27/08/2019
1547
Nét Văn Hóa trong tên gọi Một số Nhà Thờ Trong Giáo phận Mỹ Tho-Nhà thờ Cồn Bà



















 

NÉT VĂN HÓA

TRONG TÊN GỌI MỘT SỐ NHÀ THỜ GIÁO PHẬN MỸ THO

 

Nhà Thờ Cồn Bà

 

Giáo xứ Cồn Bà nằm trên cù lao Cồn Bà ở giữa sông Mỹ Tho[1], cách cửa Đại hơn 10km. Nhà thờ tọa lạc ở ấp Tân Thành 2, xã Tân Thành, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang.

Tại sao lại gọi là Cồn Bà? Đã gọi là Cồn Bà, thì chắc phải có Cồn Ông. Nhưng tỉnh Tiền Giang lại không có Cồn Ông, phải xuôi về tận Đất Mũi Cà Mau mới có Cồn Ông Trang[2]. Sao ông và bà lại xa nhau diệu vợi như thế? Hoàn toàn không có mối liên hệ gì giữa ông và bà ở đây.

Vậy để hiểu tường tận hơn về tên gọi Cồn Bà, hãy cùng đọc lại quá trình hình thành và phát triển của Giáo xứ Cồn Bà: Vào thời Văn Thân bắt đạo, gia đình ông Antôn Nguyễn Ngọc Châu và bà Maria Nguyễn Thị Nỡ gốc tại miền Phú Yên đã bỏ xứ theo đường biển xuôi vào miền Nam, đến vùng Long Bình, Gò Công trú ẩn, sau đó ông bà sang vùng cù lao rừng lá khai khẩn và được cha Augustinô Bổn, chánh sở vùng Gò Công lúc đó đến bàn việc quy dân lập đạo.

Gia đình ông bà Nỡ là người đứng ra khai khẩn và thiết lập cộng đoàn tín hữu; riêng bà được kể đến như người đại diện mọi người tranh đấu cho quyền lợi của dân trên cù lao, bà qua đời năm 1919. Cù lao này từ đó mang tên cồn Bà Nỡ, vì dân chúng theo thói quen kỵ húy nên đã không gọi tên cồn Bà Nỡ mà chỉ gọi là Cồn Bà. Từ gia đình đầu tiên này, cộng đoàn dân Chúa hình thành và bắt đầu quy tụ các anh chị em từ nhiều nơi khác đến, cộng đoàn cũng có nhà nguyện thô sơ bên cạnh nhà ông bà Châu Nỡ.

Năm 1930, cha Giuse Lương Quy Thiên khởi công xây dựng nhà thờ theo kiến trúc Tây Phương, và khánh thành vào ngày 01 tháng 10 năm 1933, chọn Thánh Tâm Chúa Giêsu làm tước hiệu nhà thờ.[3]

Như vậy tên gọi Cồn Bà chỉ xuất hiện từ sau khi bà Nỡ qua đời (1919), tên gọi này do những người dân sống trên cù lao gọi như vậy, để phần nào đó ghi nhớ, vinh danh những công ơn mà bà Maria Nguyễn Thị Nỡ, đã không ngừng đấu tranh cho quyền lợi của người dân nơi đây khi bà còn sống. Và lẽ dĩ nhiên, hoàn toàn thuận lý hợp tình khi ngôi nhà thờ đầu tiên được xây dựng trên vùng đất Cồn Bà vào năm 1930, với tước hiệu Thánh Tâm Chúa Giêsu, nhưng vẫn được gọi là nhà thờ Cồn Bà. Gọi như thế, cũng là để nhắc nhớ cho những thế hệ mai sau, về lịch sử hình thành giáo xứ Cồn Bà, bắt đầu từ một gia đình – Gia đình ông bà Châu Nỡ.

Đọc lại lịch sử hình thành và phát triển Giáo xứ Cồn Bà, như một chứng cứ mạnh mẽ thuyết phục, về sứ mạng và sức mạnh của gia đình công giáo trong việc loan báo Tin Mừng. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong tông huấn Familiaris Consortio, 1981 đã gọi gia đình là Hội Thánh tại gia, đồng thời nêu lên những bổn phận mà gia đình phải tích cực cộng tác với Giáo hội. Ngài viết:

Gia đình Kitô hữu được mời gọi theo hình ảnh của Giáo Hội hoàn vũ, trở nên dấu chỉ hiệp nhất cho thế giới, thực hiện vai trò tiên tri, làm chứng cho vương quốc hòa bình của Đức Kitô, mà cả thế giới đang tiến tới. (FC 48).

Gia đình có bổn phận cộng tác với Giáo Hội trong sứ mạng loan báo Tin Mừng. Tương lai của việc loan báo Tin Mừng nằm trong tay của gia đình là Giáo Hội tại gia. (FC 52).

Ban Văn hóa Giáo dục – Giáo phận Mỹ Tho


[1] Sông Tiền chảy từ Phnôm Pênh, qua Kandal và dọc theo ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Prey Veng (tả ngạn - bờ bắc) và Kandal (hữu ngạn - bờ nam). Sông đi vào lãnh thổ Việt Nam ở xã Vĩnh Xương (Tân Châu, An Giang) và Thường Phước 1 (Hồng Ngự, Đồng Tháp). Sông đi dọc ranh giới giữa Tân Châu và Hồng Ngự rồi đi vào Hồng Ngự luôn, dọc theo ranh giới giữa Hồng Ngự với Tam Nông (Đồng Tháp) và Thanh Bình (Đồng Tháp). Sông tiếp tục dọc theo ranh giới giữa Thanh Bình, Cao Lãnh (Đồng Tháp) bên tả và Chợ Mới (An Giang) bên hữu. Sông lại vào sâu trong Đồng Tháp dọc theo ranh giới giữa Lấp Vò, Sa Đéc, Châu Thành bên hữu với thành phố Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh bên tả. Sông là ranh giới tự nhiên giữa Châu Thành (Đồng Tháp) bên hữu và Cái Bè (Tiền Giang) bên tả. Tới giáp ranh giữa thành phố Vĩnh Long và Tiền Giang, nó được tách làm ba nhánh lớn: sông Cổ Chiên), sông Hàm Luôngsông Mỹ Tho.

- Sông Cổ Chiên chảy dọc theo ranh giới giữa Vĩnh Long, Trà Vinh (bên hữu) và Bến Tre (bên tả) đổ ra biển ở 2 cửa: cửa Cổ Chiên và cửa Cung Hầu. Hai cửa biển này được ngăn cách bởi cù lao Hòa Minh – Long Hoà huyện Châu Thành (Trà Vinh).

- Sông Hàm Luông chảy trọn vẹn trong tỉnh Bến Tre, đổ ra biển bằng cửa Hàm Luông ngăn cách huyện Thạnh PhúBa Tri.

- Sông Mỹ Tho chảy qua ranh giới Bến Tre (bên hữu) và Tiền Giang (bên tả), đổ ra biển bởi ba cửa: cửa Tiểu (Gò Công), cửa Đại (giữa Bình Đại và Gò Công) và cửa Ba Lai (giữa Ba Tri và Bình Đại). Ngoài ra còn rất nhiều các con sông nhỏ, kênh rạch khác nối liền sông Tiền với sông Hậu. (theo Wikipedia)

[2] X. Web https://dacsanmuicamau.com/con-ong-trang-ca-mau

[3] Kỷ Yếu 50 năm Giáo Phận Mỹ Tho, p.95