15/07/2009
703

GIÁO PHẬN MỸ THO

 

PHẦN VI: CƠ SỞ XÃ HỘI VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG

 

Điểm nổi bật liên quan đến cơ sở xã hội và các hoạt động xã hội trong giáo phận có thể được nhận biết qua hai lãnh vực đặc thù là giáo dục và các hoạt động bác ái xã hội. Có thể dựa vào hai cột mốc quan trọng để có cái nhìn xuyên suốt trong giáo phận về hai lãnh vực này:

Giai đoạn 1960 -1975:

GIÁO DỤC

Nhằm mục đích giáo dục các thanh thiếu niên, nhất là con em các gia đình công giáo, theo đúng tinh thần công giáo, bằng những phương tiện tự túc, hầu hết các họ đạo trong địa phận đều thành lập các trường công giáo cấp bậc Tiểu học hay Sơ cấp, do các Dì Phước hoặc giáo viên công giáo phụ trách điều hành.

Ngoài các môn học thường thức theo chương trình của Bộ Quốc Gia Giáo dục, trường Họ đặc biệt chú trọng đến môn học chính yếu là dạy giáo lý giúp cho trẻ em có một ý thức căn bản và sơ đẳng về Thiên Chúa và nhiệm vụ đối với Người.

Nếu những Họ xa xôi hẻo lánh tại thôn quê không có đủ điều kiện và phương tiện mở những lớp bậc trung học thì trái lại, ở những họ đạo lớn thuộc thành thị có những trường trung học tư thục Công Giáo : Tại Mỹ Tho  có trường Thánh Giuse và trường Thánh Gioanna, trường Gioan XXIII, tại họ đạo Tân Hiệp có Trường Từ Thện, tại họ đạo Tân An có Trường Trung Học Thánh Mẫu, tại họ đạo Cao Lãnh có Trường ......

Trường Nam trung học Thánh Giuse

Sáng lập năm 1908, là công trình đáng ghi nhớ của hai linh mục thừa sai là cha Renier và Cha Henri Bar, linh mục Chánh Sở Họ Mỹ Tho, trên một khu đất rộng rãi, dưới quyền điều hành của các Sư huynh dòng La san, trường sở Thánh Giuse gồm có hai dãy nhà lầu, kiến trúc theo lối cổ, nhưng không kém phần đồ sộ, kiên cố.

Tính đến năm thành lập giáo phận 1960, trường đã hoạt động trên 50 năm, và có năm toàn thể học sinh nội trú và ngoại trú của trường đã lên gần 700. Trường cũng đã thâu lượm rất nhiều kết quả trong công cuộc giáo dục thanh thiếu niên và gây được nhiều thiện cảm tín nhiệm trong phụ huynh học sinh và các giới khác trong và ngoài tỉnh.

Hằng trăm cựu học sinh của trường đã nắm giữ nhiều trọng trách trong các ngành doanh thương, hành chánh, quân sự… của xã hội. Chính Đức cha Giuse Trần Văn Thiện, tân giám mục địa phận Mỹ Tho, cũng là một trong những cựu học sinh ưu tú xuất sắc nhất của trường.

Trường nữ trung học Thánh Gioanna

Thành lập từ năm 1918, do các nữ tu sĩ dòng Thánh Phaolô điều hành, trường nữ trung học Thánh Gioanna đã được các giới phụ huynh học sinh tín nhiệm gởi con em đến học rất đông.

Cũng như trường các Sư huynh La san, chế độ nội trú của trường Nữ trung học Thánh Gioanna đã giải quyết được các thắc mắc lo âu của nhiều phụ huynh có con em thiếu nữ phải xa gia đình theo học tại tỉnh lỵ. Nếp sống đạo hạnh, kinh nghiệm giáo huấn, lòng thương yêu tuổi trẻ của các nữ tu sĩ dòng Thánh Phaolô đã bảo đảm rất nhiều sự tín nhiệm của các phụ huynh quan tâm đến tương lai của con cái mình.

Trường Trung học Gioan XXIII

Ngoài 2 trường nam và nữ Trung học có bề dài lịch sự kể trên, còn có một Trường Trung Học mang tên Gioan XXIII được thành lập vào 1966. Trường được mang tên Gioan XXIII cùng với Tiểu Chủng Viện Gioan XXIII và Nhà Sách Gioan XXIII theo ý của Đức Giám Mục giáo phận để kính nhớ Vị Cha Chung là Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã thương thiết lập giáo phận Mỹ Tho.

Trường do linh mục Đôminicô Nguyễn Văn Hiệu làm Hiệu trưởng và các linh mục đang phục vụ Tiểu Chủng Viện Gioan XXIII điều hành. Trường trung học tư thục này đón nhận các em học sinh nam nữ  của cả thành phố Mỹ Tho và những vùng phụ cận. Nhiều học sinh không có điều kiện theo học các trường khác có thể theo học tại đây và hiện nay có nhiều cán bộ công viên chức đang làm việc là học sinh của Trường.

XÃ HỘI

Đồng nhịp với các hoạt động giáo dục kể trên, một số cơ sở xã hội trong địa phận đã được chính quyền địa phương thiết lập và tín nhiệm uỷ thác cho các tu sĩ hai dòng Thánh Phaolô và Mến Thánh Giá quản trị, đáng kể nhất là:

Viện dưỡng lão Mỹ Tho

Thành lập từ lâu, Viện dưỡng lão Mỹ Tho tiếp nhận những đồng bào già nua tuổi tác sống cô độc, không thân quyến, hoặc tàn tật, bệnh hoạn có giấy giới thiệu của cơ quan y tế tỉnh. Có lúc số người trong Viện lên tới 200.

Đặt dưới sự chăm nom săn sóc của các nữ tu sĩ, Viện đã đem lại cho những mái đầu bạc một niềm an ủi vô ngần trong buổi chiều tà của cuộc đời.

Cô nhi viện

Trên 150 hài nhi và thiếu nhi xấu số, hoặc mồ côi, hoặc vì cha mẹ quá nghèo không đủ phương tiện nuôi dưỡng, đã được các nữ tu sĩ tiếp nhận và chăm nom tại hai cơ quan cô nhi viện Gò Công và Mỹ Tho.

Dù sinh ra trong hoàn cảnh bị bỏ rơi, nhưng hết thảy các hài nhi vô tội nầy đều được nuôi dưỡng và giáo dục như những đứa con của một Cha chung là Thiên Chúa và một Mẹ chung là Giáo hội. Chính tại cô nhi viện này mà các em tìm lại được ít nhiều mái ấm của tình thương gia đình.

Ký nhi viện

Tại hai tỉnh Long An và Định Tường, nhiều ký nhi viện đã được xây dựng đặt dưới quyền điều hành của các nữ tu sĩ Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán để thâu nhận những con em các gia đình cần lao không có thì giờ trông nom săn sóc vì sinh kế hàng ngày.

Đáng kể nhất là tại Mỹ Tho với 4 ký nhi viện chăm nom 700 trẻ em. Tại Long An cũng có 1 ký nhi viện chăm nom 100 trẻ em.

Hàng trăm thiếu nhi không phân biệt tôn giáo, hoàn cảnh gia đình trong xã hội, đã vui sống cùng nhau dưới một mái nhà, san sẻ tình thương sâu đậm và lòng hy sinh cao cả của những vị nữ tu ngày đêm chăm nom vỗ về chúng.

GIAI ĐOẠN 1975 ĐẾN HIỆN NAY:

Tình hình đất nước đổi thay, các hoạt động giáo dục và bác ái xã hội của giáo phận cũng theo những bước thăng trầm của lịch sử, nhưng ở bất cứ hoàn cảnh nào, lý tưởng Tin Mừng vẫn là động lực cốt yếu thúc đẩy những người công giáo dấn thân phục vụ đồng loại, nhất là những người bất hạnh trong cuộc đời, theo khả năng và trong phạm vi có thể.

GIÁO DỤC

Cùng với tình hình chung của đất nước, các trường học tư thục, cơ sở giáo dục của giáo phận hay các giáo xứ trong giáo phận không còn hoạt động. Đây quả là một thời kỳ đầy thử thách đối với hoạt động giáo dục công giáo của giáo phận, đặc biệt đối với những ai dấn thân trực tiếp trong môi trường học đường. Một số tu sĩ phải rời bỏ chức nghiệp giáo dục của mình để tìm một hướng phục vụ khác, như các Sư huynh dòng La san, các nữ tu dòng Thánh Phaolô Mỹ Tho. Tuy nhiên, ý thức về trách nhiệm giáo dục, đặc biệt là đối với các thế hệ trẻ, vẫn luôn thúc đẩy người công giáo, nhất là các tu sĩ, dấn thân phục vụ xã hội trong lãnh vực giáo dục, dù ở tầm mức hết sức hạn chế.

Các nhà trẻ - trường mẫu giáo

Có thể nói, nhà trẻ và trường mẫu giáo là các hoạt động nổi bật, hiệu quả và phổ thông nhất của giáo phận trong giai đoạn này. Khắp nơi trong giáo phận, gần như ở đâu có cộng đoàn các nữ tu hoạt động, ở đó có nhà trẻ hay trường mẫu giáo. Từ việc giữ trẻ trong phạm vi nhỏ cho các gia đình hay hoạt động nhà trẻ chính qui, đến các trường mẫu giáo dân lập khi thời cuộc cho phép, công việc giáo dục mầm non của các nữ tu đã tạo được sự tin cậy và tiếng vang tốt trong lòng xã hội.

Xã hội biến đổi, công việc giáo dục cũng phải thích nghi với hoàn cảnh mới, đây là lúc mà những ai có tâm huyết với việc giáo dục các thế hệ trẻ phải hướng tầm nhìn về tương lai, không còn trong phạm vi hạn hẹp của nhà trẻ và trường mẫu giáo, nhưng có thể nhắm đến sự cộng tác tích cực vào việc giáo dục ở những cấp cao hơn.

Trường Khuyết Tật Nhân Ái

Trường Khuyết Tật Nhân Ái được xây dựng trên một diện tích 6.000 m2, tọa lạc tại số 290, Đường Lý Thường Kiệt, Phường 5, Thành Phố Mỹ Tho, Tỉnh Tiền Giang.

 

nhanai-006s.jpg

Trường Khuyết Tật Nhân Ái

 

Ngôi trường này được hình thành do sự quan tâm thao thức của Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Giám Mục Giáo Phận, đối với công việc phục vụ xã hội. Với thao thức trên, Đức Giám Mục giáo phận đã từng bước đối thoại với Quý Vị Chính Quyền Tỉnh Tiền Giang và Thành Phố Mỹ Tho, cũng như Sở Giáo Dục Tỉnh Tiền Giang và Phòng Giáo Dục Thành Phố Mỹ Tho, để có thể xây dựng một ngôi trường chính thức nhằm phục vụ các trẻ em tàn tật. Và cuối cùng Toà Giám Mục Mỹ Tho đã có được văn thư số 257/QĐ.UB của UBND Thành Phố Mỹ Tho, ký ngày 07/04/2003, quyết định thành lập “Trường Khuyết Tật Nhân Ái Thành Phố Mỹ Tho”, và văn thư cấp “giấy phép xây dựng số 48/GPXD” của Sở Xây Dựng Tỉnh Tiền Giang, ký ngày 04/08/2003.

Trường Khuyết Tật Nhân Ái là Trường Dân Lập do Toà Giám Mục Mỹ Tho làm chủ quản và giao cho các Nữ Tu Dòng Thánh Phaolô Mỹ Tho tổ chức hoạt động theo những quy định của ngành giáo dục. Trường là cơ sở từ thiện có mục đích dạy văn hóa và dạy kèm thêm một nghề (mộc - thêu - may) cho các trẻ câm điếc tuổi từ 6 đến 15, để tạo điều kiện từng bước cho các em hòa nhập với cộng đồng. Trường nhận các em theo diện bán trú hoặc nội trú tùy theo hoàn cảnh và nhu cầu của gia đình các em. Trường đã chính thức đi vào hoạt động từ  năm học 2004-2005, và hiện có 78 học sinh.

HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI

Vẫn trong tình hình khó khăn chung của thời cuộc, nhưng khác với lãnh vực giáo dục, các hoạt động xã hội, đặc biệt là lãnh vực phát triển nông thôn trong giáo phận Mỹ Tho đã âm thầm “thai nghén” và “sinh nở” và “phát triển”. Có thể diễn tả hoạt động xã hội của Giáo Phận Mỹ Tho trong giai đoạn này bằng lộ trình từ nông thôn ra thành thị và từ thành thị về nông thôn.

Y tế và phát triển nông thôn

Trước hết là những hoạt động có tính tự phát của một số linh mục, đặc biệt là các linh mục vùng Đồng Tháp Mười. Vì nhu cầu thực tế của vùng nông thôn, các linh mục này đã dấn thân vào các lãnh vực hoạt động như: cứu trợ bão lụt; xây dựng cây nước ngọt; khai hoang; khuyến nông; thuỷ lợi nông thôn; điện khí hoá nông thôn; kỹ thuật trồng lúa nước, trồng mía và vườn cây; xây dựng nhà đa dụng, nhà tình thương, cầu đường; quỹ tín dụng hỗ trợ người nghèo, thuốc men...

Nếu như các hoạt động tôn giáo ít nhiều bị giới hạn, thì chính trong lãnh vực hoạt động xã hội vì mục đích chung là đời sống của người dân mà cơ hội hợp tác phát triển đã mở ra với các linh mục và các giáo xứ. Những hoạt động mang tính hiện sinh này đã tạo được tiếng vang trong lòng xã hội và ít nhiều đã tạo nhịp cầu hiểu biết, kính trọng lẫn nhau giữa xã hội dân sự và tôn giáo.

Mặt thuận lợi của các hoạt động xã hội giai đoạn này, ngoài sự dấn thân kiên định của các cá nhân, là sự hỗ trợ quảng đại của các cơ quan từ thiện quốc tế như Missio, Misereor, Caritas, Kirche in Not,  Secours Catholique, CCFD…

Tuy nhiên, những hoạt động tự phát nêu trên còn rất nhiều mặt hạn chế: hoạt động chưa được tổ chức cách hệ thống; thiếu kiến thức chuyên môn và những cán sự chuyên ngành xã hội; chưa gây được ý thức cộng đồng cho mọi thành phần tham gia hoạt động xã hội…

Văn phòng Uỷ Ban Bác Ái Xã Hội

Từ những mặt hạn chế của hoạt động tự phát và do nhu cầu phát triển, đổi thay của thời đại, cũng như việc hội nhập vào hoạt động bác ái xã hội của Giáo hội Việt Nam, các hoạt động bác ái xã hội cần phải được tổ chức khoa học và phối hợp chặt chẽ hơn trong toàn giáo phận. Đó là lý do Đức Giám Mục giáo phận thành lập Uỷ ban Bác ái Xã hội và Văn phòng Uỷ ban Bác ái Xã hội cấp giáo phận.

Nằm trong khuôn viên Trung Tâm Mục Vụ Giáo Phận, số 23 Lý Thường Kiệt, Phường 6, Thành Phố Mỹ Tho, Tỉnh Tiền Giang, Văn phòng Uỷ ban Bác ái Xã hội là dấu chỉ của một giai đoạn phát triển mới các hoạt động bác ái xã hội của giáo phận. Văn Phòng này vừa là kết quả của quá trình hoạt động trong quá khứ, vừa là đòi hỏi mang tính “nghiệp vụ” của hoạt động bác ái xã hội ở hiện tại và tương lai.

Ơn gọi của tổ chức này là: trợ giúp Đức Giám Mục giáo phận trong việc thực hiện tình bác ái Kitô giáo, đặc biệt là đối với những người nghèo khổ; phối hợp hiệu quả các hoạt động bác ái xã hội trong toàn giáo phận; tổ chức huấn luyện các cán sự xã hội có khả năng tu đức và chuyên môn đáp ứng được nhu cầu hoạt động bác ái giữa lòng xã hội hôm nay…

Như thế, nếu như trong giai đoạn trước, các hoạt động xã hội đã khởi sự cách tự phát ở những vùng nông thôn nhưng có sức lan toả, thì giờ đây, với cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Bác ái Xã hội giữa trung tâm giáo phận là Thành Phố Mỹ Tho, chắc chắn hoạt động bác ái xã hội của giáo phận ước muốn làm lan toả tình bác ái Kitô giáo đến các vùng thôn quê xa xôi, đến mọi miền trong giáo phận, bằng những hoạt động thiết thực và hữu hiệu của mình.

 

(Các số liệu theo thống kê báo cáo mục vụ giáo phận năm 2008)

 

Tháng 3.2009

GIÁO PHẬN MỸ THO