15/07/2009
573

PHẦN V: CƠ SỞ TÔN GIÁO VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG

TRUNG TÂM MỤC VỤ

Trung Tâm Mục Vụ trước đây là Tu viện Truyền Giáo, sau đó là Tiểu Chủng Viện Gioan XXIII được khánh thành từ năm 1964.

 

Trung Tâm Mục Vụ

Sau năm 1975, cơ sở này một phần sử dụng cho việc đào tạo linh mục, một phần dùng làm Hợp Tác Xã dệt chiếu. Khi Hợp Tác Xã không còn hoạt động, phần này cho mượn để làm Cơ Sở II cho Trường Nguyễn Đình Chiểu. Trong giai đoạn vừa nêu, cơ sở này được gọi tên là Nhà Chung Mỹ Tho.

Đến năm 2000, cơ sở Nhà Chung được chỉnh trang lại và hoàn toàn được dùng vào việc chung của giáo phận như : nhà hưu các linh mục và tổ chức các khoá huấn luyện.

Đến năm 2004, Đức Giám Mục cho xây dựng một Lễ Đài để tổ chức các thánh lễ cho toàn giáo phận.  Lễ Đài được thiết kế từ ý tưởng Giáo Hội là Hiệp Thông, Quy Tụ và Lên Đường theo mô hình một con thuyền với 3 bức tường tượng trưng cho 3 tỉnh Tiền Giang, Long An và Đồng Tháp đang tiến đi. Phía sau là năm khối hình diễn tả năm Mầu Nhiệm Ánh Sáng soi dẫn và là động lực thúc đẩy con thuyền ra khơi. Ở giữa là một bức tường cao có hình chim câu tượng trưng Chúa Thánh Thần, Đấng liên kết, quy tụ và sai đi. Nền của Lễ Đài là hình chén thánh. Bao quanh chén thánh là đôi cánh chim đang bay về.

 

Lễ Đài xây dựng năm 2004

Lễ Đài được Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn và Đức Giám Mục Giáo phận khánh thành ngày 11.8.2004 dịp kỷ niệm tấn phong giám mục của Đức Hồng Y. Trong ngày trọng đại này, Đức Hồng Y đã phong chức linh mục cho 11 thầy phó tế khoá V của giáo phận.

Năm 2005, Đức Giám Mục đặt một linh mục làm Giám Đốc coi sóc Nhà Chung và đổi tên gọi là Trung Tâm Mục Vụ của giáo phận. Và năm 2006 đã xây dựng thêm một Nhà Sinh Hoạt gồm 1 trệt và 3 lầu.

 TTMV.JPG

Nhà Sinh Hoạt mới

Hằng năm Trung Tâm này tổ chức các khoá huấn luyện: Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ, giáo lý viên, ca viên, họp mặt các tu sĩ, tĩnh tâm năm cho các linh mục, thường huấn các linh mục và các sinh hoạt của giới trẻ vào các dịp  đặc biệt... Ngoài ra, còn có văn phòng của Caritas giáo phận và Ban Giới Trẻ hoạt động thường xuyên.

Địa chỉ Trung Tâm Mục Vụ: 23, Lý Thường Kiệt , Phường 6, Tp. Mỹ Tho. ĐT : 073. 3501601. Cha Giám Đốc Trung Tâm Mục Vụ: Phaolô Trần Kỳ Minh

Văn phòng Uỷ Ban Bác Ái Xã Hội

- Cha đặc trách : Giacôbê Hà Văn Xung.

- Địa chỉ : 23, Lý Thường Kiệt, Phường 6, Tp. Mỹ Tho. ĐT : 073. 6255187. Email: vpcaritasmytho2007@gmail.com.

Văn phòng Giới Trẻ

- Cha đặc trách : Gioan.Bt Nguyễn Tấn Sang

- Địa chỉ : 23. Lý Thường Kiệt , Phường 6, Tp. Mỹ Tho. ĐT : 073. 3975883. Email: mvgtmytho@gmail.com.

 

LINH ĐỊA BA GIỒNG : Trung Tâm Hành Hương

 

Tượng đài kính thánh linh mục tử đạo Phêrô Nguyễn Văn Lựu

Giáo phận Mỹ Tho thành lập năm 1960. Nhưng người Công giáo sống ở vùng đất Ba Giồng này đã có từ thời các Linh mục Thừa Sai Truyền Giáo ở Việt Nam. Có thể nói Ba Giồng là họ đạo lâu đời nhất của Giáo Phận Mỹ Tho tồn tại đến ngày hôm nay. Họ đạo Ba Giồng nổi tiếng trong lịch sử Giáo Hội Tây Đàng Trong vì  các tín hữu đã can trường bảo vệ đức tin trong cuộc thảm sát vô tiền khoáng hậu.

Sự hình thành: bước chân của những người mở đường

Tài liệu “27 vị tử đạo tại Ba Giồng (Mỹ Tho) của Linh mục M. Hamon thuộc Hội Thừa Sai Paris hiện còn lưu trữ tại họ đạo Ba Giồng có nhắc đến sự hình thành tên gọi của họ đạo như sau: “Về phía Đông Nam Sài Gòn, thuộc tỉnh Mỹ Tho, có một cánh đồng lầy rộng lớn. Vào mùa mưa, cánh đồng ấy biến thành một hồ nước mênh mông. Ở lối vào đồng lấy này, nước cuốn dồn cát lại như tạo cho mình một rào chắn không thể vượt qua nỗi. Với thời gian, những đụn cát ấy cao dần lên. Trên ba giồng cát mà dòng nước đã bồi lên, giữa một rừng tre xanh có ngọn cao tạo thành một vòng đai xanh, đó là xóm nhỏ Ba Giồng”.

Một tài liệu khác mà họ đạo còn lưu trữ là “Bản tường trình của Linh mục  F. Demarcq, Thừa Sai Tông Toà“ đã xác định sự hiện diện từ rất sớm của họ đạo Ba Giồng: “Do tính cách lâu đời của nó, họ đạo này đáng đứng chỗ nhứt, tất cả các họ đạo khác tương đối mới có khá gần đây”.

Ngày nay không ai biết xóm đạo được thành lập từ bao giờ. Rất có thể, dân cư đã trở lại đạo từ một thời xa xưa. Các cụ già thường chỉ cho con cháu ngôi mộ của ba thế hệ đã sống trước họ mà tất cả đều là người có đạo Công giáo. Tại Đất Thánh họ đạo nay còn một vài mộ chí niên đại 1663-1664 và nhiều ngôi mộ cổ ghi chữ Nho nay đã lu mờ không thể đọc được. Đặc biệt, một ngôi mộ xây toàn bằng đá rất qui củ từng tảng đá lớn, bia mộ ghi năm 1887, câu đối chữ Nho khắc sâu: “Sơn Trung Phương Uất Nhật Thế Thượng Dĩ Thiên Nhiên”, tạm dịch: “Giữa núi gặp ngày mây bay- trần thế đã ngàn năm”, ý nói: “ngàn năm như mây bay”, diễn ý: đời người dầu đạt tột đỉnh cũng qua mau như mây khói! (Đinh Hợi 1887).

“Gò Chết Chém” nơi xử trảm quyết các vị bô lão và gia trưởng của họ Ba Giồng tại ngôi đình làng trên mảnh đất chợ Củ Chi giáp với xã Tân Lý Đông cách nhà thờ Ba Giồng khoảng 2 cây số. Nơi đây, đồng bào địa phương gọi là “Gò Chết Chém”. Xác chết nhờ đồng bào địa phương đem chôn tại một khu đất ở giữa ruộng cách nơi xử án hơn 100 mét. Sau khi xử trảm quyết các giáo hữu, quan án ra lệnh phân tán con cháu họ đi nơi khác không còn ai được lưu lại họ Ba Giồng, vì thế nhà thờ bị phá, cho đến 10 năm sau, Cha Hamon vâng lệnh Đức Cha Mich lo việc cải táng hài cốt các vị Tử Đạo về nơi an táng tại Đất Thánh ngày 18-06-1872. Lịch sử họ đạo Ba Giồng gắn liền với việc bách hại đạo Công Giáo ở Tây Đàng Trong. Tại đây người ta đã chứng kiến cảnh Tử Đạo của Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Lựu và nhiều tín hữu khác bị chém đầu vì tuyên xưng đức tin.

Trong 117 vị Tử Đạo của Giáo Hội Việt nam. Ba Giồng có hai vị là Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Lựu, phụ trách họ đạo Ba Giồng từ năm 1853-1861 và Linh mục Philipphê Phan Văn Minh từ năm 1849-1853. Danh sách ghi lại những Linh mục coi sóc họ Ba Giồng biết được thì Linh mục Philipphê Minh là người đầu tiên.

Những bàn tay xây dựng

Sau khi Cha Phêrô Lựu, Cha Sở họ đạo Ba Giồng, bị bắt và lãnh án hành quyết tại Mỹ Tho ngày 18-3-1861 và 25 tín hữu bị hành quyết và 2 người khác bị giết trên đường chạy trốn từ Ba Giồng đến Cổ Chiên, quan án ra lệnh bắt buộc các giáo hữu sống sót phải bỏ họ đạo đi nơi khác, không ai được trở lại Ba Giồng. Họ phải tha phương tìm kế sinh sống. Ở bất cứ nơi nào họ đến, người tín hữu Ba Giồng luôn nhìn vào tấm gương kiên trung của cha ông mình đã bị hành quyết năm xưa, để cố gắng sống xứng đáng với danh xưng là Kitô hữu. Và những hạt giống đức tin này đã làm nẩy sinh nhiều họ đạo nơi họ đến cư trú. Họ luôn tin vào lời hứa của Chúa: “Anh em đang bị lửa thử thách: đừng ngạc nhiên mà coi đó như một cái gì khác thường xẩy đến cho anh em. Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỉ. Nếu bị sỉ nhục vì danh Đức Kitô, anh em thật có phúc, bởi lẽ Thần Khí vinh hiển và uy quyền, là Thần Khí của Thiên Chúa ngự trên anh em” (1Pr 4,12-14).

Một điều khá đặc biệt và cũng là một minh chứng cho lòng nhiệt thành của họ đạo Ba Giồng: trong thời kỳ bắt bớ Đạo, người giáo dân Ba Giồng vẫn có sự chăn dắt của các Linh mục. Và trong giai đoạn chiến tranh, mặc dù nhà thờ Ba Giồng đã phải xây đi dựng lại ba lần vì đổ nát, giáo dân ở đây luôn có sự hướng dẫn mục vụ của các vị chủ chăn. Có thể nói hầu như trong mỗi giai đoạn lịch sử của Ba Giồng đều có sự hiện diện khá thường xuyên của người mục tử.

Hiện nay, Ba Giồng có khoảng 1581 giáo dân. Giáo dân vùng này đa số sống bằng nghề làm ruộng, trồng cây, đan giỏ nón bằng bàng buông. Cuộc sống người dân ở đây không khá giả cũng không đến nỗi túng quẫn. Một trong những nét đẹp của Ba Giồng là sự thân ái của tình làng nghĩa xóm. Bà con giáo dân sống chan hoà, chân thành với người dân khác tín ngưỡng.

Cha Hamon đã viết: “Xóm nhỏ này không một du khách nào đặt chân tới đây, mà cũng chẳng có nhà địa lý nào biết đến. Nhưng tên tuổi xóm này lại đáng tôn vinh. Chúng ta hãy kính chào đi, vì đây là một vùng đất đã được máu các Thánh Tử Đạo thánh hiến”.

Năm 1997, Đức Cha Anrê Nguyễn Văn Nam, Giám mục Giáo Phận cho phép tái thiết thánh đường họ đạo Ba Giồng dâng kính Đức Maria, Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo.

Và ngày 16-03-2000, Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Giám Mục Giáo Phận đã làm lễ cung hiến nhà thờ họ đạo Ba Giồng với tước hiệu: “Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam”.

Ngày 21-11-2004, Đức Cha Phaolô đã quyết định chọn giáo xứ Ba Giồng làm nơi hành hương kính các Thánh Tử đạo Việt Nam cho giáo phận Mỹ Tho và mở rộng ra cho tất cả những ai có lòng yêu mến các Thánh Tử đạo Việt Nam.

 

 

VĂN THƯ QUYẾT ĐỊNH

 

TÒA GIÁM MỤC MỸ THO

           ---oOo---

      Số 01/QĐ/2004

QUYẾT ĐỊNH

CHỌN GIÁO XỨ BA GIỒNG

LÀM NƠI HÀNH HƯƠNG CHO GIÁO PHẬN MỸ THO

KÍNH THÁNH TỬ ĐẠO PHÊRÔ NGUYỄN VĂN LỰU

o0o

Phaolô BÙI VĂN ĐỌC

Giám Mục Giáo Phận Mỹ Tho

Giáo xứ Ba Giồng là một Giáo Xứ lâu đời của Giáo Phận Mỹ Tho, có một bề dày lịch sử gắn liền với cuộc thảm sát vào thế kỷ XIX. Cha sở Phêrô Nguyễn Văn Lựu bị chém đầu ngày 18/03/1861, và 27 vị bổn đạo đổ máu đào tuyên xưng đức tin năm 1862.

Để các tín hữu có thể đón nhận dồi dào ơn lành và để nêu gương trong đời sống đức tin, nay Tôi quyết định:

Chọn Giáo Xứ Ba Giồng làm nơi hành hương cho toàn Giáo Phận, và mở rộng cho tất cả những tín hữu có lòng yêu mến các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Nguyện xin Thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu cầu bàu cùng Chúa ban cho tất cả chúng ta tình yêu, ơn can đảm để sống trung thành với ơn gọi Kitô hữu trong mọi hoàn cảnh.

 

                            Mỹ Tho, ngày 21 tháng 11 năm 2004

                               Chúa Nhật Lễ Chúa Kitô, Vua Vũ Trụ

                         (đóng dấu và ký tên)

                              + Phaolô BÙI VĂN ĐỌC

                            Giám Mục Giáo Phận Mỹ Tho

 

Hằng năm vào dịp lễ Các Thánh Tử đạo Việt Nam, giáo xứ Ba Giồng tổ chức thánh lễ mừng kính các Anh Hùng Tử Đạo Việt nam rất trọng thể và có nhiều giáo dân trong giáo phận đến hành hương.

Hiện nay, cha sở Ba Giồng đang chuẩn bị xây dựng thêm những cơ sở vật chất để có thể đón tiếp khách hành hương.

 

Báo chí truyền thông

Trước năm 1975, giáo phận có xuất bản tờ báo nguyệt san Đồng Tháp, số đầu tiên ấn hành vào năm 1963. Đây là một trong những công việc đầu tiên đáng ghi nhớ của giáo phận thời kỳ mới thành lập. Mục đích để thông tin và đề ra những đường hướng mục vụ truyền giáo của giáo phận. Số báo đầu tiên được ấn hành vào năm 1963 và kéo dài đến năm 1968.

Hiện nay giáo phận có trang web để chuyển tải các thông tin của Giáo Hội toàn cầu và Giáo Hội địa phương cũng như những giáo huấn của Đức Thánh Cha và của Đức Giám Mục giáo phận. Ngoài ra còn có các chuyên mục, các bài viết, các bài dịch... Địa chỉ trang web: http//www.giaophanmytho.net

 

(Các số liệu theo thống kê báo cáo mục vụ giáo phận năm 2008)

 

Tháng 3.2009

GIÁO PHẬN MỸ THO