04/08/2019
1387
Nét Văn Hóa trong tên gọi Một số Nhà Thờ Trong Giáo phận Mỹ Tho-Nhà thờ Thiên Phước



















 

NÉT VĂN HÓA

TRONG TÊN GỌI MỘT SỐ NHÀ THỜ GIÁO PHẬN MỸ THO

 

Nhà Thờ Thiên Phước

 

           Tỉnh Đồng Tháp có 2 hạt Cao Lãnh và Cù lao Tây thuộc Giáo phận Mỹ Tho. Trong đó Hạt Cao Lãnh có tất cả 15 giáo xứ và họ đạo, chưa kể các Giáo điểm. Trong các giáo xứ và họ đạo này, lâu đời nhất là họ đạo Nhị Mỹ, được thành lập năm 1900 với hơn 250 anh chị em giáo dân. Trong khi đó, giáo xứ Thiên Phước được thành lập năm 1961. lại có đến hơn 5000 anh chị em giáo dân. Thậm chí nếu mở rộng sang Hạt Cù Lao Tây, thì giáo xứ được thành lập sớm nhất là Bến Dinh năm 1846, nhưng cũng chỉ với hơn 3000 anh chị em giáo dân.

         Như vậy, một giáo xứ hay họ đạo được hình thành từ lâu đời, có truyền thống và bề dày lịch sử, thì không đồng nghĩa phải tỉ lệ thuận với số lượng bổn đạo trong giáo xứ. Không phải cứ lâu đời là đông giáo dân, và cũng không phải non trẻ là ít giáo dân, và ngược lại không phải non trẻ là nhiều giáo dân, và lâu đời là ít giáo dân. Cho nên, không thể làm phép so sánh giữa số lượng anh chị em giáo dân với thời gian thành lập giáo xứ.

         Điều muốn nói ở đây là: Tại sao giáo xứ Thiên Phước, mặc dù chỉ mới thành lập được 58 năm (1961 – 2019) lại có đến hơn 5000 anh chị em giáo dân? Phải có một lý do nào đó. Cùng tìm hiểu về quá trình hình thành giáo xứ Thiên Phước, sẽ thấy yếu tố văn hóa, tác động rất lớn đến việc tăng trưởng về số lượng anh chị em giáo dân nơi giáo xứ.

         Theo Kỷ Yếu 50 Năm Giáo phận Mỹ Tho, viết về quá trình hình thành và phát triển của giáo xứ Thiên Phước như sau: Ngày 05.05.1961, có khoảng một trăm gia đình công giáo nghèo, không có đất canh tác, từ các giáo xứ bên Cù Lao Tây (thuộc ba xã: Tân Huề, Tân Quới, Tân Long), và có cả những gia đình công giáo ở tận Ba Bần (Long Xuyên), tập trung tại Vàm Láng (An Long) bằng ghe xuồng. Họ nối đuôi nhau theo tàu kéo đi dọc kênh Đồng Tiến (An Long): Họ đi lập nghiệp, đi khai hoang lập ấp, họ mang theo niềm tin và hy vọng vào một cuộc đời no đủ ấm cúng hơn; họ đi theo cha Giacôbê Tô Đức Bạch như đàn chiên theo người mục tử mới.

         Khi đến gần ngã năm sông, cách An Long khoảng 20 cây số, một vùng đất sình lầy chưa có người ở, đất đai chưa khai phá, cha và đoàn người dừng lại, dựng lều trại, cha bảo: “Đây đất Chúa hứa”. Thật ra vùng đất này cha đã khảo sát và có ý định đem dân đến để thành lập giáo xứ mới từ năm 1957.

         Cha Giacôbê cùng giáo dân bắt tay vào công việc mới, trước hết là ổn định cuộc sống, mỗi gia đình được cấp phát vật liệu cây tràm và lá để dựng nhà ở và 30 công ruộng do cha Giacôbê phân chia ở các vùng đất cao. Giáo dân đã có nhà, có ruộng, đó là một tài sản lớn đối với họ lúc bấy giờ. Giờ đây họ bắt đầu ra sức lao động để cải tạo đồng ruộng, đào kênh mương để rửa cho đất thoát phèn. Vì là vùng hoang chưa khai thác nên động vật hoang dã nhiều vô kể. Quả thật đây là “đất Chúa hứa”, là ơn lành từ trời cao nên cha Giacôbê đặt tên cho giáo xứ là “Thiên Phước” để tạ ơn Chúa và Mẹ Maria.[1]

         Ý tưởng về Đất Chúa Hứa, mà cha Giacôbê khẳng định với dân chúng, là cách để trấn an, củng cố đức tin của dân mà thôi. Có Chúa nào mà hứa ban tặng một vùng đất cho hơn 100 gia đình công giáo nghèo, mà cha dẫn đi tìm đất khai hoang lập ấp đâu. Tuy nhiên, đi kèm với sự trấn an này là việc phân chia các lô đất cho dân, để tiến hành khai phá, đào kênh xả phèn, làm nông và xây dựng nhà cửa. Lương thực thì từ đồng ruộng, thức ăn đã có cá tôm dưới sông rạch và động vật hoang dã. Theo cách mô tả là động vật hoang dã nhiều vô kể.

Ý tưởng về Đất Chúa Hứa vừa trấn an, vừa củng cố đức tin cho dân, và đồng thời diễn tả một viễn cảnh về đời sống An Cư Lạc Nghiệp, mà dân sẽ có được trên mảnh đất mà họ đang khai phá xây dựng, với đầy đủ các điều kiện: Đất đai phì nhiêu, mênh mông bát ngát, cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi, cá lội đầy sông, tôm mắc đầy lưới. An Cư Lạc Nghiệp, chính là yếu tố văn hóa, đã thu hút người dân đến định cư mỗi ngày một đông hơn. Vì thế, mà số giáo dân cũng sẽ tăng theo một cách nhanh chóng. Ngày nay, vùng đất này đã trở thành thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.

An Cư Lạc Nghiệp, no cơm ấm áo là yếu tố văn hóa, cần được chú ý nơi hoạt động mục vụ truyền giáo. Nhất là trong việc mở mang các vùng đất lãnh thổ, để xây dựng cộng đoàn cơ bản. Cần chú ý đến tiềm năng phát triển của những vùng đất sẽ được khai phá. Vì nếu không, về lâu dài chỉ dừng lại ở cộng đoàn nhỏ lẻ, chỉ là tụ điểm, mà khó có thể phát triển để trở thành giáo điểm, giáo xứ hay họ đạo.

Ngày nay, trong bối cảnh đất nước Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhằm chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp. Những vùng đất phì nhiêu, màu mỡ, với những đồng lúa mênh mông bát ngát, hay những cánh rừng bạt ngàn sẽ dần dần bị thu hẹp lại. Thay vào đó, là những khu công nghiệp, cụm công nghiệp, những tuyến đường giao thông, những đại lộ xuyên quốc gia, những khu đô thị mới, cầu đường trường trạm… Đó chính là những mảnh đất phì nhiêu, màu mỡ đang có tiềm năng về một đời sống an sinh xã hội cho dân, với tương lai được no cơm ấm áo, an cư lạc nghiệp.

Cần gieo ngay hạt giống Tin Mừng, cần tìm một mảnh đất để cắm dùi về lâu dài, cần thực hiện hoạt động mục vụ truyền giáo cho những vùng này ngay tức thì. Vì nếu không, sẽ không còn kịp nữa.

Ban Văn hóa Giáo dục – Giáo phận Mỹ Tho


[1] Kỷ Yếu 50 năm Giáo Phận Mỹ Tho, p.229