11/07/2017
844
Thư luân lưu gửi các Giám mục về vấn đề bánh và rượu dùng trong Thánh lễ

BỘ PHỤNG TỰ THÁNH VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH

***

THƯ LUÂN LƯU GỬI CÁC GIÁM MỤC
VỀ VẤN ĐỀ BÁNH VÀ RƯỢU DÙNG TRONG THÁNH LỄ

1. Theo yêu cầu của Đức Thánh Cha Phanxicô, Bộ Phụng tự thánh và Kỷ luật các Bí tích gửi thư này đến các Giám mục giáo phận (và các vị được luật đồng hóa với Giám mục giáo phận), để nhắc nhở các vị là những người, hơn ai hết, có phận vụ cung cấp đúng chuẩn mực những gì cần thiết để cử hành Bữa Tiệc của Chúa (x. Lc 22,8.13). Là người phân phát chính yếu các mầu nhiệm của Thiên Chúa, người điều hành, cổ vũ và bảo toàn các sinh hoạt phụng vụ trong Giáo Hội được trao phó cho ngài (x. GL 835 §1), chính Giám mục có trách nhiệm quan tâm đến phẩm chất của bánh và rượu dùng trong bí tích Thánh Thể, và cả phẩm cách của những người sản xuất bánh rượu ấy. Để có thể giúp ích cho các Giám mục, thư này sẽ nhắc lại những quy định hiện hành, đồng thời cũng nêu lên một số chỉ dẫn thực hành.

2. Nhìn chung, một số cộng đoàn dòng tu vẫn tiếp tục đảm nhận việc sản xuất bánh và rượu dùng để cử hành bí tích Thánh Thể, tuy nhiên hiện nay, chúng ta gặp thấy bánh lễ rượu lễ cũng được bày bán tại các siêu thị, các cửa hàng và cả trên mạng Internet. Để tránh mọi nghi ngờ về tính thành sự liên quan đến chất thể của bí tích Thánh Thể, Bộ Phụng tự đề nghị các Đấng Bản quyền đưa ra những chỉ thị về vấn đề này, chẳng hạn phải có giấy xác nhận rõ rệt để bảo đảm chất thể của bí tích Thánh Thể.

Đấng Bản quyền cần lưu tâm nhắc nhở các linh mục, đặc biệt các cha xứ và các vị quản nhiệm thánh đường, về trách vụ phải biết rõ những người cung cấp bánh và rượu lễ cũng như phẩm chất xứng hợp của chất thể bí tích.

Đấng Bản quyền cũng phải cung cấp thông tin và nhắc nhở những người sản xuất về yêu cầu phải tuyệt đối tuân thủ các quy định liên quan đến bánh và rượu lễ.

3. Các quy định về chất thể của bí tích Thánh Thể, ghi trong Giáo Luật khoản 924 cũng như trong các số 319-323 của Quy chế tổng quát sách lễ Rôma, đã được giải thích trong Huấn thị Redemptionis Sacramentum của Bộ Phụng tự (25.3.2004):

a. “Hy tế Tạ ơn phải được cử hành với bánh không men, làm từ lúa mì nguyên chất và mới làm để tránh nguy cơ hư hoại. Vì thế, bánh làm bằng chất liệu khác, kể cả từ ngũ cốc, hoặc có pha thêm chất khác ngoài lúa mì với tỉ lệ đến độ, theo ý kiến chung, không thể gọi đó là bánh bột mì,   không là chất thể thành sự để cử hành Hy tế và bí tích Thánh Thể. Việc thêm các chất khác trong quy trình sản xuất bánh dùng trong Thánh lễ, như trái cây, đường hoặc mật ong, là một s ldụng nghiêm trọng. Và dĩ nhiên bánh lễ phải được sản xuất bởi những người không chỉ trổi vượt về tính liêm chính, mà còn có kỹ năng trong lĩnh vực này, và sử dụng các dụng cụ thích hợp” (số 48).          

b. “Hy tế Tạ ơn phải được cử hành với rượu nho tự nhiên, nguyên chất và không bị hư hoại, không pha nguyên liệu nào khác. […] Phải lưu ý bảo toàn phẩm chất của rượu dùng để dâng lễ và không để rượu bị chua. Tuyệt đối cấm sử dụng rượu không đáng tin cậy hoặc không có nguồn gốc rõ ràng, vì Giáo Hội buộc phải có sự chắc chắn về những điều kiện thiết yếu để bí tích thành sự. Không thể nại đến bất kỳ lý do nào để biện minh cho việc sử dụng các loại thức uống khác, bất cứ thức uống nào khác cũng không là chất thể thành sự” (số 50).

4. Bộ Giáo thuyết đức Tin, trong Thư luân lưu gửi các Giám mục Chủ tịch Hội Đồng Giám mục về việc sử dụng bánh với hàm lượng gluten thấp và nước nho ép làm chất thể của bí tích Thánh Thể (24.7.2003, Văn thư số 89/78-17498), đã công bố những quy chuẩn liên quan đến những người, vì nhiều lý do nghiêm trọng khác nhau, không thể hấp thu loại bánh thông thường hoặc rượu lên men theo quy trình bình thường.

a. “Bánh lễ hoàn toàn không có gluten (tinh bột) là chất thể bất thành sự cho việc cử hành bí tích Thánh Thể. Trái lại, vẫn thành sự nếu bánh lễ chỉ bị rút giảm một phần gluten, có hàm lượng gluten vừa đủ để có thể chế biến thành bánh, không chứa những chất liệu khác được pha trộn thêm, và không được chế biến theo những quy trình có thể làm biến đổi bản chất của bánh” (Đề mục 1-2).

b. “Nước ép từ quả nho, còn tươi hoặc được bảo quản theo những phương pháp ngăn lên men không làm biến đổi bản chất của nước nho (chẳng hạn phương pháp đông lạnh), là chất thể thành sự cho việc cử hành bí tích Thánh Thể (Đề mục 3).

c. Các Đấng Bản quyền có thể cho phép từng linh mục hoặc tín hữu sử dụng bánh lễ có hàm lượng gluten thấp hoặc nước nho ép. Phép rộng này có thể được ban dài hạn, bao lâu lý do thủ đắc còn tồn tại (Đề mục 1)

5. Bộ Giáo thuyết đức Tin xác định: chất thể làm bằng những nguyên liệu đã qua biến đổi gen vẫn được xem là chất thể thành sự của bí tích Thánh Thể (x. Thư gửi Bộ trưởng Bộ Phụng tự thánh và Kỷ luật các Bí tích, 9.12.2013, Văn thư số 89/78-44879).

6. Những người làm bánh lễ và sản xuất rượu lễ phải luôn ý thức rằng công việc của họ hướng về bí tích Thánh Thể, điều đó đòi hỏi họ phải liêm chính, có tinh thần trách nhiệm và kỹ năng chuyên môn.

7. Để giúp mọi người tuân thủ những quy chuẩn tổng quát này, các Đấng Bản quyền, nếu xét thấy thuận lợi, có thể hội ý với Hội Đồng Giám Mục để cùng đưa ra những chỉ thị cụ thể. Do tính cách phức tạp của các hoàn cảnh và trường hợp, kể cả thái độ thiếu kính trọng đối với những điều thánh thiêng, có lẽ trong thực tế cần phải đặt người được cấp Thẩm quyền ủy nhiệm, để bảo đảm chắc chắn về phẩm chất xác thực của chất thể bí tích Thánh Thể trong việc sản xuất, đồng thời về tính cách xứng hợp của việc phân phối và kinh doanh các sản phẩm này.

Chúng tôi xin gợi ý cho Hội đồng Giám mục có thể nhờ một hay nhiều Hội Dòng, hoặc một cơ quan thích hợp, để kiểm tra việc sản xuất, bảo quản, kinh doanh bánh lễ và rượu lễ tại một quốc gia nhất định cũng như tại những quốc gia xuất khẩu các sản phẩm này. Tại những địa điểm buôn bán, phải dành sự trưng bày xứng hợp cho bánh và rượu sẽ được dùng để cử hành bí tích Thánh Thể.

Gửi từ Văn phòng Bộ Phụng tự thánh và Kỷ luật các Bí tích,
ngày 15 tháng 6 năm 2017, Lễ Trọng kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô.
Hồng y Robert Sarah
Bộ trưởng
Tổng Giám mục Arthur Roche
Thư ký
[Bản dịch của Uỷ ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam,
 
Bộ Phụng tự thánh và Kỷ luật các Bí tích