17/07/2009
644

  Giáo Phận Mỹ Tho

BAN TRUYỀN GIÁO

GIÁO PHẬN MỸ THO

10 NĂM TRUYỀN GIÁO (1998-2008)

 

I. VÀI NÉT BỐI CẢNH.

Giáo phận Mỹ Tho được thành lập năm 1960, nhưng có quá trình hình thành và phát triển từ 200 năm trước, vì Mỹ Tho nằm trên vùng truyền giáo thuộc Lục Tỉnh Nam Kỳ, phần đất do các cha Dòng Phanxicô, rồi Hội Thừa Sai Paris và Thánh Bộ cùng với linh mục, tu sĩ và giáo dân Mỹ Tho cùng nhau chung lòng góp sức xây dựng giáo phận.

Ngày 27-11-1960, Toà Thánh ban Sắc chỉ Quod Venerabilis Fratres thành lập giáo phận Mỹ Tho gồm 4 tỉnh Long An, Kiến Tường, Kiến Phong và Định Tường . Đức cha Giuse Trần Văn Thiện làm giám mục tiên khởi.

Giáo phận Mỹ Tho hiện nay nằm trong 3 tỉnh Tiền Giang, Long An và 2/3 tỉnh Đồng Tháp. Trên địa phận Mỹ Tho có nhánh sông Tiền chảy dài từ trên Biển Hồ xuyên qua tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và đổ ra vùng biển Gò Công. Trên địa bàn tỉnh Long An có hai sông lớn là Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây.

  Diện tích chung : 9.262 km2 với tổng số dân 4.785.840 người.

Về kinh tế, trừ một vài nơi đang xuất hiện một số khu công nghiệp như ở Mỹ Tho (Tiền Giang), Cao Lãnh (Đồng Tháp) Đức Hoà, Bến Lức (Long An), đa số dân chúng sinh sống bằng nông nghiệp, làm thuê làm mướn,  kinh tế khó khăn, cuộc sống còn nhiều thiếu thốn và bấp bênh, dân trí thấp, nhất là ở vùng trũng Đồng Tháp Mười của Huyện Đức Huệ, Vĩnh Hưng, Tân Hưng (Long An), Huyện mới Tân Phước (Tiền Giang ), và Hồng Ngự, Tân Hồng, Tam Nông thuộc tỉnh Đồng Tháp...

Về sắc tộc, phần lớn là người Kinh, có một số ít người Hoa thường sống ở khu chợ thị, và một số người Khơ Me, đa số sống ở tỉnh Đồng Tháp.

Những người dân ở đây thuộc nhiều tín ngưỡng và tôn giáo khác nhau: Công Giáo, Phật Giáo, Cao Đài, Hoà Hảo, Tin Lành... Dù đa sắc tộc và đa tôn giáo, nhưng nhìn chung những người dân ở đây sống hiền hoà, thân thiện và gần gũi.

II. TÌNH HÌNH GIÁO PHẬN

Giáo phận Mỹ Tho từ khi thành lập cho đến nay trải qua ba thời kỳ giám mục cai quản:

1. Đức cha Giuse Trần Văn Thiện (1960 – 1989),

2. Đức cha Anrê Nguyễn Văn Nam (1989 – 1999) và Đức cha phó Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn (1993 – 1998),

3. Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc (1999 cho đến nay).

Khi thành lập vào năm 1960, giáo phận Mỹ Tho có 39 giáo xứ (không kể giáo họ), 32 nhà thờ, 54 nhà nguyện; có 50.249 giáo dân, 43 linh mục, 28 đại chủng sinh học tại Giáo hoàng Học viện Piô X Đà Lạt và Đại chủng việc Sàigòn, 77 tiểu chủng sinh học ở Cần Thơ và Sàigòn.

Đến trước năm 1975, giáo phận Mỹ Tho có 63.158 giáo dân (chiếm 3,8 % dân số), 41 giáo xứ, 145 giáo họ và giáo điểm, 71 linh mục, 78 đại chủng sinh, 186 nữ tu; có 88 trường trung tiểu học và 4 cơ sở từ thiện xã hội.

Hiện nay giáo phận Mỹ Tho do Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc cai quản, và chia làm 6 giáo hạt: Mỹ Tho và Cái Bè thuộc tỉnh Tiền Giang, Tân An và Đức Hoà thuộc tỉnh Long An, Cao Lãnh và Cù Lao Tây thuộc tỉnh Đồng Tháp. Có 118.264 giáo dân chiếm 2,47 % dân số của cả ba tỉnh, 116 linh mục gồm 103 linh mục đang phục vụ, 7 linh mục đang du học và 6 linh mục nghỉ hưu hoặc dưỡng bệnh; 105 tu sĩ đang phục vụ tại các cộng đoàn hoặc họ đạo (không kể số tu sĩ đang tu trong hai Hội Dòng Thánh Phaolô Mỹ Tho và Mến Thánh Giá Tân An),  thuộc các hội Dòng : Thánh Phaolô Mỹ Tho, Mến Thánh Giá Tân An, Mến Thánh Giá Chợ Quán, Mến Thánh Giá Thủ Thêm, Nữ Tử  Bác Ái Vinh Sơn và Dòng Chúa Quan Phòng; 40 chủng sinh đang học tại Đại chủng viện Thánh Giuse Thành phố Hồ Chí Minh, 14 chuẩn bị vào Đại chủng viện và 56 dự tu, 519 giáo lý viên.

Giáo phận Mỹ Tho hiện có 74 giáo xứ, 28 giáo họ, 13 giáo điểm, 99 nhà thờ và 3 nhà nguyện; 2 Hội Dòng: Dòng Thánh Phaolô Mỹ Tho với 165 tu sĩ, và Dòng Mến Thánh Giá Tân An 55 tu sĩ. Về cơ sở bác ái, có một trường khuyết tật “ Nhân Ái” ở thành phố Mỹ Tho. Về cơ sở giáo dục, Dòng Thánh Phaolô có 2 trường Mầm non ở Mỹ Tho và Hoà Đồng thuộc Gò Công Tây, 2 nhóm lớp Mẫu giáo ở giáo xứ Trung Lương và An Đức; Dòng Mến Thánh Giá Tân An có trường Mầm non ở thị xã Tân An. Ngoài ra một số cơ sở giữ trẻ cũng được thành lập rải rác trong giáo phận, do các chị em nữ tu phụ trách.

III. ĐÁNH GIÁ VÀ PHÂN TÍCH

A. NHỮNG ĐIỂM TÍCH CỰC

Từ khi thành lập năm 1960 cho đến nay, giáo phận Mỹ Tho luôn cố gắng để phát triển, tuy từng lúc, từng giai đoạn có những khó khăn riêng. Từ năm 1975 cho đến những năm đầu thập niên 1990, những sinh hoạt tôn giáo còn nhiều khó khăn. Những năm gần đây, với chủ trương đổi mới và hội nhập của Nhà Nước, các chính sách về tôn giáo thông thoáng hơn, nhiều hoạt động tôn giáo dễ dàng hơn. Có thể dễ dàng nhận thấy những sự khởi sắc, những điểm tích cực được coi như là những thành quả của sự cố gắng toàn giáo phận để xây dựng và phát triển giáo phận, đặc biệt của khoảng 10 năm gần đây.

Bên cạnh việc gia tăng số giáo dân và linh mục, tạo bầu không khí đoàn kết và hợp tác trong giáo phận, củng cố sinh hoạt các cấp từ xứ, hạt cho đến giáo phận cách nề nếp và phong phú hơn, thành lập và củng cố các Ban trong giáo phận, việc tổ chức các khoá huấn luyện cho giáo dân, có thể liệt kê một số nét đặc biệt liên quan nhiều đến công việc truyền giáo:

1. Xây dựng và kiến thiết

Hầu hết các nhà thờ trong giáo phận đều đã được sửa chữa, nới rộng  hoặc xây mới, do nhà thờ đã xuống cấp nhiều hoặc không còn đáp ứng được tình hình giáo dân hiện nay. Bên cạnh đó một số cơ sở vật chất khác như nhà xứ, nhà giáo lý, nhà sinh hoạt đa năng... cũng được các cha quan tâm sửa chữa hoặc cất mơi đáp ứng những nhu cầu hiện nay.

2. Thành lập giáo xứ

Cùng với sự gia tăng số linh mục phục vụ và giáo dân trong giáo phận, thời gian qua Đức giám mục giáo phận đã cho nâng cấp một số giáo họ lên giáo xứ và bổ nhiệm các cha xứ mới như  giáo xứ Thánh Anrê (Đồng Tháp), Tân Hiệp (Tiền Giang), Thạnh Trị và Vĩnh Hưng (Long An), hoặc nâng cấp giáo điểm lên giáo họ như giáo họ Thánh Giuse hạt Tân An.

3. Phục hồi họ đạo

Một vài họ đạo lẻ nhỏ đã được thành hình từ trước năm 1975. Sau 1975 vì nhiều lý do khác nhau đã không còn tồn tại. Trong thời gian qua, Giáo phận  đã cố gắng  phục hồi được một vài nhà thờ như  Thuộc Nhiêu và Hoà Định (Tiền Giang), Long Kim và Nha Ràm (Long An).

4. Hình thành và phát triển giáo điểm

Giáo phận Mỹ Tho nằm trong cánh đồng truyền giáo Đồng Tháp Mười. Vùng đất này tuy phèn chua nước mặn, kinh tế khó khăn, nhưng do đất rộng người thưa cũng trở thành điểm đến sinh sống của rất đông dân nghèo, trong đó có nhiều đồng bào công giáo. Tin mừng dần được gieo trồng,  một số nơi dần dần trở thành những giáo điểm, nổi bậc là 2 giáo hạt Cao Lãnh và Cù Lao Tây thuộc tỉnh Đồng Tháp có đến 8 giáo điểm.

5. Bái ái xã hội

Giáo phận Mỹ Tho là vùng đất của đa số dân nghèo, dân trí thấp, đời sống khó khăn trăm bề, thường xuyên chống chọi lũ lụt, thất nghiệp... Phục vụ người nghèo là đối tượng ưu tiên trong việc loan báo tin mừng của giáo phận. Nhiều hoạt động Bác ái xã hội đã được thực hiện ở cấp giáo xứ, giáo phận hoặc liên giáo phận, như: cứu trợ lũ lụt, xây nhà tình thương, trợ giúp những học sinh và sinh viên nghèo, những người già cả neo đơn, giúp mổ tim, mổ mắt, xe lăn, phát thuốc; hoặc trợ giúp phát triển như đóng góp xây dựng cầu đường, cây nước, xây dựng nhà trẻ...

6- Nhân sự

Mặc dầu vấn đề nhân sự còn thiếu thốn nhiều, nhưng cũng có những dấu hiệu tích cực:

- Hiện nay hầu hết các giáo xứ trong giáo phận đều có các linh mục phục vụ, trừ một vài họ đạo nhỏ lẻ. Cùng với các linh mục còn có các tu sĩ thuộc nhiều Dòng tu khác nhau: Dòng Thánh Phaolô Mỹ Tho, Dòng Mến Thánh Giá Tân An, Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn, Dòng Chúa Quan Phòng. Các chị em tu sĩ làm nhiện vụ chứng nhân của Tin mừng không chỉ bằng đời sống thánh thiện, mà đóng góp rất lớn  trong việc phụ giúp giáo xứ, dạy giáo lý, chăm sóc và dạy dỗ trẻ...

- Về phía giáo dân có những giáo xứ đã tổ chức được những hội đoàn như: Legio, Phạt Tạ Thánh Tâm, Khôi Bình, Dòng Ba Phan Sinh, Dòng Ba Mến thánh giá Chợ Quán, các nhóm cầu nguyện, bác ái... Bên cạnh đó, giáo phận và nhiều giáo xứ cũng đang cố gắng phục hồi và phát triển sinh hoạt của các giới gia trưởng, hiền mẫu, giới trẻ và thiếu nhi. Nhiều nơi hoạt động của các giới và hội đoàn rất tích cực, mang lại hiệu quả rất đáng biểu dương: giúp các linh mục phát hiện những gia đình neo đơn cả hồn lẫn xác, thăm viếng giúp đỡ an ủi những người già cả bệnh tật, những người rối rắm nguội lạnh,  đến với lương dân, cầu nguyện cho những người đã qua đời, dạy giáo lý cho các dự tòng... Bằng nhiều hình thức khác nhau, các hội đoàn đã góp phần rất lớn và không thể thiếu được cho cánh đồng truyền giáo của giáo phận, làm cho nhiều người gia nhập đạo và nhiều người nguội lạnh trở về.

- Ngoài ra, để cập nhật hoá kiến thức và nâng cao trình độ, hằng năm giáo phận còn tổ chức khoá thường huấn cho linh mục, và những khoá bồi dưỡng giáo dân cho các đối tượng: Hội đồng mục vụ, các ca viên, giáo lý viên...

B. NHỮNG THÁCH THỨC VÀ KHÓ KHĂN

Qua một số ghi nhận tích cực trên đây, có thể nhận thấy tình hình truyền giáo của giáo phận Mỹ Tho có vẻ khởi sắc, có những bước phát triển nhất định, nhất là trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nhìn chung công việc truyền giáo của giáo phận chưa thực sự phát triển mạnh mẽ và đồng bộ trước những đòi hỏi hết sức lớn lao và bức bách của cánh đồng truyền giáo Đồng Tháp Mười. Có thể phân tích một số nguyên nhân, được xem như là những thách đố và khó khăn trong công việc truyền giáo của giáo phận:

- Mặc dầu có sự cố gắng của toàn giáo phận dưới sự đốc thúc và hướng dẫn của Đức Giám mục, nhưng phải nhìn nhận rằng thực sự chưa có được những đầu tư mạnh mẽ và hiệu quả cho những hoạt động truyền giáo, cả về nhân sự, tổ chức cũng như chương trình hành động.

- Các cha trong giáo phận phần lớn phải đầu tư công sức cho việc xây dựng kiến thiết nhà thờ và các cơ sở tôn giáo sau thời kỳ “đóng băng”,  thường quan tâm đến việc chăm sóc giáo dân và tái truyền giáo trong giáo xứ hơn là truyền giáo cho lương dân, nhất là ở những vùng sâu vùng xa và vùng trũng Đồng Tháp Mười.

- Đa số giáo dân rất hờ hững với việc truyền giáo. Ý thức trách nhiệm và đóng góp tinh thần lẫn vật chất không cao, thậm chí có một số còn trở thành phản chứng cho tin mừng, như gây chia rẽ bất hòa, gây gương mù gương xấu, thiếu đạo đức... Từ đó không có nhiều những sự dấn thân, những đóng góp, những sáng kiến, những việc làm cụ thể góp phần loan báo Tin mừng.

- Về vấn đề nhân sự và huấn luyện cũng thiếu hụt trầm trọng. Những người trực tiếp tham gia các công việc tông đồ không nhiều. Người có trình độ, người được trang bị đầy đủ những kiến thức về giáo lý, về kinh thánh, về chuyên môn càng hiếm. Hiện nay những người hoạt động tông đồ ở các giáo xứ chủ yếu là thành viên của các hội đoàn. Nhưng ngay cả việc chiêu mộ nhân sự vào các hội đoàn cũng gặp rất nhiều những khó khăn, nhất là nơi những người trẻ. Ít người muốn tham gia. Có thể vì thiếu lòng đạo, thiếu ý thức, có thể vì cuộc sống, công ăn việc làm, hoặc có thể vì nghèo, thiếu khả năng, ngại dấn thân, không muốn tham gia sinh hoạt chung...

- Với số linh mục và tu sĩ hiện nay đang phục vụ trong giáo phận chỉ đáp ứng phần nào những sinh hoạt căn bản của giáo xứ như điều hành, giảng dạy và ban phát Bí tích. Cần phải có nhiều hơn nữa số linh mục và tu sĩ dấn thân cho những hoạt động truyền giáo. Về phương diện này có lẽ giáo phận cũng rất cần sự trợ giúp của các linh mục và tu sĩ của các hội dòng “thừa sai”. Hiện nay sự hiện diện của các linh mục và tu sĩ của các hội dòng này quá ít, chỉ mới có một linh mục tu sĩ thuộc Dòng Chúa Cứu Thế đang phục vụ tại giáo xứ Xoài Mút hạt Cái Bè.

- Thiếu những tổ chức và hoạt động chung: Dầu đó đây trong giáo phận có sự cố gắng nhiều, có sự nâng đỡ của Giáo phận, nhưng thường chỉ là những hoạt động riêng lẻ, thiếu đồng bộ, thiếu sự liên kết. Để nâng cao hiệu quả của việc truyền gíao, trong giáo phận cần phải có nhiều hơn nữa những buổi “họp mặt truyền giáo”, để gặp gỡ, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm truyền giáo, gây ý thức truyền giáo. Cần phải có những hoạt động chung giữa các cá nhân, đoàn thể hay giáo xứ, để nâng cao hiệu quả. Và cũng cần phải có những tổ chức để tìm ra những phương hướng, những biện pháp thích hợp, hoặc để  phối hợp và hổ trợ...

- Ngoài ra, bối cảnh kinh tế xã hội ngày hôm nay vừa là cơ hội vừa là một thách thức cho việc loan báo Tin Mừng:

+ Nhiều giáo dân sống rải rác trong vùng sâu vùng xa giữa các lương dân, nhất là nơi những vùng kinh tế mới khai phá, những cụm dân cư mới mọc, việc giữ đạo hết sức khó khăn. Nhiều người trở nên nguội lạnh trể nãi hoặc rối rắm, một số khác bị ảnh hưởng bởi những thói tục của dân ngoại, thậm chí có những người bỏ đạo lâu năm. Giữ đạo còn chưa vững thì làm sao mà truyền đạo.

+ Đa số những những người giáo dân trong giáo phận sống trong những vùng còn nghèo, kinh tế lạc hậu, dân trí thấp, phải lo công ăn việc làm. Vì thế việc đóng góp và tham gia vào các việc chung của giáo phận cũng rất giới hạn.

+ Hiện nay đang có hiện tượng “di dân” bỏ quê lên thành phố để làm ăn sinh sống hoặc học hành, nhất là nơi những người trẻ. Hiện tượng này cũng tạo nên khan hiếm nhân sự cho nhiều giáo xứ : từ Hội đồng mục vụ giáo xứ cho đến ca đoàn, giáo lý viên, hội đoàn...

+ Ngoài ra, xã hội ngày hôm nay cũng khiến cho nhiều giáo dân lao vào cuộc sống hưởng thụ và miệt mài tìm kiếm của cải vật chất, nhiều người trở nên hờ hững không còn tha thiết với việc đạo, hoặc không còn thời giờ để nghĩ đến đạo.

+ Việc sống chung với các tôn giáo khác đôi khi cũng trở thành những thách thức: có người làm cuộc so sánh giữa các Đạo, có người trở nên dễ dãi “Đạo nào cũng tốt”, đâu nhất thiết phải vào đạo Công giáo, có người khác không muốn từ bỏ đạo của ông bà để theo đạo Công giáo, hoặc có người cho rằng theo đạo Công giáo là phản đạo, là bất hiếu với ông bà tổ tiên…

+ Những khó khăn về cơ chế Nhà Nước. Với những chính sách thông thoáng hơn, thời gian qua các sinh hoạt tôn giáo có phần dễ dàng. Tuy nhiên, có những nơi và có những lúc, những hoạt động tôn giáo nhất là về việc truyền giáo còn nhiều hạn chế, khiến cho việc phát triển giáo hội trở nên chậm chạp.

C. HƯỚNG TỚI CÁNH ĐỒNG TRUYỀN GIÁO TƯƠNG LAI

Từ những tình hình thực tế nêu trên của giáo phận, Ban Truyền Giáo giáo phận xin có một vài suy nghĩ và gợi ý cụ thể nhằm để gây ý thức và thúc đẩy việc phát triển truyền giáo trong tương lai:

- Ban truyền giáo giáo phận cần có thêm nhiều nhân lực và hoạt động để hổ trợ và thúc đẩy việc truyền giáo trong giáo phận.

- Mỗi giáo xứ nên có Ban Truyền Giáo, để tổ chức, huy động sức lực sáng kiến của mọi thành phần trong giáo xứ tham gia vào việc truyền giáo, và để công việc truyền giáo trong giáo xứ được thực hiện thường xuyên.

- Nên có những buổi họp mặt giao lưu truyền giáo giữa các cá nhân, các hội đoàn hay giữa các giáo xứ để chia sẻ học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, nâng cao ý thức và hổ trợ tinh thần nhau.

- Cần phải có những khoá huấn luyện chuyên biệt về truyền giáo cho giáo dân, đặc biệt cho các hội đoàn hay những người tham gia trực tiếp công việc truyền giáo.

- Quan tâm đến việc tái truyền giáo và truyền giáo cho lương dân, đặc biệt ở những nơi có cụm tuyến dân cư mới, hay ở những nơi có thể phát triển thành giáo điểm. Nơi nào đã hình thành giáo điểm cố gắng phát triển thành giáo họ.

- Nghiên cứu những phương pháp thích hợp và hiệu quả, nhất là việc thăm viếng và giúp đỡ những người nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn.

Trên đây là khái quát về tình hình chung cùng một số những đánh giá, phân tích công việc truyền giáo của giáo phận Mỹ Tho trong khoảng thời gian qua. Mong được đón nhận sự đồng cảm, chia sẻ và hợp tác của mọi thành phân Dân Chúa, để cánh đồng truyền giáo của giáo phận Mỹ Tho ngày càng được mở rộng và phát triển.

 

 

PHỤ LỤC

Bảng tổng kết 1: Dân số

 

Bảng tổng kết 2: Giáo dân, linh mục, tu sĩ, chủng sinh, dự tu, giáo lý viên

 

Bảng tổng kết 3: Giáo xứ, giáo họ, giáo điểm, nhà thờ, nhà nguyện

 

Bảng đối chiếu giữa các thời kỳ

 

 

Mỹ Tho, Ngày 24 tháng 07 năm 2008

 

Trưởng Ban Truyền Giáo Giáo Phận

 

Lm. Phaolô Đặng Tiến Dũng