05/02/2020
162
ĐTC gửi thông điệp cho lễ khai mạc kỷ niệm 150 năm Rôma




 

Chiều thứ Ba 04.02.2020, nhân dịp Rôma khai mạc lễ kỷ niệm 150 năm, ĐTC Phanxicô đã gửi một thông điệp cho chính quyền và dân thành Rôma. Trong thông điệp, Đức Thánh Cha nhắc lại ba sự kiện quan trọng mà cả Giáo hội Công giáo và người dân Rôma cùng chia sẻ. Từ những sự kiện lịch sử này, ĐTC mời gọi Rôma hãy tiếp tục là nơi của tình huynh đệ, đối thoại đại kết và liên tôn, của hòa bình, nơi cập bến an toàn của người tị nạn.

 

Vatican

Mở đầu thông điệp, Đức Thánh Cha nói đến lịch sử hình thành, phát triển và những thay đổi của Thủ đô Rôma trong 150 năm qua. Từ một môi trường gồm những con người đồng nhất, Rôma đã trở thành một cộng đồng đa sắc tộc, trong đó, tất cả cùng chung sống; bên cạnh cộng đoàn Công giáo, còn có nhiều cộng đoàn với niềm tin tôn giáo khác hiện diện trên mảnh đất này.

Đức Thánh Cha nói trong hành trình lịch sử này, Giáo hội Công giáo đã chia sẻ niềm vui và nỗi buồn với dân Thành Rôma. Đức Thánh Cha đưa ra ba sự kiện cụ thể để nói lên lịch sử chung phong phú này.

Giai đoạn 1943-1944: Giáo hội Rôma là một nơi tị nạn cho người bị bách hại

Sự kiện thứ nhất: Giai đoạn 1943-1944, Đức Quốc xã chiếm đóng thành phố, được ghi dấu bằng nhiều nỗi đau thương với các cuộc săn lùng khủng khiếp nhằm trục xuất, ngăn người Do Thái phát triển. Đức Thánh Cha nói: “Trong giai đoạn này, Giáo hội là một không gian tị nạn cho những người bị bách hại. Từ những thời khắc khó khăn đó, chúng ta rút ra trước hết bài học về tình huynh đệ vững bền giữa Giáo hội Công giáo và Cộng đồng Do Thái”.

Giai đoạn 1962-1965, Công đồng Vatican II

Giai đoạn thứ hai đáng ghi nhớ: Công đồng Vatican II, từ 1962-1965. Thời điểm này, Rôma chào đón các Nghị phụ Công đồng, các Quan sát viên đại kết và nhiều người khác. Đây là dịp Rôma tỏa sáng như một không gian phổ quát, Công giáo, đại kết. Rôma trở thành một kinh thành hoàn vũ của đối thoại đại kết, liên tôn, và hòa bình.

Hội nghị về "tệ nạn Rôma", lắng nghe người nghèo

Một sự kiện cuối cùng Đức Thánh Cha muốn nói đến đó là vào tháng 02 năm 1974, Đức Hồng y Vicario Ugo Poletti đã tổ chức một hội nghị với chủ đề “tệ nạn Rôma”. Tại hội nghị này, tiếng nói của người nghèo và người sống bên lề xã hội được lắng nghe. “Sự kiện này muốn nói lên tính phổ quát của Kinh thành. Rôma phải là nhà của mọi người, điều này cũng phải được thể hiện ngay cả hôm nay”.

Rôma nơi cập bến an toàn

Sau khi nói đến những sự kiện của quá khứ, Đức Thánh Cha nói đến tình hình hiện nay của Rôma. Trước hết, Đức Thánh Cha đề cập về người tị nạn: Đối với người tị nạn, Rôma là một nơi cập bến an toàn. Những người tị nạn nhìn Rôma với nhiều mong đợi và hy vọng hơn là chính dân Rôma mà đôi khi vì quá bận tâm với những vấn đề hàng ngày, nhìn nó với cái nhìn bi quan. Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Rôma phải là một nguồn tài nguyên tuyệt vời cho nhân loại, Rôma là một thành phố có vẻ đẹp độc đáo. Rôma có thể và phải được đổi mới. Điều này khích lệ chúng ta trong cái nhìn hướng đến Năm Thánh 2025 không còn bao xa”.

"Nếu bạn nói chuyện với Rôma, Tình yêu sẽ trả lời bạn"

Đức Thánh Cha tiếp tục với những lời khuyến khích: Chúng ta không thể sống ở Rôma với “cái đầu cúi xuống”, mỗi người trong vòng tròn lẩn quẩn và bổ phận của mình. Nhân dịp kỷ niệm này, chúng ta cần phải có một tầm nhìn chung. Rôma chỉ sống ơn gọi phổ quát của mình hơn, khi nó ngày càng trở nên một thành phố huynh đệ. Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II rất yêu mến Rôma, đã thường trích dẫn một câu nói của của một nhà thơ Ba Lan “Nếu bạn nói chuyện với Rôma, Tình yêu sẽ trả lời bạn”. Đó là tình yêu không làm cho người ta sống cho chính mình, nhưng cho người khác và với người khác.

Tiếp đến Đức Thánh Cha nhắc lại những lời của Đức Thánh Giáo hoàng Phaolô VI về sự hiệp nhất mà Rôma cần phải có. Như thế Rôma sẽ là nơi thúc đẩy sự hiệp nhất và hòa bình trên thế giới. Và đó chính là giấc mơ mà cần phải gợi hứng cho giới trẻ.

Rôma, thành phố của các cuộc gặp gỡ

Kết thúc thông điệp Đức Thánh Cha viết: “Chúng ta kỷ niệm 150 năm Kinh thành Rôma, một lịch sử lâu dài và ý nghĩa. Thường thì sự lãng quên lịch sử sẽ dẫn đến thiếu niềm hy vọng cho một ngày mai tốt đẹp hơn và thiếu dấn thân xây dựng nó. Đón nhận ký ức về quá khứ thúc đẩy chúng ta sống một tương lai chung. Rôma sẽ có tương lai nếu chúng ta chia sẻ tầm nhìn về một thành phố toàn diện, huynh đệ mở ra thế giới. Trên trường quốc tế đầy những xung đột, Rôma có thể là một thành phố gặp gỡ: Rôma nói về thế giới của tình huynh đệ, hòa giải và hòa bình”. (CSR_639_2020).

Ngọc Yến

(Nguồn: RV)