02/08/2013
2860

GIÁO LÝ CÔNG GIÁO

LỚN LÊN TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN CỘNG ĐOÀN

 

1. Mở đầu: Khởi từ kinh nghiệm sống đức tin

2. Trình bày nội dung giáo lý: Gặp gỡ giữa kinh nghiệm và Đức Tin cộng đoàn

3. Một điểm thực hành: Sống một kinh nghiệm mới với Đức Tin cộng đoàn

4. Cầu nguyện kết: Cử hành Niềm Tin

 

 

Bài 34 B: CỬ HÀNH PHỤNG VỤ CỦA HỘI THÁNH

Phụng vụ được cử hành khi nào và ở đâu?

GLHTCG: 1163-1199; BTY: 241-246

"Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa" (Cv 3,46).

 

1. MỞ ĐẦU

1.1 Phút thánh hóa

- Kinh: KINH LẠY NỮ VƯƠNG

          Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành làm cho chúng con đặng sống, đặng vui, đặng cậy. Thân lạy Mẹ, chúng con, con cháu Evà ở chốn khách đày kêu đến cùng Bà. Chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khấn Bà thương. Hỡi ôi, Bà là chủ bàu chúng con, xin ghé mắt thương xem chúng con. Đến sau khỏi đời, xin cho chúng con đặng thấy Đức Chúa Giêsu, Con lòng Bà gồm phước lạ. Ôi khoan thay, nhân thay, dịu thay, Thánh Maria trọn đời đồng trinh. Amen.

 

1.2 Ôn bài cũ, giới thiệu chủ đề, nội dung chính và những vấn đề cần tìm hiểu

- Ôn bài cũ: Khi Hội thánh cử hành Bí tích (cử hành phụng vụ), không phải chỉ có Hội thánh ở trần gian cử hành, nhưng còn có sự tham dự của Hội thánh trên trời, có Chúa Giêsu, Đức Mẹ, các thánh, các thiên thần cùng tham dự.

Các Ngài cử hành và tham dự như thế nào? Hãy chọn đáp án đúng cho những câu hỏi sau:

1). H. Ai hành động trong phụng vụ?

a. Chúa Ba Ngôi

b. Đức Mẹ, Chúa Giêsu, các thánh

c. Đức Kitô toàn thể    

2).  H. Hội Thánh trên trời cử hành phụng vụ gồm những ai?

a. Các thánh 

b. Chúa Giêsu và các thánh

c. Thiên thần, các thánh và Mẹ Maria   

3).  H. Hội Thánh trần gian cử hành phụng vụ thế nào?

a. Dân riêng                   

b. Dân tư tế                             

c. Dân được tuyển chọn     

4).  H. Cử hành phụng vụ gồm những yếu tố nào?

a. Dấu chỉ và biểu tượng        

b. Lời nói và hành động        

c. Cả hai a và b    

Đáp án: 1 – c / 2 – c / 3 – b / 4 - c

 

- Giới thiệu chủ đề: “Sống thánh thiện nhờ tham dự Phụng vụ của Hội thánh”

          Một thanh niên hằng ngày đứng trên dãy hàng lang nhà tập thể cứ nhìn chằm chằm về phía cuối cùng, hay di vào đi ra trong nhà rồi chạy trên đường. Bạn có thấy cuộc đời thật vô vị? Ăn; chơi; làm; ngủ. Cuộc sống được “lập trình” với một vòng lặp đi lặp lại như thế!

          Bạn làm gì đó nhưng lại nghĩ đó không phải hướng đi của mình? Bạn e sợ trước cuộc đời đầy khó khăn? Và quyết định để dòng đời… đưa đẩy… Trống rỗng và hư vô ngự trị trong tâm hồn bạn. Lao vào học, làm việc… để lấp đầy khoảng trống? Chơi mãi rồi cũng chán… Càng cố quên đi… càng cảm thấy trống rỗng và hư vô… Nhưng… tại sao chúng ta có cảm giác ấy? Cuộc sống có thật sự vô vị như bạn nghĩ?

          Không!!! Chỉ là bạn đang thiếu một thứ quan trọng! Định hướng cuộc đời! Chính là những mục tiêu cuộc sống!

          Hãy luôn cố gắng làm tốt mọi việc để nhận ra được khả năng của bản thân. Xác định và viết ra: mục tiêu dài hạn; mục tiêu ngắn hạn dựa vào khả năng thật sự của bản thân. Khi bạn biết nâng cao tầm nhìn; nhìn lại bản thân; chia sẻ trải nghiệm bản thân; đọc những bài viết có tính định hướng… bạn sẽ hiểu được lý do mình tồn tại!

          Cảm nhận giá trị cuộc sống. Loại bỏ sự trống rỗng, cái mơ hồ trong tâm hồn. Tại sao bạn không bắt đầu ngay bây giờ?

          Hãy cùng chúng tôi giúp bạn sống có định hướng, sống thánh thiện nhờ tham dự Phụng vụ của Hội thánh.

Phụng vụ giống như một buổi tiệc – đó là tiệc thánh của Thiên Chúa nhờ tay con người tổ chức cử hành. Vì là buổi tiệc nên được diễn ra có nơi chốn, trong không gian và thời gian nhất định.

-  Nội dung chính: Hội thánh tổ chức cử hành mầu nhiệm vượt qua trong một năm gọi là năm Phụng vụ, nơi chốn diễn ra các cử hành là thánh đường và trung tâm của Năm Phụng vụ là ngày của Chúa – ngày Chúa Phục Sinh (tức là ngày Chúa nhật).

- Những vấn đề cần tìm hiểu:

+  Ngày Chúa nhật quan trọng như thế nào trong năm Phụng vụ?

+  Năm Phụng vụ là gì và được tổ chức như thế nào?

+  Tại sao Hội thánh cần phải có nơi để cử hành phụng vụ?

 

2. TRÌNH BÀY NỘI DUNG GIÁO LÝ

2.1  Ngày Chúa nhật quan trọng như thế nào trong Năm Phụng vụ?

Thảo luận: Đối với cuộc đời con người, ngày nào là quan trọng nhất? Theo bạn ngày Chúa Nhật nên làm gì, có ý nghĩa thế nào và tại sao?

Có người cho là ngày sinh nhật, ngày cưới, người khác lại nói là ngày tốt nghiệp, người khác lại nói là ngày được khỏi bệnh… Tùy theo quan niệm của mỗi người mà nhìn nhận ngày nào là quan trọng đối với cuộc đời mình. Suy cho cùng ngày sinh nhật là ngày quan trọng nhất đối với cuộc đời con người. Bởi vì nó ghi dấu ngày con người được sinh ra làm người, nếu không có ngày sinh nhật thì chắc chắn không có những ngày khác.

Đúc kết: Ngày Chúa nhật, trong Cựu ước tức ngày thứ bảy, Chúa nghỉ ngơi sau khi đã tạo dựng vũ trụ, vạn vật và con người trong sáu ngày. Do đó ngày Chúa Nhật có ý nghĩa loan báo sự nghỉ ngơi muôn đời nơi Thiên Chúa. Ngày đó, Thiên Chúa dạy con người nghỉ ngơi để thánh hoá và thờ phượng Thiên Chúa. Hơn nữa, Chúa nhật là ngày quan trọng nhất trong tuần, vì đó là ngày Chúa khai sinh ra sự sống mới và việc sáng tạo mới cho con người, như một ngày sinh nhật mới, nhờ cuộc Phục sinh của Đức Giêsu Kitô.

Vì thế, ngày Chúa nhật trở thành nền tảng và trung tâm của năm Phụng vụ. Vì nếu không có ngày Phục sinh thì tất cả mọi cử hành phụng vụ sẽ trở nên vô nghĩa.

2.2    Năm Phụng vụ là gì và được tổ chức như thế nào?

Thảo luận: Tại sao một năm lại có bốn mùa, có những ngày Tết và những ngày lễ nghỉ?

Một năm có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông đó là quy luật thời tiết đã được Thiên Chúa thiết lập trong vũ trụ. Mỗi mùa phản ánh đặc trưng riêng biệt của thời tiết gắn với những hoạt động đặc thù trong sinh tồn phát triển của con người và vạn vật: Mùa Xuân ấm áp, phù hợp với việc gieo trồng, vui chơi giải trí. Mùa Hạ thời tiết oi bức, nắng nóng phù hợp cho việc thu hoạch phơi sấy nông sản. Mùa Thu, vạn vật đã chuyển mình để chuẩn bị cho kỳ nghỉ đông. Mùa Đông con người và vạn vật, nghỉ ngơi, trú lạnh, đồng thời bồi dưỡng sức khỏe của mình để chuẩn bị cho mùa Xuân sắp đến.

Sở dĩ có những ngày Tết và những ngày lễ nghỉ để ghi dấu những giai đoạn thời gian và sự kiện. Tết Tây: Kết thúc năm cũ mở ra năm mới (Tết âm lịch cũng vậy), Tết đoan ngọ: thời gian đi qua được nửa năm. Rồi những ngày lễ nghỉ: Quốc khánh, giải phóng … đánh dấu những biến cố lịch sử trọng đại xảy ra trong đất nước.

Đúc kết:   Phụng vụ cũng được chia theo năm và mùa. Năm phụng vụ là thời gian Hội thánh cử hành các mầu nhiệm trong cuộc đời Đức Kitô. Cũng nhằm mục đích ghi dấu những khoảnh khắc, giai đoạn thời gian và sự kiện trong cuộc đời Chúa Giêsu: nhập thể, thời thơ ấu, thời công khai rao giảng Tin mừng, và cuộc tử nạn phục sinh. Nhờ đó, giúp người tín hữu sống và hoạt động theo đúng ý nghĩa của các mầu nhiệm Chúa Giêsu.

Hội thánh tổ chức năm Phụng vụ theo các mùa: Vọng, Giáng sinh, Chay, Phục sinh và Thường niên. Mùa Vọng sống tâm tình chờ đợi Chúa đến. Mùa Giáng sinh sống niềm vui được cứu độ. Mùa Chay sống tâm tình sám hối tội lỗi để được thứ tha. Mùa Phục sinh sống niềm vui được cứu độ và mùa Thường niên là thời gian ôn lại những sự kiện đã sống trong các mùa.

Không chỉ có những mùa trong năm phụng vụ, Hội thánh còn tổ chức và phân chia một ngày có Các Giờ Kinh phụng vụ phù hợp với thời khắc trong ngày, để hướng dẫn người tín hữu sống theo Lời Chúa. Phụng vụ Các Giờ Kinh là lời cầu nguyện của Đức Kitô cùng với Thân Thể Ngài, để giúp các tín hữu thánh hóa thời gian mỗi ngày.

2.3 Tại sao Hội thánh cần phải có nơi để cử hành phụng vụ?

Thảo luận: Để tổ chức một buổi tiệc, cần phải có nơi chốn không? Tại sao?

Để một buổi tiệc được diễn ra tốt đẹp, cần phải có nơi chốn để tổ chức như: nhà riêng, nhà hàng, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt, hoặc trong sân nhà thờ, nhà xứ… Cần phải có một nơi chốn, không gian để tổ chức. Vì nhờ đó mọi người được quy tụ lại một cách dễ dàng, có trật tự, có tổ chức.

Đúc kết: Cử hành phụng vụ là buổi tiệc thánh của Thiên Chúa, các món ăn người ta được thưởng thức khi tham dự đó là Lời Chúa và Thánh Thể của Chúa. Trên nguyên tắc, Hội Thánh không cần nơi chốn để cử hành phụng vụ, vì Đức Kitô là Đền thờ đích thực của Thiên Chúa, nhờ đó các tín hữu cũng trở thành đền thờ của Thiên Chúa hằng sống. Nhưng trong thực tế, do hoàn cảnh trần thế, Hội Thánh cần có nơi quy tụ để cử hành phụng vụ. Nơi để quy tụ đó là Thánh đường - Thánh đường là nhà của Thiên Chúa, là hình ảnh của Hội Thánh ở trần gian và là hình ảnh của nhà Cha trên trời.

2.4 Cầu nguyện giữa giờ

Lạy Chúa, hôm nay con hiểu hơn về thời gian của phụng vụ, thật là một sự sắp xếp thật tốt để con sống một cuộc sống đầy ý nghĩa. Thánh lễ Chúa Nhật thật là trọng đại, xin cho con chú tâm hơn trong các Thánh lễ. Nhà thờ là nơi Chúa ngự, xin cho con biết quý trọng và thành tâm thờ phượng khi con ở nơi nhà Chúa.

Lạy Chúa, xin giúp con luôn có đức tin kiên vững mỗi khi chúng con tham dự các bí tích. Xin Chúa luôn đồng hành với con trong mọi việc con làm trong mọi lời con nói, trong mọi suy nghĩ của con. Để con luôn tin và làm đẹp lòng Chúa trong mọi người. Con xin hết lòng cảm tạ và tri ân Chúa vì Chúa đã cho con được tiếp xúc, gặp gỡ Chúa mỗi khi con tham dự Thánh lễ và những cử hành phụng vụ khác của Hội thánh.

Lạy Chúa, trong cuộc sống của con có các sự kiện tiếp tục diễn ra, xin giúp con tìm ra thánh ý của Chúa và tập các kỹ năng sống, để con biết làm chủ thời gian và biết định hướng cuộc sống con. Amen.

 

3. MỘT ĐIỂM THỰC HÀNH

3.1  Sinh hoạt giáo lý

Bài hát giáo lý: CON TRÔNG CẬY CHÚA

          Con trông cậy Chúa giữa bao thăng trầm cuộc đời, con trông cậy Chúa giữa bao ngày tháng chơi vơi. Có khi lòng êm ái, có khi lòng ưu hoài. Con trông cậy Chúa vững đôi vai vững đôi tay hát vui say suốt đời.

          ĐK: Con trông cậy Chúa dâng Ngài tất cả âu lo trong đời sống trôi miệt mài. Con trông cậy Ngài dù cho nhân thế đổi thay Chúa còn đây mãi còn đây.

Băng reo: CÁM ƠN

- NĐK : Xin cám ơn Chúa: Bằng lời (2 tay trên miệng)

- NĐK : Xin cám ơn Chúa: Bằng lòng (2 tay trên ngực)

- NĐK : Xin cám ơn Chúa: Bằng tay ( vỗ tay 3 cái )

Hát: Cùng hòa lên hai tiếng cám ơn, cùng dâng lên trong mối dây tình thân, ngàn con tim rung nhịp cảm mến, đến muôn đời không thể nào quên.

 

Câu chuyện: CHÚA ĐÃ LÀM CHO TÔI

Một người mới gia nhập đạo công giáo gặp một người bạn cũ không có đạo. Người bạn này hỏi: Thế nào? Anh đã vào đạo và tin Chúa Giêsu rồi à? Phải, tôi đã tin vào Chúa Giêsu. Vậy là anh biết Ngài rõ lắm phải không? Anh cho tôi biết Ngài sinh ra ở nước nào? Rất tiếc tôi không biết điều đó. Vậy Ngài chết hồi mấy tuổi? Rất tiếc tôi không biết điều đó. Anh không biết về thân thế Ngài, vậy cho tôi hỏi xem Ngài giảng được mấy bài giảng? Cái đó, xin lỗi, tôi lại càng không biết nữa. Như thế anh biết rất ít về Chúa Giêsu, mà anh bảo anh tin vào Ngài và theo Ngài.  

Anh nói đúng, tôi cũng cảm thấy xấu hổ khi tôi biết rất ít về Ngài. Nhưng có điều này tôi nhận thấy rõ ràng, nhất là ba năm trước: tôi rượu chè say sưa, tôi mắc nợ đủ chỗ, gia đình tôi tan nát, vợ con tôi buồn và không muốn thấy mặt tôi khi tôi về nhà. Nhưng bây giờ tôi đã bỏ rượu, trả xong nợ, gia đình tôi hạnh phúc. Tất cả những cái đó Chúa Giêsu đã làm cho tôi. Tôi biết chắc điều đó.

Suy gẫm: Là người Kitô hữu giữ đạo tốt đẹp nhưng không biến đổi đời sống thì cũng vô ích.

Ý hay cho cuộc sống:

          Nếu chúng ta không hết lòng theo Chúa trong hoàn cảnh khó khăn, thì chúng ta cũng không theo Chúa trong lúc thuận tiện. Người hạnh phúc là do tự mình suy định (Abraham Lincoln).

Hãy giữ vững lập trường vào những điều bạn tin tưởng cho dù những người khác phản đối kịch liệt và áp lực đó đè nặng trên vai mà bạn vẫn chịu đựng được. Đó là Can Đảm.

Hãy luôn giữ nụ cười nở trên môi để ủng hộ nâng đỡ những người khác dù trong lòng bạn đang phiền muộn. Đó là Sức Mạnh.

Hãy làm việc không ngừng và làm những việc mà trong lòng bạn biết rằng nó là công việc tốt. Đó là Cương Trực.

Hãy làm nhiều việc hơn những gì mà bạn làm để giúp đỡ những người thiếu thốn mà không bao giờ thốt một lời than phiền. Đó là Từ Bi.

Hãy giúp những người bạn đang cần sự giúp đỡ, không màng thời gian và kết quả, và cố gắng hết sức mình. Đó là Trung Kiên.

Hãy ngẩng cao đầu và phấn đấu để cuộc sống của bạn mỗi ngày được tốt đẹp hơn!

3.2 Bài học ghi nhớ

1) H. Ngày Chúa Nhật quan trọng thế nào trong năm phụng vụ?

T. Ngày Chúa nhật rất quan trọng vì là “Ngày của Chúa”, ngày Chúa đã Phục sinh. Vì thế, ngày Chúa nhật là nền tảng và trung tâm của cả năm Phụng vụ. [241]

2). H.  Năm Phụng vụ là gì?

T. Năm Phụng vụ là thời gian Hội Thánh cử hành các mầu nhiệm Đức Kitô theo chu kỳ hằng năm, để giúp ta sống mầu nhiệm ấy, hầu chuẩn bị đón Ngài trở lại trong vinh quang. [242; PV 103]

3) H. Năm Phụng vụ được tổ chức thế nào?

T. Năm Phụng vụ được tổ chức thành các mùa là mùa Vọng, mùa Giáng sinh, mùa Chay, mùa Phục sinh và mùa Thường niên. [ĐC Nghi, 200]

4) H. Phụng vụ Các Giờ Kinh là gì?

T. Phụng vụ Các Giờ Kinh là lời cầu nguyện của Đức Kitô cùng với Thân Thể Ngài, để giúp các tín hữu thánh hóa thời gian mỗi ngày. [243]

5) H. Hội Thánh có cần nơi chốn để cử hành phụng vụ không?

T. Trên nguyên tắc, Hội Thánh không cần nơi chốn để cử hành phụng vụ, vì Đức Kitô là Đền thờ đích thực của Thiên Chúa, nhờ đó các tín hữu cũng trở thành đền thờ của Thiên Chúa hằng sống, nhưng trong thực tế, do hoàn cảnh trần thế, Hội Thánh cần có nơi quy tụ để cử hành phụng vụ. [244]

6) H. Thánh đường là gì?

T. Thánh đường là nhà của Thiên Chúa, là hình ảnh của Hội Thánh ở trần gian và là hình ảnh của nhà Cha trên trời. [245]

 

4. CẦU NGUYỆN KẾT

-  Cảm nghiệm mới: Lạy Chúa, qua bài giáo lý này con hiểu rằng mỗi Thánh lễ, mỗi mùa, mỗi bài đọc, từng lời nguyện… đều diễn tả mầu nhiệm cứu độ loài người của Chúa Giêsu.

 - Quyết tâm sống: Điều chỉnh hành vi, cung cách và thái độ của con cho xứng hợp với tâm tình và ý nghĩa của những cử hành Phụng vụ, cũng như ý nghĩa của từng mùa trong năm Phụng vụ.

Ban Giáo lý Giáo phận