02/09/2019
926
Hỏi đáp về tạo dựng: Sáng tạo hay trùng hợp ngẫu nhiên?

Hỏi đáp về tạo dựng: Sáng tạo hay trùng hợp ngẫu nhiên?









 

1.1 Vụ nổ Big Bang không ảnh hưởng đến niềm tin vào Thiên Chúa phải không?

Một số người nghĩ rằng Giáo hội chống lại khoa học, và vì thế, các Kitô hữu cũng phải phủ nhận Vụ nổ Big Bang. Sự thật thì ngược lại!

Thuyết Big Bang được đề xuất đầu tiên bởi một linh mục Công giáo, Georges Lemaître (1894-1966), và đã được Giáo hội chính thức nhìn nhận (nhưng không xem là nguồn gốc của tạo dựng thay cho sách Sáng Thế). Ý tưởng về Vụ nổ Big Bang rất phù hợp với niềm tin Thiên Chúa tạo dựng thế giới từ hư vô “ex nihilo”.

1.2 Tất cả những điều nói về Adam và Evà có thực sự xảy ra không?

Câu chuyện tạo dựng về Adam và Evà không phải là một bản tường thuật chính xác từng chi tiết. Tuy nhiên, bản tường thuật cho chúng ta biết nhiều điều về mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa và với nhau. Việc sáng tạo của Thiên Chúa có sự suy xét cẩn thận: chúng ta đã được dựng nên theo một kế hoạch. Thiên Chúa đã in bàn tay của Ngài trên chúng ta, và nhờ đó, chúng ta được giống như Ngài (St 1,26)

Như thế, chúng ta có một vị trí độc nhất trong công trình sáng tạo, được liên kết với sứ mệnh chăm sóc tất cả mọi loài thụ tạo. Vì yêu thương Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta. Vì chúng ta được dựng theo hình ảnh của Ngài và giống như Ngài, trong cốt lõi của hữu thể, mỗi người chúng ta có sự khát khao tiềm ẩn hướng về Thiên Chúa. Điều này làm cho chúng ta có khả năng yêu mến Thiên Chúa và anh em.

1.3 Tiến hóa hay sáng tạo?

Thân thể con người có vẻ như được tiến hóa. Tuy nhiên, là con người, chúng ta cơ bản khác với những loài động vật. Trong khi các loài vật bằng lòng với những dạng thức mà chúng có thì con người tìm kiếm điều gì đó vượt trên sự hữu hạn đã được tạo thành.

Sự khát khao mang tính trừu tượng của chúng ta về hạnh phúc chung cuộc - hạnh phúc vượt ra khỏi những gì chúng ta có thể thấy tại đây và ngay bây giờ - phần nào cổ võ cho quan niệm chúng ta có linh hồn bất tử. Linh hồn là những gì làm cho chúng ta là chính mình và cho phép chúng ta chọn lựa giữa điều tốt và điều xấu một cách có ý thức. Linh hồn của chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng. Sự tiến hóa có liên quan đến thân xác. Câu chuyện tạo dựng cho chúng ta cái nhìn nội tại về những gì được định vị nơi thân xác: linh hồn. Cả hai đều cần thiết nếu chúng ta muốn hiểu rõ hơn về thế giới được Thiên Chúa tạo dựng.

1.4 Tội nguyên tổ và sự sa ngã của loài người là gì?

Mặc dù Adam và Eva đã được Thiên Chúa trao cho toàn bộ vườn địa đàng, nhưng họ còn muốn nhiều hơn thế nữa. Tội của họ bị thúc giục bởi sự ích kỷ, giống như hầu hết mọi tội lỗi. Họ đã quay lưng với Thiên Chúa và tự lẩn trốn mình. Điều này đã tạo nên sự xa cách giữa Thiên Chúa và loài người. Đây là sự sa ngã của con người: cách thức mà tội lỗi đi vào thế gian.

Thiên Chúa ban cho con người ý chí tự do. Bạn chỉ có thể yêu thương một ai đó khi mà bạn có ý chí tự do. Bạn có thể chọn Thiên Chúa, nhưng bạn cũng có thể từ chối Ngài, dẫn đến tội lỗi. Bởi tội nguyên tổ chúng ta gánh chịu từ Adam và Eva, loài người không còn hoàn hảo như đã được Thiên Chúa thiết định khi tạo dựng. Khi đến thế gian, Chúa Giêsu đã muốn thay đổi tình trạng đó bằng việc thiết lập Bí tích Rửa Tội.

1.5 Khoa học và đức tin có mâu thuẫn với nhau không?

Nếu tin rằng Thiên Chúa đã dựng nên mọi sự thì chúng ta không cần lo lắng về những bằng chứng khoa học có vẻ mâu thuẫn với đức tin. Trái lại, khoa học là một cách thức tuyệt vời để trở nên gần gũi hơn về sự sáng tạo của Thiên Chúa và, bằng cách này, giúp chúng ta học biết nhiều hơn về Thiên Chúa.

Mặt khác, đức tin làm sáng tỏ những nghiên cứu khoa học. Ví dụ, không phải mọi thứ có khả năng thực hiện cũng đều đúng về mặt luân lý. Nghiên cứu liên quan đến việc phá thai ở người là một ví dụ về việc sử dụng trái đạo đức của những hiểu biết khoa học.

1.6 Tôi có thể nhận ra Thiên Chúa trong thế giới tự nhiên không?

Nếu bạn nhìn kỹ vào tự nhiên, bạn sẽ thấy mọi thứ được xếp đặt một cách đẹp mắt và tương thích với nhau đến tuyệt vời. Chúng ta không thể nào nói rằng tất cả những điều này được thành hình do sự trùng hợp ngẫu nhiên phải không? Không có học thuyết nào về nguồn gốc của sự sống và vũ trụ là hoàn hảo nếu không có một Trí Năng hay Đấng Sáng Tạo đứng sau tất cả những điều này. Một số người gọi Trí Năng đó là Thiên Chúa.

Cũng giống như một nghệ sĩ, Thiên Chúa mặc khải đôi điều về chính mình trong tự nhiên: Thiên Chúa hiện hữu và tạo dựng thế giới (chúng ta gọi điều này là mạc khải tự nhiên). Thông điệp chính yếu của đức tin là Thiên Chúa đã tạo dựng thế giới vì yêu thương con người.

1.7 Vì sao tôi nên tin tưởng vào Thiên Chúa?

Trong cuộc sống, con người ước mong hạnh phúc chung cuộc. Nhiều người thấy rằng hạnh phúc bền lâu không thể được tìm thấy nơi sự thành công, quyền lực hay tài sản. Con người thường đề cập đến những mối tương quan như là một nguồn quan trọng của hạnh phúc. Hạnh phúc thật sự đến từ bên trong, từ việc nhận biết rằng chúng ta được yêu thương và chúng ta đang làm đúng.

Chân lý quan trọng nhất về loài người là chúng ta thuộc về Thiên Chúa - Đấng đã tạo dựng và yêu thương chúng ta. Cuối cùng, hạnh phúc chung cuộc chỉ có thể nhận được từ Thiên Chúa. Nói một cách đơn giản nhưng thật sâu sắc: để có được hạnh phúc, bạn chỉ cần toàn tâm toàn ý đón nhận kế hoạch của Thiên Chúa dành cho bạn và cộng tác với kế hoạch của Ngài.

1.8 Chỉ có một chân lý duy nhất phải không?

Chân lý là một sự thật khách quan, và do đó, không phụ thuộc vào những gì con người nghĩ về nó. Chúa Giêsu đã nói chính Người là chân lý (Ga 14:6).

Chân lý mà Chúa Giêsu dạy chúng ta là sự thật khách quan và do đó không phụ thuộc vào số người tin vào Người. Chúa Giêsu dạy Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta, Ngài yêu thương chúng ta nhiều, và Ngài mong muốn chúng ta sẽ vâng theo lời mời gọi của Ngài để hưởng hạnh phúc với Ngài trên Thiên Đàng.

1.9 Điều này có hợp lý để tin không? Tôi có thể đặt câu hỏi không?

Việc đặt câu hỏi là rất cần thiết vì đây là cách mà bạn nghĩ về đức tin. Bằng việc đặt câu hỏi bạn có thể hiểu sâu hơn về chân lý đức tin và gia tăng sự hiểu biết nội tâm về ý nghĩa của tình yêu Thiên Chúa dành cho bạn.

Cốt lõi của niềm tin Kitô giáo chỉ có thể được hiểu nhờ vào việc suy niệm về tình yêu của Thiên Chúa dành cho mỗi người. Chúng ta có thể biết Ngài một phần qua những gì Ngài biểu lộ về chính mình cho chúng ta (điều này gọi là mạc khải). Tuy nhiên, vài câu hỏi sẽ vẫn không thể trả lời được vì không có một câu trả lời nào có thể định nghĩa một cách đầy đủ về Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn là Đấng trổi vượt!

Nhóm dịch Gioan XXIII

(dịch từ https://www.tweetingwithgod.com/en/tweets)