04/04/2020
2430
Đức Cha Phêrô suy niệm Chúa nhật Lễ Lá 2020


















 

SỐNG TRONG HI VỌNG

Chúa nhật Lễ Lá 2020

 

1. Hôm nay người Công giáo trên toàn thế giới bước vào Tuần thánh. Nói đến Tuần thánh là nói đến tuần lễ đầy u buồn, tang tóc, vì Tuần thánh làm sống lại những ngày cuối cùng trong cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu, đỉnh cao là cơn hấp hối của Chúa trong vườn Ghetsemani (Thứ Năm Tuần thánh) và cái chết của Ngài trên thập giá (thứ Sáu Tuần thánh). Thế nhưng xin đừng quên rằng tất cả những sự kiện đau buồn đó được bao bọc bằng hai biến cố là Chúa nhật Lễ Lá – Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem trong vinh quang, và Chúa nhật Phục sinh – Chúa Giêsu chiến thắng quyền lực tối hậu của tội lỗi là sự chết. Như thế, cần phải cử hành Tuần thánh trong bầu khí chứa chan hi vọng chứ không phải bầu khí buồn thảm không lối thoát.

2. Đây cũng là sứ điệp hi vọng mà Tuần thánh muốn gieo vào lòng chúng ta trong hoàn cảnh hiện nay, khi cả thế giới đang gồng mình chống trả sự tấn công của kẻ thù vô hình mang tên gọi Covid-19. Tình hình thật đáng bi quan: số người nhiễm bệnh và số tử vong gia tăng từng ngày, đời sống mỗi gia đình và toàn xã hội bị đảo lộn, cả cấu trúc kinh tế của mỗi quốc gia và cũng như của thế giới đều bị đe dọa.

Nhưng ngay giữa thực tế bi thảm đó, cặp mắt của niềm tin Phục sinh vẫn nhìn thấy những tín hiệu hi vọng.

Tôi mới đọc bài thơ của một tu sĩ dòng Thánh Phanxicô ở Ireland viết về dịch bệnh. Thơ về dịch bệnh đương nhiên phải nói đến bệnh tật và chết chóc, âu lo và sợ hãi, nhưng cũng trong bài thơ ấy, tác giả làm nổi bật những hình ảnh thật dễ thương:  ở Vũ Hán, sau biết bao năm ồn ào náo động, nay lại nghe được tiếng chim hót, bầu trời trước kia mịt mù khói bụi, nay trong xanh trở lại; ở Assisi bên Italia, người ta hát cho nhau nghe ngang qua những quảng trường, người trẻ biết quan tâm hơn đến người già neo đơn và ra tay giúp đỡ; kể cả trong mỗi gia đình, vợ chồng, cha mẹ và con cái cũng dành thời giờ cho nhau nhiều hơn. Biết bao tín hiệu tích cực ngay giữa thời điểm đầy âu lo và sợ hãi.

Sâu xa hơn về mặt tâm linh, trước thực tế bi đát và nhịp sống dường như chậm lại, người ta suy tư nhiều hơn và thấy rõ hơn không những sự mong manh của phận người, mà còn nhận ra điều mà ngôn ngữ triết học gọi là tính bất tất của hiện hữu nhân sinh, từ đó tìm kiếm và hướng cuộc đời đến những gì là thực sự cần thiết và bền vững, quan tâm đến đời sống nội tâm nhiều hơn. Rất có thể sau cơn đại dịch này, nhân loại sẽ suy nghĩ lại về nhiều vấn đề, từ cuộc sống cá nhân đến tổ chức xã hội và cấu trúc của thế giới.

3. Niềm hi vọng tối hậu của Kitô hữu không đặt nơi con người hay thể chế nào, dù tài giỏi và hùng mạnh đến đâu, nhưng đặt nơi Thiên Chúa. Vì thế, hi vọng trở thành cậy trông, phó thác. Đó là tâm tình của Chúa Giêsu trên Thánh giá: “Lạy Cha, con phó thác sự sống con trong tay Cha”. Đó cũng phải là tâm tình của mỗi Kitô hữu, cách riêng trong giai đoạn đầy thử thách hiện nay.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm