23/01/2020
1242
Suy niệm Lễ Mồng Hai Tết_ Nhiều tác giả





















 

Các Bài Suy Niệm Mồng Hai Tết

 

Hãy Hiếu Kính Ông Bà Cha Mẹ.

Hiếu Khi Biết Tri Ân.

Cầu Cho Ông Bà Tổ Tiên.

Nhớ Nguồn.

Cầu Cho Ông Bà Tổ Tiên.

Hiếu Thảo.

Đạo Hiếu.

Hiếu Kính Cha Mẹ.

Về Với Gia Đình.

Đáp Nghĩa Đền Ơn.

Lòng Thảo Hiếu Với Tiên Nhân.

Đốt Hương Trầm Nhớ Quê.

Hiếu Thảo Với Ông Bà Cha Mẹ.

Nguyện Xin Thiên Chúa Xót Thương Cả Tổ Tiên.

Uống Nước Nhớ Nguồn.

 

 

 

 

 

Hãy Hiếu Kính Ông Bà Cha Mẹ

 

LỜI CHÚA: Chúa phán: “Thiên Chúa đã dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ. Kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: Ai nói với cha với mẹ rằng: Những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa” Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa” (Mt 15,4-6).

CÂU CHUYỆN:

Một người đàn ông kia sống chung với người cha cao niên và đứa con trai mới năm tuổi của anh ta. Một hôm người cha của anh do tuổi già nên tay thường bị run, và có lần đã làm bể bát chén kiểu đắt tiền khi đang ăn cơm, nên anh ta ra vườn nhặt một chiếc gáo dừa mang về gọt dũa làm thành một cái chén bằng gáo dừa để bố anh ta dùng. Đứa con trai của anh ta thấy vậy liền hỏi lý do tại sao thì anh trả lời con rằng: Để ông nội con dùng chén này ăn cơm nếu có run tay làm rơi cũng không bị bể.

Một hôm anh ta thấy đứa con trai của anh đang loay hoay dùng dao chơi với một chiếc gáo dừa. Sợ con bị đứt tay anh liền ngăn cản. Khi được hỏi tại sao làm như vậy thì được đứa con trả lời: “Con thấy bố cho ông nội ăn cơm bằng chiếc gáo dừa để khỏi bị bể, nên con cũng chuẩn bị trước cho bố một cái, để sau này khi bố già dùng sẽ không bị bể nếu bị run tay giống như ông nội bây giờ!”.

THẢO LUẬN: Bạn sẽ làm gì để thể hiện lòng hiếu thảo với cha mẹ ông bà trong dịp Tết và trong thời gian sắp tới?

SUY NIỆM:

1) Bổn phận thảo kính cha mẹ:

Ba ngày Tết, sau ngày Mùng Một dành Tạ Ơn Chúa xin ơn bình an năm mới, thì ngày Mùng Hai dành để Kính nhớ Tổ Tiên và Ông Bà Cha Mẹ. Có lẽ không ai trong chúng ta lại không biết câu thơ đã trở thành câu ca dao và bài hát bất tử về đạo làm con: “Uống nước nhớ nguồn. Làm con phải hiểu. Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…”. Hay: “Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ hơn là đi tu”…

Và chắc không ai trong chúng ta lại không biết nhạc phẩm Lòng mẹ của cố nhạc sĩ Y Vân: “Lòng mẹ bao la như biển thái bình…”

Với người Ki-tô hữu, ai cũng nằm lòng Mười Điều Răn, trong đó, ba điều răn đầu tiên dành cho Chúa, ngay sau đó, điều răn thứ tư dành cho cha mẹ. “Thứ bốn: Thảo kính cha mẹ”. Người Công Giáo có tháng 11, tháng cầu cho các tín hữu đã qua đời, cũng là dịp đặc biệt nhớ về ông bà cha mẹ đã an nghỉ. Hằng ngày, người Công Giáo tham dự Thánh Lễ luôn kính nhớ nguyện cầu cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ: Xin Chúa cũng nhớ đến anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại, và mọi người, đặc biệt là các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ…” (Kinh Nguyện Thánh Thể).

Ngày Tết cũng là ngày hội vui của đại gia đình. Ai cũng mong ngày Tết được đoàn tụ với người thân trong gia đình. Mọi người Việt Nam đều muốn được đón giờ phút thiêng liêng ngày đầu xuân bên cha mẹ, ông bà và con cháu.

2) Phương cách tỏ lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ:

Sự hiếu thảo không chỉ được biểu lộ trong những ngày Lễ Tết, nhưng còn phải thể hiện trong suốt thời gian sống chung với ông bà cha mẹ trong gia đình.

Phải sống thế nào cho tròn chữ hiếu với tổ tiên ông bà cha mẹ. Nếu cha mẹ chúng ta còn khỏe, con cái phải tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban cho chúng ta cha mẹ là lá chắn che chở suốt đời mình.

Nếu cha mẹ già yếu, con cháu không được xem thường và coi các ngài như gánh nặng. Hãy nói với các ngài bằng những lời thưa gởi hiếu kính, cảm thông với những sự lẩm cẩm của các ngài và đừng bao giờ tỏ thái độ vô lễ to tiếng cãi lại hoặc khinh thường cáu gắt với các ngài. Hãy luôn tôn trọng các ngài vì chính các ngài cũng đã từng phải kiên nhẫn ân cần chăm sóc, cho bú mớm và lau dọn vệ sinh khi ta còn thơ bé.

Khi cha mẹ qua đời, con cái hãy năng đọc kinh cầu nguyện, xin lễ và làm các việc lành để các ngài sớm được về thiên đàng. Hãy lập bàn kính nhớ tổ tiên bên cạnh và thấp hơn bàn thờ Chúa. Hãy năng đọc kinh cầu nguyện cho ông bà cha mẹ vào giờ kinh tối gia đình hằng ngày hoặc trong những ngày Giỗ Tết.

3) Làm gì trong những ngày này?:

Xin đừng phụ công ơn dưỡng dục của các bậc sinh thành. Hãy sống sao cho đúng phận làm con, vì như câu ca dao người xưa dạy:

“Công cha như núi thái sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

“Sóng trước vỗ đâu, sóng sau vỗ đó”. Chúng ta cư xử với cha mẹ mình thế nào thì con cái của chúng ta sau này cũng sẽ đối xử với chúng ta như vậy.

Dịp Xuân Mới, bạn sẽ mua biếu quà gì cụ thể để tỏ lòng hiếu thảo đối với cha mẹ ông bà còn sống và những đấng bề trên đã qua đời?

LỜI CẦU:

Lạy Thiên Chúa là Chúa của Mùa Xuân đất trời. Xin chúc lành cho ngày họp mặt của gia đình chúng con hôm nay. Xin liên kết mọi người chúng con trong tình yêu của Cha. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con biết trân trọng giây phút xum vầy trong ngày đầu Xuân, coi đó là hồng ân Cha ban để sống trọn tình con thảo với tổ tiên ông bà cha mẹ và sống yêu thương huynh đệ với anh chị em trong gia đình ruột thịt của chúng con. Xin cho chúng con một Năm Mới an lành và hạnh phúc trong bàn tay quan phòng của Cha.- Amen.

LM ĐAN VINH – HHTM

 

 

 

 

 

Hiếu Khi Biết Tri Ân

 

Mùa xuân, mùa của yêu thương và đoàn tụ. Chúng ta được sống lại không khí xôn xao, ấm áp của mái ấm gia đình đầy thương yêu. Những chuyến trở về của ai đó xa quê như cánh chim mỏi cánh mong từng giây được trở về tổ ấm. Sau một năm vất vả và mệt mỏi, mùa xuân tạo cho ta một cơ hội trở về với cội nguồn, về với quê hương và xóm làng.

Đây là dịp cho ta được sống chữ hiếu với ông bà cha mẹ và gia tộc. Về quê hương ta có dịp thắp hương cho tổ tiên và dâng lòng hiếu thảo đối với mẹ cha. Nếu ngày xuân mà phải nói “mẹ ơi xuân này con không về” là cung điệu bi ai có lẽ chẳng ai muốn nói đến.

Vì người Việt Nam rất trọng chữ hiếu. Chữ hiếu được khởi đầu từ lòng biết ơn công sinh dưỡng của mẹ cha:

Ơn cha nặng lắm ai ơi,

Nghĩa mẹ bằng trời, chín tháng cưu mang.

Đây là điều mà con cái phải ghi lòng tạc dạ về công ơn sinh thành của mẹ cha:

Công cha như núi ngất trời,

Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển đông.

Núi cao biển rộng mênh-mông,

Cù-lao chín chữ, ghi lòng con ơi!

Lòng hiếu thảo ấy luôn canh cánh bên lòng nếu con cái không được ở gần mẹ cha để phụng dưỡng.

Ngồi buồn thương mẹ nhớ cha,

Gối loan ai đỡ, kỷ trà ai nâng.

Nuôi-dưỡng, săn-sóc cha mẹ khi già-yếu là bổn phận trả hiếu công dưỡng nuôi sinh thành

Mẹ già đầu bạc như tơ,

Lưng đau con đỡ, mắt mờ con nuôi.

 Chữ hiếu còn nhắc nhở con cái phải biết cầu nguyện cho cha mẹ được an vui mạnh khoẻ sống đời với con:

Đêm đêm thắp ngọn đèn trời,

Cầu cho cha mẹ sống đời với con

Dầu sau này lớn lên tung cánh bay vào đời thì những hình ảnh đầy ắp yêu thương của cha mẹ mãi mãi ghi trong tâm khảm của từng người con. Nhất là, hình ảnh một nắng hai sương đầy vất vả của cha mẹ đã hy sinh vì cuộc đời con mà chẳng nề gian khó.

Cuộc đời bao nỗi đắng cay

Nhìn về cha mẹ, lệ cay nghẹn ngào

Hôm nay nước mắt tuôn trào

Nhớ ơn cha mẹ, cả đời cưu mang

Đó là lý do mà con cái luôn cảm thấy mình phải có bổn phận đền ơn đáp nghĩa công sinh thành dưỡng dục vì “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Con đây chẳng nói nên lời

Nghẹn ngào nước mắt, lòng này khắc ghi

Lạy cha lạy mẹ con quỳ

Công ơn trời biển, đời đời không quên.

Khởi đầu năm mới, chúng ta tưởng nhớ đến các bậc tổ tiên, những người có công đức sinh thành dưỡng dục chúng ta. Chúng ta đâu biết rằng để mình có ngày hôm nay, cha mẹ chúng ta phải đánh đổi cuộc đời như thế nào? Vì danh dự của con, vì muốn cho con có tiền đến trường đến lớp, vì muốn cho con bằng chúng bằng bạn, cha mẹ nào cũng sẵn sàng đánh đổi cuộc đời mình vì hạnh phúc đàn con.

Do đó, uống nước phải nhớ nguồn, ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây. Có được niềm vui đón xuân hôm nay, chúng ta cũng cần tỏ lòng hiếu kính, biết ơn đối với các bậc tổ tiên đã khuất và đối với ông bà cha mẹ những người còn đang sống và còn đang hao mòn vì chúng ta.

Chính Chúa Giê-su cũng luôn sống hiếu thảo với cha mẹ của mình. Phúc âm nói Ngài hằng vâng phục cha mẹ mình. Và dưới cây thập giá Ngài còn mời gọi thánh Gioan thay mặt Ngài đón Mẹ về nhà của mình để sống trọn chữ hiếu.

Vì thế, trong bầu khí mừng xuân Canh Tý và nhớ về cội nguồn, chúng ta cùng hiệp dâng thánh lễ hôm nay để cầu nguyện cho ông bà cha mẹ của những ai đã qua đời và cầu bình an cho các bậc sinh thành vẫn đang còn hiện diện với chúng ta hôm nay. Và với lòng tri ân thẳm sâu về tình cha nghĩa mẹ tôi xin mọi người nhớ khắc ghi:

“Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc

Đừng để buồn vương trên mắt cha”.

Kính chúc các gia đình một ngày xuân sum họp đầy hạnh phúc vui tươi.

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

 

 

 

 

 

Cầu Cho Ông Bà Tổ Tiên

Anh chị em thân mến

Hôm nay là ngày mồng hai tết. Giáo Hội Mẹ của chúng ta muốn chúng ta dùng ngày đầu năm đặc biệt này để nhớ đến công ơn của tổ tiên, ông bà cha mẹ của chúng ta. Tôi cũng như anh chị em không ai trong chúng ta mà không có cha có mẹ. Tục ngữ từ ngàn xưa đã nói: cây có cội, nước có nguồn. Người ta sinh ra đều có tổ tiên Ông Bà cha mẹ.

Công ơn của Tổ tiên Ông Bà cha mẹ thật không sao mà kể cho hết, như trời như biển. Công cha chẳng khác gì núi Thái – Nghĩa mẹ chẳng khác gì như nước trong nguồn.

Chẳng làm sao mà kể cho hết công ơn của các ngài.

Sách Kinh Thi xưa có câu: “Ai ai phụ mẫu sinh ngã cù lao” (Thương xót thay cha mẹ sinh ta khó nhọc).

Sách còn kể ra 9 điều khó nhọc của cha mẹ:

Sinh: sinh đẻ

Cúc: nâng đỡ

Phủ      : vuốt ve

Xúc: cho bú

Trưởng: Làm cho lớn

Dục: Dạy dỗ

Cố: đoái thương đến

Phục: Săn sóc

Phúc: dạy bảo

+ Có rất nhiều câu truyện cảm động về những lo lắng của cha mẹ dành cho con cái. Nhưng câu truyện về Mạnh Tử là một trong những câu truyện hay nhất. Thầy Mạnh Tử lúc còn nhỏ đã may mắn có được một người mẹ hết lòng lo lắng dạy dỗ cho mình. Truyện kể rằng hồi đó nhà Thầy Mạnh Tử ở gần nghĩa địa. Mẹ thầy Mạnh Tử thấy con bắt chước người ta đào bới rồi lăn ra khóc. Bà liền dời nhà đến gần chợ. Tại đây bà lại thấy con bắt chước người ta sống nghịch ngợm và gian dối. Bà cho đây không phải là chỗ thích hợp cho con của bà. Bà lại dời nhà đi nơi khác.Lần này thì chuyển nhà của bà đến ở gần trường học. Ở đây Mạnh Tử thấy các bạn trẻ cùng lứa tuổi đua nhau tập lễ phép và học chữ nghĩa thì cậu cũng bắt chước. Bà mẹ thấy như vậy mừng quá và bà quyết định ở lại đây luôn.

Một hôm Mạnh Tử thấy người ta làm thịt heo, Mạnh Tử thắc mắc hỏi mẹ:

– Mẹ ơi người ta giết heo làm gì thế?

Bà nói đùa với con: Để cho con ăn đó.

Vừa dứt lời bà cảm thấy hối hận vì đã nói dối con và ngay lập tức bà đi mua thịt heo về cho con ăn.

Rồi lại một hôm Mạnh Tử đang học tự nhiên bỏ về nhà chơi. Lúc đó bà đang ngồi dệt cửi, vừa trông thấy con về bà cầm ngay lấy dao cắt đứt tấm vải đang dệt trước mặt con. Mạnh Tử tỏ ý thắc mắc bà liền giải thích:” Con đang học mà bỏ về thì cũng chẳng khác gì tấm vải mẹ đang dệt mà bị cắt đứt ra làm hai vậy”

Mạnh Tử hiểu được ý của Mẹ và từ đó về sau không bao giờ dám làm như vậy nữa.

Và chính vì thế mà sau này Mạnh Tử đã nên người. Ông đã trở thành một trong những con người được kính trọng nhất trong Lịch sử loài người chúng ta.

+ Tin Mừng không nói cho chúng ta nhiều về việc Thánh Giuse và Đức Mẹ đã lo lắng cho Chúa Giêsu như thế nào, nhưng chắc chắn Chúa Giêsu đã được Thánh Giuse và Đức Mẹ giáo dục thật kỹ. Điều này quả không ai còn có thể hoài nghi.

Nếu công ơn của tổ tiên Ông Bà Cha mẹ lớn lao như thế thì con cái phải làm gì để đền đáp?

Trong bức tâm thư gửi các gia đình nhân dịp năm quốc tế gia đình năm 1994 số 18 Đức Thánh Cha Gioan Phao-lô đã viết như sau: “Hãy thảo kính cha mẹ bởi vì theo một nghĩa nào đó, các vị ấy đối ngươi là những người đại diện của Chúa, những người đã ban tặng sự sống cho ngươi, đã đưa ngươi vào cõi sống nhân linh, vào trong một dòng dõi, một quốc gia, một nền văn hóa. Sau Thiên Chúa các vị ấy là những ân nhân đầu tiên của ngươi. Nếu chỉ một mình Thiên Chúa là đấng tốt lành, nếu chỉ mình Ngài là Đấng thiện hảo, thì cha mẹ ngươi cũng được thông phần một cách độc nhất vô nhị vào chính sự tốt lành tối thượng ấy. Bởi đó ngươi hãy thảo kính Cha mẹ ngươi”.

Đó là những lời của vị cha chung của chúng ta. Có lẽ khó có mà có thể tìm được những lời mạnh mẽ hơn để nói về bổn phận của những kẻ làm con trong việc phải thảo kính cha mẹ mình như thế. 

Bằng cách nào kính thưa anh chị em?

Có nhiều cách nhưng tôi chỉ xin được đề cập một vài cách cụ thể này:

a- Trước hết là phải biết ơn ông bà cha mẹ tổ tiên mình

Biết ơn là một trong những giá trị nền tảng cao quí nhất của cuộc sống làm người và đồng thời nó cũng là biểu hiện rõ rệt nhất của một con người biết sống với tư cách làm người của mình.

Trong Cựu Ước Thiên Chúa đã dùng cả một giới răn để nói về vấn đề này. Đó là giới răn thứ tư. “Ngươi hãy thảo kính cha mẹ ngươi”.

Rồi nếu chúng ta đọc kỹ Tin Mừng chúng ta sẽ lại thấy một trong những tâm tình nổi bật nhất và đậm nét nhất của Chúa Giêsu còn được ghi lại đó là tâm tình tạ ơn. Có thể nói cả cuộc sống của Ngài là một bài ca tạ ơn liên lỉ: Ngài tạ ơn Thiên Chúa Cha trước khi hoá bánh và cá ra nhiều để nuôi một con số thật đông người trong đồng vắng. Ngài tạ ơn Thiên Chúa Cha trước khi phục sinh Lazarô từ cõi chết. Ngài cầm bánh và dâng ly rượu lên để tạ ơn Thiên Chúa Cha trước khi lập Bí tích Thánh thể để rồi từ đó Bí tích này được gọi là Bí tích tạ ơn.

Ngược lại vô ơn là thái độ đáng lên án. Đức Cha Bùi Tuần trong cuốn “Nói với chính mình” có viết những lời rất nặng như sau: “Người ta cho con chó một cái gì nó còn ngoáy ngoáy cái đuôi để tỏ lòng biết ơn. Con người mà không có lòng biết ơn thì không bằng con chó.” Hơi nặng một chút nhưng thật là thấm thía.

Dân gian có một câu truyện đã được truyền lại từ đời này qua đời kia như thế này. Có một đôi vợ chồng kia làm ăn khá giả nhưng lại cư xử rất keo kiệt với những người trong gia đình. Trong nhà có một ông bố già. Vì già – đã trên 80 tuổi – cho nên mắt đã mờ, sức đã yếu tay chân không còn được khoẻ mạnh như hồi còn trẻ. Chính vì vậy mà mỗi khi ăn uống ông thường đánh rơi ly chén xuống đất làm bể rất nhiều ly chén. Người con dâu thấy như vậy nên cứ cằn nhằn hoài với chồng. Người cha tuy mắt đã mờ nhưng tai còn rất thính. Ông rất buồn nhưng không thế làm cách nào khác hơn. Ngồi ăn mà không cầm được nước mắt. Rồi một hôm khi chị ta xúi chồng đẽo cho cha một cái chén bằng gỗ để tiện cho việc ăn uống của người cha.

Câu truyện tưởng như thế là suôn sẻ nhưng thật không ngờ là một ngày kia khi hai vợ chồng có việc phải đi xa trở về. Khi vào trong nhà thì nghe thấy có tiếng gì như những tiếng đục đẽo vọng ra từ ở một góc nhà. Hai vợ chồng lại gần thì thấy đứa con trai cưng của mình đang cầm một cái chén bằng gỗ đã được làm gần xong. Bà mẹ tò mò hỏi thì đứa con ngây thơ trả lời:

– Con làm cái chén này để mai sau ba má có chén mà dùng giống như chén ba má đẽo mà ông nội đang dùng vậy đó.

Ngạn ngữ từ bao thế hệ đã có câu này: “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó – Vâng sóng trước đổ đâu thì sóng sau sẽ đổ ở đó” anh chị em.

Đó là điều thứ nhất.

b- Điều thứ hai là phải hiếu thảo với ông bà cha mẹ.

* Cách hiếu thảo tốt nhất là vâng lời cha mẹ trong những điều hợp lẽ nhất là khi còn trẻ.

Tin Mừng tóm gọn cả cuộc đời thơ ấu của Chúa Giêsu ở Nagiareth bằng những lời như thế này: “Ngài vâng lời và chịu lụy hai ông bà”

Tại tiệc cưới Cana vì Đức Mẹ mà Chúa Giêsu đã làm phép lạ.

* Tiếp đến là hãy biết làm vui lòng cha mẹ. Đời nhà Hán bên Trung hoa có một người nổi tiếng là có lòng hiếu thảo với cha với mẹ. Đó là Bá Du. Hồi còn nhỏ mỗi khi làm điều gì sai quấy mà bị mẹ đánh thì Bá Du luôn tươi cười vui vẻ nhận lỗi, không bao giờ dám cãi. Nhưng một ngày nọ sau khi bị mẹ sửa phạt bằng roi thì Bá Du oà lên khóc. Thấy thế bà mẹ thắc mắc hỏi:

– Bao nhiêu lần mẹ đánh con để dạy con mà con không khóc thế thì tại sao lần này con lại khóc?

Bá Du lễ phép trả lời:

– Thưa mẹ, những lần trước mẹ đánh con đau lắm thế nhưng con không khóc vì con thấy sức của mẹ còn mạnh. Lần này mẹ đánh con, tuy không đau bằng những lần trước nhưng con lại khóc vì con thấy sức mẹ không còn khoẻ như xưa…mẹ đã già yếu. Con khóc vì thương mẹ chứ không phải vì giận hờn.

* Cuối cùng nếu có thể được thì phải lo phụng dưỡng cho cha mẹ để cha mẹ được sống an vui khi tuổi đã xế chiều. Một trong những hình ảnh đẹp nhất về cuộc đời của Chúa Giêsu là cảnh Chúa Giêsu trao phó Đức Mẹ cho thánh Gioan ở dưới chân cây Thập giá. Trước khi nhắm mắt Chúa còn cẩn thẩn gửi gấm người mẹ của mình cho người môn đệ yêu quí nhất để Gioan thay cho Chúa mà lo cho Đức Mẹ. Thật hiếm có một việc làm nào đẹp như thế.

Nhớ Nguồn

Có lẽ không ai trong chúng ta lại không biết câu thơ đã trở thành câu ca dao và bài hát bất tử về đạo làm con: “Uống nước nhớ nguồn. Làm con phải hiểu. Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…”. Hay: “Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ hơn là đi tu”…

Và chắc không ai trong chúng ta lại không biết nhạc phẩm Lòng mẹ của cố nhạc sĩ Y Vân: “Lòng mẹ bao la như biển thái bình…”

Với người Ki-tô hữu, ai cũng nằm lòng Mười Điều Răn, trong đó, ba điều răn đầu tiên dành cho Chúa, ngay sau đó, điều răn thứ tư dành cho cha mẹ. “Thứ bốn: Thảo kính cha mẹ”.

Người Công Giáo có tháng 11, tháng cầu cho các tín hữu đã qua đời, cũng là dịp đặc biệt nhớ về ông bà cha mẹ đã an nghỉ.

Hằng ngày, người Công Giáo tham dự Thánh Lễ luôn kính nhớ nguyện cầu cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

“Xin Chúa cũng nhớ đến anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại, và mọi người, đặc biệt là các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ…” (Kinh Nguyện Thánh Thể).

Ba ngày Tết, sau ngày Mồng Một dành Tạ Ơn Chúa xin ơn bình an năm mới, Mồng Hai dành để Kính nhớ Tổ Tiên và Ông Bà Cha Mẹ.

Trong dân gian, có đạo ông bà, dù thế nào đi nữa, di ảnh ông bà cha mẹ vẫn được đặt những nơi trang trọng để nhan đèn, cúng quải.

Thật đáng tiếc, cùng với những giá trị đạo đức xuống cấp trong thời đại kim tiền hôm nay, đạo hiếu cũng dần dần phai mờ, và đi đến những câu chuyện đau lòng.

Có những đứa trẻ đánh ông bà, có đứa chém cha, chửi mẹ. Không còn là chuyện cá biệt họa hiếm, mà chuyện xảy ra như cơm bữa, có thể đọc thấy tin tức nhan nhãn trên báo chí, Internet, và cả chứng kiến ngay ở ngoài đường phố! Còn đâu nữa thời “cơm cha, áo mẹ, công thầy”, nhiều học sinh mướn cả “xã hội đen” để trừng trị thầy mình vì thầy không làm theo ý mình! Thứ tự do nào đã đưa đẩy một đại bộ phận con em chúng ta hư hỏng đến thế? Nền giáo dục nào đã để lại những lỗ hổng đáng sợ đến thế?

Xã hội hưởng thụ vật chất suy giảm đời sống tinh thần đã đưa đẩy nhiều người cách xa cha mẹ khi tuổi già yếu. Người ta tung tiền ra đủ để nuôi sống các cụ, trong khi các cụ rất cần những giờ phút xum họp ấm áp tình thương.

Đây là câu chuyện “Trông Chờ” có thật từ sổ tay truyền giáo:

Bà tư có ba đứa con, hai cô gái lớn và con trai út. Ông tư mất khi thằng út còn trung học. Hai cô gái lớn lần lượt lập gia đình, bà tư sống với thằng út và quyết tâm cho con ăn học tới nơi tới chốn. Thằng út vượt qua tú tài, vào đại học. Không có ông tư, bà tư xoay sở rất vất vả. Bà bán đồ đạc, ruộng vườn, bà làm tất cả những gì có thể làm được. Bà nhất định cho con thành đạt như lòng con trai cưng của bà mơ ước.

Rồi đứa con trai út của bà tốt nghiệp đại học. Anh lập gia đình với một cô gái con một đại gia giàu có bậc nhất nhì thành phố. Đám cưới tổ chức ở thành phố, vì người ta nói ở quê bất tiện. Mọi sự bên đàn gái lo hết. Sau đám cưới, vợ chồng anh về quê ở chơi với mẹ được ít hôm. Bà tư vui lắm.

Thời gian như thoi đưa. Hạ đi, Thu đến, Đông sang, rồi Xuân về… không có Xuân đoàn tụ. Và nhiều mùa Xuân như thế trôi qua. Bà chỉ nghe tiếng con bà qua điện thoại. Đứa con trai bà nói rất nhớ bà, nhưng công việc làm ăn quá bận rộn, anh hứa khi việc ổn định, sẽ về thăm mẹ ngay khi có thể! “Nó phải lo tương lai sự nghiệp mà, có vợ, rồi còn con cái nữa”, bà nghĩ thế. Bà nhớ con lắm, nhưng rất cảm thông với con. Lòng mẹ mà!

Anh gởi tiền về nhờ người xây cho mẹ ngôi nhà rộng lớn hơn, đầy đủ tiện nghi, tủ lạnh, quạt máy, ti vi… Bà nói với anh qua điện thoại: “Làm chi cho tốn kém, lúc nào rảnh về thăm mẹ được rồi”. Anh trả lời với mẹ: “Con sẽ về!”.

Rồi nhiều năm nữa trôi qua, bà tư bây giờ già yếu. Anh gởi tiền về mướn hẳn một người ở với mẹ để chăm sóc cho mẹ. Nhưng anh quá bận rộn chuyện làm ăn, anh nói thế, – anh vẫn không về!

 Một ngày nọ, bà đau nặng. Đứa con trai út của bà lúc ấy đang có chuyến làm ăn lớn ở nước ngoài.

Càng lúc bà tư càng yếu. Trong hơi thở thều thào, bà hỏi mấy đứa con gái đang kề cận bên giường bà: “Thằng út về chưa”. Họ đành phải nói dối: “Đang trên đường về, mẹ ạ!”. Họ quay ra ngoài để dấu những giọt nước mắt.

Một đêm kia, bà chợt mê chợt tỉnh. Khi nghe tiếng động, bà giơ đôi tay yếu ớt ra như muốn ôm lấy ai, bà thều thào: “Thằng út về đó hả con?”.

Đôi lần như thế, rồi bà mất.

Ba ngày sau, thằng con trai út của bà mới về. Quan tài đã đóng kín! (SỔ TAY TÍM)

Ai đi xa, cũng nhớ quê hương. Nhớ về quê hương là nhớ về quê cha đất tổ.

Mái nhà này, con đường này, dòng sông này, khu phố này…

Lũy tre kia, hàng dừa kia, cây cầu kia, bến đò kia…

Tuy người xưa không còn, nhưng bóng dáng họ như vẫn còn lẫn khuất đâu đây, “người chết nối linh thiêng vào đời” (TCS). Họ hiện diện trong từng kỷ niệm thiêng liêng của thời chung sống.

“Đứa con chỉ hiểu được thế nào là tấm lòng cha mẹ, khi chúng làm cha mẹ, nhưng lúc ấy cha mẹ không còn nữa” (Jean Guiton).

Thời gian cha mẹ già còn ở bên ta không còn bao lâu, hãy dành cho các ngài những giờ phút ấm áp mái gia đình, điều mà các ngài đã tạo ra cho chúng ta. Khi các ngài còn bên ta mùa xuân, xuân hạnh phúc chính là xuân được quây quần bên con cháu, xuân đoàn tụ

Người Ki-tô hữu được Chúa Giêsu dạy Kinh Lạy Cha: “Lạy Cha chúng con trên trời…”. Kính nhớ Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ, chúng ta trở về nguồn cội đích thực của đời ta là chính Thiên Chúa. Nhờ Chúa Giêsu Ki-tô, chúng ta được phép gọi Chúa là Cha, người Cha giàu lòng thương xót, đã cho ta sự sống, và sống dồi dào hạnh phúc. Đó chính là Đạo Hiếu đích thật của người Công Giáo.

Quả vậy, khi ngẫm xem muôn loài trong vũ trụ, tự nhiên chúng con thấy vạn sự đều có cội rễ căn nguyên: chim có tổ, nước có nguồn, con người sinh ra có cha có mẹ. Nhưng phải nhờ ơn Cha mạc khải, chúng con mới nhận biết Cha là nguyên lý sáng tạo muôn loài, là Cha chung của tất cả chúng con. Cha đã ban sự sống cho tổ tiên và ông bà cha mẹ chúng con, để các ngài truyền lại cho con cháu. (Lời tiền tụng Mồng Ba Tết)

Hạnh phúc thay chúng ta có Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em nhau. Xin Tạ Ơn Tình Chúa Bao La muôn đời.

 

 

 

 

 

Cầu Cho Ông Bà Tổ Tiên

 

Anh chị em thân mến.

Trong sự vui mừng của ngày tết, tôi chợt nhớ đến một bài hát của nhạc sĩ Trần Long Ẩn. Bài hát có tựa đề:

“Mừng Tuổi Mẹ”.

Mỗi mùa xuân sang ,mẹ tôi già thêm một tuổi.

Mỗi mùa xuân sang, ngày tôi xa mẹ càng gần.

Rồi một ngày kia, tóc trắng mẹ bay,

Như gió như mây bay qua đời con.

Mẹ già như chuối chín cây,

Gió lay mẹ rụng, con thời mồ côi.

Mồ côi khổ lắm ai ơi,

Đói cơm lỡ nước, biết người nào lo.

Dù biết như thế, tôi vẫn phải tin: Mẹ tôi còn trẻ.

Mỗi mùa xuân mới, con mừng tuổi mẹ.

Bài hát nói lên tâm tình của người con, nhìn thấy mẹ như một ngọn đèn đã lụy dần với năm tháng. Người con hiếu thảo vẫn tin rằng mẹ mình còn trẻ, không phải vì thời gian, nhưng trẻ vì những sự việc mà con đã làm cho mẹ mình để nói lên tâm tình hiếu thảo. Mừng tuổi mẹ, không phải mừng vì mẹ chóng già, nhưng mừng tuổi mẹ vì thấy mẹ mỗi ngày được hạnh phúc vì những người con của mình. Mừng tuổi mẹ không phải chỉ bằng những lời nói, nhưng bằng cả tâm tình của người con hiếu thảo, thể hiện bằng những việc trong suốt cả năm và suốt cả cuộc đời.

Trong những ngày đầu năm mới, những người Công giáo đã dâng cho Chúa những giây phút đầu tiên của năm, để xin Chúa thánh hóa và ban phúc lành.

Hôm nay chúng ta cũng hiến dâng cho Chúa những người thân thuộc nhất của mình, những người đã vâng lời Chúa, hy sinh cả cuộc sống để lo lắng cho chúng ta. Tôi thiết nghĩ rằng: chúng ta cầu nguyện cho ông bà cha mẹ trong những giây phút linh thiên của ngày đầu năm, cũng không phải là những lời nói suông, nhưng bằng cả tâm tình của người con hiếu thảo, bằng cả những việc làm trong suốt cả năm và suốt cả cuộc đời của mình để làm cho cha mẹ được vui lòng. Chúng ta đã trải qua biết bao mùa xuân, tuổi đời càng lớn, cha mẹ cũng càng gần ngày để rời xa chúng ta. Nhưng cha mẹ rời xa trong tâm trạng âu lo, buồn phiền, thất vọng. Hay cha mẹ rời xa chúng ta trong tâm trạng vui mừng, hạnh phúc vì những gì mà con mình đã mang đến. Không phải bằng những lời chúc hoa mỹ trong những ngày xuân, nhưng bằng lòng hiếu thảo, diển tả qua con người và phong cách sống, mà mỗi mùa xuân, mỗi lần Mừng Tuổi Mẹ, niềm hạnh phúc đó càng được vươn cao hơn.

Việc cầu nguyện cho ông bà cha mẹ trong giờ phút linh thiêng của những ngày đầu năm mới, là một việc làm rất tốt. Nhưng để đạt kết quả thật sự, thì cần có cả tâm tình và hành động cần thiết, không phải chỉ cho ngày hôm nay mà suốt cả cuộc đời. Mong sao, những hành động, những lời nói, những suy tư của mỗi người chúng ta trong cuộc sống, là những lời Mừng tuổi Mẹ thật xứng đáng.

Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa cho chúng ta luôn biết cầu nguyện cho cha mẹ, biết Mừng Tuổi Mẹ bằng đời sống tốt đẹp với tâm tình của người con thảo hiền, để cha mẹ được có đời sống tươi trẻ mãi trong Chúa.

 

 

 

 

 

Hiếu Thảo

 

“Con người có cố có ông

Như cây có cội như sông có nguồn”

Người Việt Nam mang đậm ý thức về cội nguồn và có truyền thống tỏ lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ. Nét đẹp này rất phù hợp với lời Chúa mạc khải trong Kinh thánh, cụ thể trong điều răn thứ 4: thảo kính cha mẹ, ông bà khi còn sống cũng như lúc qua đời.

Hôm nay, ngày đầu năm, ngày tết vui tươi của dân tộc, chúng ta cùng nhớ đến công ơn của ông bà cha mẹ đối với từng người chúng ta, nhờ các ngài mà chúng ta có được sự sống và và những ngày xuân hạnh phúc này. Mỗi khi nhắc đến công ơn cha mẹ, tôi nhớ đến bàn tay chai sạn của cha làm lụng vất vả để gánh vác gia đình, kiếm từng miếng cơm manh áo cho chúng tôi; nhớ đến những đêm thức trắng của mẹ để chăm sóc tôi khi yếu đau. Đó là chưa kể đến chín tháng cưu mang, 3 năm bú mớm, những năm tháng đưa đón tôi đến trường, khuyến khích học hành suốt bao nhiêu năm, bao vất vả nhọc nhằn không thể kể ra cho hết được. Tất cả những cực nhọc, lo toan vì con cái hôm nay vẫn còn chưa hết:

“Ru con mắt nhỏ hai hàng

Nuôi con càng lớn mẹ càng lo thêm”

Ông bà cha mẹ đã nhận trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục ta từ thuở chưa biết gì đến khi khôn lớn, có đủ lông đủ cánh để tự lập cho nên việc tỏ lòng biết ơn đối với các ngài là điều phải lẽ. Đó là đạo hiếu, là điều cơ bản mà mọi người phải giữ.

Chính Chúa đã dạy chúng con phải vâng lời ông bà cha mẹ trong những điều phả lí lẽ và khiêm tốn sửa mình khi được cha mẹ răn bảo. Trong sách châm ngôn nói rõ: “hỡi con, lệnh cha truyền, hãy lo tuân giữ, lời mẹ con dạy, chớ bỏ ngoài tai, vì huấn lệnh là ngọn đèn, lời dạy dỗ là ánh sáng và lời quở trách bảo ban là đường dẫn tới sự sống” (Cn 6,20.23). Cha mẹ ông bà là những người thương yêu chúng ta nhất trên đời, những điều các ngài dạy xuất phát từ tình thương nên chúng ta phải vâng theo. Vâng lời là điều đẹp lòng các ngài nhất và thường rất ích lợi cho bản thân chúng ta. Chúa dạy chúng con biết vâng lời cha mẹ ông bà trong những điều phảI lẽ và khiêm tốn sửa mình khi được cha mẹ răn bảo đúng đắn.

Việc thảo kính cha mẹ được Chúa Giêsu nhắc bảo rõ trong Tin Mừng Thánh Matthêu (Mt 15,3-8). Luật của Thiên Chúa không ai tự ý vi phạm hay sửa đổi được. Khi ông bà cha mẹ còn sống, chúng ta phải có bổn phận chăm sóc; khi các ngài khuất bóng, con cháu phải nhớ thi hành lời dạy của các ngài, đồng thời phải cầu nguyện, xin lễ, viếng mộ… để tỏ lòng hiếu kính, biết ơn.

Khi nhớ về cội nguồn của mình là ông bà, tổ tiên, chúng ta hiểu được lý do phải tôn thờ Thiên Chúa là cội nguồn. Ngài là nguyên lý sáng tạo, là Cha chung của tất cả chúng ta. Chính Ngài đã ban sự sống cho tổ tiên ông bà chúng ta để các ngài truyền lại cho con cháu. Ngài cũng tiếp tục ban ân huệ dư đầy cho từng người chúng ta, nhất là ơn cứu độ của Chúa Giêsu Kitô. Do đó bổn phận của chúng ta là biết ơn và phụng thờ Thiên Chúa Ba Ngôi.

Lạy Chúa, Chúa đã dạy chúng con giữ lòng hiếu thảo đối với ông bà tổ tiên. Xin Chúa tuôn đổ hồng ân xuống trên ông bà cha mẹ chúng con. Xin Chúa trả công cho bội hậu cho những bậc sinh thành dưỡng dục chúng con và ban ơn cho chúng con luôn sống phải đạo đối với các ngài.

 

 

 

 

 

Đạo Hiếu

 

Ðạo hiếu được coi là đạo của dân tộc Việt Nam . Ðây là một truyền thống đáng tôn trọng và cần được phát huy qua mọi thời đại. Nói cho đúng thì”đạo hiếu” không phải là một tôn giáo nhưng chỉ là một truyền thống, một tập tục mang tính tinh thần, một lối sống phù hợp với lương tri và luân lý của con người. Thảo kính cha mẹ cũng là một Giới luật mà chính Thiên Chúa dạy bảo con người phải tuân giữ: “ngươi hãy kính trọng cha mẹ ngươi, ngõ hầu ngày đời ngươi được kéo dài trên thưở đất mà Yavê Thiên Chúa của ngươi sắp ban cho ngươi” (Xh 20,12).

Việc tôn kính cha mẹ, ông bà tổ tiên là việc làm đẹp lòng Thiên Chúa. Ðó cũng là một trách nhiệm và là bổn phận của kẻ làm con. Sách Ðức Huấn ca đã đề cao công đức của các vị tiền bối. Các ngài là những người hiền đức và khôn ngoan, đã tạo dựng cơ nghiệp và truyền lại cho con cháu. Chúng ta là những người thừa hưởng những thành quả tốt đẹp của các bậc tiền nhân. Vì thế, chúng ta phải tỏ lòng biết ơn và nhớ đến công đức của các ngài. Cách thế tốt nhất để tỏ lòng biết ơn là cố gắng sống tốt lành và có ích cho đời. Không làm điều đáng chê trách và hổ danh. Không có một người cha người mẹ nào trên đời này lại không muốn cho con mình là những người có ích và sống tốt lành. Làm được điều đó là chúng ta đã giúp cho các ngài hoàn thành tâm nguyện và cũng là cách chúng ta báo hiếu cho các ngài vậy.

Chúng ta hãy ngược dòng thời gian trở về quá khứ để cùng nhau suy niệm một chút. Khi đạo Chúa được truyền vào quê hương Việt Nam , các nhà truyền giáo đã phải gian nan, cực khổ và hy sinh rất nhiều. Rồi các bậc tiền nhân của chúng ta, các vị anh hùng tử đạo Việt Nam đã dùng chính mạng sống mình để làm cho Tin mừng và lòng tin tưởng của mình vào Thiên Chúa. Các ngài đã coi cái chết nhẹ tựa lông hồng trước đặc ân được làm con Thiên Chúa. Ðược sống trong Giáo hội Việt Nam ngày nay, chúng ta phải biết nhớ đến công lao của các bậc tiền bối của chúng ta mà cố gắng sống đạo cho thật tốt, thật sốt sắng, làm cho đời sống đức tin của chúng ta không ngừng tinh tấn. Chúng ta hãy biết tự hào vì mình được ở trong Giáo hội Chúa, được làm con Chúa. Ðây là một hồng ân, một quà tặng vô giá mà cha ông chúng ta đã dùng chính sự sống của mình đổi lấy cho chúng ta. Rồi chính cha mẹ của chúng ta là những người thầy đầu tiên đã nuôi dưỡng niềm tin cho chúng ta.

Thiết nghĩ, tội bất hiếu với ông bà, cha mẹ là tội rất lớn và không có gì có thể che lấp được. Ai không thảo kính cha mẹ mình đừng mong là một người tốt trong xã hội và trong cuộc đời này. Thánh Phaolô đã dạy: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo” (Ep 6,1). Hãy ngắm nhìn cuộc đời của Chúa Giêsu để suy gẫm. 33 năm Ngài sống ở trần gian thì đã hết 30 năm Ngài âm thầm sống tuân phục Ðức Mẹ và Thánh Giuse tại làng quê Nazareth. Dù là Con Thiên Chúa, nhưng Ngài vẫn sống tùng phục cha mẹ trần thế của Ngài một cách trọn vẹn trong những điều hợp lẽ phải. Sách Ðức Huấn ca có nói: “Hãy hết lòng tôn trọng cha con, và đừng quên những cơn đau của mẹ. Hãy nhớ rằng, nhờ họ con được sinh ra, làm sao con báo đền được điều họ cho con” (Hc 7,27)

Có câu chuyện kể rằng: Có một người con trai đã lập gia đình riêng và đã có con. Nhưng vì là người con trai út trong gia đình nên anh phải lãnh trách nhiệm phụng dưỡng người cha già của mình trong chính căn nhà mà cha mẹ anh đã để lại cho anh. Vì cao niên tuổi tác, người cha già không còn điều khiển đôi tay theo ý muốn của mình được, nên ông thường đánh rơi và làm vỡ chén bát khi dùng bửa. Lâu ngày, hai vợ chồng không chịu nổi nữa, nên họ quyết định lấy một gáo dừa, cạo sạch làm chén cho cha mình dùng bữa. Ông già tội nghiệp cầm chén bằng gáo dừa mà nước mắt lưng tròng, nuốt cơm không nổi. Một hôm, hai vợ chồng có dịp ra tỉnh, khi họ trở về thì thấy đứa con trai của họ đang cặm cụi cạo sạch hai cái gáo dừa. Họ tưởng cha già của họ đã làm bể cái gáo dừa cũ rồi. Nhưng không phải. Bấy giờ, họ mới ngạc nhiên hỏi đứa con của mình xem nó cạo gáo dừa để làm gì. Cậu bé vô tư trả lời rằng: “Con làm chúng để mai này, khi cha mẹ già, con cho cha mẹ ăn cơm như cha mẹ đã cho ông nội đang dùng vậy”. Bấy giờ, họ mới hối hận và không còn đối xử tệ bạc và vô ơn với người cha già đáng thương của họ nữa.

Bài Tin mừng hôm nay được trích trong bài ca Benedictus (hãy ca tụng Thiên Chúa) của ông Dacaria. Ông sung sướng hát lên bài ca tụng Thiên Chúa vì tổ tiên của ông được thừa hưởng lời hứa Thiên Chúa là: “Giải phóng ta khỏi tay địch thù, làm cho ta chẳng còn sợ hãi, để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người và phụng thờ Người suốt cả đời ta”. Ðây là lời hứa ban thưởng Nước trời, ban sự sống vĩnh cho những ai trung thành, hết lòng tin tưởng và gắn bó với Thiên Chúa.

Kính nhớ ông bà tổ tiên hôm nay, chúng ta hãy quyết tâm chỉnh đốn đời sống của mình mỗi ngày cho xứng đáng hơn, mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Chúng ta hãy quyết tâm xây dựng mình để trở một người thật hữu ích Giáo hội, cho xã hội và cho những người sống xung quanh chúng ta. Ðó là cách tốt nhất chúng ta bày tỏ lòng biết ơn, tôn kính tổ tiên và thảo hiếu với cha mẹ của chúng ta. Mỗi người hãy cố gắng xây đắp đời mình hôm nay và mãi mãi sao cho được “trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên” theo đúng ý muốn của Thiên Chúa. Amen.

 

 

 

 

 

Hiếu Kính Cha Mẹ

Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

 

Hôm nay Mồng Hai Tết. Hội thánh Việt nam muốn dùng ngày này cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà cha mẹ với mục đích nhắc nhở và khuyến khích con cháu hãy tỏ lòng hiếu kính với ông bà cha mẹ. Nhân ngày đầu năm, chúng ta hãy cùng nhau suy niệm về giới răn thứ bốn của Chúa và cố gắng đem ra thực hành trong đời sống, nhất là trong dịp đầu năm này.

Lời Chúa dạy.

Điều răn thứ bốn.

Trong mười điều răn, Thiên Chúa đã dành hẳn điều răn thứ bốn nói về lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà cha mẹ, trước các điều răn hướng về con người. Đây không phải là lời khuyên mà là một luật buộc phải thi hành như các điều răn khác.

Vậy hiếu kính cha mẹ là gì? Theo giáo lý Công giáo, hiếu kính cha mẹ là phải yêu mến, biết ơn, vâng lời và giúp đỡ cha mẹ khi còn sống và đã qua đời (Theo cuốn Giáo lý Tân định). Hôm nay Giáo hội Việt nam muốn chúng ta hãy tỏ lòng hiếu kính đối với tổ tiên, ông bà cha mẹ trong cuộc sống, nhất là trong dịp Tết nguyên đán này.

Sách Huấn ca dạy.

Sách Huấn ca đã đề cập đến lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Theo tác giả Ben Sira, lòng hiếu thảo đối với cha mẹ đem lại nhiều lợi ích:

– Được đền bù tội lỗi.

– Được con cái cháu chắt thảo hiếu lại.

– Sẽ được Chúa nhận lời.

Gương Chúa Giêsu.

Thánh Luca cho chúng ta biết Đức Giêsu đã làm gương cho chúng ta về lòng hiếu thảo đối với thánh Giuse và Đức Maria tại Nazareth, mặc dù chỉ bằng một câu rất vắn tắt: “Rồi Ngài theo cha mẹ trở về Nazareth và vâng lời các Ngài” (Lc 2,51)

Lời khuyên của thánh Phaolô.

Trong thư gửi cho tín hữu Eâphêsô, thánh Phaolô khuyên bảo con cái: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1-3).

 

 

 

 

 

Chữ hiếu ngày xưa

 

Theo truyền thống Đông phương, chữ Hiếu được đề cao trong đời sống gia đình và ngoài xã hội, vì xã hội này chịu ảnh hưởng sâu xa nền luân lý Khổng Mạnh. Đức Khổng Tử đã dạy môn sinh của mình phải phụng dưỡng cha mẹ, quạt nồng ấp lạnh, tối sớm chăm nom:

Tử viết:”Phụ mẫu tại bất viễn du,

Du tất hữu phương”.

Đức Khổng Tử nói: cha mẹ còn sống không nên đi chơi xa, và đi đâu thì phải cho biết có nơi có chốn.

Ngài còn đặt ra nhiều phong tục rất tỉ mỉ và phiền toái để tỏ lòng hiếu với cha me như việc ma chay, tang chế, kiêng kỵ… Ngày nay nhiều điều không còn phù hợp nữa.

Theo tục lệ ngày Tết, con cháu dù ở nơi xa xôi cũng phải về họp mặt cùng ông bà cha mẹ vì ngày này được coi là linh thiêng. Ai vắng mặt không có lý do chính đáng bị coi như là bất hiếu.

Chữ hiếu ngày nay.

Xưa nay, chữ Hiếu rất quan trọng đối với người Việt nam. Theo học thuyết Khổng Mạnh, chữ Hiếu là nhân đức làm đầu của đạo con cái. Và trong các tội phạm đến cha mẹ thì bất hiếu là tội lớn nhất. Người Việt nam đã tôn phong chữ Hiếu lên thật cao, thành một đạo khi người ta nói:

Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha,

Cho trọn chữ Hiếu mới là ĐẠO CON.

Hai từ ngữ THỜ và KÍNH là hai từ dùng trong những việc làm của tôn giáo. Thờ kính cha mẹ là có hiếu với cha mẹ, và người ta nâng chữ Hiếu lên thành ĐẠO, đạo làm con. Do đó, chúng ta phải ý thức rằng thảo kính cha mẹ không còn là những tình cảm chủ quan tùy tiện, cũng không phải chỉ là lẽ công bằng mà là một ĐẠO. Mà lỗi đạo là phạm tội chứ không phải chỉ là một sự sơ sót.

Theo điều răn thứ bốn thì con cái phải thảo hiếu cha mẹ, nhưng ngày nay người ta coi thường điều răn này, có người cho là lỗi thời trong thời đại tiến bộ, văn minh và dân chủ này. Con cái đến tuổi khôn là đã muốn sống độc lập đối với cha mẹ, không cần sự hướng dẫn bảo ban của các ngài. Người ta quên rằng:

“Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già” (Tục ngữ)

Cha mẹ có tuổi thì già yếu thật, nhưng kinh nghiệm và khôn ngoan thì nhiều hơn tuổi trẻ. Vì thế người ta mới nói:

“Người 70 còn phải học người 71” (Tục ngữ)

Ngày nay, cha mẹ già trở nên gánh nặng cho con cái, không muốn nuôi dưỡng cha mẹ trong tuổi già. Để bớt gánh nặng, con cái chỉ việc gửi cha mẹ đến viện dưỡng lão, nếu tốt thì ít lâu gửi cho một số tiền, hay một món quà. Do đó, cha mẹ phải sống cô đơn.Thực ra cha mẹ cần tình thương hơn là tiền bạc, sự viếng thăm cần hơn của cải.

Công ơn cha mẹ như trời như bể,

Con nuôi cha mẹ con kể từng ngày.

 

 

 

 

Truyện: Tờ hóa đơn.

Có một bà mẹ nọ, vì muốn khuyến khích đứa con nhỏ của mình chăm lo việc nhà, nhất là những công việc nhỏ nhặt, nên hầu như lúc nào bà cũng thưởng cho nó một món tiền nhiều ít tùy theo công việc nặng nhẹ.

Lần kia, suốt cả một tuần, bà mẹ đau liệt giường. Thế là em nhỏ phải giúp mẹ trong nhiều công việc, nhưng không thấy mẹ tính thù lao. Cuối tuần, em nhỏ viết một cái hóa đơn ghi những công tác chưa được nhận tiền thưởng gồm: xách nước 2 đồng, nấu cơm 3 đồng, giặt quần áo 5 đồng… Tất cả các thứ tính chung trong một tuần lễ là 80 đồng. Xong, em rón rén bước vào phòng, dúi tờ hóa đơn vào tay bà mẹ.

Ba phút sau, bà mẹ đưa cho em bé 80 đồng kèm theo một tờ hóa đơn khác, trong đó ghi: công sinh, công nuôi dưỡng, công dạy dỗ, công học hành, công thầy thuốc mỗi khi đau bệnh… x 10 năm: chưa có mục nào được thanh toán cả.!

Cầm tờ hóa đơn trong tay, em nhỏ chợt hiểu, vội chạy vào xin lỗi mẹ.

Lại còn cách xưng hô với cha mẹ!

“Cha mẹ” hai từ ấy linh thiêng và cao quí dường nào. Thế nhưng nhiều người trong chúng ta cố ý hay vô tình quên đi ý nghĩa cao quí đó. Không ít bạn đã gọi các bậc sinh thành của mình bằng từ “ông già, bà già, ổng, bả”… thậm chí còn có bạn gọi là “ông bô, bà bô”.

Phần lớn những ngôn từ này thường phát ra từ miệng của phái nam. Tuy nhiên ở nữ cũng không kém. Chúng ta hãy nghe một bạn nữ nói: Ông già mình chịu khó lắm. Suốt đời chỉ lo cho mình ăn học không à”! Nghe xong, thấy có điều chẳng xuôi. Có cái gì đó mâu thuẫn giữa lời nói và tấm lòng của người con ấy.

Thật tội nghiệp! Nếu cha mẹ còn trẻ măng đã bị “lão hóa” bởi chính cái miệng của đứa con mình rứt ruột sinh ra.

 

 

 

 

 

Quyết tâm của chúng ta.

 

Truyền thống của cha ông chúng ta rất coi trọng chữ hiếu. Để đánh giá tư cách của một người nào, các cụ ngày xưa thường dựa vào cách người đó đối xử với cha mẹ, anh chị em theo tinh thần “Hiếu đễ”. Thậm chí, các cụ coi việc báo hiếu còn quan trọng hơn cả việc đi tu:

 Tu đâu cho bằng tu nhà,

 Thờ cha kính mẹ, ấy là chân tu.(Ca dao)

Mặt khác, đối với người Kitô hữu, việc thảo kính cha mẹ không chỉ là một bổn phận tự nhiên, nhưng còn là một đòi hỏi của Thiên Chúa. Nhìn lại bản thập giới, chúng ta thấy ngay sau ba giới răn nói về bổn phận của con người đối với Thiên Chúa, thì giới răn “Thảo kính cha mẹ” được đặt đầu tiên trong các giới răn nói về mối tương quan của con người với nhau. Điều đó cho thấy, việc hiếu thảo với cha mẹ là bổn phận hàng đầu của mỗi người Kitô hữu.

Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu cũng đã lặp lại giới răn này và khẳng định đó chính là ý muốn từ ban đầu của Thiên Chúa và con người không có quyền thay đổi, Ngài nói: “Thiên Chúa dạy: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử”.

 

 

 

 

 

Truyện: Ý kiến của tù trưởng.

 

Trong quyển tiểu thuyết nhan đề “Cội rễ”, tác giả E. Heili viết như sau:

Ở một bô lạc bên Phi châu, người thanh niên khi đến tuổi trưởng thành sẽ được gọi là “chiến sĩ”. Tuy nhiên, muốn được mang danh hiệu này, anh phải trải qua một cuộc sát hạch, thường là thả vào rừng sâu một thời gian.

Năm ấy, có ba thanh niên đến tuổi trưởng thành và rất muốn được gọi là “chiến sĩ”. Ba chàng đã đến trình diện vị tù trưởng. Vị tù trưởng chúc mừng và hỏi người thứ nhất:”Trong một tháng qua, anh đã làm được những gì”? Người thanh niên thưa:”Tôi đã giết được một con hổ dữ”.

Tù trưởng khen “tốt” rồi bảo anh đứng sang một bên và hỏi người thứ hai: “Trong tháng qua, anh đã làm được những gì? Anh có giết được con hổ dữ nào không”? Người thanh niên đáp: “Thưa ngài, hổ dữ thì tôi không giết được, nhưng tôi cũng đã chém được một con trăn to”.

Tù trưởng khen “tốt”, bảo anh đứng sang một bên và hỏi người thứ ba: “Một tháng qua, anh đã làm được những gì? Anh có chém được một con hổ dữ hay một con trăn nào không”? Người thanh niên đáp: “Thưa ngài, hổ hay trăn thì tôi không chém được”. Tù trưởng hỏi tiếp: “Thế anh làm được gì”? Anh đáp: “Thưa tôi kiếm được một tảng mật ong to”. Tù trưởng hỏi: “Ngươi kiếm mật ong để làm gì”? Người thanh niên đáp: “Thưa ngài, tôi có mẹ già, mà nhà tôi lại nghèo, nên tôi kiếm mật ong để cho mẹ tôi bồi dưỡng”.

Nghe xong, vị tù trưởng rút con dao ra trao cho anh và nói: “Ta phong anh làm chiến sĩ, bởi là người thì phải biết sống hiếu thảo với cha mẹ”.

Hôm nay Giáo hội Việt nam kính nhớ ông bà tổ tiên nhân dịp đầu năm. Kính nhớ các tiền nhân chính là thể hiện tinh thần đạo hiếu của dân tộc Việt nam “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Các ngài đã tận tụy nuôi dưỡng, giáo dục chúng ta nên người, đặc biệt là giúp chúng ta biết Chúa là Đấng đáng tôn thờ và yêu mến. Công ơn của tổ tiên ông bà cha mẹ đòi hỏi chúng ta phải báo hiếu bằng cách cầu nguyện cho các ngài trong ngày đầu Xu6n này, đồng thời tiếp tục những gì các ngài đã làm: hãy tận tâm săn sóc dạy dỗ con cháu chúng ta nên người.

Để khích lệ chúng ta tỏ lòng hiếu thảo đối với tổ tiên, ông bà cha mẹ, thiết tưởng chúng ta nên nhắc lại một câu rất hay trong sách Huấn ca: “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu”.

 

 

 

 

 

Về Với Gia Đình

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

 

Những ngày giáp Tết, dọc dài Quốc lộ I, xe cộ nối đuôi nhau tấp nập ngược xuôi Nam Bắc. Ai cũng hối hả, nôn nao mong sớm về với gia đình.

Tết là dịp mọi người về sum họp mái ấm tình thương. Con cháu sum vầy bên cha mẹ và anh chị em hòa hợp bên nhau. Anh chị em công nhân đi chuyến xe cuối năm chấp nhận bị nhồi nhét miễn là về đến nhà.

“Ngày đầu xuân bao người đi xa, cũng về với gia đình”. Về với mẹ cha nguồn cội gia đình hay về nhà tự thắp nén hương bày tỏ tấm lòng thành của con cháu với ông bà tổ tiên.

Tết là lễ hội của gia đình. Nhà cha mẹ trở nên ấm cúng thân thương. Con cháu quy tụ về vui mừng nói cười rộn rã. Con cháu thắp nén hương trước bàn thờ tiên tổ với tâm tình thành kính tri ân rồi thì thầm với các ngài những điều nguyện ước. Quây quần quanh ông bà cha mẹ để chúc thọ tỏ lòng thảo kính và đón nhận lời giáo huấn đầu năm. Tết còn liên kết người sống với người chết, hiệp thông con cháu với tổ tiên ông bà cha mẹ đã qua đời. Nhiều người có thói quen đi tảo mộ những ngày trước Tết. Nhiều giáo xứ tổ chức Thánh lễ tại nghĩa trang để cầu nguyện cho những người thân yêu đã an nghỉ. Người ta tin rằng dịp đầu năm ông bà tổ tiên về sum họp với con cháu. Niềm tin đó có tác dụng tích cực giúp người sống luôn nhớ tới cội nguồn, sống hiếu thảo, ăn ở xứng đáng với dòng tộc của mình. Đạo lý ngày Tết tuyệt đẹp: “Uống nước nhớ nguồn”, con cháu tỏ lòng biết ơn đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên.

Người Việt rất trọng lễ giáo, coi trọng sự bền vững gia đình với những tôn ti trật tự.Trong lễ giáo thì ân nghĩa là đầu tiên. Tôn kính tổ tiên là cách tỏ ân nghĩa đối với các vị tiên nhân,ông bà cha mẹ. Lúc các ngài còn sống,con cháu phải kính mến phụng dưỡng,vâng lời chiều ăn ở sao cho các ngài hài lòng. Khi các ngài qua đời, lo an táng tử tế, con cháu thờ kính, giỗ chạp hàng năm. Việc thờ cúng tổ tiên là mạch nước ngầm trong mát vẫn mãi nuôi sống và nối kết những tâm hồn Việt giàu tình trọng nghĩa.

Mỗi người Việt đều có một đạo rất gần gũi. Đó là Đạo Ông Bà hay Đạo Hiếu.

Đạo Hiếu là cốt tuỷ của nền văn hoá Việt Nam. Hiếu là gốc của Đức. Người ta có một trăm nết nhưng hàng đầu vẫn là Hiếu. Chưa từng có người nào hiếu thảo lại bất trung, cũng như chưa từng có người hiếu thảo nào lại bất nhân.

Cốt lõi của Hiếu bắt đầu bằng: tôn kính cha mẹ lúc còn sống, thờ phượng cha mẹ lúc qua đời. Biết ơn cha mẹ phải được nói lên bằng đạo hạnh, bằng thờ cúng giỗ chạp. Đó là nhiệm vụ thiêng liêng, là phẩm chất tối cao của con người.

Việc hiếu lễ từ ngàn xưa đã in sâu vào tâm linh mỗi người. Dân tộc Việt từ Nam chí Bắc, dù ai theo tín ngưỡng nào, dù có bài bác thần linh nhưng với ý niệm “Cây có cội,nước có nguồn”, đều coi trọng gia lễ.

Ca dao đã đúc kết lòng hiếu nghĩa ấy:

Cây có gốc mới nở ngành sanh ngọn.

Nước có nguốn mới bể rộng sông sâu.

Người ta có gốc từ đâu.

Có cha có mẹ rồi sau có mình.

Biết ơn là sống tâm tình tri ân tình cha nghĩa mẹ. Cha mẹ đã hy sinh cả đời mưa nắng cho con. Cha mẹ đã sống vì hạnh phúc của con. Lòng hiếu thảo hơn mọi lễ vật mà con cái dâng cho các ngài.

Đạo Hiếu chính là đạo của lòng biết ơn. Biết ơn trời đất,biết ơn tổ tiên ông bà cha mẹ.Ơn cha nghĩa mẹ sinh thành, ơn chín chữ, đức cù lao, ơn võng cực biển trời “Ai ai phụ, mẫu sinh ngã cù lao, dục báo chi đức,hạo thiên võng cực”. Cha mẹ sinh ra ta, nâng đỡ ta từ cung lòng, vỗ về âu yếm, nuôi dưỡng bú mớm, bồi bổ cho lớn khôn, dạy ta điều hay lẽ phải, dõi theo mỗi bước đường đời của ta, tuỳ tính tình mỗi đứa con mà khuyên dạy, che chở bảo vệ con. Ơn đức cha mẹ như trời biển: “Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.

Đạo Hiếu là nền tảng văn hoá gia đình. Người Việt yêu chuộng những gì là tình, là nghĩa, coi tình nghĩa hơn lý sự “một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”; chấp nhận “bán anh em xa mua láng giềng gần”; thích “dĩ hoà vi quý”, độ lượng “chín bỏ làm mười”; quý trọng con người, không tôn thờ của cải “người là vàng, của là ngãi; người làm ra của chứ của không làm ra người”; mong muốn anh em bốn biển một nhà “tứ hải giai huynh đệ”; đề cao tinh thần khoan dung “đánh kẻ chạy đi, ai đánh người chạy lại”. Đỉnh cao của lòng nhân ái là “thương người như thể thương thân”.

Gia đình Việt Nam có nhiều thế hệ sống với nhau “tứ đại đồng đường”. Cha mẹ già không còn lo việc đồng áng, ở nhà chăm nom giữ cháu. Bầu khí gia đình luôn ấm cúng. Tuổi thơ con trẻ được ươm đầy tiếng ầu ơ của bà, câu chuyện cổ tích của ông. Từ lúc chưa rời vành nôi, trẻ thơ đã được trau dồi cái nhân cái nghĩa. Khi lớn lên, con cái lập gia thất, cha mẹ cho miếng đất dựng căn nhà, con cháu sum vầy bên ông bà cha mẹ, tối lửa tắt đèn có nhau. Chính gia sản tinh thần gia đình là chất keo nối kết tầm hồn con người lại để rồi ai ai cũng cảm thấy “quê hương mỗi người chỉ một… đi đâu cũng phải nhớ về” (Quê hương, Đỗ Trung Quân). Dù đi học xa, đi làm xa, đi đâu xa cũng phải về với gia đình sum họp những ngày cuối năm, ngày đầu năm. Tết là những ngày thiêng liêng ấm áp tình gia đình.

Gia đình là môi trường đào tạo con người toàn diện, tỉ mỉ và hiệu lực nhất. Dưới mái trường này, con người được đào tạo cả về kiến thức, tâm hồn, tư duy, nhân cách, lối sống để rồi có đủ bản lãnh và khả năng bước vào đời sống xã hội. Gia đình là nơi đào tạo căn bản nhất lòng đạo đức, giúp phát triển cái tài, nhân rộng cái đức cho con cái vào đời.

Đạo Hiếu chính là sợi chỉ vàng nối kết mọi người, mọi sinh hoạt gia đình. Đạo Hiếu làm nên bản sắc văn hoá người Việt. Như thế, tâm thức dân Việt rất gần với Tin mừng Đạo Chúa.

Điều răn thứ bốn dạy thảo kính cha mẹ được đặt ngay sau ba điều răn về Thiên Chúa đủ nói lên tính cách quan trọng của lòng hiếu thảo.

Sách Giảng Viên dạy: “Thảo kính cha mẹ là thảo kính Chúa, tôn kính cha mẹ là tôn kính Chúa”.

Sách Huấn ca dạy: “Hỡi các con hãy nghe cha đây. Hãy xử sự sao để được độ sinh. Vì Chúa đặt vinh quang cha trên con cái, quyền lợi mẹ, Ngài củng cố nơi đàn con.

Kẻ tôn kính cha thì bù đắp lỗi lầm và trọng kính mẹ khác gì tích trữ kho tàng. Kẻ tôn kính cha sẽ hoan lạc nơi con cái, khi khẩn nguyện, sẽ được nhậm lời. Kẻ tôn vinh cha sẽ được trường thọ, người an ủi mẹ sẽ được công nơi Chúa. Kẻ kính sợ Chúa sẽ tôn kính cha, nó sẽ phục vụ các bậc sinh thành như chủ của mình.

Hãy thảo kính cha con bằng lời nói việc làm, ngõ hầu mọi phúc lành đổ xuống trên con, vì chúc lành của cha làm cho rễ chắc, còn chúc dữ của mẹ thì nhổ cả cây.

Con đừng vênh vang về việc cha con bị nhục, vì vẻ vang gì cho con, cái nhục của cha con!

Quả thế, người ta chỉ được vẻ vang lúc cha mình được tôn kính, và con cái phải ô nhục khi mẹ mình bị khinh bỉ.

Con ơi! Hãy săn sóc cha con lúc tuổi già. Sinh thời người, chớ làm người sầu tủi. Trí khôn người có suy giảm, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người. Vì lòng hiếu thảo đối với cha sẽ không bị quên lãng, nó sẽ đền bù tội lỗi cho con.

Thiên Chúa sẽ nhớ đến con, ngày con gặp khốn khó, và các tội con sẽ biến tan, như sương muối biến ta lúc đẹp trời. Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, Kẻ khinh rể mẹ, chọc giận Đấng tạo thành ra nó” (Hc 3,1-16).

Thiên Chúa muốn con cái phải hết lòng tôn kính và thảo hiếu, đặc biệt nhấn mạnh đến công ơn sinh thành của người mẹ: “Hết lòng tôn trọng cha con và đừng quên những cơn đau đớn của mẹ. Hãy nhớ rằng nhờ họ, con đã sinh ra. Làm sao con báo đền được điều họ cho con?” (Hc 7,27-28).

Sách Tôbia cũng dạy rằng: “Hãy thảo kính mẹ con. Đừng bỏ người ngày nào trong suốt đời người. Con hãy ăn ở đẹp lòng người và đừng làm điều chi phiền lòng người cả. Hỡi con, con hãy nhớ là người đã phải trải qua bao nỗi gian lao hiểm nguy vì con khi con còn trong lòng dạ người” (Tob 4,3-4).

Thánh Phaolô khẳng định, hiếu thảo là việc làm đẹp lòng Thiên Chúa: “Con cái hãy vâng phục cha mẹ trong mọi sự, vì là điều đẹp lòng Thiên Chúa” (Col 3,20).

Chính Chúa Giêsu là mẫu mực hiếu thảo với Cha, yêu mến Cha, vâng ý Cha, luôn làm đẹp lòng Cha. Là Ngôi Hai Thiên Chúa và với thân phận con người, trong vai trò làm con, Ngài đã thực hành đạo hiếu qua đời sống vâng phục cha mẹ của mình. Thánh Kinh ghi lại rằng sau khi hoàn tất công việc của Thiên Chúa tại đền thờ Giêrusalem: “Ngài theo ông bà trở về Nazareth, và vâng phục các ngài” (Lc 2,51). 

Đạo Chúa cũng là Đạo Hiếu. Hiếu với cha mẹ, đấng bậc sinh thành dưỡng dục. Hiếu với Thiên Chúa và thờ phượng Ngài, Đấng sáng tạo muôn loài, dựng nên con người giống hình ảnh Ngài. Như vậy Đạo Chúa cũng chỉ gồm chữ Hiếu.Thờ lạy Thiên Chúa là chân nhận Ngài chủ tể muôn loài, con người có bổn phận tôn vinh thờ phượng tỏ bày lòng hiếu thảo. Đối với tha nhân, Đạo Chúa dạy phải sống hiếu, phải thể hiện hiếu. Điều răn trọng nhất “kính Chúa,yêu người” là điều răn của Đạo Hiếu. Không một tôn giáo nào khai triển Đạo Hiếu cho bằng Đạo Chúa. Hiếu với Chúa, hiếu với tha nhân, đặc biệt hiếu với tổ tiên ông bà cha mẹ. Vì hiếu với Chúa nên phải tu thân tích đức để làm vui lòng Chúa, xứng đáng làm con cái của Ngài. Vì hiếu với ông bà cha mẹ nên phải sống đạo làm con, giữ nề nếp gia phong lễ nghĩa, làm vinh dự cho gia đình, gia tộc. Nếu một người con không thảo kính cha mẹ, người đó không phải là một Kitô hữu đúng nghĩa. Bởi lẽ, người ấy đã không giữ luật Thiên Chúa. Giới luật Thứ Tư còn được gọi là giới răn hiếu thảo: “Thứ bốn thảo kính cha mẹ.”. Mỗi Kitô hữu đều biết hiểu và thực hành giới răn này.

Chính từ tổ tiên ông bà cha mẹ mà người Việt có thể tìm đến với Đấng là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất. Đạo Hiếu là một điểm tựa, một bước đi khởi đầu thuận lợi, một lối đi dễ dàng, gần gũi, một mảnh đất phì nhiêu để đưa con người vào Đạo Chúa. Loan báo Tin mừng của Đạo Chúa chính là làm sáng lên những nét tinh tuý tiềm tàng trong mỗi nền văn hoá. Đối với môi trường gia đình Việt Nam, đó chính là “minh minh đức”, làm sáng cái đức sáng trong môi trường gia đình. Tin Mừng chính là nguồn nước thẩm thấu qua mọi lớp ngăn văn hóa và tôn giáo. Tin Mừng là ánh sáng các dân tộc (LG), là ánh sáng trần gian (Ga 8,12). Tin Mừng và văn hóa giao thoa và hoà điệu với nhau.

Phụng vụ Giáo hội dành ngày Mồng Hai Tết để cầu cho tổ tiên. Hằng ngày trong mọi thánh lễ, Giáo hội đều có lời cầu nguyện cho ông bà tổ tiên.

Đạo Chúa dạy, có một Cha trên trời mà con người phải tôn kính hiếu thảo; dạy yêu thương nhau “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”; dạy sống chan hoà, bình dị “anh em hãy học cùng tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng”, dạy yêu quý sự sống “Tôi đến để chiên được sống và sống dồi dào”. Tin Mừng làm sáng lên những giá trị sáng ngời có sẵn trong môi trường văn hoá Việt Nam, mang đến cho các giá trị văn hoá ấy chiều kích siêu việt, chiều kích cứu độ.

Tinh thần hiếu hoà, lòng thảo hiếu của người Việt là điểm son đậm đà bản sắc dân tộc. Tin Mừng bén rễ sâu vào nền văn hoá ấy làm xanh lên chồi lộc sự sống tình yêu rồi kết thành hoa trái tốt lành cho con người và cuộc đời.

Dưới ánh sáng đức tin, Đạo Hiếu không chỉ là một hành động luân lý, đạo đức xã hội mà còn là một giới luật được Thiên Chúa truyền dạy, một giới răn chỉ đứng sau ba giới răn dành riêng cho Thiên Chúa. Người Công Giáo thảo hiếu, kính trọng cha mẹ không chỉ theo ảnh hưởng của văn hóa, xã hội, tâm lý, mà còn đặt trên niềm tin tôn giáo. Thảo kính cha mẹ là điều làm đẹp lòng Thiên Chúa.

 Lạy Chúa là Cha rất nhân từ,Chúa dạy chúng con phải giữ lòng hiếu thảo.

Hôm nay nhân dịp đầu năm mới ……

Chúng con họp nhau để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ.

Xin Chúa trả công bội hậu cho những bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng con,và giúp chúng con luôn sống cho phải đạo đối với các ngài. Amen

(Lời nguyện nhập lễ, Mồng Hai Tết).

 

 

 

 

 

Đáp Nghĩa Đền Ơn

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 

Ngày Tết chúng ta sắm mặc, sửa ăn, ngày đầu năm chúng ta đi chúc tết nhau, con cháu tết ông bà cha mẹ, người dưới chúc tết người trên, với biết bao nhiêu lời chúc tốt đẹp, kèm theo những món quà thơm thảo bày tỏ lòng biết ơn, kính quí, thảo hiếu với người trên, anh em nâng chén chúc tụng nhau.

Ngày Mồng Hai Tết, Giáo hội dạy chúng ta dâng tấm lòng thành, kính nhớ tổ tiên: “Ca tụng các bậc cha ông của chúng ta đã sống qua các thời đại” (Hc 44, 1,10-15). Quả thật, có được ngày đầu năm hoan hỷ vui xuân, làm sao chúng ta lại quên công, bỏ nghĩa các bậc tiền nhân được, chúng ta là phận cháu con đã và đang thừa hưởng gia tài ân đức các ngài để lại, nên phải ‘kể lại sự khôn ngoan của các ngài’ để noi theo, các ngài đã giữ các Điều Răn của Chúa, cháu con cũng phải một mực trung thành. Như thế, dòng dõi các ngài mới trường tồn vạn đại. (x. Hc 44, 1,10-15 )

 

 

 

 

 

Chúa truyền phải thảo kính mẹ cha

 

Thụ ơn ắt phải báo đền, mẹ cha là hình ảnh của Thiên Chúa: ngoài việc sinh thành, dưỡng dục, các ngài còn là người đại diện Chúa, là hình ảnh của Thiên Chúa tình thương hằng bao bọc, che chở và nuôi dưỡng chúng ta nên người. Chính trong bậc sống gia đình, cha mẹ được Thiên Chúa mời gọi để cộng tác vào chương trình tạo dựng của Ngài, để cho ra đời những người con, mang hình ảnh Chúa, và tô điểm thêm cho trái đất nhiều người ca ngợi và kính sợ Chúa. Vì thế, trong bổn phận thảo hiếu, ngoài việc con cái phải phụng dưỡng, giúp đỡ cha mẹ khi già yếu, còn phải hằng ngày cầu nguyện cho cha mẹ: luôn sống xứng bậc mình, sẵn sàng hy sinh để nuôi dưỡng và giáo dục cho tròn bổn phận mình. Thiên Chúa dạy chúng ta: “Hãy thảo kính cha mẹ” (Mc 7,8-13). Phụng dưỡng mẹ cha theo đúng lời Chúa truyền dạy, chớ dựa vào: “truyền thống của cha ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa”. (Mt 13,6) Nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục, tất cả chúng ta đều phải biết sống hiếu thảo, vâng lời, giúp đỡ cha mẹ lúc sinh thời cũng như khi đã khuất bóng.

Việc “đền ơn đáp nghĩa” là một nghĩa vụ thiêng liêng để được phần phúc và sống lâu dài trên địa cầu này, đó là những ước mơ và lời cầu chúc trên cửa miệng của chúng ta trong ngày đầu năm mới như hạnh phúc, khang an và trường thọ. Vậy đâu là bí quyết để những lời chúc đó trở thành hiện thực? Thưa là áp dụng lời Chúa dạy: “Hãy thảo kính mẹ cha”; “Ai thảo kính cha sẽ được sống lâu dài” (Hc 3,6). Thánh Phaolô Tông đồ khuyên chúng ta “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ, theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Để ngươi được hạnh phúc và trường thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1).

 

 

 

 

 

Thực hành chữ hiếu là thể hiện đạo lý dân tộc

 

Thật phù hợp với đạo lý dân tộc Việt Nam, chiếc bánh chưng, một sản phẩm cổ truyền, một chứng tích của đạo lý, chúng ta làm để ăn ngày Tết nhắc nhớ chúng ta mang nặng nghĩa mẹ tình cha. Bởi Lang Liêu, vị hoàng tử thứ mười tám, con người hiền lành, hiếu thảo đã dâng lên vua cha thứ bánh chưng tượng trưng cho đất, bánh dầy tượng trưng cho trời; với ý nghĩa xem công cha nghĩa mẹ to lớn như trời cao đất rộng, che chở cho con cái sống an vui giữa đời.

Vì cha nên mới có mình,

Mẹ cha đối đáp công trình biết bao

Ơn này sách với trời cao

Trong lòng con dám lúc nào lãng quên

Ngày Tết, cầm bánh chưng lên ăn, làm chúng ta nhớ đến tổ tiên để tỏ lòng hiếu thảo như : thăm viếng, chúc tết, giúp đỡ là một lẽ, chúng ta còn phải xin lễ cầu nguyện cho những người đã khuất. Tất cả đều là những nghĩa cử cần thiết, không thể thiếu được.

“Cây có cội, nước có nguồn, con người có tổ có tông : có cha có me,  có ông có bà”. Ai trong chúng ta cũng đều thuộc nằm lòng những câu ca dao tục ngữ của người xưa răn dạy về đạo hiếu đối với mẹ cha.

 

 

 

 

 

Tôn kính

 

Công cha nghĩa mẹ cao dày,

 Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ.

 Nuôi con khó nhọc đến giờ,

 Trưởng thành con phải biết thờ song thân.”

Phụng dưỡng

Còn nữa, phận làm con đối với cha mẹ:

“Khi ấm lạnh ta hầu săn sóc

Xem cháo cơm thay thế mọi bề

Ra vào thăm hỏi từng khi

Người đà vô sự ta thì an tâm.”

(Nguyễn Trãi, Gia Huấn Ca)

Vâng lời

Dạy sao cho được con hiền

 Để cho cha mẹ khỏi phiền về con

 Một niềm phép tắc nết na

 Biết sống biết kính mới là khôn ngoan

Có một số người, không biết sống đạo gì mà lại đối xử nhất trọng nhất khinh. Bởi vì đối với người Việt Nam, tương quan với họ hàng gia tộc là điều quan trọng. Lấy vợ, lấy chồng không chỉ là lấy một người mà “lấy” cả họ hàng nhà chồng, nhà vợ. Cách cư xử với họ hàng bên chồng hay bên vợ không chỉ liên quan đến bản thân mà còn liên quan đến cả họ hàng bên mình.

Trong tác phẩm “Gia Huấn Ca” Nguyễn Trãi đã đề cao đạo đức, và chữ hiếu được nhấn mạnh rất rõ:

“Dù nội ngoại bên nào cũng vậy,

 Đừng tranh dành bên ấy, bên này,

 Cù lao đội đức cao dày,

 Phải lo hiếu kính đêm ngày khăng khăng.”

(Nguyễn Trãi, Gia Huấn Ca)

 

 

 

 

 

Khi cha mẹ qua đời

 

Con cái tỏ lòng hiếu kính bằng cách lo an táng chu đáo, cầu nguyện và xin lễ cho cha mẹ. Không những cầu nguyện cho cha mẹ, con cái còn xin cha mẹ cầu nguyện cho mình trước mặt Chúa, như khi còn sống, các ngài vẫn cầu nguyện cho mình.

Hội Thánh Công giáo nhìn nhận đó là một hình thức tốt đẹp để bày tỏ lòng tưởng nhớ công ơn tiền nhân. Hội Thánh khuyến khích các tín hữu phát huy những tinh hoa trong văn hoá dân tộc.

Thực hành chữ hiếu

Trong ngày Mồng Hai Tết năm nay chúng ta hãy nhìn qua lại lòng hiếu thảo của chúng ta đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ để mà yêu mến, biết ơn, vâng lời và giúp đỡ các ngài khi còn sống và đã qua đời. Đồng thời Lời Chúa nhắc cho chúng ta phải thi hành bổn phận thảo hiếu của chúng ta.

Ai mà phụ nghĩa quên công

 Thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm.  (Ca dao)

Xin Chúa trả công bội hậu đời này và đời sau cho những bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng con, và giúp chúng con luôn sống cho phải đạo đối với các Ngài. Amen.

 

 

 

 

 

Lòng Thảo Hiếu Với Tiên Nhân

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi

 

Sách Khải huyền có viết: “Phúc thay kẻ nhắm mắt lìa đời, đã lìa đời trong ơn nghĩa Chúa. Trải qua bao nhọc nhằn vất vả, giờ đây họ xứng đáng nghỉ ngơi. Vì công đức xưa kia vẫn còn theo họ mãi” (Kh 14,13). Lời Kinh thánh giúp ta hiểu rõ của những người đi trước đã nhắm mắt lìa đời trong ân nghĩa Chúa. Niềm tin Kitô giáo dậy nhân loại, dậy mỗi người Kitô hữu rằng bổn phận của người còn sống có bổn phận và nghĩa vụ đối với những người đã khuất, đặc biệt đối với các bậc tiền nhân, tiên tổ, ông bà, cha mẹ. Đây cũng là điều răn thứ bốn trong mười thập giới của Đạo công giáo. Riêng đối với người Việt Nam vấn đề đạo hiếu có một tầm quan trọng đối với cá nhân, gia đình và họ hàng thân tộc.

Người Việt Nam mang nặng Chữ Hiếu

Đối với người Việt Nam chữ hiếu luôn đứng đầu trong mọi đức tính sẵn có của con người. Người Việt Nam vốn lấy đạo đức làm căn ban cho cuộc sống, cho bản thân, cho gia đình và cho dòng tộc của mình. Con cái thảo hiếu với cha mẹ lúc còn sống, khi cha mẹ đã khuất, người con hiếu thảo là người con luôn tưởng nhớ tới cha mẹ bằng việc cầu nguyện, xin lễ cho những người thân đã mất. Người Việt thường có bàn thờ gia tiên để tôn kính tổ tiên, ông bà cha mẹ đã qua đời. Sự hiếu thảo của con cái được thể hiện bằng nhiều cách như khi cha mẹ còn sống, con cái kính trọng, nuôi dưỡng, vâng phục cha mẹ và khi các vị đã mất, con cái cháu chắt lại tưởng nhớ tới các bậc tiền nhân trong những ngày giỗ, ngày kỵ, này tết nơi gia đình, nơi dòng tộc của mình. Người Việt Nam cũng không chỉ đóng khung trong gia tộc, gia đình mà họ còn đi xa hơn biết ơn cả đối với những người đã hy sinh để xây dựng quê hương, bảo vệ đất nước.

Tấm lòng tốt, sự biết ơn là một nét độc đáo trong nền văn hóa và đạo đức của người Việt Nam. Chính vì thế, người Kitô hữu Việt Nam đã cảm nghiệm sâu xa giới luật thứ bốn của đạo công giáo và hài hòa với truyền thống tôn kính, tưởng nhớ, ghi ơn những người đã có công với đất nước, quê hương, dân tộc.

Niềm tin Kitô giáo

Người Kitô hữu thể hiện chữ hiếu Kitô giáo bằng nhiều cách : khi cha mẹ còn sống, con cái chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ, khi cha mẹ đã khuất lòng hiếu thảo được thể hiện bằng việc cầu nguyện, dâng lễ, làm việc lành dành riêng cho cha mẹ đã qua đời. Việc chăm sóc mồ mả, nhớ ngày giỗ, ngày kỵ, hương nhang, nến đèn cho người chết cũng là một cách biểu tỏ lòng biết ơn đối với những kẻ đã khuất, đã chết. Xưa có quan niệm theo Chúa, theo đạo công giáo là bỏ tổ tiên, bỏ ông bà cha mẹ, quan niệm ấy đã lỗi thời vì xưa kia đã có ngộ nhận như thế. Nay, người công giáo là người nhận mọi người là anh em. Theo Chúa, theo đạo, người Kitô hữu như được dọn trước để mở rộng vòng tay đón nhận mọi người. Người Kitô hữu không chỉ đóng khung trong gia đình, gia tộc, họ hàng của mình mà họ còn có nhiều tổ tiên, ông bà, cha mẹ vì đạo Chúa bao gồm tất cả mọi người không loại trừ bất cứ ai. Trong tình yêu của Chúa mọi người đều là anh em với nhau. Đức ái Kitô giáo không phân biệt, không loại trừ bất cứ người nào.

Ngày mồng hai tết, Giáo Hội Việt Nam dành ngày này để kính nhớ tổ tiên, ông bà cha mẹ, đây là một việc làm thật đáng trân trọng và hữu ích vì trong những ngày tết, mọi người đều vui vẻ, hạnh phúc sum vầy, êm ấm để ăn tết, tưởng nhớ, dâng lễ và cầu nguyện cho những bậc tiền nhân là một nghĩa cử cao đẹp và là một nhắc nhớ cho mọi người hãy sống hiếu thảo, hãy thực hành giới luật thứ bốn của thập giới Kitô giáo. Sống đạo hiếu là nét son văn hóa và nét nổi bật đức tin của người Kitô hữu Việt Nam.

Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, Chúa dậy chúng con phải giữ lòng hiếu thảo. Hôm nay, nhân dịp đầu năm mới, chúng con họp nhau để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ. Xin Chúa trả công bội hậu cho những bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng con, và giúp chúng con luôn sống cho phải đạo đối với các Ngài (Lời nguyện nhập lễ, lễ Kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ).

 

 

 

 

 

Đốt Hương Trầm Nhớ Quê

Lm Jos. Tạ Duy Tuyền

 

Ngày Tết, cùng với đất trời giao hòa, con người dường như cũng gần gũi nhau hơn. Trong cái không khí ấm áp với gió xuân nhè nhẹ của ngày Tết, người đi xa lại thêm nhớ về nhà, về quê hương, nơi đó có những người thân yêu, ruột thịt. Bên mâm cơm gia đình, gợi nhớ những người ở xa, ngậm ngùi nghĩ về những người thân đã khuất. Trong cái khối đất trời hoà quyện, người người muốn tìm và gặp nhau như muốn giữ lại một chút kỷ niệm thân thuơng của những ngày tháng năm xưa:

“Đêm qua đốt đỉnh hương trầm

 Khói lên nghi ngút âm thầm nhớ quê”

‘Nhớ quê’, quê nào đây? Có phải khu vườn xưa xanh um bóng lá? Có phải mảnh ruộng đồng lúa mạ đơm bông? Có phải mái nhà tranh hay nóc ngói đơn sơ mà nay ta cách biệt? Nếu chỉ thế thì đâu phải đợi vào đêm, trong giờ phút cô vắng ta mới chạnh lòng vương vấn tâm tư trong những lời thơ mơn man, trải dài xa vắng?

 “Đêm qua đốt đỉnh hương trầm…”

 Khói lên nghi ngút âm thầm nhớ quê”

Trong làn khói hương nghi ngút, trong mùi trầm ngào ngạt, lòng con người như muốn bay về cội nguồn, mong tìm về quê hương thời tuổi trẻ, nơi chứa đựng cõi trời ấu thơ, nơi gắn bó đời mình với biết bao kỷ niệm thân thương, mà mỗi bước đi xa là một khúc ruột bị chặt lìa, một thứ ‘đoạn trường tân thanh’ muôn đời, miên viễn.

Như thế, nhớ quê ở đây là nhớ về cội nguồn, nhớ về nguồn gốc tổ tiên: “vì chim có tổ, nước có nguồn, con người có cha mẹ sinh ra”. Nhớ quê ở đây là một cái nhớ ở trong tiềm thức của mỗi người, nhớ về tình yêu của cha, của mẹ, của anh chị em trong nhà.

Xa quê chạnh nhớ quê nghèo

 Mẹ cha vất vả gieo neo ruộng đồng

 Nuôi con ăn học hết lòng

 Con luôn thấu hiểu tấm lòng bao la.

Trong chữ “Quê” có nguồn cuội. Có hình bóng của những con người “bán lưng cho trời – bán mặt cho đất” chỉ mong sao con lớn khôn thành người.

 Thương con không quảng nắng mưa

 Thức khuya dậy sớm, mưa giông không màng

 Gian lao khổ cực nào than

 Cho con no đủ, hiên ngang với đời

Khi hồi tưởng về quê nhà ta mới thấy thấp thoáng bao kỷ niệm về gia đình, nơi đó chan hòa tiếng cười và đầy ắp yêu thương. Hồi tưởng về quê nhà ta mới thấy sự trưởng thành của ta được xây đắp bằng tình yêu hy sinh vất vả của mẹ cha.

Cuộc đời bao nỗi đắng cay

 Nhìn về cha mẹ, lệ cay nghẹn ngào

 Hôm nay nước mắt tuôn trào

 Nhớ ơn cha mẹ, cả đời cưu mang

Hồi tưởng về quê nhà, ta mới thấy mình phải có bổn phận “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, ta mới thấy làm sao đáp đền công ơn trời bể mà cha mẹ đã dành cho ta.

Con đây chẳng nói nên lời

 Nghẹn ngào nước mắt, lòng này khắc ghi

 Lạy cha lạy mẹ con quỳ

 Công ơn trời biển, đời đời không quên.

Khởi đầu năm mới, chúng ta tưởng nhớ đến các bậc tổ tiên, những người có công đức sinh thành dưỡng dục chúng ta. Chúng ta đâu biết rằng để mình có ngày hôm nay, cha mẹ chúng ta phải đánh đổi cuộc đời như thế nào? Vì danh dự của con, vì muốn cho con có tiền đến trường đến lớp, vì muốn cho con bằng chúng  bằng bạn, cha mẹ nào cũng sẵn sàng đánh đổi cuộc đời mình vì hạnh phúc đàn con.

Do đó, uống nước phải nhớ nguồn, ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây. Có được niềm vui đón xuân hôm nay, chúng ta cũng cần tỏ lòng hiếu kính, biết ơn đối với các bậc tổ tiên đã khuất và đối với ông bà cha mẹ những người còn đang sống và còn đang hao mòn vì chúng ta.

Chính Chúa Giê-su cũng luôn sống hiếu thảo với cha mẹ của mình. Phúc âm nói Ngài hằng vâng phục cha mẹ mình. Và dưới cây thập giá Ngài còn mời gọi thánh Gioan thay mặt Ngài đón Mẹ về nhà của mình để sống trọn chức hiếu.

Vì thế, trong bầu khí mừng xuân và nhớ về cội nguồn. Chúng ta cùng hiệp dâng thánh lễ hôm nay để cầu nguyện cho ông bà cha mẹ của những ai đã qua đời và cầu bình an cho các bậc sinh thành vẫn đang còn hiện diện với chúng ta và với tấm lòng thảo hiểu chúng ta hãy cùng nhau ước nguyện:

Mỗi đêm con thắp đèn trời

 Cầu cho cha mẹ sống đời với con.

 

 

 

 

 

Hiếu Thảo Với Ông Bà Cha Mẹ

Lm. Đan Vinh

 

Lời Chúa:

Chúa phán: “Thiên Chúa đã dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ. Kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: Ai nói với cha với mẹ rằng: Những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa” Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa” (Mt 15,4-6).

Câu Chuyện:

1) Lá Thư Cha Mẹ Khuyên Dạy Con Về Lòng Hiếu Thảo:

Con thân yêu.

“Ngày bố mẹ già đi, con hãy cố gắng kiên nhẫn và cảm thông với bố mẹ. Nếu như bố mẹ ăn uống có làm rơi vung vãi… Nếu như bố mẹ có gặp khó khăn trong cái ăn cái mặc… Xin con hãy bao dung! Con hãy nhớ lại những ngày giờ mà bố mẹ đã phải trải qua với con, để dạy cho con bao điều hay kẽ phải khi con còn thơ bé.

+ Nếu như bố mẹ cứ lập đi lập lại hàng trăm lần mãi một chuyện, thì con cũng đừng bao giờ cắt ngang lời bố mẹ… mà hãy lắng nghe! Khi con còn ấu thơ, con hay muốn bố mẹ đọc đi đọc lại mãi một câu truyện hằng đêm đến khi con đi vào giấc ngủ… và bố mẹ luôn làm cho con.

+ Nếu như bố mẹ không tự tắm rửa được thường xuyên, thì đừng quở trách bố mẹ và đừng nên coi đó là điều xấu hổ. Con hãy nhớ… lúc con còn nhỏ, bố mẹ đã phải bao lần dỗ ngọt để vỗ về mỗi khi tắm rửa cho con.

+ Khi con thấy sự giới hạn về kiến thức của bố mẹ trong cuộc sống văn minh hiện đại, con cũng đừng tỏ vẻ thất vọng nhưng hãy để bố mẹ có thêm thời gian tìm hiểu. Bố mẹ đã từng dạy con bao điều… từ cái ăn, cái mặc cho đến tự chăm sóc bản thân và đương đầu với bao thử thách trong cuộc sống.

+ Nếu như bố mẹ có đãng trí hay không nhớ hết những gì con nói… hãy để bố mẹ có thời gian nhớ lại và nếu như bố mẹ có quên, con cũng đừng vì thế mà bực mình nổi giận… vì điều quan trọng nhất đối với bố mẹ là luôn được nhìn thấy con, được ở bên và nghe con nói, thế thôi!

+ Nếu như bố mẹ chưa muốn ăn, con cũng đừng ép!… vì bố mẹ biết khi nào bị đói hay không.

+ Khi đôi chân của bố mẹ không còn đứng vững… hãy giúp bố mẹ, nắm lấy tay bố mẹ như thể ngày nào bố mẹ đã tập cho con trong những bước đi đầu đời.

+ Một ngày nào khi con lớn khôn, con sẽ hiểu rằng, không ai tránh được hết mọi sơ sót lầm lẫn. Con đừng xót xa về sự già nua của bố mẹ.

+ Con chỉ cần hiện diện bên bố mẹ để chia sẻ những gì bố mẹ đang sống và cảm thông cho bố mẹ, như bố mẹ đã làm cho con từ khi con mới chào đời. Hãy giúp bố mẹ trong từng bước đi lúc tuổi già bóng xế… Hãy giúp bố mẹ những tháng ngày vắn vỏi còn lại với tình yêu thương và lòng nhẫn nại…

Điều bố mẹ mong ước duy nhất là có thể nở nụ cười mãn nguyện trước khi nhắm mắt lìa đời giữa đoàn con cháu đầy lòng kính tin Chúa và chân thành yêu thương nhau.

Thương con thật nhiều… Bố mẹ…”

2) Sóng Trước Vỗ Đâu, Sóng Sau Vỗ Đó:

Một người đàn ông kia sống chung với người cha cao niên và đứa con trai mới năm tuổi của anh ta. Một hôm người cha của anh do tuổi già tay bị run, thường hay làm bể cái chén kiểu đắt tiền khi ăn cơm, nên anh ta ra vườn nhặt mang về một chiếc gáo dừa rồi gọt dũa làm thành một cái chén gáo dừa cho bố anh ta dùng. Đứa con trai thấy vậy liền hỏi lý do tại sao thì anh ta trả lời con rằng: Để ông nội con dùng khỏi bị bể nếu ăn cơm có bị run tay làm rơi xuống đất.

Một hôm anh ta thấy đứa con trai của anh đang loay hoay dùng dao chơi với một chiếc gáo dừa. Sợ con bị đứt tay anh liền ngăn cản. Khi được hỏi tại sao làm như vậy thì được đứa con trả lời: “Con thấy bố cho ông nội ăn cơm bằng chiếc gáo dừa để khỏi bị bể, nên con cũng chuẩn bị trước cho bố một cái, để sau này bố già dùng nếu bố có bị run tay giống như ông nội bây giờ!”.

Thảo Luận: 1) Về lối sống hiếu thảo với ông bà tổ tiên, bạn có đồng ý với câu người xưa nói: “Sóng trước vỗ đâu, sóng sau vỗ đó” hay không? Tại sao? 2) Bạn sẽ làm gì để thể hiện lòng hiếu thảo với cha mẹ ông bà trong dịp Tết và trong thời gian sắp tới?

Suy Niệm:

1) Ngày Xuân xây dựng tình thân gia đình:

Hôm nay, ngày Mồng Hai Tết là dịp để các tín hữu chúng ta thực hành bổn phận hiếu thảo với ông bà tổ tiên, cụ thể là cha mẹ sinh thành ra chúng ta. Sự hiếu thảo được thể hiện qua những lời nói, thái độ cử chỉ và hành động của con cái với cha mẹ, cụ thể là món quà chúng ta dâng tặng cha mẹ nói lên lòng thảo hiếu đối với các ngài.

Ngày Tết cũng là ngày hội vui của đại gia đình. Ai cũng mong ngày Tết được đoàn tụ với người thân trong gia đình. Mọi người Việt Nam đều muốn được chờ đón những giờ phút thiêng liêng của ngày đầu năm bên cạnh cha mẹ ông bà cùng với anh chị em con cháu.

2) Phương cách tỏ lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ:

Sự hiếu thảo không chỉ được biểu lộ trong những ngày Lễ Tết, nhưng còn phải được thể hiện trong suốt những ngày tháng dài sống chung với ông bà cha mẹ trong gia đình.

Phải sống thế nào cho tròn chữ hiếu với tổ tiên ông bà cha mẹ. Nếu cha mẹ chúng ta còn khỏe, con cái phải tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban cho chúng ta lá chắn che chở suốt đời mình.

Nếu cha mẹ già yếu, con cháu phải tránh coi thường và coi  các ngài như gánh nặng. Hãy nói với các ngài bằng những lời thưa gởi hiếu kính, cảm thông với những sự lẩm cẩm của các ngài và đừng bao giờ tỏ thái độ vô lễ to tiếng cãi lại hoặc khinh thường cáu gắt với các ngài. Hãy luôn tôn trọng các ngài vì chính các ngài cũng đã từng phải kiên nhẫn ân cần chăm sóc, bú mớm dọn dẹp vệ sinh cho ta khi ta còn thơ bé.

Khi cha mẹ qua đời, con cái hãy năng đọc kinh cầu nguyện, xin lễ và làm các việc lành để các ngài sớm được về thiên đàng. Hãy lập bàn kính nhớ tổ tiên bên cạnh và thấp hơn bàn thờ Chúa. Hãy năng đọc kinh cầu nguyện cho ông bà cha mẹ vào giờ kinh tối gia đình hằng ngày hoặc trong những ngày Giỗ Tết trong năm.

3) Làm gì trong những ngày này?:

– Tết là dịp để con cháu làm việc ở xa trở về nhà để xum họp với ông bà cha mẹ. Thế nhưng có mấy ai đã thực sự đã sống tròn chữ hiếu?

Người xưa có câu: “Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ”, diễn tả những nỗi vất vả, công khó cực nhọc của các bậc làm cha mẹ khi phải chăm sóc cho con cái từng miếng ăn giấc ngủ, giúp con được học hành vui chơi….

 – Xin đừng phụ công ơn dưỡng dục của các bậc sinh thành. Hãy sống sao cho đúng phận làm con, vì: “Công cha như núi thái sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

– “Sóng trước vỗ đâu, sóng sau vỗ đó”. Chúng ta cư xử với cha mẹ mình thế nào thì con cái của chúng ta sau này cũng sẽ đối xử với chúng ta như vậy.

Dịp Xuân Mới, bạn sẽ biếu món quà gì cụ thể để tỏ lòng hiếu thảo biết ơn cha mẹ ông bà đang còn sống và các bậc tổ tiên đã qua đời?

Lời cầu:

Lạy Thiên Chúa Cha là Chúa tể của Mùa Xuân đất trời. Xin chúc lành cho ngày họp mặt của gia đình chúng con hôm nay. Xin liên kết mọi người chúng con trong tình yêu của Cha. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con biết trân trọng giây phút xum vầy trong ngày đầu Xuân, coi đó là hồng ân Cha ban để sống trọn tình con thảo với tổ tiên ông bà cha mẹ và sống yêu thương huynh đệ với anh chị em trong gia đình ruột thịt của chúng con.- Amen.

 

 

 

 

 

Nguyện Xin Thiên Chúa Xót Thương Cả Tổ Tiên

Trầm Thiên Thu

 

Có lẽ chẳng ai lại không biết câu ca dao này: “Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra; Một lòng thờ mẹ, kính cha, Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Câu ca dao bình dị mà thâm thúy với cách so sánh cụ thể. Ân nghĩa là món nợ về lòng hiếu thảo mà cả đời chúng ta cũng không thể nào trả được, nhưng đó là thứ cần mắc nợ nhau suốt đời: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật” (Rm 13:8).

Chắc chắn ai cũng có một gia đình, dù là “ông kia, bà nọ” thì cũng vẫn xuất thân từ một gia đình – dù gia đình giàu hay nghèo, to hay nhỏ. Có điều tất yếu là người ta có thể tự chọn nhiều thứ, nhưng không ai có thể tự chọn cha mẹ – tất nhiên kể cả ông bà, tổ tiên. Chắc hẳn không ngẫu nhiên mà người ta gọi gia đình là Tổ Ấm hoặc Mái Ấm. Dấu hiệu đầu tiên của hạnh phúc gia đình là tình yêu gia đình, chính “ngọn lửa” tình yêu làm cho gia đình ấm áp.

Dù là Thiên Chúa, nhưng khi Đức Giêsu giáng sinh làm người, Ngài cũng sinh trưởng trong một gia đình. Điều đó chứng tỏ gia đình rất quan trọng. Hai tiếng “gia đình” đơn giản lắm, nhưng cũng phức tạp lắm. Louisa May Alcott (1832-1888, Hoa Kỳ) nhận xét: “Khả năng tìm được cái đẹp trong những điều nhỏ bé nhất khiến gia đình trở nên hạnh phúc và cuộc đời trở nên đáng yêu” (The power of finding beauty in the humblest things makes home happy and life lovely). Thomas Fuller (1608-1661, Anh quốc) đề nghị: “Lòng nhân đức bắt đầu từ gia đình nhưng không nên kết thúc ở đó” (Charity begins at home but should not end there). Bộ ba Cha-Mẹ-Con là chiếc kiềng ba chân yêu thương để chống đỡ gia đình: “Yêu nhau trăm sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng” (Ca dao).

Ngày lễ, tết, và những dịp đặc biệt, nhớ tới công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và tiền nhân là điều cần thiết. Trên đời này, không có công ơn nào to lớn bằng công ơn cha mẹ, đặc biệt là người mẹ. Chữ Hiếu (mệnh danh là Đạo Hiếu) không thể nào bù đắp chín Đức Cù Lao (*). Cứ tính đơn giản theo nghĩa đen thì cũng thấy không cân xứng: Một chữ không thể so với chín chữ. Con cái chỉ có một chữ mà vẫn không giữ trọn!

Kinh Thi có đề cập đức cù lao của cha mẹ: “Cù lao vu dã” – nhọc nhằn vất vả nơi đồng nội; và “bi ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao” – thương thay cha mẹ nhọc nhằn sinh ta.

Dịp đầu Xuân, thời gian đẹp nhất trong năm – cả nghĩa đen và nghĩa bóng, sách Huấn Ca mời gọi: “Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ” (Hc 44:1). Tại sao? Lý do minh nhiên: “Họ là những người đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng. Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu đó là lũ cháu đàn con. Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước; nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành. Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ. Các ngài được mồ yên mả đẹp và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế. Dân dân sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen” (Hc 44:10-15).

Chúa Giêsu đã nêu gương về đạo Hiếu để chúng ta noi theo. Sau ba ngày lo việc của Chúa Cha, Cậu Hai Giêsu ở lại Đền Thờ khiến Cô Maria và Chú Giuse lo sốt vó, tìm kiếm xuôi ngược suốt ba ngày. Khi gặp cha mẹ, Cậu Hai Giêsu mau mắn “đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2:51).

Ai cũng có cha mẹ, dù cha mẹ có thế nào thì cũng vẫn là người sinh thành dưỡng dục mình. Ai sống có hiếu thì được Chúa chúc lành: “Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người. Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may” (Tv 128:1-2).

Con cái có hiếu thì cha mẹ an tâm, gia đình hạnh phúc: “Hiền thê bạn trong cửa trong nhà khác nào cây nho đầy hoa trái; và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn, xúm xít tại bàn ăn. Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người” (Tv 128:3-4). Chắc hẳn ai cũng mong ước như vậy, vấn đề là phải thể hiện cụ thể, đừng nói suông. Tác giả Thánh Vịnh cầu chúc: “Xin Chúa từ Sion xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc. Ước chi trong suốt cả cuộc đời bạn được thấy Giêrusalem phồn thịnh, được sống lâu bên đàn con cháu” (Tv 128:5-6). Nguyện chúc mọi gia đình vui hưởng thái bình như Thánh Gia – hôm nay và mãi mãi, đặc biệt trong những ngày Xuân đoàn tụ này.

Thánh Phaolô nhắc nhở những người con về Đạo Hiếu: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6:1-3). Và nhắc nhở những người làm cha mẹ: “Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy” (Ep 6:4). Bổn phận và trách nhiệm với nhau là điều cần thiết: Con cái đối với cha mẹ, và cha mẹ đối với con cái.

Thứ nhất là cầu nguyện, thứ nhì là hành động. Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi. Để được như vậy, anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể dân thánh” (Ep 6:18-19). Cầu nguyện là việc làm phải liên tục, bất kể thời gian hoặc địa điểm. Thật vậy, cầu nguyện có thể thực hiện ngay tại bàn tiệc, khi đang nói chuyện với người khác, khi chạy xe,… thậm chí ngay khi chúng ta ở giữa một đám đông ồn ào náo nhiệt. Đừng chỉ cầu nguyện khi vào nhà thờ hoặc ở nơi tĩnh lặng, vì cầu nguyện rất dễ: Hướng tâm hồn lên với Chúa, gặp Chúa, có khi không cần nói gì cả. Cầu nguyện liên lỉ là “thói quen” của người sống tâm linh theo tinh thần của Đức Kitô.

Người cha, người mẹ và người con đều sống tâm linh như vậy thì chắc chắn gia đình hạnh phúc, là Tổ Ấm thực sự, ấm trong tình yêu của Thiên Chúa, nóng hổi ngọn lửa thương xót của Thiên Chúa: “Hạnh phúc thay, người kính sợ Chúa, những ưa cùng thích mệnh lệnh Chúa truyền ban. Trên mặt đất, con cháu của họ sẽ hùng cường, dòng dõi kẻ ngay lành được Chúa thương giáng phúc” (Tv 112:1-2). Niềm hạnh phúc thánh đức thật tuyệt vời!

Thiên Chúa phù trì liên vạn đại

 Thánh Gia bảo giám mãi thiên thu

Nước có quốc pháp, nhà có gia phong. Truyền thống là điều nên duy trì – nếu đó là truyền thống tốt đẹp và hợp lòng người. Đừng bao giờ câu nệ!

Trình thuật Mt 15:1-6 cho biết: Bấy giờ có mấy người Pharisêu và mấy kinh sư từ Giêrusalem đến gặp Đức Giêsu và hỏi Ngài: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?”. Ngài trả lời bằng một câu hỏi: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa?”. Ngài biết chẳng ai trả lời được nên Ngài lý luận: “Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa’. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa”. Họ chỉ có nước “ngậm tăm”, im như thóc thối, câm như hến.

Có khi chúng ta cũng như bọn Pharisêu đấy, đầu toàn là “đậu hũ” mà bày đặt lý luận để bắt bẻ người khác. Dốt mà chảnh là thế đấy! Không chỉ vậy, chúng ta lấy lý do “vì, bởi, tại,…” mà biện hộ cho mình. Thật nguy hiểm! Thiết tưởng đôi khi chúng ta phải tự xét lại về các động thái của mình, đừng tưởng những gì chúng ta đưa ra đều là vì Chúa, có thể chính chúng ta “chơi ép” Chúa, “điều khiển” Chúa, rồi lại tự tôn bằng các biện hộ đó là Ý Chúa. Ôi, lạy Thiên Chúa!

Ngày Xuân, dịp Tết, nếu còn cha mẹ, thật hạnh phúc cho bạn, nhưng hãy “động não” một chút: Khi bạn đang uống ly nước giải khát, hãy nghĩ xem cha mẹ thường uống gì. Khi bạn mặc những bộ quần áo đắt tiền hàng hiệu, xin hãy nghĩ xem cha mẹ bạn thường mặc ra sao. Khi bạn thoải mái chi tiêu, hãy nghĩ đến những thứ cha mẹ bạn thường dùng thế nào. Cha mẹ đã vì chúng ta mà bỏ bao công sức, đổ bao hạt mồ hôi, đều chỉ vì mong cho bạn có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Những thứ bạn đang dùng đều là do công sức cha mẹ tạo ra. Xin hãy yêu quý cha mẹ và cố gắng giữ trọn chữ hiếu cho xứng đáng là người con. Hãy hành động ngay khi cha mẹ còn sống, cụ thể là ngay trong dịp Tết này, biết đâu bạn không còn kịp nữa đâu!

Tết đến bình an nhờ Thiên Chúa

Xuân về hạnh phúc với Thánh Gia

Lạy Thiên Chúa, xin cảm tạ Ngài đã ban cho chúng con có ông bà, cha mẹ, xin thương chúc lành cho họ; xin giúp chúng con biết giữ trọn Ân Nghĩa với Chúa và với ông bà, cha mẹ của chúng con. Xin tình yêu Thánh Gia luôn tràn đầy trong mọi gia đình. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

(*) Cù Lao là siêng năng, cần mẫn, nhọc nhằn. Chín đức cù lao gồm: [1] SINH: Cha mẹ đẻ ra, [2] CÚC: Nâng đỡ, [3] PHỦ: Vỗ về, vuốt ve, [4] SÚC: Cho ăn, bú mớm; [5] TRƯỞNG: Nuôi dưỡng thể xác; [6] DỤC: Giáo dưỡng tinh thần; [7] CỐ: Trông nom, nhìn ngắm; [8] PHỤC: Quấn quít, săn sóc không ngơi; [9] PHÚC: Bồng ẵm, gìn giữ, lo cho con đầy đủ, bảo vệ con khỏi bị ăn hiếp.

 

 

 

 

 

Uống Nước Nhớ Nguồn

Trích Logos B

 

Có một câu chuyện về tình mẹ rất đẹp được kể lại trong “Sự Tích Cây Vú Sữa” như sau :

Ngày xưa, ở vùng Lái Thiêu (thuộc tỉnh Sông Bé) có hai mẹ con sống đơn chiếc bên nhau. Thương con trai mồ côi bố, người mẹ hết sức cưng chiều con. Vì quá nuông chiều, cậu bé trở nên nghịch phá và ham chơi.

Một ngày kia, vì phá phách, bị mẹ quở mắng, cậu bé bỏ nhà ra đi. Cậu đi lang thang hết ngày này sang ngày khác, ai cho cái gì thì ăn cái ấy.

Một hôm, cậu quyết tâm trở về với mẹ. Sau bao ngày lặn lội, cậu cũng về tới nhà. Cảnh vật còn nguyên, nhưng mẹ cậu thì không còn nữa. Cậu bé đâu có biết rằng mẹ cậu vì mong mãi con không về đã sinh bệnh rồi chết, hóa thành một cây xanh.

Cậu bé gọi hoài, gọi mãi không thấy mẹ. Cậu chỉ biết ôm lấy cây xanh mà khóc. Bỗng cây xanh run rẩy và rơi xuống một trái to, da căng mịn và xanh óng ánh.

Vừa đói, vừa mệt, cậu bé đưa quả lên rồi cắn một miếng, dòng sữa trắng trong quả trào ra, như dòng sữa mẹ thật thơm ngon.

Vỏ cây xù xì như bàn tay lam lũ của mẹ, lá cây một mặt xanh bóng, một mặt đỏ hoe như mắt mẹ khóc chờ con. Mẹ không còn nữa, nhưng mẹ vẫn đứng đó để nuôi con bằng dòng sữa mẹ ngọt ngào.

Từ đó, người ta gọi cây xanh ấy là cây vú sữa, để tưởng nhớ đến tình mẹ thiêng liêng và cao cả.

Không lời nào có thể diễn tả hết tình mẹ tình cha, không bút mực nào có thể tát cạn được công cha nghĩa mẹ. Trong những ngày lễ tết hay giỗ chạp, người ta cũng không quên nhắc đến nguồn cội gốc rễ là những bậc tổ tiên ông bà cha mẹ, những đấng đã sinh thành, dưỡng dục và chăm lo cho đời sống con cái, cháu chắt nên người. Đó là truyền thống đạo đức rất đáng trân trọng của người Việt Nam. Và truyền thống đạo đức ấy của dân tộc không đi ngược lại với niềm tin Kitô giáo. Trái lại, “lương giáo” đều có chung một chữ hiếu. Tuy hai con đường, nhưng chỉ là một chữ hiếu.

 

 

 

 

 

Chữ hiếu trong đạo nghĩa dân tộc

 

Chữ hiếu luôn được người Việt Nam coi trọng và đặt lên hàng đầu. Chữ hiếu được biểu lộ qua lòng hiếu thảo của con cái, cháu chắt luôn nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của tổ tiên, ông bà cha mẹ. Tổ tiên, ông bà cha mẹ được coi là nguồn gốc của sự giàu sang phú quý và luôn là mối dây linh thiêng, huyền nhiệm liên kết tất cả mọi con cháu lại thành một giòng tộc.

Trong đạo gia tộc, chữ hiếu được diễn tả và thực thi bằng nhiều cách : khi ông bà cha mẹ còn sống, con cháu sẽ vây quanh để biểu lộ sự tôn kính, vâng phục, phụng dưỡng hết lòng ; khi các ngài khuất bóng, con cháu luôn nhớ đến trong những ngày giỗ kỵ, lễ tết, qua việc nhắc nhở nhau tụ họp lại để kính nhớ. Theo tập tục, con cháu sẽ lập bàn thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ với đèn nhang, hoa quả đầy ắp.

Lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân, lão thành, những người có công trạng được thể hiện bằng việc tưởng nhớ, ghi công trên bia, mộ. Đó chính là nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam, rất đáng được giữ gìn và phát huy.

 

 

 

 

 

Chữ hiếu trong đạo Kitô

 

Giáo Hội dành riêng ngày Mùng Hai Tết để kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ. Vì thế, ca nhập lễ của ngày lễ hôm nay trích lời sách Châm ngôn :

“Con ơi giữ lấy lời cha

 Chớ quên lời mẹ, nhớ mà ghi tâm

 Đèn soi trong chốn tối tăm

 Ấy là chính những lời răn, lệnh truyền

 Nhớ cầu cho bậc tổ tiên

 Khắc ghi công đức một niềm tri ân”

(Cn 6,20.23abc)

Như thế, qua lời khuyên nhủ của sách Châm ngôn, việc kính nhớ và cầu nguyện cho tổ tiên ông bà cha mẹ không những là một đạo hiếu, mà còn là một lệnh truyền của Thiên Chúa. Chính điều răn thứ bốn trong mười điều răn dạy: “Hãy thảo kính cha mẹ”.

Trong Mầu Nhiệm Nhập Thể, Chúa Giêsu khi xuống thế làm người, Ngài không chọn cho mình một con đường siêu việt từ trời xuống trần gian làm người cách trực tiếp và minh nhiên, nhưng Ngài đã chọn cho mình người mẹ, người cha và đã đồng hành với người thế qua con đường gia đình bình thường như tất cả mọi người chúng ta. Ngài cũng sống trong một tổ ấm yêu thương và nhất là đã nêu gương mẫu về tinh thần vâng phục của người con đối với cha mẹ dưới mái nhà Nagiarét (Lc 3,51).

Lòng tôn kính, hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ xuất phát từ sự biết ơn đối với các ngài, những người đã sinh thành, dưỡng dục chúng ta lớn lên về vóc dáng, về sự khôn ngoan và nhất là về ân sủng trước mặt Thiên Chúa, như lời sách Huấn Ca dạy: “Hãy hết lòng tôn kính cha con và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục. Công ơn ấy con lấy chi đáp đền cho cân xứng?” (Hc 7,27–28).

Lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ còn đòi buộc chúng ta phải có nghĩa vụ và trách nhiệm đối với ông bà cha mẹ về vật chất cũng như tinh thần. Khi các ngài khỏe mạnh, cũng như lúc già cả yếu đau và ngay cả khi qua đời, chúng ta vẫn một lòng biết ơn, phụng dưỡng và cầu nguyện cho các ngài.

Tóm lại, chúng ta là người theo “đạo Chúa”, chúng ta càng phải giữ “đạo hiếu” đối với tổ tiên ông bà. Chữ hiếu tô đậm thêm tình con thảo đối với gia đình và với Thiên Chúa. Dù là hai con đường, nhưng cũng chỉ là một chữ hiếu làm đầu. Hiếu thảo với ông bà cha mẹ sẽ giúp ta hiếu thảo hơn với Thiên Chúa.

Dương Phủ sinh ra trong một gia đình nghèo, nhưng ông để hết tâm trí phụng dưỡng song thân.

Một hôm, nghe nói có ông Võ Tế là bậc đại sĩ rất giỏi giang, Dương Phủ từ biệt cha mẹ để đến thụ giáo cùng ông Võ Tế.

Dọc đường, Dương Phủ gặp một vị sư già chỉ cho biết: “Gặp được Võ Tế chẳng bằng gặp được Phật”. Dương Phủ bèn hỏi: “Phật ở đâu?” Vị sư già giải thích: “Cứ trở về gặp người nào mặc chiếc áo choàng, chân đi dép như thế này, thì chính là Phật đấy!”.

Dương Phủ nghe lời quay về nhà. Đi dọc đường ông chẳng gặp ai như thế cả. Về đến nhà, người mẹ khoác mền, chân đi dép ra đón con. Bấy giờ, Dương Phủ mới chợt nhận ra nơi mẹ mình hình dáng của Đức Phật mà vị sư già đã mô tả.

Từ đấy, Dương Phủ mới nhận ra cha mẹ trong nhà chính là Phật, ông càng hết tâm phụng dưỡng cha mẹ hơn.

Đúng như lời ca dao:

Thứ nhất là tu tại gia,

Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa,

Tu đâu cho bằng tu nhà

Thờ cha kính mẹ mới là đạo con.

Hôm nay, chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện cho tổ tiên ông bà cha mẹ, những người còn sống cũng như đã qua đời. Lòng hiếu thảo luôn luôn là bông hoa đẹp làm vui lòng ông bà cha mẹ và làm đẹp lòng Thiên Chúa.