19/09/2019
1127
Suy niệm Chúa Nhật 25 Thường Niên năm C_Lm Trầm Phúc



















 

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa Nhật 25 thường niên năm C

Lời Chúa: Lc 16. 1-13 

 

    Tiền của là ân huệ Chúa ban, nhưng sử dụng như thế nào là do quyền tự do và sự khôn ngoan của chúng ta, cho hợp với ý Chúa. Trong dụ ngôn người quản lý bất lương, Chúa cho thấy cách sử dụng sự khôn khéo của anh để thoát ra khỏi một hoàn cảnh bi đát. Ông chủ khen người quản lý khôn ngoan, chứ không khen sự gian dối của anh ta. Chủ khen anh vì trong tình trạng bế tắt, anh biết thu xếp để thoát nạn. Chúa muốn chúng ta sử dụng quyền tự do và sự khôn ngoan để sinh lợi ích cho chúng ta. Chính Chúa cũng căn dặn chúng ta: “Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè…” Từ bất chính nầy không có nghĩa là tiền bạc bao giờ cũng bất chính, mà vì nó liên quan đến dụ ngôn người quản lý bất trung.

    Chúng ta sử dụng tiền bạc như thế nào? Những người không tin Chúa thì tiền bạc của cải là thần tượng. Họ làm bất cứ điều gì để có thêm của cải. Và khi có nhiều tiền của, họ dùng để mua sắm, xây biệt thự và hưởng thụ. Họ chỉ là con vật một ngày kia phải chết, như thánh vịnh đã nói. Còn chúng ta, những người tin Chúa, chúng ta xem đó như hồng ân Chúa ban để xây dựng Nước Chúa và hạnh phúc vĩnh cửu cho chúng ta và cho anh em chúng ta. Chúng ta có ý thức như thế không? Nhiều người trong chúng ta bị ảnh hưởng của xã hội, chúng ta cũng chạy theo tiền bạc như thế gian, cũng chỉ lo hưởng thụ mà quên rằng, đó là hồng ân. Chúng ta cũng dùng mọi thủ đoạn để kiếm tiền và kiếm tiền, không nghĩ gì khác hơn. Hãy nhớ rằng chúng ta không là chủ mà chỉ là người quản lý. Và người quản lý là phải trung thành.

    Chúa Giêsu cũng nhắc chúng ta: “Ai trung thành trong điều nhỏ, sẽ trung thành trong những việc lớn”.

    Chúa Giêsu còn gọi tiền bạc là Mammôn,nghĩa là quỷ dữ, và xem tiền bạc như một vị thần, vì thế Ngài bảo: “ Không ai làm tôi hai chủ. Không ai vừa làm tôi Chúa vừa làm tôi tiền bạc được”. Chúng ta được đặt trước một sự chọn lựa dứt khoát: Chúa hay tiền bạc. Chúng ta chọn chủ nào? Đa số chúng ta không dám dứt khoát, chúng ta đu dây giữa Chúa và tiền bạc. Chúa dùng từ làm tôi, tức là nô lệ. Chúng ta cứ muốn bắt cá hai tay, muốn cả thiên đàng và cả tiền bạc. Nhưng Chúa không ởm ờ, Chúa đòi chúng ta chọn. Chúng ta dám chọn Chúa không?

    Có những người đã dám chọn Chúa. Không ít đâu, nhưng chúng ta chỉ nhìn về một vài khuôn mặt thân thiện với chúng ta thôi. Các thánh tông đồ như Matthêu, bỏ cả cơ nghiệp béo bở của mình để theo Chúa. Gần chúng ta hơn, thánh Phanxicô Assisi mà chúng ta gọi là ông thánh nghèo, là con của một người giàu nhất thành phố, đã đi theo Chúa mình trần. Thánh Têrêxa Hài Đồng, con nhà giàu, lại là con út, mồ côi mẹ, được người cha cưng chiều, yêu thương, muốn gì được nấy, đã dám theo Chúa, sống khó nghèo trong tu viện.  Các ngài đã chọn Chúa vì biết rằng Ngài là sự giàu sang sung mãn hơn bất cứ ai ở trần gian. Ngài là tất cả, là gia nghiệp bất biến. Còn chúng ta? Chúng ta có đủ lý do để không chọn Chúa : nào là gia đình, sự nghiệp, tương lai của con cái, công việc nhiều không có thể chọn Chúa được. Chúng ta không biết Chúa, chỉ biết sơ sài, vì thế Chúa không quan trọng hơn những gì chúng ta tìm được ở trần gian. Một sự nhầm lẫn tai hại!

    Lầm lẫn thứ hai là chúng ta không biết Chúa là ai. Ai trong chúng ta biết Chúa như Chúa muốn? Có lẽ chúng ta chỉ biết Chúa mơ hồ thôi. Nghe nói rằng Chúa phép tắc vô cùng, Đấng dựng nên trời đất, nhưng chúng ta không bao giờ thấy Chúa hành động, có chăng cũng chỉ thấy trời đất và  mọi vật quanh ta, có chăng khi chúng ta chứng kiến những cảnh bão bùng đáng sợ. Chúng ta có cảm thấy rằng mọi sự đều được Chúa gìn giữ và sáng tạo liên tục không? Chúng ta nghĩ quyền năng của Chúa như thế nào? Nếu chúng ta không biết Chúa là ai, thì làm sao chúng ta chọn Chúa, và chấp nhận làm tôi Chúa?

    Lầm lẫn thứ ba là chúng ta không biết Chúa thương chúng ta như thế nào và đến độ nào. Chúng ta cũng chỉ mơ hồ hiểu rằng Chúa thương chúng ta, nhưng chúng ta không để ý suy nghĩ đến những gì Chúa làm vì thương chúng ta. May ra khi chúng ta thành công hay được một ân huệ gì đặc biệt, chúng ta mới nói một tiếng cám ơn thôi. Nếu như thế làm sao chúng ta dám yêu mến Chúa hết lòng hết sức, trên hết mọi sự? Lòng đạo của chúng ta đơn sơ quá, hời hợt quá!

    Giữ đạo không chỉ là đọc vài câu kinh, dự lễ ngày Chúa Nhật, không phạm tội gì nặng là xong. Không chỉ đơn giản như thế. Giữ đạo là dấn thân sống chết với Chúa, đôi khi là liều mạng cho Chúa như các thánh tử đạo. Giữ đạo chính là yêu mến Chúa như Chúa đã yêu chúng ta.

    Bằng chứng của tình yêu Chúa thì không thể kể hết được, nhưng chúng ta có một bằng chứng thực tế nhất, rõ nét nhất, là Mình Thánh Chúa mà chúng ta ăn lấy hằng ngày. Chúa yêu chúng ta đến mức độ dám cho chúng ta ăn lấy Ngài để được sống làm một với Ngài. Chúng ta có thể hiểu được điều đó không? Chúng ta được ăn lấy Chúa của mình, điều nầy không thể diễn tả bằng tiếng nói con người được, chúng ta chỉ biết ơn và cố gắng hết sức mình đền đáp. Đền đáp bằng gì, nếu không là bằng tình yêu? Chúng ta đọc đi đọc lại câu kinh: con kính mến Chúa hết lòng, hết sức, trên hết mọi sự, nhưng chúng ta đọc là để đọc thôi. Chúng ta có yêu mến Chúa thực sự chưa? Chúng ta làm gì?

Lm. Trầm Phúc

Gp. Mỹ Tho