17/09/2022
1239
Bài giảng Chúa Nhật XXV Thường Niên Năm C - Giáo phận Mỹ Tho

















 

SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN C

Am 8,4-7; 1Tm 2,1-8; Lc 16,1-13 (hay Lc 16,10-13)




Lm. Trầm Phúc
 

Chúng ta đang sống trong một xã hội gần như duy vật. Vấn đề kinh tế được xem như quan trọng nhất trong mọi hoạt động. Đồng tiền lên ngôi và chế ngự gần như hết mọi hoạt động của con người. Người đời chỉ biết tiền và quyền lực. Làm sao kiếm tiền cho thật nhiều để hưởng thụ. Những giá  trị tinh thần bị coi nhẹ. Người công giáo cũng bị nhiễm lây tinh thần thực dụng nầy. Vấn đề đạo đức xem như không mấy quan trọng.

Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta: “Không ai làm tôi hai chủ được. Không ai có thể vừa làm tôi Thiên Chúa và làm tôi Tiền Của được”. Chúng ta đứng trước một chọn lựa quan trọng: chọn tiền của hay Thiên Chúa?

Nếu có ai hỏi chúng ta chọn ai? Chắc chắn chúng ta sẽ trả lời là chọn Thiên Chúa, nhưng trong thực tế, chúng ta vẫn không chắc chắn về sự chọn lựa của chúng ta. Chúng ta vẫn lấp lững giữa đôi bên. Đa số chúng ta muốn bắt cá hai tay. Hãy nhìn lại nếp sống hằng ngày của chúng ta. Hãy thành thật trước mặt Chúa. Chúng ta có thực sự chọn Chúa không? Trong một ngày sống, chúng ta nghĩ đến Chúa hay nghĩ về công việc kiếm tiền? Chúa chiếm bao nhiêu phần trong tâm hồn và trong cuộc sống của chúng ta?

Trong dụ ngôn người giàu có thoả mãn vì mình có dư thừa tiền của, Chúa Giêsu cảnh báo: “Đêm nay Ta gọi hồn mi”. Chúng ta lầm tưởng rằng, tiền của chúng ta sẽ tồn tại mãi, nhưng có thực như vậy không hay mọi sự chỉ là tro bụi? Một cơn bão, một cuộc động đất, hay một biến cố nào đó xảy ra, mọi sự sẽ tan biến. Một cuộc chiến tranh sẽ quét sạch tất cả, chỉ còn là đổ nát. Chúng ta có thấy như thế không? Thế nhưng, con người vẫn không bao giờ nghĩ rằng, mọi sự sẽ qua đi, mọi sự chỉ là tro bụi. Chúng ta bám vào một cái gì đó, nhà cửa, ruộng đất, tiền bạc. Chúng ta khó chấp nhận sự thật là mọi sự chỉ mong manh thôi. Mọi sự qua đi, Chúa còn mãi và Chúa là hạnh phúc duy nhất của chúng ta. Bao giờ chúng ta mới hiểu được chân lý đó?

Các thánh đã hiểu và đã chọn Chúa làm gia nghiệp. Chúng ta nhớ ngay đến thánh Phanxicô Assisi. Ngài có cuộc sống sung sướng giàu sang, nhưng ngài đã nhìn thấy được sự mong manh của mọi sự và đã chọn Chúa. Bỏ cả gia đình, cha mẹ và theo Chúa để sống nghèo, tay trắng. Thánh Clara cũng đi theo con đường đó. Bỏ cả cuộc sống vương giả để chôn mình trong một hang núi, hoàn toàn thuộc về Chúa thôi. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, con nhà giàu, được cưng chiều tối đa, nhưng đã bỏ mọi sự để thuộc trọn về Chúa, yêu mến một mình Chúa. Nếu chúng ta nhìn về các thánh, chúng ta sẽ thấy rằng, các ngài đã biết rằng hạnh phúc là yêu mến Chúa chứ không chỉ lo kiếm tiền.

Tiền bạc chỉ là phương tiện chứ không thể giúp chúng ta hạnh phúc. Có tiền, có thể cho phép làm nhiều việc theo ý muốn và có thể hưởng thụ thật nhiều thứ, nhưng hạnh phúc là vấn đề khác. Tiền bạc chỉ thoả mãn thân xác chứ không thể mang lại hạnh phúc, vì con người không chỉ sống bằng cơm bánh, hay bằng những thú vui xác thịt. Càng hưởng thụ nhiều, con người càng cảm thấy chán chường và trống vắng trong tâm hồn, vì mọi sự qua đi và không có gì có thể thoả mãn tâm hồn cả. Tâm hồn chúng ta càng trống không khi chúng ta tìm lạc thú trần gian. Chúng ta dễ tự lừa dối mình khi đi tìm thoả mãn những dục vọng đê hèn. Càng hưởng thụ nhiều, con người càng cảm thấy mọi sự vô nghĩa. Chúng ta chỉ thấy hạnh phúc khi yên nghỉ trong Chúa thôi. Thánh Âutinh đã nói: “ Chúa tạo chúng ta cho Chúa, nên tâm hồn con luôn khắc khoải cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa thôi”. Thánh nhân đã hiểu rõ điều đó vì chính ngài đã kinh nghiệm sự mong manh của mọi thú vui trần gian. Ngải đã chọn Chúa và đã không hối hận.

Chúng ta phải chọn Chúa thôi, vì chỉ có Ngài mới là hạnh phúc duy nhất của chúng ta. Chỉ khi nào chúng ta yêu mến Chúa hết tình, chúng ta mới đủ can đảm chọn Chúa. Chúa không bao giờ làm ta thất vọng. Kinh nghiệm của các thánh cho chúng ta thấy, Chúa mới là hạnh phúc duy nhất của chúng ta. Nhưng làm sao đủ can đảm để dứt khoác với tiền bạc của cải? Chúng ta vẫn bám ghì vào vật chất tiền bạc, chúng ta sợ cho cuộc sống, chúng ta sợ cho tương lai, chúng ta muốn có một cái gì bảo đảm cho cuộc sống chúng ta. Đây là vấn đề mà mỗi người chúng ta không thể né tránh. Chúng ta vẫn biết mọi sự là mong manh, nhưng chúng ta không dám bỏ cái mong manh đó để chọn vĩnh cửu. Chỉ vì tình yêu của chúng ta đối với Chúa chưa sâu đậm. Hãy cầu xin ơn Thánh Thần giúp chúng ta xác tín về tình yêu Chúa và tin vào tình yêu.

Chúa Giêsu không từ chối trợ giúp chúng ta. Ngài đến với chúng ta hằng ngày nơi bàn thờ hiến tế. Ngài đến để chứng minh cho chúng ta thấy tình yêu của Ngài. Ngài yêu chúng ta đến tậncùng,đến nỗi tự biến mình thành tấm bánh để cùng sống với chúng ta, trong xương thịt chúngta. Còn mối tình nào sâu đậm hơn ? Chúng ta chỉ cần đáp lại bằng cách sống hoàn toản cho Chúa, chọn Chúa chứ không chọ gì khác. Con đường hạnh phúc của chúng ta không lệ thuộc vào tiền của nhưng nằm trong tay Đấng đã yêu thương chúng ta và đã liều mình cho chúng ta.


 



Lm. Tôma-Thiện Trần Quốc Hưng


CÁCH HÀNH XỬ KHÔN KHÉO THEO TIN MỪNG

 Anh chị em rất thân mến,

Chủ nhật tuần trước, chúng ta đã nghe 3 dụ ngôn về lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người, nhất là dụ ngôn thứ ba nói về người cha nhân hậu. Lòng nhân hậu của người cha là hình ảnh về lòng thương xót của Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu và Cha của chúng ta. Lòng thương xót này luôn luôn lớn hơn lòng của chúng ta, tội lỗi của chúng ta và luôn luôn lớn hơn chúng ta tưởng. Lòng thương xót này biểu lộ niềm vui khi đón nhận người con trở về và lan tỏa đến nhiều người khác; và như thế, niềm vui của người con là được trở về với Cha của mình. Cũng chính lòng thương xót là liều thuốc chữa lành lòng dạ ích kỷ và ghen tị của người anh đối với người em. Cuối cùng, cả nhà đều vui mừng và hoan hỉ vì em con đã mất nay đã tìm thấy; đã chết nay đã sống lại. Hơn nữa, toàn thể các thiên thần, các thánh và chính Thiên Chúa đều vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối. Đó là hạnh phúc của từng người trong chúng ta, anh chị em có cảm nhận và xác tín như thế không? Mỗi khi một người trong chúng ta đi xưng tội với trọn lòng thống hối, quyết tâm đổi đời sống, trở về với tình thương của Chúa, mỗi người chúng ta trở thành niềm vui cho triều thần thiên quốc. Anh chị em hãy xác tín và cảm nghiệm thật nhiều về điều này nhé!

Có một ý tưởng kéo dài từ tuần trước sang tuần này đó là: tiền của, tài sản, của cải vật chất và cách người ta sử dụng nó như thế nào. Nếu như người con thứ đã phung phí tài sản hợp pháp của mình, thì trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu lại nói đến việc sử dụng tiền của bất chính nơi người quản lý bất lương. Người quản lý này bị người ta tố cáo với chủ đã làm thiệt hại nhiều đến tài sản của ông và ông chủ đòi người quản lý giải trình sổ sách lần cuối và chuẩn bị đón nhận sự sa thải của ông chủ. Đứng trước mối nguy bị đuổi việc, anh ta không hề phản đối cũng không tìm cách bào chữa; anh ta bình tĩnh tìm cách tự cứu mình bằng mọi giá để chuẩn bị có một cuộc sống an nhàn trong tương lai. Bằng cách nào, thưa anh chị em? Trước hết anh ta nhận biết những giới hạn của mình: cuốc đất thì không nổi; ăn mày thì xấu hổ… ; tiếp đến, anh ta đánh liều lần cuối là ăn cắp tài sản của ông chủ bằng cách sửa đổi biên lai nơi những con nợ của chủ. Anh nghĩ rằng mình làm như thế sẽ biến những người mắc nợ chủ thành bạn hữu của mình và họ sẽ biết điều với mình sau này. Anh chị em thấy không, chuyện xưa như trái đất mà nay lại rất nóng hổi ngay trong môi trường chúng ta đang sống, trong xã hội hôm nay: tham nhũng, hối lộ, gian dối… hay những hình thức bất lương tương tự mà nhiều khi cả những người kitô hữu cũng làm như thế. Đáng tiếc!

Chắc chắn, Chúa Giêsu không hề khuyến khích sự bất lương nhưng ngài nhấn mạnh đến thái độ hành xử thật khôn khéo trước những hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt của cuộc sống để vượt qua theo chuẩn mực của Tin mừng. Đó là: “Hãy dùng Tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu.” Hay nói cách khác, chúng ta có thể dùng tiền bạc để vào được thiên đàng không? Được không anh chị em? Đâu là giá trị thật của tài sản, sự giàu có trước mặt Thiên Chúa?

Thưa anh chị em, tiền bạc, của cải, tài năng là quà tặng của Thiên Chúa ban cho mỗi người. Nhờ tài năng và nỗ lực làm việc, tôi kiếm tiền để sống lương thiện và sống bác ái với anh chị em của tôi trong tương quan xã hội. Tiền bạc luôn cần thiết để sống xứng với nhân phẩm. Tiền bạc, của cải tuy rất cần thiết nhưng không bao giờ là tuyệt đối cả. Điều này nghe có vẻ đơn giản và tưởng chừng có vẻ cũ rích nhưng không phải ai cũng tâm phục khẩu phục. Thật vậy, lẽ sống của con người không phải là làm nô lệ cho tiền bạc, tiện nghi vật chất dù có xa xỉ đến đâu đi nữa; lẽ sống của con người là hạnh phúc, là bình an, là yêu thương và được yêu thương, được thấu cảm và nâng đỡ... Còn lẽ sống của những con cái Chúa là gì nếu không phải: không ai trong chúng ta sống cho mình và không ai chết cho mình; chúng ta sống là sống cho Chúa và chết cũng là chết cho Chúa (Rm 14, 7-9); Tôi sống là sống với, sống cùng và sống trong anh chị em của tôi chứ không phải tôi chỉ biết sống cho chính mình, sống ích kỷ và tham lam. Nếu có ai đó hỏi tại sao anh chị em lại chọn như thế? Câu trả lời: Vì Chúa Giêsu đã sống và chết như vậy và tôi muốn trở nên giống như Chúa. Sự chọn lựa này chiếu sáng tâm trí giúp ta hiểu lời Chúa dạy: “Hãy dùng Tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu” có nghĩa là, hãy biết cách chuyển đổi tài sản, của cải, tiền bạc, tài năng thành những dụng cụ hỗ trợ và thể hiện lòng bác ái, chia sẻ, liên đới, tạo tương quan tốt lành, thân thiện với mọi người, nhất là những anh chị em đang rất cần tôi trợ giúp, chia sẻ bằng những việc bác ái cụ thể: cho kẻ đói ăn, khát uống, rách rưới ăn mặc… Đó là những cách hành xử khôn ngoan theo Tin mừng. Kết quả chắc chắn sẽ là: không chỉ có Thiên Chúa mà cả những người anh chị em mà chúng ta đã quảng đại cho đi những của cải mà Chúa trao vào tay chúng ta, đón chúng ta vào nơi ở vĩnh cửu là thiên đàng. Với những cách hành xử đầy bác ái này trong đời sống kitô hữu, chúng ta sẽ nghe được lời Chúa nói riêng với ta vào giờ chết: Hỡi người quản lý tốt lành và trung tín, hãy vào vui niềm vui với chủ ngươi!

Anh chị em rất thân mến,

Tóm lại Tôi phải làm gì với của cải, tiền bạc, tài năng của tôi trong cuộc sống này để chuẩn bị cho đời sống vĩnh của tôi? Lời Thiên Chúa dạy tôi rằng: khi đối diện với những thử thách, thất bại, tội lỗi trước hết hãy nhận biết những giới hạn của mình và Chúa luôn ban đủ thời gian để chữa lành những vết thương nhờ việc bác ái và lối hành xử khôn khéo theo lời Chúa Giêsu dạy. Xin Chúa chúc lành cho những cố gắng sống quảng đại, liên đới, nâng đỡ, chia sẻ những gì chúng con có cho anh chị em đang sống bên cạnh chúng con, để tất cả được Chúa đón vào Vương quốc đầy ánh sáng và bình an của Chúa mai sau. Amen.

 





Lm. Phêrô Trần Trọng Khương
 

CHỌN THÁI ĐỘ SỐNG
 

Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được. Lời Chúa Giêsu dạy phản ánh thực tế là có nhiều người chọn lựa thái độ sống nước đôi: Vừa thờ phượng Thiên Chúa mà cũng vừa cậy dựa, tin tưởng vào những thế lực ngoài Thiên Chúa, chẳng hạn: Tà thần, tiền bạc, ma quỷ, bói toán, chiêm tinh, đồng bóng, phù phiếm…

Thái độ sống nước đôi này còn diễn biến ở một hình thức khác, đó là: Vừa tôn thờ Thiên Chúa mà cũng vừa sẵn sàng ngã mình theo đàng tội lỗi, để được một mối lợi trần thế nào đó, rồi sau đó lại trở về với Thiên Chúa. Cứ thế… Cứ thế… tiếp diễn thường xuyên. Nói khác đi, đó là những người lạm dụng bí tích Giải tội, và lợi dụng vào lòng từ bi xót thương của Thiên Chúa.

Thái độ sống nước đôi còn là kiểu thỏa hiệp với sự dữ và tội lỗi: Sống giữa xã hội và chung quanh những người lương dân, rất nhiều khi người Kitô hữu ngã theo xu hướng đám đông, mà không dám đứng vững trên đôi chân của mình. Thấy thiên hạ làm sai ta cũng làm theo. Thấy nhiều người đồng ý sự sai trái ta cũng gật đầu đồng ý. Thấy mọi người đồng thuận cho một vấn đề ta cũng đồng thuận, mà không dám phản biện, mặc dù biết rằng vấn đề đồng thuận là không phù hợp với luân thường đạo lý, đặc biệt là với luân lý và đức tin Công giáo.

Thái độ sống nước đôi tinh vi hơn, dễ gây nhầm lẫn và khó nhận ra, đó là: Tôn thờ Chúa, tín thác trông cậy vào Chúa…. Nhưng không chỉ là là tôn thờ tín thác trông cậy vào Chúa, mà nhờ những việc thờ phượng này mà mong ước Chúa ban cho sự giàu có thế gian, tiền của vật chất, địa vị, chức quyền…

Chúa Giêsu mời gọi chọn lựa cho bản thân thái độ sống. Chọn một trong hai: Một là thờ phường Chúa, hai là tôn thờ tiền của. Chọn thái độ sống là thờ phượng Thiên Chúa, thì lẽ dĩ nhiên mọi sự ưu tiên cho ích lợi phần rỗi linh hồn và Đạo của Chúa, hiển nhiên tiền bạc vật chất, địa vị chức quyền…. Trở thành phương tiện cho việc phụng thờ Thiên Chúa và yêu thương con người.

Đã chọn thái độ sống tin yêu phó dâng cậy trông vào Chúa, thì phải giữ vững được lập trường trong mọi hoàn cảnh sống, và xuyên suốt thời gian sống đời làm người. Vì nếu như dễ dàng thay đổi trong thái độ sống giữa phụng thờ Thiên Chúa và tôn thờ tiền của, chắc chắn dẫn đến thái độ sống nước đôi.

Để có thể giữ vững được trung thành làm tôi cho Thiên Chúa, đòi hỏi có sự can đảm và hy sinh vô cùng lớn. Can đảm chịu thiệt thòi, can đảm đón nhận những tổn thất do sự trung thành trong thái độ sống thờ phượng Thiên Chúa. Có thể phải chấp nhận hy sinh chịu đựng vì bị số đông loại trừ, và thậm chí là hy sinh cả tính mạng của mình nữa. (đó là trường hợp của các Thánh Tử Đạo).

Sống giữa xã hội đề cao những giá trị vật chất, với trào lưu đánh giá mọi sự bằng thước đo của đồng tiền: Giàu có, địa vị, chức quyền, ăn ngon, mặc đẹp, sang chảnh, sành điệu hưởng thụ… Thì được ngưỡng mộ, ca tụng. Ngược lại: Khiêm tốn, khó nghèo, biết từ chối lợi lộc, tiết độ, đơn sơ, mộc mạt…. Thì bị cho là lạc hậu, lỗi thời, nhà quê, ít hiểu biết, kém thức thời…

Môi trường sống và trào lưu như vậy, người tín hữu sống theo lời Chúa Giêsu dạy giống như thể đi ngược dòng chảy xu hướng thời đại, giống như kiểu mọi người bơi xuôi theo dòng nước, còn mình thì cố sức bơi ngược dòng chảy.

Bạn ơi an tâm, hãy suy gẫm câu này: Cá lội ngược dòng là cá sống, người vượt nghịch cảnh mới thành công.


 



Lm. FX. Nguyễn Văn Thượng

Không thể nào phủ nhận được vai trò, giá trị và sức mạnh của tiền bạc trong cuộc sống con người. Bởi đời sống con người là xoay quanh giá trị đồng tiền và dùng nó để tạo nên các giá trị hữu ích khác, làm phong phú thêm cuộc sống của chính mình. Nhưng rồi cũng chính nó lại gây nên những hệ lụy khủng khiếp trong đời sống của chúng ta, nhất là đời sống thiêng liêng trong những tương quan với Chúa và với tha nhân. Những trích đoạn Lời Chúa hôm nay cho thấy sức mạnh cám dỗ của tiền bạc là rất ghê gớm. Tiền bạc có thể thay đổi nhân cách, chuyển hướng chọn lựa của con người khiến họ lạc xa giáo huấn của Thiên Chúa. Người xưa từng nói: “Có tiền mua tiên cũng được.” Trải qua bao thời đại, đồng tiền đã làm khuynh đảo biết bao con người. Chỉ vì tiền, vì sự giàu có mà họ, những con người lầm lỗi, bất chấp lương tâm, làm điều sai trái, phạm vào tội ác. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu kể về cách hành xử khôn ngoan của một người quản gia bất lương, với mục đích khuyên các môn đệ hãy thật sáng suốt dùng đúng những của cải đời này để đạt tới Nước Trời.

1. BÀI ĐỌC 1: Am 8, 4-7

“Những ai đàn áp người cùng khổ và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ”: Tiên Tri A-mốt quay lại chủ đề công lý quen thuộc của mình, chê bai những người ở Israel kiếm tiền từ việc đối xử bất công với người nghèo và dễ bị tổn thương. Chính việc coi trọng tiền bạc hơn nhân phẩm, chủ nợ có thể xiết nợ bằng cách tịch thu tài sản hay bắt con nợ phải làm nô lệ cho họ. Sức mạnh của tiền bạc và vai trò của nó trong cuộc sống thời đó thật lớn. Đối với một người, đã muốn có được tiền tài thì người đó sẽ làm mọi cách, kể cả đánh đổi hạnh phúc đời đời của chính bản thân mình. Nhưng họ không biết rằng nếu không quá tham lam thì họ có thể vừa có tiền của và vừa đạt tới hạnh phúc như những tổ phụ sáng giá trong Kinh Thánh.

“Bao giờ ngày mùng một qua đi, cho ta còn bán lúa; bao giờ mới hết ngày sa-bát, để ta bày thóc ra?” Dân Israel giữ những Tuần Trăng và ngày Sa-bát, nhưng chỉ ở bề ngoài. Bên trong, họ phớt lờ ý nghĩa trọng tâm của những ngày đặc biệt này do Chúa chỉ định và như thế là họ xắn tay làm chuyện thất đức mà không cần đợi cho đến khi kết thúc những ngày lễ trong Tuần Trăng hay ngày Sa-bát. Những con buôn ranh mãnh cũng tham dự phụng vụ nhưng với cách miễn cưỡng, trong khi thân xác họ ở trước tôn nhan Thiên Chúa thì tâm hồn của họ chu du mọi nơi có lợi ích cho tiền đồ cơ nghiệp của họ. Họ nghĩ đến những việc sắp làm để kiếm tiền, và mong ngày Sa-bát chóng qua để họ thực hiện. Họ tin Thiên Chúa bằng môi miệng, và họ nghĩ chỉ cần giữ qua loa những lễ nghi bên ngoài là đủ đẹp lòng Người; chứ họ không bao giờ nghĩ đến việc phải hoán cải và thay đổi lối sống bất công với tha nhân.

“Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm; Ta sẽ làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ”: Tham lạm, gian lận, xảo quyệt là những hành vi triền miên trong thế giới kinh doanh. Thiên Chúa nhìn thấy điều đó và nổi giận. Như lời Tiên Tri A-mốt thì khi họ bán lúa mì (đôi khi là lúa mì xấu), họ đã sử dụng loại đấu đong không đúng kích cỡ. Khi họ mua hoặc trao tiền, họ làm chênh lệch quả cân shekel. Gian lận và thiếu trung thực trong buôn bán như thế không phải là một tội nhỏ, cũng không phải là một tội với điều kiện ‘bất khả kháng’. Chúa nhìn thấy nội tình sự việc và tính toán tất cả những hành vi đó. Tất cả những ý nghĩ và việc làm của họ, tuy có thể lừa bịp người đời; nhưng không thể đánh lừa được Thiên Chúa. Tiên tri A-mốt tuyên bố: Nếu họ không biết hối cải, Thiên Chúa sẽ luận phạt mọi tội lỗi của họ. Ngài sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của họ.

2. BÀI ĐỌC 2: 1 Tm 2,1-8

“Trước hết, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người.”  Những việc này, Thánh Phao-lô không đề cập đến thời gian nào để thi hành; Thánh nhân muốn đề cập đến tầm quan trọng. Điều này rất quan trọng, chiếm vị trí đầu tiên trong trái tim và tâm trí của Phao-lô. Trong một bối cảnh rộng hơn, Phao-lô hình dung ra một cảnh tượng thờ phượng công khai của các Ki-tô hữu, vì vậy, cầu nguyện, dâng lời tạ ơn sẽ bắt đầu một loạt hướng dẫn cho những buổi họp đó. Những lời cầu nguyện công khai của Giáo hội phải được thực hiện một cách rõ ràng cho tất cả mọi người. Những thuật ngữ ‘cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn’ mô tả nhiều tuyến giao tiếp của chúng ta với Thiên Chúa. Đây là những kiểu ‘thông phần’ được dâng lên khi dân Chúa gặp gỡ nhau trong cộng đoàn phụng vụ. Lời cầu xin không chỉ đơn giản là yêu cầu một cái gì đó. Lời cầu nói đây không mang tâm thức những yêu sách, van lơn nhưng chính là biểu đạt sự tin cậy mạnh mẽ vào Lời Chúa.

‘Khẩn nguyện’ là một từ rộng, chỉ mọi sự giao tiếp với Chúa. Hành vi khẩn nguyện cũng nói lên hoạt động can thiệp thay mặt cho những người khác thực hiện trước Thiên Chúa. Khi chúng ta cầu nguyện, người khác tín cẩn ký thác nhu cầu của họ. Mọi người sẽ tìm thấy vị trí của họ trong lời cầu nguyện của cộng đoàn dâng lên trước ngai vàng của Thiên Chúa. Điều này có thể cho chúng ta biết chúng ta có trách nhiệm cầu nguyện cho tha nhân bằng những phương tiện cầu nguyện khác nhau. Lý tưởng nhất là tất cả mọi người đều cầu nguyện. Có thể chúng ta chưa từng gặp ai đó mà không nhận được đề nghị cầu nguyện cho. Hầu hết chúng ta cảm thấy dễ dàng khi cầu nguyện cho gia đình, bạn bè và những người thân yêu của mình, nhưng không nên kết thúc ở đó. Chúng ta cũng nên cầu nguyện cho kẻ thù của mình và cho những người mà chúng ta có xung đột. Chúng ta nên cầu nguyện cho những người làm phiền chúng ta, và cho những người có vẻ chống lại chúng ta. Cầu nguyện cho tất cả mọi người cũng có nghĩa là cầu nguyện truyền giáo. Chúng ta nên cầu nguyện cho những người bạn của chúng ta, những người cần biết Chúa Giê-su, cho đồng nghiệp của chúng ta và cho những người khác mà chúng ta thường xuyên tiếp xúc.

‘Tạ ơn’ là một phần thiết yếu trong bước đi của chúng ta với Thiên Chúa. Những người thiếu ý thức biết ơn căn bản trong cuộc sống là thiếu một đức tính cơ bản của Ki-tô hữu. Lời tạ ơn được thực hiện cho tất cả mọi người. Chúng ta có thể tìm thấy điều gì đó để tạ ơn Chúa cho tất cả mọi người. Ngay cả những người bắt bớ chúng ta và chống lại chúng ta cũng có một vị trí trong kế hoạch bao quát của Thiên Chúa.

“…cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh.” Đối với các vị vua và tất cả những người nắm quyền, Thánh Phao-lô vượt qua định kiến ban đầu của Ki-tô hữu - thường khi, chính quyền dân sự buộc tội phá hoại nhà nước vì Ki-tô hữu tôn thờ một Chúa cao hơn không phải là Xê-da. Tuy nhiên, với nhắc nhở của Thánh Phao-lô, ủng hộ nhà nước bằng cách trở thành công dân tốt và bằng cách cầu nguyện cho hoàng đế, không phải để vinh danh hoàng đế hay vì cá nhân ông. Trong câu trước, Phao-lô nói rằng chúng ta nên cảm tạ mọi người, và ở đây, ông kết nối tư tưởng với những người có quyền trên chúng ta. Chúng ta nên cảm tạ những người có thẩm quyền, vì Thiên Chúa đã ban chức quyền trong xã hội để giữ trật tự (x. Rm 13, 1-7).

Các Ki-tô hữu sơ khai cầu nguyện cho tất cả các hoàng đế, để Chúa ban cho họ cuộc sống lâu dài, một nền tảng chính trị hiếu hòa, cho gia đình thịnh vượng, quân đội mạnh mẽ, một thượng viện trung thành, một dân tộc tuân phục luật pháp; cho cả thế giới có thể được hòa bình; và để Thiên Chúa có thể ban cho Xê-da và mọi người thành tựu trong những ước muốn chính đáng của họ.

“Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.”  Lời cầu nguyện cho những người có thẩm quyền phải luôn có mục đích truyền giáo. Mục tiêu thực sự chúng ta mong muốn là họ sẽ ở dưới quyền của Chúa Giê-su là Vua, và đưa ra quyết định cho phép Lời Chúa được tự do rao giảng và được tôn vinh. Ước mong chính đáng để tất cả mọi người được cứu độ. Trên bình diện con người, chúng ta chắc chắn có thể nói rằng Thiên Chúa mong muốn tất cả mọi người được cứu độ. Không có ai có thẩm quyền cao đến mức họ không cần sự cứu độ trong Chúa Giê-su.

“Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Ki-tô Giê-su, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người.”  Câu nói này của Phao-lô đơn giản lặp lại những gì Chúa Giê-su đã nói trong Ga 14,6: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không phải qua Thầy.” Trong thế giới hiện đại, hầu hết mọi người đều nghĩ rằng bất kỳ con đường nào cũng dẫn đến Chúa, nếu đi theo một cách chân thành hoặc với một trái tim tốt. Kinh Thánh lập luận chống lại ý kiến ​​này. Người Pha-ri-sêu và người thu thuế đều chân thành đến với Thiên Chúa, nhưng một người được chấp nhận, còn một người thì không (x.Lu-ca 18, 9-14). Người trẻ tuổi giàu có nọ đã chân thành đến với Chúa Giê-su, nhưng bị từ chối vì anh không thể từ bỏ mọi sự để theo Chúa Giê-su (x. Lc 18,18-23). Trong Lv 10,1-3, câu chuyện về Nadab và Abihu và sự phán xét của Đức Chúa đối với họ - cho thấy rõ rằng chúng ta không thể đến với Đức Chúa theo bất kỳ cách nào mà chúng ta muốn, và sự chân thành thôi là chưa đủ. Nhiều người nghĩ Thiên Chúa sẽ không công bằng khi chỉ có một con đường duy nhất để được cứu rỗi; nhưng ý nghĩ này cần được lật lại. Để nói rằng Thiên Chúa không công bằng vì điều này, người ta sẽ phải nhìn Chúa Giê-su chết trên thập tự giá - Con Thiên Chúa vốn không tì vết, Người đến từ thiên đàng, sống khiêm nhường lại chấp nhận chết trong đau đớn kinh hoàng, cả về thể xác lẫn tâm linh.

“…đó là một con người, Đức Ki-tô Giê-su”: Điều này nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giê-su vẫn là con người, ngay cả khi Người được tôn phong trên thiên đàng ngay bây giờ. Nhân loại của Người không đơn thuần chỉ là một giai đoạn nhất thời. Khi Ngôi Hai Thiên Chúa, thêm nhân loại vào thần tính của Người, thì điều đó là mãi mãi - không chỉ trong 33 năm. Chúa Giê-su vẫn hoàn toàn là Thiên Chúa và hoàn toàn là con người, nhưng nhân tính của Người được tôn vinh và phục sinh. Đó là khuôn mẫu của nhân loại mà chúng ta sẽ trải nghiệm trên thiên đàng.

Chúa Giê-su đã trao chính Người làm giá chuộc tội lỗi của chúng ta. Người đặt chính mình vào vị trí của chúng ta và nhận sự trừng phạt và thịnh nộ từ Đức Chúa là Cha mà chúng ta đáng phải nhận. Đây là thông điệp cơ bản của Tin Mừng. Công việc của Chúa Giê-su trên thập tự giá là đủ cho mọi người. Sẽ không ai bị Thiên Chúa từ chối trong Chúa Giê-su vì Người yêu thương và tha thứ từ trên thập tự giá.

“Vậy tôi muốn rằng người đàn ông hãy cầu nguyện ở bất cứ nơi nào, tay giơ lên trời, tâm hồn thánh thiện, không giận hờn, không xung khắc.”  Thánh Phao-lô khẳng định những người đàn ông đại diện cho hội thánh trước ngai vàng của Đức Chúa. Bàn tay giơ lên phải thánh khiết - bàn tay đặt riêng về phía Đức Chúa, sẽ không giao cho sự dữ. Những lời cầu nguyện như vậy phải không có cơn thịnh nộ (cầu nguyện với những lời cầu nguyện “tức giận”) và không nghi ngờ (cầu nguyện không có đức tin). Khi chúng ta cầu nguyện kèm tức giận, hoặc cầu nguyện mà không có đức tin, chúng ta có thể làm điều xấu nhiều hơn là tốt - đặc biệt là khi lời cầu nguyện công khai. Không gì phi lý hơn khi cầu nguyện mà lại chứa đựng tinh thần không khoan nhượng, trong khi họ đang cầu xin sự tha thứ cho hành vi phạm tội của chính họ.

3. TIN MỪNG: Lc 16, 1-13

Câu chuyện này nghe có vẻ khá gần với đời sống đương đại. Một người quản lý không trung thực sắp mất việc vì đã đánh cắp tài sản của chủ nhân. Bởi vì không muốn lao động chân tay hoặc đi ăn xin, hắn đi trao đổi với tất cả những người nợ tiền chủ mình và đề nghị cắt giảm khoản nợ của họ. Y làm điều này để họ sẽ hiếu khách với mình sau bị mất việc. Có lẽ chúng ta khá ngạc nhiên, ông chủ lại khen ngợi người quản lý xảo quyệt vì sự khôn khéo kia. Tại sao y được khen ngợi? Và, tại sao Lu-ca lại đưa câu chuyện này vào Tin Mừng của mình?

Để bắt đầu trả lời những câu hỏi này, chúng ta nên nhớ rằng dụ ngôn này đóng vai trò là cầu nối giữa những câu chuyện về Đứa Con Hoang Đàng (Lc 15,11-32) và Người Phú Hộ và La-za-rô (Lc 16,19-31). Giống như đứa con hoang đàng trong câu chuyện trước, người quản lý gian xảo đã “phung phí” những gì được giao cho anh ta (15,13; 16, 1). Và, giống như câu chuyện sau đó, dụ ngôn này bắt đầu bằng cụm từ “Có một người giàu có” (16, 1. 19).

Mặc dù tên quản lý không trung thực kia không ăn năn (như đứa con hoang đàng) hoặc hành động cách đạo đức (như La-za-rô), nhưng ông ta vẫn làm điều gì đó với sự giàu có của người giàu, điều này đảo ngược trật tự hiện có của mọi thứ. Trong Lu-ca, sự đảo ngược tình trạng là trọng tâm của những gì xảy ra khi Chúa Giê-su và vương quốc của Thiên Chúa xuất hiện. Người quản lý làm công việc là “phân tán” (dịch cùng một từ cho “phung phí”: diekorpisen). Gần giống kẻ mạnh bị hạ bệ và kẻ thấp hèn được nâng lên; kẻ đói được no và kẻ giàu bị đuổi về tay không (Lc 1,51-53; xem thêm 6,24; 16,25; 18,25).

Nhưng tại sao ông chủ lại khen người quản lý bất tín là cư xử cách khôn ngoan? Tất nhiên, lời khen ngợi của ông có thể mang ý nghĩa khác. Nhưng tại sao người quản lý lại được khen ngợi là một vấn đề khó giải thích theo quan điểm thông thường? Một số nhà bình luận cho rằng người quản lý đã tự cắt giảm tiền trong các khoản nợ cho người khác để được chiếu cố sau này, và đây là điều đáng được khen ngợi. Tuy nhiên, những người khác đã gợi ý một cách tổng quát hơn rằng ông chủ chỉ đơn giản là khen ngợi người quản lý vì đã phản ứng một cách khôn ngoan trước một tình huống khó khăn. Từ “khôn ngoan” ở đây (phronimos) cũng có thể được dịch là “thận trọng” hoặc “khôn ngoan” (16,8).

Bản thân văn bản cung cấp bốn cách giải thích về sự khen ngợi của ông chủ. Thứ nhất, “con cái đời này khôn ngoan hơn trong việc đối xử với đồng loại hơn là những con cái ánh sáng” (16, 8). Nói cách khác, các môn đệ của Chúa Giê-su - thường được gọi là “con cái của ánh sáng” (xin xem Gioan 12,36) - có thể học được điều gì đó về hành động thận trọng từ “con cái đời này”.

Thứ hai, những gì họ có thể học được từ “con cái đời này” liên quan đến việc “tạo nên bạn hữu cho chính mình” từ của cải có được từ việc “làm giàu bất lương” để những ‘người bạn hữu’ đó có thể “chào đón họ vào nhà vĩnh cửu” (16, 9). Thay vì dùng “của cải bất lương” để bóc lột người khác (như những người giàu có), các môn đệ phải dùng của cải để “tạo bạn hữu cho chính mình.” Nếu tình bạn dựa trên mối quan hệ có đi có lại và bình đẳng, thì việc giải quyết các khoản nợ của người khác không chỉ làm giàu cho họ mà còn thiết lập một kiểu nợ mới: “Món nợ nội tâm” hoặc “món nợ của lòng biết ơn bên trong”- món nợ bắt nguồn từ sự chia sẻ có đi có lại của bạn bè.

Như một bối cảnh rộng hơn cho điều này, chúng ta có thể lưu ý rằng Lu-ca thường mô tả sứ vụ của Chúa Giê-su và của những người theo Người phụ thuộc vào lòng hiếu khách của người khác như thế nào (8,3; 10,7). Hơn nữa, lòng hiếu khách xuất phát từ những người được coi là người ngoại hoặc thấp kém trong xã hội (ví dụ, Người Samaritanô nhân hậu trong Lc 10,33; người thu thuế trong Lc 5, 27-39; 19, 1-10; viên sĩ quan Cornelius trong Lc 10,48 , v.v.).

Thứ ba, có mối liên hệ giữa lòng trung tín (hoặc bất tín) với “rất ít” và “rất nhiều”. Cách một người đối phó với “của cải bất lương” và “những gì thuộc về người khác” nói lên nhiều điều về cách thức xử sự với “của cải chân thực” và “những gì là của riêng mình” (16,10-12). Làm thế nào chúng ta sử dụng các tài sản theo ý mình trong cuộc sống này - đặc biệt là trong những hoàn cảnh ngặt nghèo - mới là vấn đề, mặc dù “của cải chân thực” của chúng ta chỉ có thể được tìm thấy “nơi không kẻ trộm nào có thể đánh cắp và không có sâu mọt nào gặm nhấm được” (12,33-34).

Cuối cùng, cốt lõi cho tất cả điều này là không một tôi tớ nào có thể phục vụ hai chủ… ta không thể phụng sự Thiên Chúa lẫn tiền của (16,13). Điều này nhắc lại chủ đề trung tâm trong Lu-ca. Vương quốc của Thiên Chúa đòi hỏi phải từ bỏ tất cả liên hệ gắn kết khác, bao gồm cả gắn kết về bảo đảm kinh tế (14,33; 18,18-25). Như đã lưu ý, Lu-ca nhấn mạnh nhiều đến cách triều đại của Thiên Chúa là đảo ngược địa vị của người giàu và người nghèo (1,51-53; 6,20). Trong sách Công vụ Tông Đồ, cộng đồng Ki-tô hữu là một nơi mà các môn đồ chia sẻ “mọi của cải chung,” phân phối cho mọi người, khi bất kỳ ai có nhu cầu (x. Cv 2, 44-45). Những phân đoạn này không thể chỉ được tâm linh hóa. Lu-ca đang nói về một cách khác để sử dụng của cải. Của cải của chúng ta thuộc về Thiên Chúa và phải được sử dụng làm sao cho Nước Chúa hiển trị giữa chúng ta chứ không chỉ vì lợi ích của chúng ta.

Vậy tại sao người quản lý bất lương kia lại được khen là khôn ngoan? Mặc dù vẫn là tội nhân đang tìm kiếm lợi ích cho riêng mình (6,32-34), nhưng ông là khuôn mẫu cho hành vi mà các môn đồ có thể bắt chước. Thay vì chỉ đơn giản là nạn nhân của hoàn cảnh, anh ta biến một tình huống xấu thành một tình huống có lợi cho mình và những người khác. Bằng cách giảm bớt các khoản nợ của người khác, anh ấy tạo ra một loạt các mối quan hệ mới không dựa trên mối quan hệ theo chiều dọc giữa người cho vay và người mắc nợ (bắt nguồn từ trao đổi tiền tệ) mà dựa trên một cái gì đó giống như mối tương quan bằng hữu và tạo mới ‘món nợ của lòng biết ơn’.

Những gì người quản lý không trung thực này đặt ra trong ngữ cảnh này tương tự với những gì xảy ra khi triều đại Thiên Chúa xuất hiện giữa chúng ta (17,21). Những thứ bậc cũ bị đảo lộn và những tình bạn mới được thiết lập. Thật vậy, những người bên ngoài và những người thấp hơn theo thứ bậc giờ đây trở thành những người mà chúng ta trông cậy để chào đón chúng ta - không chỉ trong nhà của họ nơi cuộc sống này, mà ngay cả trong một nơi vĩnh cửu là Nước Thiên Chúa.

4. GỢI Ý SUY NGHĨ THÊM

- Lòng ham muốn tiền của dễ đưa tới những đối xử bất công với người nghèo, để tiền của làm chủ cuộc đời mình, và nhất là để nó thay thế Thiên Chúa. Cách tốt nhất là cầu xin Thiên Chúa soi sáng và đổi lòng những nhà lãnh đạo để họ biết cách quản lý đúng tất cả những ơn lành được trao ban để tạo lập công bằng và ổn định xã hội.

- Chúa Giê-su khuyên về cách hành xử với của cải (và lòng hiếu khách), đó là hãy quảng đại với người nghèo, với nhận thức rằng trong khi tiền tài sẽ qua đi, thì kho báu vĩnh cửu sẽ được bảo đảm qua lòng quảng đại đó. Thực sự khi cái chết đến, khả năng để làm điều lành với tiền bạc của chúng ta không còn nữa, vì vậy chúng ta nên làm điều lành với tiền bạc của mình ngay bây giờ để những người bạn mà chúng ta đã kết giao trên đất sẽ chờ đợi chúng ta ở trên trời.

 

 

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn về người quản lý bất trung, và anh này bất trung từ đầu đến cuối. Đầu tiên, anh đã phung phí của cải của chủ, nhưng khi bị phát hiện, anh ta lại tiếp tục bất trung một lần nữa khi sao kê cách gian dối tài sản để bàn giao cho chủ, và hành vi gian dối này lại một lần nữa dạy những người mắc nợ gian dối theo anh.

Tin mừng thuật lại, anh gọi các con nợ lại và hỏi từng người. Người thứ nhất, anh hỏi: “Anh mắc nợ bao nhiêu?” Người ấy thưa 100 thùng dầu thì anh bảo người ấy rằng “lấy văn tự ra ngồi xuống mau và viết 50 thôi.”

Còn người khác, anh ta hỏi: “Còn anh anh mắc nợ bao nhiều?” Người ấy thưa 100 giạ lúa miến, thì anh ta bảo: “Lấy văn tự ra, ghi lại 80 thôi.”

Và hành động đó được cho là hành động khôn ngoan, khôn ngoan trong việc biết nhìn xa, biết hướng về tương lai, biết dùng tiền của bất chính để mua lấy bạn hữu. Đây quả là hành động quá khôn ngoan.

Và Chúa muốn dạy các môn đệ hãy có sự khôn ngoan như thế, nghĩa là khôn ngoan biết nhìn xa, biết hướng về tương lai, chứ không phải dạy chúng ta khôn ngoan theo kiểu bất trung và dạy người khác bất trung.

Hiểu được như thế, chúng ta mới có thể hiểu được câu nói của Chúa Giêsu khi Người dạy các môn đệ: “Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi hết tiền, thì họ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời.” Nghĩa là tiền của bất chính: không phải là tiền của do ăn cắp ăn trộm, nhưng là thứ được cho là dễ làm cớ cho người ta sinh ra độc ác, bất chính, đó là cách nói của Chúa Giêsu.

Bên cạnh đó, chúng ta phải có tầm nhìn xa để biết rằng tiền của, những cái mà chúng ta sở hữu thật ra không phải là của chúng ta, mà là Chúa cho chúng ta quản lý thôi! Có người nói thế này: Đã biết trần gian là quán trọ, hơn thua thù oán để mà chi, thử ra ngồi trước bên phần mộ, hỏi họ mang theo được những gì?

Một hình ảnh nữa để chúng ta dễ hình dung, chúng ta thấy một đứa trẻ sinh ra, điều đầu tiên là nó nắm hai bàn tay lại, nó sinh ra với hai bàn tay nắm lại, và người ta nói con người lúc ra đi, thì đôi bàn tay mới mở ra. Có nghĩa là khi mình bước vào trong cuộc đời này, mình bước vào với hai bàn tay trắng nhưng mà mình muốn nắm lại tất cả những gì trong cuộc đời này, mình muốn giữ lại hết, không phải giữ bình thường nhưng là giữ thật chặt, để giữ cho thật lâu, nhưng khi tới lúc rời bỏ cuộc đời này thì chúng ta đều phải bỏ lại tất cả, không có mang được một cái gì cả, và chính Chúa Giêsu muốn chúng ta khi bước ra khỏi trần gian này hãy bỏ hết tất cả, chỉ có giữ lại Chúa mà thôi.

Nói đến đây làm tôi nhớ đến việc các cha ở xứ miền quê đi tới những xứ có kinh tế khá hơn, để xin tiền về xây nhà thờ, thế nhưng chúng ta biết việc xin này có dễ không? Thưa không dễ chút nào, mà có thể nói là khó, khó không phải là giáo dân khó, mà là linh mục sở tại khó.

Tại sao các ngài lại khó, thưa vì các ngài không có cái nhìn thoáng, các ngài quên rằng việc giúp đỡ cho xứ này, xứ kia không phải tiền của các ngài, mà là tiền của bà con giáo dân đóng góp, các ngài quên điều đó, các ngài nhầm lẫn đó là tiền của mình và các ngài cố nắm cho thật chặt, giữ cho thật lâu, nên không cho các cha tới xin tiền.

Còn ngược lại, nhiều cha có cái nhìn rất thoáng, bởi vì các ngài nhớ, hiểu và biết tiền đóng góp giúp các cha miền quê nghèo không phải là tiền của mình, mà là tiền của bà con giáo dân, nên ai đến các ngài cũng rộng lòng giúp đỡ, và đó là sự khôn ngoan, biết dùng sự khôn ngoan của mình để mà mua bạn hữu.

Một vấn đề nữa đặt ra với mỗi người chúng ta, đó là đối với người có tiền thì lấy tiền mà mua bạn hữu, còn đối với những người không tiền thì sao? Chẳng lẽ suốt cuộc đời không có bạn hữu hay sao?

Chúng ta biết, tiền bạc của cải không chỉ có ý nghĩa vật chất, nhưng còn có thể hiểu theo nghĩa rộng là tất cả những gì mình sở hữu như sức khỏe, tài năng, sở thích, ý riêng, công việc làm, tập quán, quan niệm... là những cái mà Thiên Chúa quan phòng ban cho ta, nên ta phải sử dụng chúng theo ý Chúa, là phục vụ lợi ích cho bản thân và tha nhân nữa. Hiểu được như thế, chúng ta không thể nói là tôi không thể tìm được bạn hữu, tôi sẽ không tìm được Nước Trời.

Trong bài thơ Bạn Đến Chơi Nhà của Nguyễn Khuyến cho ta thấy được điều đó: “Đã bấy lâu nay, bác tới nhà. Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa. Ao sâu nước cả, khôn chài cá, Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà. Cải chửa ra cây, cà mới nụ, Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa. Đầu trò tiếp khách, trầu không có, Bác đến chơi đây ta với ta!”

Nhiều người chúng ta ngày nay không có được suy nghĩ như thế, bởi vì họ bị chi phối bởi của cải vật chất, đến với người phải có cái này cái kia, nên không thể nào có tầm nhìn xa được là như vậy.

Hôm Chúa nhật 16 thường niên vào buổi chiều, tôi được nhờ dâng lễ ở một giáo xứ nọ, tôi đến sớm ngồi chơi, hỏi một vài người ở đây làm ban mục vụ đông không. Họ nói: “Ít lắm cha, lúc trước cũng có phó chủ tịch rồi thư ký, nhưng nghỉ hết rồi cha.” Tôi hỏi vì sao. Họ nói: “vì lý do sức khỏe?” Tôi nói lý do sức khỏe có gì đâu, bởi khi làm việc nhà thờ đâu phải bắt làm việc nặng, chỉ đi lễ trực lễ thôi, phụ giúp một số công việc cần thiết thôi. Thế nhưng họ nói những vấn đề đó không có gì, vấn đề là ngại giao tiếp khách, họ bệnh không dùng được chén rượu chén trà, nên thôi nghỉ. Chúng ta thấy đó là suy nghĩ của chúng ta, rồi nhiều khi chúng ta bị mặc cảm về điều kiện kinh tế gia đình, mặc cảm về chính bản thân mình. Chúng ta đừng để ý tới những mặt đó, nó cũng cần, nhưng nó không qian trọng, để làm nên con người thật của chúng ta.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta có được sự khôn ngoan, có được tầm nhìn xa, để biết tận dụng những gì Chúa ban cho chúng ta mà làm lợi cho giáo xứ, cho Giáo hội, cho Chúa, và khi chúng ta làm lợi như thế, thì chúng ta đang làm lợi cho chính mình. Amen.

 

 

Bài 2:

Tin Mừng hôm nay chắc làm chúng ta thắc mắc tại sao Chúa Giêsu lại khen ngợi một kẻ xấu xa và bảo chúng ta nên bắt chước cách xử sự của ông ta. Và nếu để ý, chúng ta sẽ nhận thấy, không phải chỉ lần này mà còn trong nhiều lần khác, Chúa Giêsu đã đề cập tới cách thức cư xử của người xấu, kẻ ác.

Chẳng hạn như khi so sánh việc phân xử của Thiên Chúa với một ông quan tòa bất chính, hoặc bảo chúng ta phải khôn ngoan như con rắn. Thật ra, Chúa không bảo chúng ta noi theo lối sống bất công, gian dối, xảo trá và lừa đảo, nhưng Chúa chỉ nói tới sự khéo léo của tên quản lý này mà thôi. Bằng chứng là sau khi kể dụ ngôn, Chúa chê trách, phàn nàn vì con cái thế gian khôn ngoan như thế, tại sao con cái sự sáng lại không khôn ngoan, để lo cho tương lai của mình, để có được sự sống đời đời. Từ đó Chúa đưa chúng ta sang việc sử dụng tiền của cho phải phép. “Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu” (Lc16, 9).

Trước tiên, để khôn ngoan sử dụng tiền cho phải phép, chúng ta hãy xem người thế gian nói gì về tiền, họ xem tiền như thế nào? Cách sử dụng tiền bạc của họ như thế nào để họ đạt được mục đích?

Có một anh sinh viên viết một thư gởi cho mẹ, nói về vấn đề tiền, đã gây xúc động cho nhiều người:

“Chỉ đến tận bây giờ con mới nhận ra cả một quãng thời gian dài trước đó con đã non nớt, ngây thơ biết chừng nào khi nghĩ về tiền. Cách đây 8 năm bệnh viện đã chuẩn đoán mẹ bị suy thận mãn tính độ 4 (độ cao nhất về suy thận)... 8 năm rồi nhà ta đã sống trong túng thiếu bần hàn…

Hồi học tiểu học, tiền bạc đối với con là một cái gì đó rất nhỏ, nó là những tờ giấy với đủ màu có thể dùng để mua cái bánh, cái kẹo, gói xôi hay cái bánh mì … Con đâu có ngờ tiền chính là yếu tố quyết định sinh mạng mẹ mình, là thứ bố mẹ phải hàng ngày chắt bóp và bao người thân gom góp lại để trả cho từng ca lọc máu cho mẹ tại bệnh viện Bạch Mai, là thứ càng làm mẹ thêm đau đầu suy nghĩ khi mẹ buộc phải nghỉ việc làm vì điều kiện sức khỏe không cho phép.”

Sau khi thấy sự cần thiết của đồng tiền đối với một hoàn cảnh nghèo, bệnh tật của mẹ, anh lại cảm thấy ghét và sợ đồng tiền của mình:

"Con bỗng ghét, thù đồng tiền... Khi mẹ vẫn nằm trong viện. Ba người bệnh chen chúc chung nhau một chiếc giường nhỏ trong căn phòng bệnh ngột ngạt và quá tải của bệnh viện Bạch Mai. Con đã ngây thơ hỏi mẹ “Sao mẹ không vào phòng bên kia, ở đấy mỗi người một giường thoải mái lại có quạt chạy vù vù, có tivi nữa?” Mẹ chỉ nói khẽ “Cha tổ anh. Đấy là phòng dịch vụ con ạ”... Con... vỡ lẽ ra rằng đó là phòng mà chỉ những ai rủng rỉnh tiền thì mới được vào mà thôi. Còn như mẹ thì không được. Con căm nghét đồng tiền vì thế.

Con còn sợ đồng tiền nữa... Con sợ nó, vì sợ mất mẹ. Mẹ đã phải bốn lần đi cấp cứu rồi... Nhiều người bạn mẹ quen trong “xóm chạy thận” đã phải chịu những cái kết bi thảm như thế. Nhiều đêm con bỗng choàng tỉnh dậy, mồ hôi đầm đìa mà lạnh toát sống lưng bởi vừa trải qua một cơn ác mộng tồi tệ …Con sợ mẹ lại phải đi cấp cứu, và sợ nhỡ nhà mình không đủ tiền để nộp viện phí thì con sẽ mất đi người thân yêu nhất trong cuộc đời này. Mỗi buổi mẹ đi chạy thận là mỗi buổi cả bố và con đều phấp phỏng, bồn chồn, lo lắng. Mẹ về muộn là lòng con nóng như lửa đốt, còn bố thì cứ đi đi lại lại và luôn hỏi “bao giờ mẹ mày mới về?” Với con cơ hội là 50/50, hoặc là mẹ chạy thận an toàn và về nhà, hoặc là…

Chúng ta thấy, sống trên đời này tiền rất cần thiết, nếu không có tiền, thì bệnh tật lấy gì mà lo, không có tiền thì lấy đâu đóng học phí, đóng bảo hiểm, đóng tiền học thêm, nếu không có tiền sẽ không có hạnh phúc, sẽ không có nhiều bạn hữu, nên người ta nói: “có tiền mua được cuộc chơi, hết tiền mua được cách chơi bạn bè” là vậy…  Tuy nhiên, có một giới hạn, đó là con người sử dụng tiền của mưu ích cho mình cũng chỉ dừng lại ở những thực tại trần gian.

Còn đối với Chúa Giêsu, Chúa dạy dùng tiền cách phải phép không chỉ dừng lại ở thực tại trần gian này, không chỉ được người ta tiếp rước, mà còn để được đón vào nơi vĩnh cửu nữa.

Nhưng để được vào nơi vĩnh cửu chúng ta không chỉ dừng lại ở việc làm chủ đồng tiền, để nó làm đầy tớ mình, mà còn hãy để mình làm tôi Thiên Chúa. Vì sao như vậy? Chẳng lẽ sự khôn ngoan của con người không đủ sức chế ngự đồng tiền? Thưa không, vì sức mạnh của đồng tiền quá lớn, con người khó có thể làm chủ được nó, nếu không có ơn Chúa. Thực tế cuộc sống cho thấy điều đó.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh có nói con cọp khi đi săn mồi, nó giết các con thú khác. Thế nhưng có bao giờ chúng ta nghĩ thương cho con cọp không? Vì con cọp chỉ khi nào đói mới đi săn. Con người không đói cũng đi săn.

Cũng vậy, có một triết gia từng nói: “Con người sở dĩ thống khổ không phải bởi vì mình có được quá ít, mà là muốn có được quá nhiều.”

Khi mình đã có tiền, đủ ăn rồi, mình vẫn đi săn như thường, mình muốn làm giàu hơn. Và khi mình muốn giàu hơn mình phải khai thác, khai thác nhiều hơn nữa, khai thác người khác, khai thác thị trường. Và mình gây đau khổ cho người khác.

Con người không bằng lòng, không mãn ý như là con cọp, hay là con sư tử. Vì con cọp, con sư tử khi nó ăn no rồi, nó buông con mồi lại để cho những con khác ăn. Còn chúng ta, thì chúng ta không buông. Chúng ta giữ lại cho chúng ta. Và khi chúng ta no rồi, chúng ta vẫn đi kiếm mồi như thường...

Nên cần phải nhờ đến một ông Chủ khác mạnh mẽ hơn, đó chính là tin nhận và tôn thờ Chúa, thì chúng ta mới có thể làm chủ được tiền bạc và sử dụng nó cho phải phép, không những để có được bạn hữu ở đời này, mà còn có được Nước trời mai sau.

Đó là sự khôn khéo mà Chúa Giêsu dạy các môn đệ cũng như mỗi người chúng ta, trong việc sử dụng đồng tiền cách phải phép, cho việc biết đặt Chúa làm trung tâm của cuộc đời mình. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta ý thức được điều đó, và xin Chúa chúc lành cho mỗi người chúng ta. Amen.