04/07/2019
1194
Giáo dục các đức tính nhân bản cho thanh thiếu niên bằng những câu chuyện_Liêm Chính
















 

GIÁO DỤC CÁC ĐỨC TÍNH NHÂN BẢN CHO THANH THIẾU NIÊN

BẰNG NHỮNG CÂU CHUYỆN

 

LIÊM CHÍNH

 

1. Lời Chúa

Anh em không được có trong bao bị của anh em hai quả cân khác nhau, một nặng một nhẹ. Anh em không được có trong nhà anh em hai thùng khác nhau, một lớn một nhỏ. Anh em phải có một quả cân nguyên vẹn và chính xác, một thùng nguyên vẹn và chính xác, để anh em được sống lâu trên đất nà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em ban cho anh em. (Đnl 25,13-15)

Từ xa xưa trong lịch sử loài người, Thiên Chúa đã giáo dục dân của Chúa về sự liêm chính. Chính nhờ liêm chính, trong sạch mà con người được Chúa chúc phúc lành, được sống lâu trên mặt đất.

 

2. Liêm chính là gì?

Liêm chính là một trong những phẩm chất mà ai cũng có thể đạt được. Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta thường gặp khó khăn khi kiểm soát sự liêm chính trong các hoàn cảnh và tình huống tiến thoái lưỡng nan trong thực tế.

- Liêm: Là thanh liêm là trong sạch tâm hồn và thể xác. Người thanh liêm còn được hiểu là người trong sạch trong khi thi hành chức vụ, không tham nhũng, không hối lộ. Sạch sẽ tâm hồn: Sạch tội. Sạch sẽ thể chất: Thân xác, nhà cửa. Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm. Lành cho sạch, rách cho thơm. Ngược lại với liêm chính là dơ bẩn, tham ô, hối lộ.

Liêm giúp ta tránh được nhiều nguy hiểm gây ra bởi cơn cám dỗ về tiền bạc, danh lợi, quyền lực, thú vui thấp hèn: nhờ đó người liêm chính luôn cảm thấy thanh thản và tự do. Rèn luyện chữ Liêm cách nào?

Trong tư tưởng: Quyết chí sống giản dị, thanh sạch, không tham lam, đụng chạm đến bất kỳ tài sản của ai.

Trong hành động: Khi đứng trước lợi danh, hãy nhận định đúng đắn về hậu quả để không nhận bất cứ cái gì vượt quá giới hạn cho phép. Không trục lợi cách mù quáng. Từ chối gây thanh thế bằng những mưu kế gian xảo. Tập khước từ đặc ân … Người Công Giáo thực hiện chữ Liêm thế nào theo tinh thần Kitô giáo?

Người Công Giáo thực hiện chữ Liêm theo ánh sáng các giới răn thứ 6, 7, 9, 10, chớ làm sự tà dâm, chớ lấy của người, chớ muốn vợ chồng người, chớ tham của người.

- Chính: Chính trực, ngay thẳng, thành thật, công bằng. Người chính trực là người sống theo công lý, biết nói và hành động cách nghiêm minh, không thiên tư, tây vị. Đức chính trực là đức tính cần thiết của người lãnh đạo, để quản lý và hướng dẫn nghiêm minh. Thành thật là không tự dối lòng mình, không dối gạt người khác. Công bằng là của ai trả cho người nấy. Ngược với chính trực là giả dối, quanh co, bất công, Khẩu phật tâm xà.

Chữ Chính giúp ta thanh thản với chính mình và tạo được uy tín nơi tha nhân, nhất là nơi những người dưới quyền, không để tình cảm lất lướt mà thiên vị ai.  Rèn luyện chữ Chính cách nào ?

Trong tư tưởng: Suy nghĩ, nghiền ngẫm câu tục ngữ: Phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn. Cây ngay bóng thẳng, cây cong bóng vẹo. Cây ngay không sợ chết đứng …  để tạo sự can đảm cho tâm hồn.

Trong hành động: không ngừng tự huấn luyện để có lương tâm ngay thẳng. Tập sống công bằng trong việc phán đoán tha nhân, phân chia công tác, hưởng thụ tài sản. Người Công Giáo thực hiện chữ Chính thế nào theo tinh thần Kitô Giáo ?

Người Công Giáo thực hiện chữ Chính theo lời Chúa Giêsu dạy: Có thì nói có, không thì nói không và thực hiện theo giới răn thứ 8 Chớ làm chứng dối.

Đức Nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, viết trong thông điệp Caritas in Veritate, bác ái trong sự thật đó là sự liêm chính và công ích.[1]

3. Câu chuyện minh họa:

Bạn là một nhân viên nhà nước vừa mới nghe ngóng được chuyện Chính phủ đang lên kế hoạch xây dựng một trung tâm mua sắm và sân bay mới. Giá đất trong khu vực có khả năng sẽ tăng  mạnh một khi thông báo chính thức được đưa ra. Bạn có nên chia sẻ với bạn bè – những người đang sống hoặc có đất riêng nằm trong khu vực sẽ bị giải tỏa đó để họ có kế hoạch bán đất? Hay bạn sẽ im lặng và gợi ý mua đất của họ?

Bạn có bài kiểm tra cuối khóa và cần một số điểm tốt để được ra trường. Bạn học rất chăm chỉ nhưng vẫn không cảm thấy tự tin. Bạn của bạn kiểm tra sớm hơn và hứa sẽ nói cho bạn biết đề trước. Bạn có để họ làm vậy không? Hay không quan tâm tới đề thi và chỉ tập trung vào học?

Sau một thời gian, bạn gái cũ của bạn trở về nước và muốn ăn trưa cùng bạn. Bạn có nói cho vợ mình biết điều này hay âm thầm gặp người cũ?

Bạn sẽ làm gì trong những tình huống trên? Bạn mất bao lâu để đưa ra quyết định? Trả lời được nghĩa là phần nào bạn đánh giá được mức độ liêm chính của bản thân mình.

Ban Văn hóa Giáo dục – Giáo phận Mỹ Tho


[1]X. Đức Bênêđictô XVI, Caritas in Veritate, số 6.