11/07/2019
1039
Ngày đầu Đức TGM Marek Zalewski - đại diện tòa thánh tại Việt Nam  thăm Giáo phận Đà Lạt 

 

Khoảng 19 giờ thứ bảy 06.07.2019, xe chở Đức TGM Marek Zalewski - đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam tiến vào cổng Tòa Giám Mục Đà Lạt, mở đầu chuyến viếng thăm giáo phận Đà Lạt, sau đúng 1 năm Ngài được bổ nhiệm Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam.

Tiếp đó lúc 9 giờ sáng Chúa Nhật ngày 07.07.2019, xe chở Đức Tổng từ Tòa Giám mục vào đến cổng nhà thờ Chánh Tòa Đà Lạt, khởi đầu chuyến thăm giáo phận trong vòng ba ngày.

Đông đảo bà con giáo dân, quí tu sĩ nam nữ các hội dòng đến chờ đó Đức TGM MAREK ZALEWSKI từ rất sớm. Khi Đức TGM bước xuống xe có Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Đức cha Antôn Vũ Huy Chương- Giám mục giáo phận, Đức cha phó Đa minh Nguyễn Văn Mạnh cùng tháp tùng. Những tràng pháo tay dài bày tỏ niềm hân hoan lần đầu được diện kiến vị đại diện Đức Giáo hoàng, trên khuôn mặt mỗi người rạng rỡ niềm vui mừng làm cho Đức tổng đại diện hết sức cảm động.

Sau ít phút viếng Thánh Thể Chúa, Đức cha An tôn giới thiệu các thành phần tham dự và khái quát về giáo phận Đà Lạt. Tiếp đó, cha Phaolô Phạm Công Phương- Quản hạt Đà Lạt giới thiệu vắn gọn về giáo hạt.

Cha Phaolô bày tỏ: “Sự hiện diện của Đức TGM giúp chúng con thêm lòng yêu mến và hiệp thông với Đức Thánh Cha Phanxicô vị chủ chăn của Giáo hội Công giáo”. Cha Phaolô giới thiệu: “Năm 1893, Đà Lạt được người Pháp biết đến và bắt đầu phát triển thành nơi nghỉ dưỡng, rồi dần dần người kinh đến sinh sống ngày một thêm đông. Tại nơi đây, từ ngôi nhà nghỉ dưỡng của các giáo sĩ Hội Thừa sai Paris đã hình thành ngôi nhà nguyện cho giáo dân Đà Lạt vào năm 1920. Còn ngôi nhà thờ nàyi được xây dựng từ năm 1931 và trở thành nhà thờ Chánh tòa vào năm 1960 khi tòa thánh thiết lập giáo phận Đà Lạt. Ban đầu Giáo Phận Đà Lạt chỉ có hai giáo hạt là Đà Lạt và Bảo Lộc, sau năm 1975 Đức cha Battolomeo thiết lập thêm 3 Giáo hạt là Đơn Dương, Đức Trọng và Di Linh; Đức Cha Antôn thiết lập thêm Giáo hạt Madagui năm 2015 và Đạ Tông năm 2019. Hiện nay giáo phận Đà Lạt có 174 linh mục triều và 143 linh mục dòng, 1390 tu sĩ nam nữ thuộc 70 dòng tu hoặc tu hội; 105 giáo xứ 28 giáo sở và 29 giáo điểm, số giáo dân khoảng 391 ngàn người, trong đó có hơn 1/3 là giáo dân người dân tộc thiểu số. Riêng giáo hạt Đà Lạt có 20 Giáo xứ và 5 giáo sở đa số là những công đoàn nhỏ so với các giáo hạt khác,  giáo xứ xa nhất cách trung tâm Đà Lạt chừng 50 cây số. Đó là một vài nét sơ lược về Giáo phận và Giáo hạt Đà Lạt chúng con trong những ngày sắp tới Đức tổng sẽ biết thêm vài Giáo hạt khác.

Cha quản hạt nói tiếp: “Chúng con kính chúc Đức Tổng luôn khỏe mạnh tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần để hoàn thành nhiệm vụ đại diện Đức Thánh Cha ở giữa giáo hội và đất nước Việt Nam chúng con; chúng con ước mong Đức Tổng có những dịp khác đến thăm giáo phận chúng con nhiều ngày hơn. Chúng con xin cảm ơn sự hiện diện của Đức Hồng Y Phêrô một người con đã sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt đã làm linh mục rồi giám mục giáo phận Đà Lạt. Chúng con không quên cảm ơn Đức Cha chính Antôn và Đức cha phó Đaminh đã tạo điều kiện để hôm nay chúng con được tiếp đón vì đại diện Đức Thánh Cha tại Việt Nam. Tiếp đó đại diện cho dân đã dâng lên Đức Tổng bó hoa tươi để nói lên lòng quý mến.

Đáp lại Đức TGM chia sẻ: “Tôi vô cùng xúc động, hạnh phúc và tự hào vì được Đức Antôn và Đức cha phó Đaminh mời thăm giáo phận trong bầu khí đông đảo và chào đón nồng nhiệt như thế này”. Đức TGM  gửi lời chào từ Đức Thánh Cha Phanxicô cùng lời cầu chúc có một ngày Đức Thánh Cha sẽ tông du đến Việt Nam.

Lúc 09g30, Đức TGM chủ sự thánh lễ cầu cho giáo phận Đà Lạt và cùng với mong muốn mỗi người tín hữu sẽ cùng thông phần vào việc truyền giáo, mang Chúa đến với mọi người. Sau thánh lễ, Đức Tổng dùng bữa cơm trưa với các Giám mục và linh mục giáo hạt Đà Lạt.

Buổi chiều cùng ngày Đức Tổng đến thăm Đại chủng viện Minh Hòa, Trung tâm Mục vụ Giáo Phận và thăm giáo xứ Lang Biang.

Tại giáo xứ Lang Biang việc đón tiếp Đức Tổng được cha Quản xứ và bà con giáo dân chuẩn bị rất chu đáo, hoành tráng. Chiều Chúa nhật 07.07 bà con giáo dân qui tụ tại nhà thờ từ rất sớm để đón tiếp vị Đại diện Tòa Thánh. Sau những phút viếng Thánh Thể gặp gỡ bà con giáo dân, nghe cha Quản xứ Lang Biang – Phêrô Mai Xuân Tiến giới thiệu sơ lược về giáo xứ: Giáo xứ Lang Biang hình thành bởi hai là nhỏ bé của người lạnh là Đăng Gia và Bon Đưng, tọa lạc trên Thượng nguồn sông Đạ Đờn dưới chân núi Lang Biang, một cộng đoàn được đón nhận Tin mừng vào cuối năm 1949 do các linh mục hội Thừa Sai Paris loan báo. Trải qua 70 năm hình thành và phát triển, vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách về nhiều mặt, Cộng đoàn chúng con đã dần lớn lên được xem là điểm sáng có sức lôi kéo cư dân bản địa từ các buôn làng chung quanh Đà Lạt theo Chúa rồi cùng sinh hoạt tôn giáo nơi ngôi nhà chung là Trung tâm Sơn Cước Cam Ly, được điều hành nuôi dưỡng bởi các linh mục thừa sai từ năm 1952 đến năm 1975. Cha Tiến cho biết thêm, sau biến cố Lịch sử 1975 vì tình hình có nhiều thay đổi khác xưa nên hơn 16 năm cộng đoàn Lang Biang không có linh mục trực tiếp chăm sóc đến ngày 07.08.1991 giáo xứ Lang Biang được chính thức thiết lập trong niềm vui khôn tả của hàng vạn giáo dân Lang Biang và vùng lân cận. Từ đây giáo xứ có hai linh mục trực tiếp và thường xuyên chăm sóc kể cả nhân dân vùng 3 xã Đầm Ròn này là giáo xứ Đạ Tông, cách Lang Biang khoảng 100km. Số tín hữu ban đầu chỉ có vài trăm người Lạch đến nay đã tăng lên 3000, trong đó có một giáo họ gồm 400 người kinh từ nhiều nơi khác di dân đến lập nghiệp.

Cha Quản xứ vui mừng thưa trình với Đức Tổng: “Sau 28 năm được mang danh hiệu giáo xứ, nhận Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội làm bổn mạng, giáo xứ có một số con em theo ơn gọi tu trì trong đó đã có 2 linh mục, 3 chủng sinh, 4 nữ tu khấn trọn đời và 8 em nữ đang là đệ tử tại các Hội dòng. Đây chính là phần thưởng thiêng liêng, là ơn ban cao trọng mà Thiên Chúa đã dành cho giáo xứ Lang Biang”.

Đáp từ, Đức Tổng bày tỏ sự xúc động, lòng yêu mến đối với bà con giáo xứ Lang Biang sau nhiều năm vắng bóng linh mục nhưng vẫn giữ vững niềm tin. Ngài gởi đến bà con giáo dân lời chào từ Đức Thánh Cha Phanxicô cùng lời cầu chúc có một ngày Đức Thánh Cha sẽ đến thăm Việt Nam. Tiếp đó Đức Tổng chủ sự thánh lễ tạ ơn cách long trọng. 

Sau thánh lễ, Đức Tổng tham dự buổi múa hát cồng chiêng do giáo dân giáo xứ Lang Biang thể hiện, thưởng thức rượu cần… giúp Đức Tổng hiểu rõ hơn về nét văn hóa độc đáo của người dân bản địa Cơ ho (Lạch- Cil) sống dưới chân núi Lang Biang hùng vĩ.

Giờ phút chia tay Đức Tổng và Quí Đức cha, mọi người từ trẻ đến già lưu luyến hát bài chia tay và hòa chung vũ điệu thể hiện tình cảm chân thành của những người con Hội Thánh Chúa dưới chân núi lang Biang.



















































Bài: Quốc Bảo- Hữu Phước

Hình: Đình Quang- Tiến Huân

(Nguồn: simonhoadalat.com)