02/09/2022
1395
Bài giảng Chúa Nhật XXIII Thường Niên Năm C - Giáo phận Mỹ Tho

















 

SUY NIỆM NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN C

Kn 9,13-18; Plm 9b-10.12.17; Lc 14,25-33




Lm. Trầm Phúc

Đây là một trong những lời tuyên bố sắt đá của Chúa Giêsu, khi Ngài lên Giêrusalem, tức là đi đến cuộc tử nạn của Ngài. Ngài là ai mà dám tuyên bố những lời tuyệt đối như thế? Ngài là ai?

Đối với người Do thái thời bấy giờ, Ngài chỉ là một anh thợ mộc nghèo ở Nadaret. Nhưng thực ra Ngài là ai? Là Ngôi Lời Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa hằng sống. Giáo Hội đã tin vào Ngài và đã tuyên xưng: “Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Ngài đã từ trời xuống thế… và đã làm người”. Thánh Gioan cũng nói: “Ngài đã làm người và ở giữa chúng ta.” Ngài làm người nhưng vẫn là Thiên Chúa.

Chúng ta có thể tìm thấy khuôn mặt của Ngài trong sách Tân Ước. Đây chỉ là một vài ví dụ kín múc từ nguồn duy nhất là lời Chúa. Ngài là hình ảnh của Chúa Cha vô hình, là trưởng tử trong mọi loài được tạo nên, Ngài đã từng tuyên bố: “Ta là ánh sáng thế gian, ai theo Ta sẽ không đi trong u tối nhưng có ánh sáng ban sự sống… Thầy là sự sống lại và là sự sống… Thầy là đường, là sự thật và là sự sống… Thánh Phêrô đã tuyên xưng: “Thầy là Con Thiên Chúa… Bỏ thầy con biết theo ai, chỉ có Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời”. Ngài làm cho người đui được sáng mắt, kẻ què đi được, người điếc nghe được, kẻ chết sống lại… Ngài đến không phải để tìm vinh danh cho mình mà để cứu vớt những gì đã hư mất. Ta đến để mọi người được sống và được sống dồi dào…” Khuôn mặt của Chúa đấy.

Bao nhiêu đó chưa đủ, Ngài còn hạ mình thẳm sâu hơn nữa khi quì xuống rửa chân cho môn đệ và tuyên bố: “Ở giữa anh em, Thầy là người phục vụ”. Ngài đến trong trần gian là để mọi người biết Chúa Cha, và Cha của Ngài là Tình Yêu. “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha… Chúa Cha với Thầy là một”. “Ai yêu mến Thầy, Thầy sẽ yêu thương người ấy và Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở trong người ấy”. Chúa còn muốn chứng tỏ tình yêu của Ngài một cách rõ nét hơn khi tự mình biến thành một tấm bánh và cho chúng ta ăn lấy Ngài. Có tình yêu nào sâu đậm hơn không?

Vậy từ bỏ mọi sự mà theo Ngài phải chăng là một hành động đúng đắn? Nhưng mấy người đã dám từ bỏ mọi sự để theo Ngài, làm môn đệ Ngài? Ở đời, gia đình, cha mẹ, vợ con và cả mạng sống mình có là gì so với mối lợi vô cùng lớn lao là làm môn đệ Chúa? Khi nào chúng ta có thể dứt bỏ mọi để theo Thầy? Chỉ khi nào chúng ta yêu mến Chúa hết lòng, hết sức, chúng ta mới đủ can đảm để dứt bỏ mọi sự. Hãy nhìn xem các thánh, những người đã dám theo Chúa đến tận cùng. Các thánh tông đồ đã dám bỏ mọi sự, kể cả gia đình. Thánh Phanxicô Assisi, con nhà quí tộc và giàu nhất thành phố đã tìm được Chúa sau một cuộc chiến thất bại và một cơ bệnh thập tử nhất sinh. Ngài chỉ sống cho Chúa mà thôi. Thánh Clara, đệ tử của thánh Phanxicô cũng là con nhà quí tộc, đã sống hoàn toàn cho Chúa. Và hôm nay, trên toàn thế giới, biết bao người đã theo Chúa trên con đường từ bỏ. Chỉ có tình yêu mới có thể cho chúng ta sức mạnh để dứt bỏ mọi sự và theo Ngài. Trên đời này, biết bao người nam nữ đã dám bỏ cha, bỏ mẹ để theo người yêu. Khi tình yêu đã trở nên đích điểm của cuộc sống, thì những mối liên hệ gia đình, thân thế, sự nghiệp cũng chỉ là thừa thải. Chỉ có Chúa mới đáng cho chúng ta liều mạng cho Ngài. Và ai đã dám liều mới cảm thấy cuộc đời tươi đẹp như thế nào!

 



Lm. Phêrô Trần Trọng Khương

MÔN ĐỆ NGHÈO, GIÀU

Có nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn để phong tặng, xưng tụng một người lên chức vị thầy. Trong đó tiêu chí cốt lõi không thể thiếu là người đó phải có học trò, phải đào tạo được những người kế thừa. Bởi vì thuở đời nào gọi là thầy mà lại không có trò? Và học trò nào mà lại không có thầy dạy mình? Điều này đúng với kho tàng tư tưởng Người Việt đúc kết từ kinh nghiệm: Không thầy đố mày làm nên.

Người thầy luôn tự hào về những người môn đệ của mình, tự hào về những người trò thành đạt, giàu có, địa vị, nổi tiếng, uy tín, danh thơm tiếng tốt, đức cao trọng vọng… Tư tưởng này xem ra lại không phù hợp với quan điểm của Chúa Giêsu: Khi ấy, có rất đông người cùng đi đường với Đức Giêsu. Người quay lại bảo họ: Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được…. Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.

Đã gọi là từ bỏ hết mọi sự thì làm sao mà giàu có, sung túc, vinh hoa phú quý, lợi lộc? Ngay cả những quan hệ huyết thống, cốt nhục cũng như những quyền lợi được hưởng từ điều này cũng phải từ bỏ.

Nếu đúng là như vậy thì liệu rằng người môn đệ của Chúa Giêsu có động lực, có điều kiện về vật chất để sống và giúp đỡ, cũng như loan truyền Đạo của Thầy mình cho người khác được không? Và chẳng lẽ chủ trương của Chúa Giêsu là nghèo đói, dốt nát, khổ đau, chịu đựng khốn khổ ở đời này chăng?

Nếu hiểu như vậy, sẽ là cách giải thích và hiểu theo kiểu: Đúng theo chữ mà sai về nghĩa. Đúng là lời mời gọi làm môn đệ của Chúa Giêsu có hàm ý về đời sống khó nghèo vật chất, nhưng không chỉ là như vậy, mà còn là sự khó nghèo về tinh thần khó nghèo.

Tinh thần khó nghèo là đặt ích lợi của Đạo Chúa lên hàng đầu, số một. Mọi ưu tiên phải là lợi ích cho phần linh hồn. Nếu vì ích lợi cho phần rỗi linh hồn, nếu vì ích lợi cho việc loan truyền mở mang Đạo của Chúa Giêsu, nếu vì ích lợi cho Hội Thánh của Chúa Giêsu mời gọi tôi phải từ bỏ những thứ khác, thì buộc tôi phải chấp nhận như vậy trong vui vẻ tự nguyện. Đó gọi là tinh thần khó nghèo.

Tinh thần khó nghèo này cũng chi phối vào đời sống khó nghèo vật chất. Nghĩa là vật chất có cũng tốt, mà không có cũng chẳng sao. Có như không không như có. Một thái độ thong dong, không bị trói buộc, không nô bộc cho vật chất của cải.

Có quyền phấn đấu trở nên giàu có, phong nhiêu, nhưng lại thong dong và không bị trói buộc bởi điều này. Để làm được như vậy, thì buộc phải lấy tinh thần khó nghèo mà can thiệp. Nghĩa là trong mọi sự khi cần từ bỏ, buông lỏng thì phải thực hiện ngay. Bởi vì từ bỏ này nhằm ưu tiên cho Nước Trời, ưu tiên cho phần rỗi linh hồn của chính mình.

Đó gọi là nghèo theo Tin Mừng, và Chúa Giêsu tự hào về người môn đệ nghèo như vậy.

Nhìn thấy người môn đệ, người Kitô hữu nghèo về vật chất, thì chưa hẳn là người môn đệ nghèo, bởi vì anh ta nghèo nhưng lòng lại ước ao ham muốn của cải vật chất, địa vị chức quyền.

Nhìn thấy người môn đệ, người Kitô hữu giàu về vật chất, nhưng rất có thể đấy là môn đệ nghèo, bởi vì anh ta giàu nhưng lòng trí anh ta lại thanh thản, thong dong, buông bỏ đối với của cải vật chất, địa vị chức quyền bất cứ lúc nào.

Lạy Chúa, Chúa biết lòng con, Chúa biết con là môn đệ nghèo hay môn đệ giàu.
 





Lm. FX. Nguyễn Văn Thượng

 

Kn 9,13-18; Plm 1,9b-10. 12-17; Lc 14,25-33.

Albert Einstein nói rằng: “Chỉ có hai điều vô hạn là vũ trụ và sự ngu dại của loài người, tôi không đảm bảo điều thứ nhất.” Đáng buồn thay, chúng ta quá thường xuyên đặt mình vào sự dại dột hoặc những tổn thất không giới hạn do sự dại dột và những chọn lựa nó đem đến. Để tránh xa sự ngu dại đầy hủy diệt như vậy là hãy bám víu lấy Đức Khôn Ngoan của Chúa. Những bản văn Kinh Thánh hôm nay nhắc nhở chúng ta con đường khởi đầu cho sự khôn ngoan là nhận biết Đấng Thánh. Tuyệt đối trung thành để Chúa biến đổi chúng ta  thoát khỏi những quyết định sai lầm gây ra rất nhiều rắc rối. Với sự hướng dẫn thông suốt của Lời Chúa, chúng ta có thể bước theo đường lối khôn ngoan tin kính.

 

1.BÀI ĐỌC 1: Kn 9, 13-18

 

“Lạy Chúa, nào có ai biết được ý định của Thiên Chúa? Nào có ai hiểu được Đức Chúa muốn điều chi?” Đây là câu hỏi phổ biến trong Kinh Thánh (x. Is 40, 13-14, 55, 8; Cn 30, 2-4; Dt 1, 1-10; 18, 1-7; 24, 28-29; Baruch 3, 29-37;). Câu hỏi ở đây phải được nhìn nhận trong ánh sáng của kinh nghiệm tiền nhân, được đúc kết qua dòng thời gian bởi những người khôn ngoan, học thức; tất nhiên, câu hỏi này không đợi có câu trả lời, là bởi chính mình con người không thể làm gì được để thấu hiểu Thiên Chúa nếu chính Người không mạc khải cho. Ngay cả Sa-lô-môn, bất chấp dòng dõi vương tôn, quyền quý và kho tàng kiến thức hay của cải kếch xù của mình, cũng phải thú nhận rằng mình cũng là người phàm, giống như mọi người, là dòng dõi của đứa con đầu lòng trên đất; và trong lòng một người mẹ, đã được hun đúc nên xác thịt, trong vòng mười tháng, được thành hình từ giọt máu, từ dòng dõi của một người đàn ông và hình thành từ niềm vui của một cuộc hôn nhân. Và khi  được sinh ra, bắt đầu hít thở không khí chung với người giàu và nghèo, và ăn những thức ăn từ trái đất nhân hậu, và âm thanh đầu tiên cuộc đời chỉ là một tiếng khóc, giống như vậy. Dẫu được chăm sóc cẩn thận trong những tấm vải hoàng gia, hơn tất cả nhân loại một lối sống, nhưng cùng một sự ra đi chung (x. Kn 7,1-6). Do đó, ông nhận ra sự cần thiết phải cầu nguyện để có được sự khôn ngoan như một món quà: Vì vậy, ông đã khiêm nhường cầu nguyện với Thiên Chúa để sự hiểu biết được ban xuống: “Tôi kêu cầu Chúa, và đức khôn ngoan đã đến với tôi” (x. Kn 7, 7). Bằng cách này, nhà vua thừa nhận: “Vì thân này là tôi tớ, con của nữ tỳ Ngài, số phận mỏng manh, cuộc đời vắn vỏi, việc pháp đình lề luật, con bé bỏng hiểu chi!” (x.Kn 9, 5).

Nói một cách đơn giản, bản chất của con người có những giới hạn của nó. Một số học giả muốn so sánh giữa những câu này (đặc biệt là câu 15) và triết học của Platon (Phaedo 66B; Republic 611C; Timaeus 43BC), cho rằng tác giả của Trí tuệ là một người theo thuyết nhị nguyên coi vật chất là xấu xa. Nhưng những nền tảng mà chủ nghĩa Platon được xây dựng không giống với nền tảng của giáo huấn trong Sách Khôn Ngoan, và những so sánh hời hợt không thể thay đổi điều đó. Đức Chúa với Đức Khôn Ngoan đã tạo ra trái đất và các tầng trời và tất cả những gì chúng chứa đựng theo một kế hoạch khôn ngoan, do đó, con người, chỉ là một phần của sự sáng tạo từ đức khôn ngoan của Thiên Chúa, không thể hiểu đầy đủ những gì đang có trên trái đất, và những gì con người có thể hiểu (những gì trong tầm tay) chỉ có thể tìm thấy với lao động miệt mài trong một hạn định. Vì vậy, đức khôn ngoan phải được gửi đến, hầu con người chăm chỉ để có thể học được điều gì làm đẹp lòng Thiên Chúa. Chỉ bởi vì Thiên Chúa đã ban Đức Khôn Ngoan cho loài người như một món quà. Chính Đức Kitô đã nêu lên sự kiện này khi cầu nguyện cùng Thiên Chúa: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” (x.Mt 11,25; Lc 10,21). Thực ra, Thiên Chúa ban tặng Đức Khôn Ngoan cho mọi người, vì ai cũng cần Đức Khôn Ngoan để tri ngộ những mặc khải và giáo huấn của Thiên Chúa.

Một người, bằng sự khôn ngoan của mình, tạo nên điều mà anh ta không bao giờ  làm được bằng sức mạnh cơ bắp của mình. Nếu Chúa bênh đỡ chúng ta, ai có thể chống lại chúng ta, hoặc đối diện chúng ta? Vua Sa-lô-môn nhận thấy sức mạnh của Đức Khôn Ngoan, mặc dù để có được Đức Khôn Ngoan, có thể phải chịu những bất lợi bên ngoài. Người khôn ngoan và tốt lành thường cảm thấy hài lòng khi đã làm điều tốt, hoặc ít nhất, cố gắng làm điều đó, không phải để được khen ngợi mà vì Đức Khôn Ngoan thôi thúc. Có bao nhiêu ân sủng lành thánh, cả phương diện tự nhiên lẫn thiêng liêng, mà một tội nhân đã phá hủy và lãng phí! Người ấy chống lại Đức Khôn Ngoan từ bên trong và phá hủy linh hồn của chính mình, phá hủy nhiều điều tốt đẹp. Một tội nhân có thể lôi kéo nhiều người vào con đường diệt vong của mình vì đi con đường ngược với Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa.

 

2.BÀI ĐỌC 2: Plm 1,9b-10.12-17

 

“Tôi, Phao-lô, một người đã già và hơn nữa, một người đang bị tù vì Đức Ki-tô Giê-su”: Rõ ràng là Phao-lô sẽ yêu cầu Phi-lê-môn giúp đỡ. Trước khi hỏi, ông đã thu hút sự đồng cảm của Phi-lê-môn bằng cách mô tả về bản thân (Phao-lô, người lớn tuổi) và hoàn cảnh của ông (một tù nhân). Vì Phao-lô sẽ đưa ra lời kêu gọi của mình dựa trên tình yêu thương, nên ông đã làm những gì có thể để khuấy động lòng thương cảm của Phi-lê-môn: Phi-lê-môn, trước khi tôi nói cho anh biết tôi cần gì ở anh, hãy nhớ rằng tôi là một ông già và là một tù nhân tại đó.

“tôi van xin anh cho đứa con của tôi, đứa con tôi đã sinh ra trong cảnh xiềng xích, đó là Ô-nê-xi-mô”.  Ô-nê-xi-mô / Onesimus là một nô lệ đã trốn thoát khỏi chủ của mình là Phi-lê-môn. Có vẻ như khi Onesimus trốn thoát, anh ta đã trốn đến La-mã và - cố ý hay không - gặp được Phao-lô. Phao-lô mặc dù bị người La-mã quản thúc tại gia, đã đưa Onesimus đến với đức tin vào Chúa Giê-su Ki-tô. Thật hợp lý khi Onesimus trốn đến Rô-ma, thành phố lớn nhất của Đế chế La-mã. Onesimus là một người nô lệ của Phi-le-môn, sống tại Cô-lô-xê. Vì một lý do nào đó, ông đã bỏ trốn chủ qua Rô-ma và đã gặp lại Phao-lô đang lúc ngài bị giam tù lỏng. Sau một thời gian ở với Phao-lô và được huấn luyện, ông đã thay đổi hoàn toàn và được chịu phép Rửa bởi Phao-lô. Luật Rôma rất nghiêm nhặt đối với người nô lệ bỏ chủ chạy trốn, ông có thể bị tử hình. Phao-lô tuy rất muốn giữ Onesimus ở với mình trong khi tù đày và già yếu; nhưng ông không muốn làm gì mà không có sự đồng ý của Phi-lê-môn, chủ của Onesimus.

Khi Phao-lô thay mặt Onesimus đưa ra lời kêu gọi này, ông đã tuân theo những truyền thống sâu sắc trong văn hóa La-mã. Có một luật lệ Hy-lạp cổ đại (được người La-mã kế thừa) cho phép bất kỳ nô lệ trốn thoát nào được trốn dưới một bàn thờ. Bàn thờ thậm chí có thể là lò sưởi của một gia đình tư nhân; sau đó người chủ gia đình có nghĩa vụ phải bảo vệ người nô lệ đó trong khi cố gắng thuyết phục anh ta trở về với chủ của mình. Nếu nô lệ từ chối, người chủ gia đình sẽ đưa nô lệ ra bán đấu giá và đưa ra giá bán nô lệ cho chủ cũ. Phao-lô đã bảo vệ Onesimus, và bây giờ đang giải quyết vấn đề với Phi-lê-môn. Theo một cách nào đó, Onesimus đã trở nên có lợi cho Phao-lô. Có lẽ anh ta đã từng là trợ lý cho Phao-lô trong thời gian bị quản thúc tại gia. Vì vậy, người nô lệ bỏ trốn của Phi-lê-môn, Onesimus giờ đây không có lợi cho Phi-lê-môn vì anh ta đã trốn thoát. Nhưng anh ta đã trở nên có lợi cho Phao-lô - và nói cách khác, cả Phi-lê-môn. Vì Phi-lê-môn yêu quý thánh Phao-lô, nên nếu Onesimus giúp Phao-lô thì ông cũng đang giúp Phi-lê-môn.

“không phải được lại một người nô lệ, nhưng thay vì một người nô lệ, thì được một người anh em rất thân mến; đối với tôi đã vậy, phương chi đối với anh lại càng thân mến hơn biết mấy, cả về tình người cũng như về tình anh em trong Chúa.” Phao-lô “giới thiệu lại” Onesimus với Phi-lê-môn; không phải như một nô lệ, mà là một người anh em. Trong mối quan hệ với tư cách anh em chứ không phải nô lệ này, Phao-lô đã xóa bỏ mối quan hệ “chủ-nô” một cách hiệu quả và đặt nền tảng cho việc xóa bỏ chế độ nô lệ một cách hợp pháp cuối cùng. Nếu một người lạ, tôi có thể biến anh ta thành nô lệ của mình. Nhưng người anh em tôi làm sao có thể làm nô lệ của tôi được? Việc phá bỏ sự phân biệt giữa chủ và nô lệ là một sự phát triển hoàn toàn mang tính cách mạng. Nó đã làm thay đổi xã hội nhiều hơn là việc thông qua luật cấm chế độ nô lệ. Thánh Phao-lô mong ước cho cả đôi bên được hiệp nhất trong tình cảm như những người anh em trong Đức Ki-tô. Chính trong tinh thần của Đức Ki-tô: “tất cả là anh em với nhau”(x. Mt 23,8) - việc giải phóng chính thức sẽ chỉ là vấn đề hợp pháp, là sự xác nhận hợp pháp về mối quan hệ mới của họ trong Đức Ki-tô.

Trong đoạn thư này cho chúng ta một góc nhìn về tính hiệp hành: sự biến đổi của cá nhân là mấu chốt cho sự biến đổi của xã hội và của môi trường đạo đức, là nền tảng của sự hiệp hành. Đổi mới một xã hội, không phải bằng công nghệ hay vũ trang mà nằm ở việc mang lại cho mỗi con người một trái tim mới, và một thần trí mới để tất cả đi chung trên một con đường phụng sự Chúa trong anh em mình.

 

3.TIN MỪNG: Lc 14, 25-33.

 

Chúng ta đang sống trong một xã hội được định hướng bởi thị trường, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi chúng ta cảm thấy thôi thúc ‘rao’ những giá trị Ki-tô giáo trên thị trường của những ý tưởng và ‘cách sống cạnh tranh’. Tuy nhiên, khi sứ mệnh của Ki-tô hữu được định hình theo tâm lý ‘thương vụ’, nó có khuynh hướng thường xuyên trở thành một thứ hàng hóa ‘bình dân’ và kênh tiêu dùng ‘an toàn’. Vậy, Chúng ta sẽ thuyết phục người khác tiếp nhận đức tin bằng cách nào khác, nếu không bằng cách tiếp cận với một đề nghị lối sống tối giản hoặc tốt hơn? Khi chất vấn, người tiếp nhận kiểu ‘thương vụ’ sẽ có thể hỏi: Nhưng đức tin Ki-tô giáo có thực sự là một nỗ lực ít tốn kém, ít rủi ro không? Đoạn Tin Mừng đọc cho tuần này, Lu-ca 14,25-33, đưa ra một thách thức đối với cách tiếp cận theo ‘định hướng thị trường’ đối với sứ mệnh Ki-tô giáo. Bản văn bắt đầu với hai câu nói đòi hỏi sự trung thành tuyệt đối với Chúa Giê-su (x. Lc 14, 25-27). Sau đó, Chúa Giê-su đưa ra hai câu chuyện hoặc dụ ngôn ngắn gọn để minh họa tầm quan trọng của việc ‘tính giá phải trả’ để được Chúa Giê-su nhận làm môn đệ Người  (x. Lc 14, 28-33).

Câu đầu tiên xác quyết về ‘giá phải trả’ cho việc làm môn đệ của Chúa Giê-su được đóng khung bằng ngôn ngữ rõ ràng: Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14, 26-27). Câu nói này phù hợp chủ đề phân đoạn Lu-ca 12, 51-53, nơi Chúa Giê-su cảnh báo về việc các gia đình bị chia rẽ vì sứ điệp của Người. Bởi vì Chúa Giê-su đòi hỏi những người theo Chúa phải xác nhận quyết liệt về lòng trung thành tuyệt đối cho đến hơi thở cuối cùng, nên không có gì ngạc nhiên khi Người vốn dĩ có thể mang đến xung đột gia đình.

Tuy nhiên, ngôn ngữ của lời khẳng định đặc biệt này làm nhiều người lo ngại. Chúa Giê-su có thực sự kêu gọi chúng ta ghét gia đình ruột thịt và cuộc sống của chúng ta không? Hai góc nhìn rất hữu ích trong vấn đề này. Đầu tiên, Chúa Giê-su đang sử dụng ngôn ngữ ẩn dụ ở đây như cách Người thường làm trong các bài giảng của mình (x. Mt 18, 8-9). Điều này trở nên rõ ràng khi chúng ta so sánh câu nói này trong Lu-ca với câu nói song song trong Mat-thêu 10,37: “Ai yêu cha hoặc mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy; còn ai yêu con trai hay con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy.” Mat-thêu, dựa trên cùng một truyền thống giống như Lu-ca, dường như đã giải thích ngôn ngữ rõ ràng hơn của ‘ghét’ để chỉ lòng trung thành mới là yếu tố chính trong mối tương quan với Chúa Giê-su. Đối với Mat-thêu, câu nói này chỉ ra rằng lòng trung thành chính yếu của chúng ta phải là đối với Chúa Giê-su hơn là đối với gia đình.

Góc nhìn thứ hai là việc sử dụng ‘ghét’ trong Lu-ca có thể phản ánh một thành ngữ xuất phát từ tiếng Do Thái. Trong Sáng Thế 29, 30-31, chúng ta nghe nói rằng Gia-cóp yêu Rachel hơn Lê-a và Lê-a bị Gia-cóp ‘ghét bỏ’. Một cách sử dụng tương tự cho ‘sự ghét bỏ’ xảy ra trong Đệ Nhị Luật 21,15-17, nơi cũng rõ ràng rằng vấn đề là do sự ưu tiên cho lòng trung thành. Điều này phù hợp với những gì chúng ta đã thấy trong Lu-ca và Mat-thêu. Chúa Giê-su không kêu gọi những người theo Chúa phải tuyệt giao, ghét bỏ gia đình của họ bằng phản ứng tình cảm; thay vào đó, Chúa Giê-su kêu gọi lòng trung thành không đứt đoạn đối với chính Người phải trên mức trung thành với gia đình.

Câu tiếp của Chúa Giê-su nhấn mạnh điểm tương tự về lòng trung thành. Môn đệ hóa được định nghĩa bằng cách ‘đi theo Thầy’ và ‘vác thập tự giá’. Cụm từ này chỉ ra rằng từ bỏ tư lợi và lòng trung thành với Chúa Giê-su có tính cạnh tranh sống còn với các liên hệ khác chính là trọng tâm của việc đào tạo môn đệ. Cả những câu nói này của Chúa Giê-su đều không cho con đường đức tin là một thứ ‘chủ nghĩa dân túy’ hay một hình thức đức tin ‘giá thấp’. Thay vào đó, chúng nhấn mạnh khung ‘giá không thương lượng’ của việc theo Chúa Giê-su.

Hai câu chuyện ngụ ngôn ngắn gọn sau đó đã minh họa ‘khung chi phí’ này bằng cách gợi ý hai tình huống. Hình tượng đầu tiên hình dung một chủ đất xây dựng một tòa tháp, để chứa sản vật hoặc canh giữ đất đai và gia súc (x. Lc 14, 28-30). Nếu chủ đất chưa ước tính được tòa tháp sẽ có giá bao nhiêu, có thể dự án sẽ vẫn dang dở do thiếu vốn. Kết quả cuối cùng sẽ là sự chế giễu từ tất cả những ai nhìn thấy cấu trúc chưa hoàn thiện.

Câu chuyện thứ hai kể về một vị vua lượng giá binh lực so với đoàn quân hùng hậu hơn của đối phương (x. Lc 14, 31-32). Nếu nhà vua  không thể chiến thắng với số lượng binh lính ngài có, cách khôn ngoan duy nhất sẽ là thương lượng hòa ước với kẻ thù của mình từ trước khi giáp trận. Chúa Giê-su dùng hai câu chuyện này để minh họa sự cần thiết của việc ‘mất còn’ trong hành trình làm môn đệ Đức Ki-tô. Chúa Giê-su đưa ra một cam kết đóng khung hành trình làm môn đệ ngay khi bắt đầu. Đi theo Chúa Giê-su là một mệnh đề ‘tất cả hoặc không có gì’. Bản tóm tắt kết luận làm rõ các mối liên hệ: ‘ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (x. Lc 14,33; về chủ đề này, xin xem Lu-ca 12).

Trong phân đoạn này, Chúa Giê-su của Tin Mừng Lu-ca kêu gọi mọi người đến với một hành trình môn đệ ‘chất lượng cao’ - với ân điển không dễ dàng chiếm được mà không phải trả giá đắt. Đúng là không dễ dàng và sẽ không được tham dự nếu không cân nhắc sâu sắc về hệ quả và ‘chi phí’. Phân đoạn này nói lên tầm quan trọng của lòng trung thành và sự trung thành tuyệt đối dành cho Chúa Giê-su phải hơn tất cả những lòng trung thành có tính cạnh tranh khác, bao gồm gia đình, tư lợi và của cải.

Mặc dù nhấn mạnh trong phần trước của Lu-ca 14 về ơn cứu độ và sự tự do mà Chúa Giê-su mang lại cũng như bản chất chung cuộc của vương quốc Thiên Chúa được giả định trong phần cuối cùng của chương này, những chủ đề tổng thể và mang tính cứu độ đó không làm chúng ta cảm thấy rằng ở đây trong Luca 14, 28-33 là một số câu nói khó nghe của Chúa Giê-su. Điều đó khiến chúng ta mạnh dạn loan báo về ân điển Thiên Chúa, nghĩa là loan báo hệ quả của lòng trung thành với giao ước với Chúa là con đường cứu rỗi chung cuộc, nhưng chúng ta không bỏ qua việc rao giảng về lòng trung thành với giao ước là yêu cầu không khoan nhượng của Chúa Giê-su đối với những ai thực tâm đi theo Người. Ơn Cứu Rỗi trong Chúa Giê-su không chỉ đơn thuần là một ‘chứng từ giao dịch’. Về cơ bản, đó là một mối quan hệ giao ước. Và không có mối quan hệ nào kéo dài mà không có những cam kết và hành động trung thành. Vì Đấng Cứu Độ chúng ta cũng kêu gọi chúng ta trở thành ‘môn đệ thượng hạng’, nên mệnh lệnh “Hãy theo ta” của Chúa Giê-su vừa là món quà vừa là đòi hỏi cam kết trọn vẹn.

 

GỢI Ý SUY NGHĨ THÊM

 

-Trên con đường làm môn đệ của Đức Ki-tô, người môn đệ bị đòi phải gạt những hiểu biết theo tính toán con người của mình qua một bên để sống theo Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa. Tôi có sống theo cách riêng của mình, mà bỏ Đức Ki-tô nửa đường và không theo Ngườii tới cùng được vì lý do nào đó không?

-Hãy giáo dục chính mình về lòng yêu thương hết mình và luôn sống theo sự thật. Vậy tôi có sẵn sàng dẹp bỏ mọi khôn ngoan tính toán theo cách thức con người và chấp nhận những điều kiện Chúa Giê-su đòi hỏi để sống đến cùng những đòi hỏi của Chúa không?

-Bỏ chính mình là điều khó khăn hơn cả, phải bỏ ý riêng để sống hoàn toàn theo ý Thiên Chúa. Nhờ Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa, chúng ta sẽ hiểu rõ những lợi ích cần kíp của hành vi tử bỏ ý riêng mình, được gợi ý điều cần thiết và nên làm để sống trọn vẹn ơn gọi của mình.

 

 



Lm. Tôma Lê Duy Khang

 

Bài 1

Trong bài thơ Giục Giã của nhà thơ Xuân Diệu có câu thơ như thế này: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn le lói suốt trăm năm.” Nhìn theo hướng tích cực, câu thơ này cho thấy ai cũng có một cuộc đời để sống, nếu không sống hết mình, hết tình và có ích thì cuộc đời này vô ích. Nhưng nếu nhìn cách tiêu cực thì, vì chỉ có một cuộc đời để sống, nên hãy sống phóng túng, sống huy hoàng đi, tội gì phải sống trong sự tĩnh lặng để le lói suốt trăm năm.

Thế nhưng, khi chúng ta sống theo kiểu huy hoàng rồi chợt tắt như những con thiêu thân, thì cuộc đời của chúng ta thật là uổng phí, và nhiều khi chúng ta phải trả một giá quá đắt cho chọn lựa của mình.

Có một câu chuyện ngắn mà tôi đọc được, xin được tóm tắt để cho chúng ta thấy ước muốn và hành vi của con người khi muốn sống huy hoàng như những con thiêu thân, thì hậu quả của nó sẽ le lói như thế nào.

Linđa sinh ra là một cô gái đẹp, duyên dáng. Cô biết mình đẹp và mong ước được cưới một ông chồng giàu sang, có địa vị. Nhưng cô lại sinh ra trong một gia đình nghèo, nên cuối cùng phải cưới một ông chồng nghèo, làm thư ký quèn.

Một hôm, hai vợ chồng nhận được giấy mời đi dự dạ hội. Nàng lại không bằng lòng với cái áo cũ của mình, nên đã nói với chồng: “Anh ơi, em không thể đi dạ hội với chiếc áo như thế này. Anh cố gắng cho em may một chiếc áo mới, cả đời mới có một lần.”

Người chồng vì thương và chiều vợ nên anh đã đi nhà băng rút tiền tiết kiệm để may cho cô vợ. Mặc chiếc áo đẹp vào rồi, soi gương, thì nàng lại nói: “Anh ơi, chiếc áo này thì được rồi, nhưng em thấy còn thiếu một cỗ chuỗi ngọc đeo vòng ở cổ".

Không biết làm sao, vì đã rút hết tiền trong nhà băng để may áo dạ hội rồi, nên cả hai quyết định đến nhà bạn để mượn tạm chuỗi vòng ngọc.

Đêm hôm ấy, nàng trở nên hoa khôi của buổi tiệc. Đẹp và duyên dáng nên nàng được săn đón tâng bốc. Nàng cười nói vui vẻ. Nhiều người tưởng nàng thuộc giới thượng lưu, thuộc hàng quý tộc. Quả là một đêm rất hạnh phúc đối với nàng.

Nhưng chẳng may khi về nhà thì hai vợ chồng mới sững sờ, chết điếng, vì chuỗi ngọc trên cổ nàng bị đứt và rơi mất ở đâu đó. Hai vợ chồng đành bán nhà, sang ở một căn hộ nhỏ khác. Họ tìm đến bạn bè để vay mượn cuối cùng gom góp đủ 40.000 franc để mua một chuỗi ngọc khác trả cho bà bạn.

Sau đó, họ phải làm ăn vất vả 10 năm mới trả hết số nợ. Lúc ấy, người vợ lại tình cờ gặp người bạn cũ. Người bạn ngạc nhiên hỏi: “Ôi Linđa đó hả, em sao trông già và xấu thế!” Linđa nói: “Em đã trải qua một thời gian quá khó khăn, từ khi gặp chị lần cuối, tất cả cũng chỉ vì bởi chị!”; “Em đã mua xâu chuỗi khác để trả cho chị mà em làm mất, và em phải làm ăn vất vả để trả nợ cho xâu chuỗi.”

Nhưng bà bạn lại nắm chặt lấy tay Linđa và thương tiếc nói: “Ôi, tội nghiệp cho em, cái chuỗi ngọc của chị chỉ là một xâu chuỗi giả mà thôi. Nó đáng giá chỉ có 500 franc.”

Câu chuyện cho chúng ta thấy: Nhiều khi phải trả một giá quá đắt cho điều mình theo đuổi cả cuộc đời. Cuộc đời lại có những bất ngờ. Linđa đã trả giá cả 10 năm khổ nhọc cho một vài giờ hạnh phúc, và cho một chuỗi hạt ngọc mà cuối cùng khám phá ra cũng chỉ là giả tạo.

Nhìn lại cuộc đời của mỗi người chúng ta, nhiều khi chúng ta đã tiêu tốn biết bao nhiêu công sức, tiền bạc, đầu tư cho một điều, cho một việc, cho một thành quả, có khi kéo dài cả chục năm, vài chục năm. Thế mà thành quả lại chẳng đáng giá gì.

Chúa Giêsu trong trang Tin Mừng hôm nay không muốn chúng ta chọn lựa theo kiểu thế gian, chọn lựa như những con thiêu thân chọn lựa theo ánh đèn, để rồi phải sống le lói suốt trăm năm, nhưng Người muốn chúng ta phải có một chọn lựa dứt khoát để có một cuộc đời vĩnh cửu, một cuộc sống huy hoàng. Đây là chọn lựa đem lại kết quả mỹ mãn, nhưng ít ai chịu đi, ít ai chịu theo, vì một khi đã chọn lựa theo Chúa thì phải trả một cái giá rất đắt.

Nên việc theo Chúa phải được suy tính kỹ càng chứ không phải một ngày một bữa. Chẳng hạn như chuyện suy tính xây một cái tháp, cần phải suy tính là có đủ tiền để xây cất không, hay như chuyện cầm quân đánh trận, đem một vạn quân liệu có đủ đánh bại đối phương hay không?

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó, để khi chọn Chúa, chúng ta cần phải có sự đầu tư tính toán cho thật là kỹ, để chúng ta có thể theo Chúa cho đến cùng, chứ không phải theo Chúa theo thời vụ, theo mùa, hay chỉ vì một mục đích nào đó, để cuộc đời của chúng ta là một cuộc đời huy hoàng không phải chỉ ở đời này, mà còn ở đời sau, và không phải một cuộc đời le lói suốt trăm năm ở đời này cũng như ở đời sau. Amen.

Bài 2

Trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng hình ảnh hết sức cụ thể để dạy những người Do thái thời bấy giờ, cũng như mỗi người chúng ta ngày hôm nay, hãy tự biết lượng sức mình: “Ai trong các ngươi muôn xây tháp mà trước tiên không ngồi xuống tính toán phí tổn cần thiết, xem có đủ để hoàn tất không? Hoặc có vua nào khi đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên không ngồi suy nghĩ, xem mình có thể đem mười ngàn quân ra đương đầu với đối phương dẫn hai mươi ngàn quân tiến đánh mình chăng?”

Điều Chúa Giêsu dạy không phải biết tự lượng sức mình trong đời sống thường ngày mà còn trong đời sống đức tin nữa, nên Chúa mới nói: “Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta.” Nghĩa là phải biết tự lượng sức mình, xem mình có đi theo Chúa đến cùng không.

Nhìn lại các trang Tin mừng, chúng ta thấy Chúa cũng nói đến vấn đề này nhiều lần. Chẳng hạn trong Tin mừng Matthêu có kể câu chuyện bà mẹ của các con ông Dêbêđê đến gặp Chúa Giêsu, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. Người hỏi bà: “Bà muốn gì?” Bà thưa: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.” Chúa Giêsu bảo: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Họ đáp: “Thưa uống nổi” (Mt 20,20-22). Nghĩa là Chúa muốn nói với hai ông Giacobe và Gioan có biệt tự lượng sức khi xin điều đó không, có uống nổi chén Chúa sắp uống không.

Rồi trước khi về trời, trong lệnh truyền giáo của Chúa Giêsu, Người cũng nhắc nhở một điều là: “Hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần…” (Mt 28,19) hoặc “anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo tin mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa thì được cứu độ, ai không tin, thì sẽ bị kết án” (Mc 16,15-16).

Điều Chúa Giêsu nhắc nhở là hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ trước, hãy để cho họ tin Chúa trước đi, hãy chuẩn bị cho họ kỹ càng trước đi, rồi sau đó mới làm phép rửa cho họ, nghĩa là hãy biết lượng sức của người được truyền giáo xem họ như thế nào, nếu họ không đủ điều kiện thì không nên rửa tội.

Giáo luật điều 865 triệt 1 cũng nói điều này: “để có thể được rửa tội, người thành niên phải bày tỏ ý muốn lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, phải được dạy dỗ đầy đủ về những chân lý đức tin và nghĩa vụ Kitô giáo và phải được thử luyện sống đời kitô hữu qua thời gian dự tòng, họ cũng được khuyên nhủ ăn năn tội lỗi của mình.”

Giáo luật cũng nói thêm, nếu trong trường hợp nguy tử, người thành niên có thể được rửa tội, nếu sau khi đã có một vài nhận thức về những chân lý chính yếu của đức tin, họ tỏ ý muốn lãnh nhận Bí tích Rửa tội, bằng bất cứ cách nào, và hứa sẽ tuân giữ các giới răn của Kitô giáo (Gl 865 triệt 2). Như vậy, để được rửa tội phải có đức tin, nếu không tin thì không nên rửa tội.

Đối với trẻ nhỏ cũng thế, điều kiện để có thể rửa tội cho một em thiếu nhi, thì em nhỏ này phải được cả cha lẫn mẹ, hoặc cha, hoặc mẹ đồng ý, hoặc của người thay quyền họ cách hợp pháp (GL 868 triệt 1).

Bên cạnh đó, Giáo luật cũng nói thêm: “Có niềm hy vọng chắc chắn là em sẽ được giáo dục trong đạo Công giáo; nếu hoàn toàn thiếu niềm hy vọng này, thì phải hoãn ban bí tích rửa tội, chiếu theo những quy định của luật địa phương, sau khi đã thông báo cho cha mẹ biết lý do (GL 868 triệt 2).

Hiểu được như thế, trong đời sống thường ngày, chúng ta phải biết tự lượng sức mình, tự lượng sức anh em của mình, đừng chất những gánh nặng lên vai người khác mà chính chúng ta không vác nổi.

Rồi trong đời sống đức tin cũng thế, hãy chuẩn bị đời sống đức tin cho thật là vững chắc, bởi cuộc đời này không có gì là chắc chắn. Nếu chúng ta không lo chuẩn bị tốt mà Chúa đến bất ngờ thì làm sao có thể được Người đưa vào Nước Trời. Amen.