05/10/2019
1562
LTX: Ngày Hành Hương HĐMVGX và Ngày Hội Truyền Giáo


















 

NGÀY HÀNH HƯƠNG HĐMVGX VÀ NGÀY HỘI TRUYỀN GIÁO

4.10.2019

 

Bài viết: Ban Truyền Giáo – Gp. Mỹ Tho
Hình: Dom. Xuân - MVTT Hạt Tân An

(WGPMT) Sau liên tiếp các khóa họp mặt về Truyền Giáo được tổ chức khắp các Giáo hạt trong Giáo phận, ngày 04.10.2019, dưới sự kết hợp của Ban Truyền Giáo và Ban Giáo dân của Giáo phận Mỹ Tho đã tổ chức ngày Đại Hội Truyền Giáo của Giáo phận (Lễ Khánh nhật Truyền giáo) với chủ đề: “ĐƯỢC RỬA TỘI VÀ ĐƯỢC SAI ĐI”. Ngày Đại Hội được long trọng diễn ra tại Trung tâm Hành hương Ba Giồng, Ấp Tân Quới, xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Chương trình có sự hiện diện của Cha Phaolô Phạm Minh Thanh - Đặc trách Ban giáo dân Giáo phận; Cha Phêrô Nguyễn Ngọc Long - Đặc trách Ban Truyền giáo của Giáo phận Mỹ Tho; Cha Gabriel Nguyễn Tấn Di - Phó đặc trách Ban Truyền giáo Giáo phận; Cha Phêrô Trần Trung Chỉnh - Cha Thư Ký Ban Truyền Giáo và phụ trách truyền giáo Giáo hạt Cao Lãnh. Các ngài là những Thuyết trình viên chính thức của ngày Đại hội. Ngoài ra, ngày Đại hội còn có sự hiện diện của Cha Gioan Baotixita Nguyễn Tấn Sang - Giám đốc Trung tâm Hành hương Ba Giồng; Cha Giuse Trần Thanh Long - Đặc trách ban Giáo lý đức tin Giáo phận, đông đảo Quý Cha và Quý tu sĩ nam nữ trong Giáo phận Mỹ Tho; cùng khoảng hơn 900 tham dự viên đại diện cho các Hội đoàn và giáo dân trong Giáo phận. Đất Thánh Ba Giồng không những là nơi đã diễn ra những sự kiện quan trọng trong Giáo phận Mỹ Tho mà còn là vùng đất của lịch sử truyền giáo của Giáo hội Việt Nam. Vì vậy, sự kiện Đại hội Truyền giáo ngày 04.10 đánh dấu một cột mốc lịch sử đáng ghi nhớ của Giáo phận nói riêng và Giáo hội Việt Nam nói chung.

Chương trình của ngày Đại hội được diễn ra như sau:

08g00: Đón tiếp tại Ba Giồng - Cha Giuse Trần Thanh Long.

09g00-09g45: Giới thiệu tông thư Maximum Illud - Cha Gabriel Nguyễn Tấn Di

Sinh hoạt tại chỗ: 10 phút

09g55-10g55: Vai trò của các đoàn thể trong công tác truyền giáo - Cha Phaolô Phạm Minh Thanh

Giải lao: 10 phút

11g05-12g00: Thực Hành Truyền Giáo - Cha Phêrô Nguyễn Ngọc Long

12g00: Cơm trưa

13g00: Tôn Vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (sau đó di chuyển về Trung tâm Mục vụ)

15g00: Tập trung tại trung tâm mục vụ - lần chuỗi LTX

16g00-16g30: Chầu Thánh Thể

Giải lao 15 phút

16g45: Tập hát

17g00: Thánh Lễ do Cha Tổng đại diện Giáo Phận Mỹ Tho chủ sự

18g30: Ra về

Đúng 9g00 sáng 04.10.2019, Cha Giuse Trần Thanh Long - dẫn chương trình ngày Đại Hội giới thiệu sự hiện diện của quý cha tham dự. Sau đó, Cha Phaolô Phạm Minh Thanh khai mạc Đại Hội bằng việc nhấn mạnh lại mục đích và ý nghĩa của Ngày này. Cha long trọng cầu chúc cho ngày Đại Hội mang lại nhiều ích lợi cho người tham dự, và nhất là cho công cuộc truyền giáo của Giáo phận. Sau đó, Cha Gabriel Nguyễn Tấn Di đã có bài thuyết trình đầu tiên giúp cho cộng đoàn học hỏi nhiều hơn về Tông thư Maximum Illud do ĐTC Benedicto XV ban hành năm 1919 và Sứ điệp Truyền giáo 2019 "Được Rửa Tội và Được Sai Đi" của ĐTC Phanxicô. Dù ra đời cách đây 100 năm nhưng ý nghĩa và tầm quan trọng của tông thư Maximum Illud vẫn có giá trị hết sức đặc biệt và hữu hiệu cho công cuộc truyền giáo hôm nay. Cũng theo đó, tháng 10.2019 - Tháng đặc biệt Truyền giáo, nhằm thúc đẩy việc gia tăng ý thức về Missio ad gentes (sứ mạng đến với muôn dân), và hăng say tiếp tục sự biến đổi truyền giáo trong đời sống và hoạt động mục vụ của Giáo hội. Giáo Hội rao giảng bằng việc rao giảng Lời Chúa, làm chứng cho Tin Mừng và cử hành sự sống của Thần Khí. Và ai đã được "rửa tội" đều được "sai đi".

Tiếp nối chương trình là phần trình bày của Cha Phaolô Phạm Minh Thanh với đề tài "Vai trò của các đoàn thể trong công tác truyền giáo. Cha không quên nhắc nhớ lại lệnh truyền mà Chúa Giêsu đã dạy "Các con hãy đi giảng dạy cho muôn dân" để nói lên sứ mạng cao cả của mỗi người Kitô hữu là mang Tin Mừng cho những ai chưa nhận biết Chúa. Phúc Âm Hóa là sứ mạng được Chúa Giêsu trao phó cho toàn thể Giáo Hội, cho mọi Kitô hữu. Sứ mạng này mãi mãi quan trọng, cấp bách và không được phép xao lãng và bản chất Giáo Hội là ở đây. Ngày nào Giáo Hội không ưu tư và không ưu tiên cho việc Loan Báo Tin Mừng, thì Giáo Hội không còn là Giáo Hội của Chúa Giêsu nữa. Không một Kitô hữu nào được miễn trừ sứ mạng Loan Báo Tin Mừng, mà mỗi người phải tham gia tùy theo bậc sống, hoàn cảnh, khả năng, và điều kiện. Chúng ta đừng dừng lại ở khía cạnh nghĩa vụ, bổn phận, trách nhiệm đối với sứ mạng này, nhưng suy nghĩ tích cực về vinh dự, tự hào, và niềm vui được Chúa giao phó để cộng tác trong vườn nho của Ngài.

Cha cũng đã nêu ra những tích cực và tiêu cực nơi các hội đoàn giúp cho chúng ta có cái nhìn chính xác và chân thật hơn về vai trò và tình hình hoạt động của các hội đoàn nơi các giáo xứ. Có thể nói, các hội đoàn dễ được mọi người đón nhận, đáp ứng nhu cầu đạo đức của giáo dân. Các hội đoàn có vai trò đáng kể trong việc bảo tồn và chấn hưng tinh thần đạo đức. Một số hội đoàn tích cực với hoạt động Phúc Âm hóa, đem được nhiều người đến với Chúa. Các hội đoàn luôn luôn cần đến sự điều hành và lãnh đạo của hàng giáo phẩm. Tuy nhiên, xem ra các hội viên còn dừng lại ở những việc đạo đức như kinh nguyện, dự lễ... nhằm thánh hóa bản thân, giữ đạo sốt sắng, mà quên rằng phải tham gia vào sứ mạng Phúc Âm hóa. Các Hội đoàn còn nặng hình thức bên ngoài, đoàn ngũ hóa cho đông đảo, đồng phục lộng lẫy, rước sách long trọng, tiệc tùng linh đình, Có khi cạnh tranh ảnh hưởng, công kích, bình phẩm làm mất đức ái và hiệp nhất... Cuối cùng, Cha nêu lên một số đề nghị hướng về tương lai nhằm thúc đẩy cho công việc Truyền giáo bằng cách:

- Khuyến khích giáo dân tham gia tích cực vào sứ mạng Phúc Âm hóa.

- Người Phúc Âm hóa phải có lòng say mê Chúa Giêsu và say mê con người.

- Nhiệt huyết mới, phương pháp mới, và cách diễn tả mới.

- Liên kết nhau cùng hoạt động

- Có sự hướng dẫn, đào tạo về sứ mạng này.

Trong phần giải lao ngắn, Cha Phêrô Nguyễn Ngọc Long đã nhắc nhớ tháng 10 đặc biệt kính nhớ Đức Mẹ Mân Côi. Ngài đã cùng cộng đoàn hát vang bài hát “Kìa bà nào” để tôn sùng Đức Maria để nhắc cho tham dự viên nhớ rằng trong hành trình và công cuộc truyền giáo không thể thiếu vắng hình bóng của Mẹ Maria. Sau đó, để mở đầu cho phần thuyết trình của mình, Cha ôn lại lịch sử của vùng đất thánh thiêng Ba Giồng với bề dày lịch sử tử đạo và cũng là nơi mà các tín hữu đầu tiên của Giáo phận Mỹ Tho đã hiện diện. Nơi đây, Cha thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu, Cha Philiphê Phan Văn Minh và 27 vị tử đạo đã hy sinh để cho hạt giống đức tin và cho Lời Chúa được vinh danh. “Đạo đã thấm vào trong xương tủy, tôi làm sao bỏ được. Vả lại một người giáo hữu thường, một thầy giảng còn không có quyền bỏ đạo, huống nữa tôi đây là Đạo Trưởng”. Lời của Cha thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu được nhắc lại đã hâm nóng tinh thần truyền giáo cho mỗi người tham dự. Và hàng loạt câu hỏi thực tế: Truyền giáo là làm gì?, "Lệnh truyền của Chúa trước khi về trời, dưới sự hướng dẫn của Hội Thánh về sứ mạng truyền giáo, chúng ta thực hành việc truyền giáo như thế nào tại giáo xứ và giáo phận của chúng ta?..." mà Cha Phêrô nêu lên làm cho bầu không khí nóng lên với những kinh nghiệm thực tế truyền giáo mà những người tham dự không nhiều thì ít đã trải nghiệm và cảm nghiệm. Những chia sẻ thực tế về kế sách Truyền giáo của Cha vừa mang lại những tiếng cười vui tươi thoải mái cho cộng đoàn, vừa nói lên được những kinh nghiệm truyền giáo khó mà dễ cho từng trường hợp thực tế diễn ra nơi các giáo xứ.

Sau buổi cơm trưa đã được Cha giám đốc Trung tâm chuẩn bị chu đáo, cộng đoàn cùng long trọng Tôn vinh Các Thánh Tử Đạo với phần đi kiệu sốt sắng đầu tháng. Dù dưới thời tiết nóng bức của buổi trưa, cộng đoàn tham dự Đại Hội vẫn sốt sắng lần chuỗi kính Đức Mẹ và tỏ lòng tôn kính đặc biệt dành cho các thánh Tử Đạo tại Ba Giồng.

Đúng 15g00 chiều cùng ngày, dưới sự hướng dẫn của Cha Phêrô Trần Trung Chỉnh, cộng đoàn đã có buổi lần chuỗi Lòng Chúa Thương Xót thật long trọng và sốt sắng tại Trung tâm Mục vụ của Giáo phận. Trước giờ Thánh lễ, cộng đoàn đã cùng chia sẻ với nhau câu hỏi rất thực tế mà Cha Phêrô Nguyễn Ngọc Long đưa ra: "Làm sao để một người nguội lạnh có thể đi tham dự Thánh lễ như mọi tín hữu khác?" Các chia sẻ của ba người đại diện cho ba giáo xứ giúp cho mỗi người có thêm được những kinh nghiệm để xử lý những tình huống mà mình gặp phải trong giáo xứ. Đây cũng chính là những kinh nghiệm rất hữu hiệu có thể áp dụng cho việc tái truyền giáo cụ thể trong hiện tại lẫn tương lai. Cha Phêrô giao chỉ tiêu cho mỗi tham dự viên khi trở về giáo xứ thực hành. Đây là điều rất hữu ích và một trong những hoa trái thánh thiện mà Đại Hội nhắm đến.

Đỉnh cao của ngày Đại Hội là Thánh lễ đồng tế ngay tại Lễ đài Lòng Chúa Thương Xót do Cha TĐD Phaolô Trần Kỳ Minh chủ sự. Trong bài giảng của mình, Cha Tổng đại diện nhấn mạnh lại nội dung chính mà chủ đề "Được Rửa Tội và Được Sai Đi" mà ĐTC Phanxicô muốn nhắn nhủ. "Tôi luôn là một sứ mạng" đối với tình yêu của Đức Kitô, không ai trong chúng ta là vô nghĩa vì mỗi người chúng ta là kết quả của tình yêu Thiên Chúa. Cha cũng muốn nhắc nhở ý nghĩ "Giáo dân là người học ít, không có điều kiện vật chất... thì làm sao có thể truyền giáo" là không đúng. Vì cốt lõi là ai cũng có thể truyền giáo. Và truyền giáo đang không chỉ cần thiết nhưng còn là vấn đề đang rất cấp bách trong thời đại hôm nay. Việc truyền giáo là ý định của Thiên Chúa và là sứ mạng của mỗi người Kitô hữu. Cha tóm tắt 3 ý chính cần làm để có thể Truyền giáo đó là: 1) Ý thức sự cấp bách của việc truyền giáo, 2) Cầu nguyện, và 3) Sống bác ái yêu thương.

Sau Thánh lễ, Cha Phaolô Phạm Minh Thanh đã đại diện cho Ban giáo dân và Ban Truyền giáo gửi lời cám ơn đến Đức Cha Phêrô - Vị Cha chung của Giáo phận dù không thể hiện diện trong Thánh lễ cùng cộng đoàn. Cha cũng không quên nói lên lời cám ơn và chúc mừng đầy tâm tình chân thành đến Cha TĐD nhân kỷ niệm 28 năm Linh mục của ngài. Cha còn cám ơn toàn thể quý cha và những thành viên đã góp công tổ chức cho khóa Thường huấn 3 ngày tại Trung tâm Mục vụ từ ngày 02.10 đến 04.10 vừa qua, đặc biệt là những đóng góp hy sinh của tất cả mọi người giúp cho ngày Đại Hội được diễn ra thành công.

Lời ban phép lành cuối lễ cùng lời chúc ra về bình an của Cha TĐD kết thúc ngày Đại hội nhưng mở ra những bầu khí mới cho công cuộc truyền giáo mà từng thành viên ấp ủ, và ưu tư. Công cuộc truyền giáo luôn cần đến những đau khổ, hy sinh để gom góp lại trở nên những hoa quả tốt lành cầu cho các linh hồn, cho việc Loan báo Tin Mừng và cho những tâm hồn mong ước mang bình an đến cho người khác.