “hắn cứu người khác thì hãy tự cứu mình đi nếu hắn là Đấng Kitô.” Ngay cả tên trộm (bên tả) cũng nhạo Người: “nếu ông là Đấng Kitô ông hãy cứu ông và cứu chúng tôi nữa.”

Dù con người có bạc bẽo như vôi và lạnh cảm như tuyết thì Chúa Giêsu vẫn tha thứ và yêu thương. Dù con người có đổi trắng thay đen, có vô ơn bạc nghĩa thì Chúa Giêsu vẫn cúi xuống để nâng họ dậy. Chính Chúa Giêsu đã tuyên bố: “khi Tôi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32). Ngài đã làm điều đó với tên trộm bên tay hữu. Tên trộm này suốt một đời lầm lỗi nhưng giây phút cuối đời hắn ta đã nhận ra Đức Giêsu là vua nhân từ: “mầy im đi tao với mầy bị như thế là đích đáng, còn ông này ông ấy có tội gì đâu. Lạy Ngài khi nào Ngài về nước Ngài xin nhớ đến tôi.” Có lẽ anh ta thấy sự hiền từ của Chúa Giêsu trước sự hung ác của dân chúng. Có lẽ anh ta hiểu được cái chết của Đức Giêsu là chết chết oan sai. Và có lẽ anh ta đã nghe Chúa Giêsu cầu nguyện cùng Chúa Cha: xin tha thứ cho những kẻ giết mình. Chính những điều đó giúp anh tin và cầu xin Chúa nên Chúa đã đón nhận, đã kéo anh lên: “ngay hôm nay anh ở trên thiên đàng với tôi.”

Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là cái chết của tình yêu, của lòng thương xót. Cái chết ấy đã biến cây thập giá thành biểu tượng của sự sống, của sự chiến thắng tội lỗi. Nhờ cái chết ấy mà nhân loại được dẫn đưa vào vương quốc tình yêu.

Chúa nhật 34 TN năm C kết thúc năm phụng vụ, Giáo hội muốn nhắc chúng ta: Đức Giêsu Kitô là vua, một vị vua của tình yêu, một vị vua sẵn sàng chết đi để toàn dân được sống và sống dồi dào nhờ đó chúng ta biết sám hối và phụng thờ Chúa.



 

Tôma Lê Duy Khang
 

Bài 1

Thi sĩ Tagor viết rằng: Hãy cảm ơn ngọn đèn vì ánh sáng của nó, nhưng chớ quên người cầm đèn đang kiên nhẫn đứng trong đêm. Câu nói này ngụ ý rằng: ánh sáng của ngọn đèn rọi sáng bóng đêm, giúp ta soi rõ mọi vật và không bị lạc lõng trong màn đen u tối, nhưng ngọn đèn ấy không phải tự nhiên mà có, đằng sau nó là sự đóng góp thầm lặng của những người cầm đèn kiên nhẫn đứng trong đêm, những người cầm đèn ấy chính là những vị ân nhân trong cuộc đời của chúng ta, họ đã góp phần không nhỏ làm nên hạnh phúc trong cuộc đời ta, khiến ta không còn có cảm giác sợ hãi trong đêm tối.

Hôm nay là lễ Chúa Kitô Vua, chúng ta được mời gọi tỏ lòng biết ơn đối với Chúa đã dành cho chúng ta, nhưng trước khi bày tỏ lòng biết ơn đối với Chúa, chúng ta được mời gọi tìm hiểu Chúa Kitô theo nghĩa nào? Bởi vì có biết, chúng ta mới có thể mang ơn được.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy hình ảnh Chúa bị treo trên thập giá, cho thấy rằng dù có sống tốt nhưng vẫn gặp bất công, vẫn bị kết án, vẫn bị đóng đinh, và dường như đó là một sự thất bại, nhưng đó chỉ là tầng sự kiện, còn tầng ý nghĩa của nó, đó là một sự thành công của Chúa.

Chúa thành công ở điểm nào? Chúa thành công ở điểm là niềm hy vọng của Chúa vào con người cuối cùng cũng được đáp đền, tình yêu của Chúa dành cho nhân loại cuối cùng cũng có người nhận ra. Đó là trong giây phút cuối cùng trên thập giá, Chúa đã hoán cải được anh trộm lành, anh đã tin vào tình yêu của Chúa dành cho nhân loại, nên anh đã lên tiếng biện hộ cho Chúa, và xin Chúa nhớ đến anh.

Hiểu được như thế, chúng ta được mời gọi phải luôn luôn tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh của mình, vì Chúa luôn yêu thương nâng đỡ chúng ta, Ngài làm Vua nhưng là một vị Vua yêu thương, luôn muốn điều tốt đẹp cho con cái của mình, chứ không phải một vị vua theo kiểu thế gian đến để bóc lột để giết chết, và việc tạ ơn này được cụ thể hóa qua việc mỗi người chúng ta phải yêu thương nâng đỡ nhau, như Chúa đã đến làm vua để yêu thương nâng đỡ chúng ta.

Chúng ta thấy những người Do Thái đã không hiểu được như chúng ta đã hiểu, nên đã tỏ thái độ vô ơn đối với Chúa, kết án Chúa, để rồi đóng đinh Chúa vào thập giá.

Ngày nay chúng ta thấy, có những người con bất hiếu vì không hiểu được nỗi lòng của cha mẹ mình, đến khi hiểu ra thì mọi chuyện đã quá muộn, không có cơ hội để báo hiếu.

Ở một gia đình nọ, sau khi bố qua đời, người con trai có gia đình riêng đã đưa mẹ đến ở một nhà dưỡng lão. Thi thoảng anh cũng có đến thăm mẹ, song mỗi lần tới cũng vội vội vàng vàng, chỉ kịp biếu mẹ chút đồ rồi nhanh chóng rời đi vì nói có việc, 2 mẹ con hầu như chẳng có thời gian chuyện trò.

Bà mẹ buồn lắm, vừa thương nhớ con trai, vừa thương nhớ các cháu, nhưng chẳng dám bảo con trai đưa con dâu cùng các cháu đến. Bà tự nhỉ với lòng: “Chắc chúng nó lúc nào cũng bận, mình chẳng nên làm phiền.”

Một ngày kia, sức khỏe của bà cụ yếu dần, rồi con trai bà nhận được cuộc gọi từ viện dưỡng lão. Đầu dây bên kia là giọng nói yếu ớt của người mẹ: “Hãy đến thăm mẹ đi.”

Người con trai chạy đến viện dưỡng lão, thấy rằng tình hình của mẹ mình khó mà qua khỏi được. Đến lúc này, anh mới nhận ra mình là kẻ vô tâm đến mức nào. Hai hàng nước mắt anh tự dưng lăn xuống, anh quỳ gối xuống bên người mẹ già ốm yếu của mình rồi hỏi: “Mẹ, giờ mẹ có muốn con làm điều gì cho mẹ không?”

Người mẹ nắm chặt tay con trai dặn dò: “Hãy cho người lắp quạt ở viện dưỡng lão này nhé, vì ở đây không có quạt, nóng lắm. Ngoài ra, con hãy mua một chiếc tủ lạnh rồi chất đồ ăn vào đó nữa, vì có nhiều hôm mẹ đã phải đi ngủ với cái bụng đói đấy.”

Nghe những lời này, người con trai vừa đau lòng, vừa ngạc nhiên nên đã hỏi lại: “Sao mẹ ở đây bao lâu, phải chịu đựng những điều này mà không nói với con? Giờ đây, mẹ nói những điều đó thì còn có ích gì nữa?” Đến lúc này, người mẹ mới xoa đầu người con trai, giống như bà vẫn thường hay làm cách đây nhiều năm, khi anh vẫn còn là một đứa trẻ. Bà nhẹ nhàng trả lời: “Con trai, mẹ có thể chịu nóng, chịu đói khát, chịu đau đớn vì không muốn làm phiền con, nhưng khi con già đi, các con của con cũng đưa con vào đây, thì mẹ sợ rằng, con sẽ không chịu được đâu…”

Qua thánh lễ hôm nay, xin cho mỗi người chúng ta cảm nhận được tình yêu của Chúa dành cho mình, để rồi biết đến với Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời để tạ ơn Ngài, cũng như biết cụ thể hóa lòng biết ơn đó qua việc yêu thương những người xung quanh nhất là ông bà cha mẹ của chúng ta để yêu thương chăm sóc các ngài. Amen.

 

Bài 2

Có một bài viết Hãy sống như ĐẠI BÀNG! Được chia sẻ như thế này:

Loài chim đại bàng là loài chim mạnh nhất, có thể nói là vua của các loài chim, nên không có loài nào dám lại gần được nói, duy nhất chỉ có một loài dám tấn công ĐẠI BÀNG, đó là quạ... Nó hạ xuống lưng đại bàng và mổ vào phần cổ...

Tuy nhiên, đại bàng sẽ không hất quạ ra - không tranh đấu với quạ - không tốn sức lực và thời gian với nó... thay vào đó, nó sẽ dang rộng đôi cánh và bay cao vút lên không... Càng bay cao, sẽ càng ít không khí dành cho quạ... Khi đó, quạ sẽ tự nhảy ra khỏi lưng đại bàng và bay xuống dưới tầng phù hợp với nó.

Và người ta kết luận: Sống trên đời cũng vậy, có những chuyện xảy ra... Chúng ta không nên dành nhiều thời gian để phân bua, tranh cãi hay chứng minh điều gì đó cho ai...

Điều cần thiết là: luôn tiến lên phía trước, xem nhẹ những thứ không cần thiết... mọi điều bất xứng sẽ tự buông rời!

Hình ảnh đó, phần nào giúp chúng ta hiểu được phản ứng của Chúa Giêsu, cụ thể là trong trang Tin Mừng hôm nay.

Chúa Giêsu khi bị người khác sỉ vả, bắt bớ: “Hắn đã cứu người khác thì cứu lấy mình đi, nếu hắn là Đấng Kitô, là người được tuyển chọn. Lính tráng cũng chế giễu Chúa. Một trong hai tên gian phi bị teo trên thập giá cũng nhục mạ Người: ông là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu lấy mình đi, và cứu cả chúng tôi với.”

Thế nhưng, Chúa Giêsu không phản ứng lại để người khác tin vào mình theo như lời của họ, vì họ đang thách thức Chúa, nếu Chúa phản ứng lại chẳng khác nào Chúa cũng giống như họ. Mà chúng ta thấy Chúa Giêsu đã làm gì? Thưa Ngài đã dùng tình yêu để hoán cải người khác, anh trộm lành đã thấy được điều đó, đã nhận ra tình yêu của Chúa dành cho nhân loại, nên anh đã mở miệng biện họ cho Chúa: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ, chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm, chứ ông này đâu có làm điều gì trái. Rồi anh ta thưa lại với Chúa Giêsu: Ông Giêsu ơi, khi nào ông vào Nước của ông, xin ông nhớ đến tôi. Và Chúa Giêsu nói với anh: Thật tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng.”

Chúng ta thấy Chúa thành công không? Quá thành công.

Nên đối với hình ảnh Chúa Giêsu bị treo trên thập giá cùng với 2 tên trộm, chúng ta thấy dường như lòng tốt trên cuộc đời này không có đất dụng võ, thế nhưng lòng tốt này vẫn có đất dụng võ là chính nhờ tình thương, chính nhờ sự quảng đại của Chúa, mà anh trộm lành đã sám hối, đã ăn năn, đã tin vào Chúa, nhớ đó anh được cứu độ, có thể nói anh là vị thánh đầu tiên được lên thiên đàng.

Mừng lễ Chúa Kitô Vua hôm nay, làm tôi nhớ lại dụ ngôn người gieo giống, để một mặt xác tín hơn vào lòng thương xót của Chúa, xác tín vào sức mạnh của Lời Chúa, mặt khác xác tín hơn về phần đất tốt tồn tại nơi chính con người của mình, mặc dù xung quanh phần đất tốt đó, còn có những phần đất chưa tốt cần được cải tạo, nhưng nếu biết đón nhận Lời Chúa, chắc chắn phần đất còn lại sẽ được cải tạo để trở thành đất tốt toàn phần.

Chúng ta cần đặt câu hỏi, đó là tại sao người gieo giống lại gieo giống trên mọi địa hình? Vì đó là hình ảnh của Thiên Chúa,  bởi vì Chúa tin rằng, dù sao đi chăng nữa, trong lòng chúng ta chắc chắn có phần đất tốt, hơn nữa, tự bản chất chúng ta là đất tốt, vì chúng ta được dựng nên bởi Lời Chúa và theo hình ảnh Thiên Chúa, nói theo cách dân gian là: “Thiện căn ở tại lòng ta” hay nhân chi sơ tính bổn thiện, nghĩa là ai trong chúng ta cũng có thiện lương ở trong lòng cả; và Chúa hy vọng rằng, có một ngày đẹp trời nào đó, Lời của Ngài sẽ rơi vào phần đất tốt này, rồi mọc lên và lớn mạnh, và sinh hoa kết quả gấp trăm, gấp sáu mươi, gấp ba mươi, nghĩa là bội thu và nhiều đến độ có thể bù lại tất cả những hạt đã mất, xét cho cùng không đáng bao nhiêu.

Hiểu được như thế, chúng ta càng xác tin hơn nữa về ý nghĩ của ngày lễ hôm nay, đó là không phải Chúa là vua theo kiểu xâm chiếm thực dân, nhưng Chúa là vua để hoán cải người khác bằng chính tình yêu của Ngài, bởi Ngài luôn tin tưởng vào con người chúng ta, nên chúng ta hãy biết tin tưởng vào nhau, mà cố gắng làm nhiều việc lành phước đức, chắc chắn Chúa sẽ làm cho nó lớn lên trong tâm hồn của những người nguội lạnh, những người chưa được biết Chúa, để Chúa hoán cải họ. Amen.

 

 

Bài 3

Trong tác phẩm Sống Mòn của nhà văn Nam Cao, có đoạn viết như thế này: “Người mạnh không phải là người giẫm lên vai người khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Người mạnh chính là người giúp đỡ người khác trên đôi vai mình.”

Hình ảnh đó chúng ta bắt gặp nơi Chúa Giêsu, chúng ta hãy nhớ lại, trước khi bắt đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu được Chúa Thánh Thần hướng dẫn vào trong sa mạc ăn chay cầu nguyện suốt 40 ngày, và sau đó Chúa Giêsu đã chịu ma quỷ cám dỗ, đầu tiên ma quỷ cám dỗ Chúa về cái ăn, là nhu cầu cần thiết nhất của con người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi!” Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.”

Sau đó, quỷ đem Chúa Giêsu lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. Rồi nó nói với Người: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông.” Đức Giêsu đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.”

Quỷ lại đem Chúa Giêsu đến Giêrusalem và đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn. Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” Bấy giờ Đức Giêsu đáp lại: “Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Lc 4,1-12).

Chúng ta thấy qua ba cơn cám dỗ, việc hóa đá thành bánh Chúa Giêsu có làm được hay không? Thưa được, nhưng Chúa không làm, vì Chúa Giêsu không muốn thử thách Đức Chúa, vì Chúa Giêsu luôn sống và thi hành thánh ý Chúa trong cuộc đời của Ngài.

Rồi trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy khi những người Do thái thử thách Chúa Giêsu, nhạo báng Chúa: “Hắn đã cứu người khác thì cứu lấy mình đi, nếu hắn là Đấng Kitô, là người được tuyển chọn. Lính tráng cũng chế giễu Chúa. Một trong hai tên gian phi bị teo trên thập giá cũng nhục mạ Người: ông là Đấng Kito sao? Hãy tự cứu lấy mình đi, và cứu cả chúng tôi với” (x. Lc 23,35-43).

Chúng ta thấy tất cả những sự ấy, Chúa không bao giờ thể hiện sức mạnh theo nghĩa cơ bắp để chinh phục người khác, để đi ngược lại với thánh ý Thiên Chúa, giẫm chân lên chương trình cứu độ của Chúa Cha.

Nhưng Chúa đã làm gì? Chúa đã dùng tình thương để cảm hóa con người, Chúa chỉ làm phép lạ cho những ai tin vào Chúa mà thôi, chính vì thế mà Chúa đã hứa ban thiên đàng cho anh trộm lành khi anh đã tin vào Chúa, khi anh đã cảm nhận được tình yêu của Chúa dành cho nhân loại: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi.”

Hiểu được như thế, hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Kitô là Vua toàn thể Vũ Trụ, chúng ta không mừng lễ theo nghĩa Chúa là Vua theo sức mạnh cơ bắp, mạnh được yếu thua, dùng quyền năng để làm cho người khác tin vào mình, nhưng chúng ta mừng lễ Chúa là Vua của tình yêu, vì Chúa đã chịu chết để cứu độ con người, một vị vua đến cứu độ người khác trên chính đôi vai, bằng chính giá máu của mình, đó mới là vị vua thật sự.

Noi gương Chúa Giêsu là vua toàn thể vũ trụ, là vua của tình yêu, chúng ta được mời gọi nhìn lại đời sống của mình, để xem lại chúng ta có giẫm đạp lên người khác để được tôn lên hay không, chúng ta có dùng sức mạnh cơ bắp, sức mạnh quyền lực để chinh phục người khác hay không, nếu có thì chúng ta chỉ được người khác tôn trọng vì sợ mà thôi chứ không phải vì yêu.

Chúng ta thử đặt câu hỏi tại sao có những người thích giẫm đạp lên người khác? Thưa vì người đó vô ơn, người đó không biết trân trọng những gì người khác làm cho mình, người đó chỉ có nhìn thôi chứ chưa thấy được đằng sau cái nhìn đó là cái gì, để trân trọng để mang ơn. Bên cạnh đó là việc muốn khẳng định chính mình, cảm thấy mặc cảm vì mình không bằng người khác, nên tìm mọi cách để đạp đổ người khác để mình chiếm vị trí số một.

Chúng ta hãy tránh thái độ đó trong cuộc đời của chúng ta, hãy khiêm nhường hạ mình xuống như Chúa Giêsu, hãy biết trân trọng cuộc đời này, trân trọng những người mà Chúa gởi đến cho chúng ta, trân trọng những gì người khác làm cho chúng ta, có như thế chúng ta mới là người mạnh nhất được. Ngoài ra, nếu có bị ai giẫm đạp hãy cứ đường của mình mà đi, hãy sống tình yêu, hãy sống cao thượng, chắc chắn sẽ cảm hóa được người đã giẫm đạp lên mình. Amen.