12/07/2019
1804
Nét Văn Hóa trong tên gọi Một số Nhà Thờ Trong Giáo phận Mỹ Tho-Nhà thờ Chợ Cũ



















 

NÉT VĂN HÓA

TRONG TÊN GỌI MỘT SỐ NHÀ THỜ GIÁO PHẬN MỸ THO

 

Nhà Thờ Chợ Cũ

 

Giáo xứ Chợ Cũ từ khi thành lập cho đến hôm nay đã được 57 năm (1962 - 2019). Một giáo xứ với tuổi đời non trẻ so với nhiều giáo xứ khác trong Giáo phận. Tuy nhiên, nếu xét về lịch sử hình thành địa danh Chợ Cũ, thì tên gọi này đã có tuổi đời hàng trăm năm về trước.

Gọi là Chợ Cũ, nhưng thực ra đó chỉ là một cái quán, hay là một căn nhà trệt hình vuông, rộng mỗi chiều độ 8m, nằm góc ngã tư con lộ Đinh Bộ Lĩnh và Nguyễn Huỳnh Đức, thuộc về xã Điều Hòa, tỉnh Định Tường cũ, nay là thành phố Mỹ Tho. Nhà nước xây cất làm nơi cho dân chúng quanh vùng đi chợ mua ăn mỗi sáng. Chợ chỉ họp vào ban sáng, dần dà dân đông, họ bày ra hai bên lộ chung quanh. Khu chợ lúc đó nới rộng với diện tích 500m2.

         Khi vua Minh Mạng nhà Nguyễn lập tỉnh Định Tường, một trong 6 tỉnh Miền Nam, gọi là Nam Kỳ Lục Tỉnh, nhà vua đã chọn khu xã Điều Hòa, tức khu Chợ Cũ này làm Tỉnh Lỵ, xây dựng các dinh thự và công sở làm việc tỉnh, trên lưu vực tả ngạn sông Bảo Định, tức các phường 2, phường 3 và phường 8 thành phố Mỹ Tho ngày nay.

         Đến khi người Pháp chiếm cứ tỉnh Định Tường năm 1861, cũng lấy Mỹ Tho làm Tỉnh Lỵ, nhưng dời các cơ sở làm việc sang bên kia sông Bảo Định và gọi khu tả ngạn sông Bảo Định là khu Chợ Cũ và tên Chợ Cũ mới xuất hiện từ đó. Trên khu tả ngạn sông Bảo Định này, cộng đoàn Chợ Cũ đã được thành lập và thuộc họ đạo Mỹ Tho.

         Từ năm 1961, do chiến tranh, dân quê đi lên thành thị lập nghiệp, do đó số giáo dân công giáo tăng lên nhiều. Tòa Giám Mục Mỹ Tho mới có chương trình lập thêm nhà thờ và họ đạo mới trong thành phố Mỹ Tho.

         Cuối năm 1962, Đức Cha Giuse Trần Văn Thiện cho phép kiến thiết nhà thờ Chợ Cũ và trao cho linh mục Giuse Nguyễn Chu Tuynh thực hiện.{C}{C}{C}{C}[1]

         Có thể nói, tên gọi Chợ Cũ và nhà thờ Chợ Cũ gắn với những biến cố lịch sử. Sự kiện lịch sử của đất nước khi người Pháp chiếm cứ tỉnh Định Tường năm 1861, và di dời các cơ sở hành chánh của tỉnh sang bên kia bờ sông Bảo Định, từ đó hình thành nên tên gọi Chợ Cũ để phân biệt với khu hành chánh mới.

         Còn họ đạo Chợ Cũ hay nhà thờ Chợ Cũ, lại gắn với sự kiện lịch sử của Giáo hội, đó là việc Tòa Thánh thiết lập Giáo phận Mỹ Tho vào ngày 24.11.1960. Từ đó, Tòa Giám Mục Mỹ Tho mới có chương trình lập thêm các nhà thờ và họ đạo mới trong thành phố Mỹ Tho, để rồi 2 năm sau, năm 1962 nhà thờ Chợ Cũ ra đời.

         Đọc lại vài dòng lịch sử mới thấy, phải cần đến 101 năm (1861–1962) hạt giống Tin Mừng đã được gieo vào lòng đất Chợ Cũ mới trổ sinh hoa trái. Bởi vì, cộng đoàn Chợ Cũ được hình thành và trực thuộc họ đạo Mỹ Tho từ năm 1861, nhưng phải chờ đến hơn 100 năm sau (1962), mới hình thành nên nhà thờ, họ đạo Chợ Cũ. Nhà thờ Chợ Cũ non trẻ, nhưng lại được xây dựng từ nền móng cộng đoàn Chợ Cũ có hàng trăm năm về trước.

         Tên gọi nhà thờ Chợ Cũ, vừa mới nhưng cũng vừa cũ. Mới vì nhà thờ và giáo xứ chỉ mới được thành lập 57 năm, nhưng lại cũ vì địa danh xưa cũ và cộng đoàn những người tín hữu đầu tiên của giáo xứ, đã có mặt nơi đây từ rất lâu đời. Ngày nay, nhà thờ Chợ Cũ nguy nga tráng lệ, được khánh thành và cung hiến vào ngày 28.11.2012, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập giáo xứ. Nhìn ngôi thánh đường và anh chị em giáo dân đông đảo nơi đây, để luôn xác tín rằng: hạt giống Tin Mừng của Chúa có sức sống trường tồn vĩnh cửu, được gieo vào lòng đất và chờ đợi đến hàng trăm năm, đúng thời đúng lúc mới nẩy mầm trổ sinh bông hạt.

         Công cuộc loan báo Tin Mừng, luôn cần đến những con người dám chấp nhận hy sinh, dấn thân vào những vùng đất mới mẻ để gieo hạt giống Lời Chúa, và can đảm chờ đợi. Cho dù thời gian đợi chờ có đến hàng thế kỷ, nhưng vào một thời điểm lịch sử nào đó, đúng giờ đúng lúc, đúng thời đúng buổi, hạt giống sẽ tự khắc nẩy mầm. Có ra công gieo thì chắc chắn sẽ có ngày gặt. Nói theo ngôn từ của thánh Phaolô gởi cho giáo đoàn Côrintô: Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. (1Cr 3,6)

Ban Văn hóa Giáo dục – Giáo phận Mỹ Tho


[1]Kỷ Yếu 50 năm Giáo Phận Mỹ Tho, p.74