16/07/2019
782
Giáo dục các đức tính nhân bản cho thanh thiếu niên bằng những câu chuyện_Dũng
















 

GIÁO DỤC CÁC ĐỨC TÍNH NHÂN BẢN CHO THANH THIẾU NIÊN

BẰNG NHỮNG CÂU CHUYỆN

 

DŨNG

 

1. Lời Chúa

Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho họ giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng. (Is 50,6-7)

Sách tiên tri Isaia đã nói trước về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, về tình yêu và sự dũng cảm cao độ. Đức Giêsu xứng đáng là Vua mọi tâm hồn.

 

2. Dũng là gì?

Dũng là thói quen tập trung ý chí và vận dụng sức mạnh tinh thần vào một mục đích đã định, quyết tâm vượt mọi trở ngại. Người có Dũng là người có nghị lực kiên cường, biết làm chủ lấy mình trong mọi tình huống, luôn hành động theo lý trí, quyết tâm theo đuổi mục tiêu đến cùng. Ngược lại với dũng là luôn thay đổi, chán nản, không bền lòng bền chí. Muốn tập chữ DŨNG cần rèn luyện tự chủ và cương nghị.

Tự Chủ là làm chủ lấy mình, khắc phục mọi lo âu sợ hãi, mọi dục vọng bất chính của mình. Người tự Chủ là con người luôn tỉnh táo khi đứng trước tình thế nguy nan, không lộ vẻ lo sợ, bối rối, buồn bã hay cuống cuồng.

- Tự chủ trong lời nói: Người tự chủ thì trầm tĩnh, chỉ nói khi phải nói, nói cách thận trọng, không nói quá lời.

- Tự chủ con tim: Người tự chủ thì phải nhân từ, khoan dung, không để cho sở thích hay tính đố kỵ điều khiển mình.

- Tự chủ trong ý chí: Là người có khả năng chế ngự dục vọng xấu và tính nóng nảy, điều khiển được ngôn ngữ, phản ứng và tâm tình của mình. Người tự chủ luôn giữ được sự thăng bằng trong tâm trí, sau khi đã suy nghĩ cẩn thận, và trấn áp được cảm xúc, còn diện mạo cử chỉ thì trầm tĩnh.

- Ích lợi của tự chủ: Người tự chủ luôn điều khiển được sinh hoạt của mình: Lời nói, cử chỉ, thái độ, suy nghĩ và hành động. Tất cả đều nhờ lý trí hướng dẫn và ý chí điều khiển. Họ dạt dào tình cảm, nhưng không nô lệ chúng. Họ dồi dào tưởng tượng và đam mê, nhưng luôn hành động có ý thức và cương quyết.

Còn người không biết tự chủ, thì tâm trí mê muội, mặc cho dục vọng, tính xấu triển nở, vì giận mất khôn, lo quá nên rối trí, mừng quá sinh ảo tưởng. Nhờ tự chủ, tinh thần càng được phấn khởi, ý chí càng đanh thép vươn lên và vượt thắng mọi trở lực.

- Luyện tập tự chủ: Ngoài những cách thức siêu nhiên như cầu nguyện, hy sinh, lãnh các bí tích… Ta nên luyện tập sự trầm tĩnh, luyện tập suy nghĩ và tích cực đọc sách.

- Luyện tập Trầm tĩnh: Tục ngữ có câu: Im lặng là vàng, thật đúng trong trường hợp này. Lúc bị dao động ta nên dừng lại một thời gian im lặng. Đừng làm gì cả, đừng ra điệu bộ, giậm chân, múa tay… đó gọi là trầm tĩnh.

Đừng giãi bày tâm sự, đừng quyết định điều gì, đợi khi tâm não lấy lại quân bình, ta mới quyết định. Vì khi bị xúc động mạnh, dễ lôi cuốn quyết định một cách bồng bột. Có im lặng bên ngoài, bên trong dễ suy nghĩ, tâm não quân bình và phán đoán mới chính xác.

- Luyện tập Suy nghĩ: Khi bị dao động mạnh, ý chí dễ bị thiên lệch, nên cần có lý trí soi sáng để suy nghĩ và có hành động hợp lý. Ta cần dừng lại để suy nghĩ: Nguyên nhân kích thích cảm xúc đến từ đâu? Tìm cách đối phó tức khắc hay chờ đợi? Nên nhớ: Thời gian là thầy dạy khôn ngoan.

- Tích cực Đọc sách: Cần chọn vài loại sách có công dụng luyện tập tự chủ, chẳng hạn như: Loại sách danh nhân, danh ngôn, lịch sử, hạnh các thánh.

Cương nghị: Là khi đã quyết định thi hành một công việc nào, thì quyết tâm làm và nỗ lực làm tới cùng. Việc gì thấy cần thì quyết tâm làm và khi đã quyết tâm làm thì làm cho tới cùng. (Benjamin Franklin)

- Người cương nghị: Trước khi bắt tay vào việc, họ suy nghĩ đắn đo, cân nhắc lợi hại, rồi sau đó tiến hành công việc cho đến khi hoàn tất chu đáo.

- Người thiếu cương nghị: Cũng suy nghĩ đắn đo, cân nhắc lợi hại, nhưng lúc bắt tay vào việc, họ phân vân, vừa muốn lại vừa thôi. Kết cục làm lôi thôi, dang dở.

- Tai hại do thiếu cương nghị: Không thể hoàn thành công việc. Luôn thay đổi, không hoàn thành nhiệm vụ đã được giao phó.

- Luyện tập cương nghị: Muốn có cương nghị, ta cần rèn ý chí: Tập suy xét cẩn thận, và quyết định làm việc gì thì làm đến cùng. Tập quyết định từ những việc nhỏ, đừng bao giờ khinh thường việc nhỏ vì: quyết định vẫn hơn xác định. Tập đừng hối tiếc khi đã quyết định, đã thi hành.

 

3. Câu chuyện minh họa:

TÔI MUỐN CHẾT THAY CHO MỘT NGƯỜI

 

Trong trại tù Đức Quốc Xã ở Balan vào năm 1941, có một tù nhân vượt ngục ở khám số 14. Fritsch, tên giám thị trại tù lên tiếng: Tên vượt ngục chưa tìm thấy. 10 người khác phải chết thay. Lần thứ hai sẽ phải là 20 người. Sau đó y đưa tay chỉ: Tên này.

Lập tức Palitsch, cộng sự viên của y ghi số đó vào sổ tử, vì ở trại Oswiecim tù nhân được tiêu biểu bằng con số. Mặt tái mét, các tội nhân lần lượt bước ra khỏi hàng. Fritsch tiếp tục chọn: Tên này, tên kia, tên kia nữa…

Bây giờ đủ 10 người rồi, 10 tội nhân sẽ chết thay cho kẻ vượt ngục. Trong số họ, có một người còn trẻ, lúc bước ra khỏi hàng đã thốt ra một câu làm cho những người chung quanh phải chú ý: Ôi! Vợ dại, con thơ của tôi, từ đây tôi sẽ không được gặp lại họ bao giờ nữa.

10 tử tội được lệnh tiến về khám tử, khám số 13. Giữa lúc không ngờ, một người rẽ đám đông đi ra. Mọi người bỡ ngỡ. Có tiếng xì xèo qua các hàng: Cha Kolbe đấy! Cha Maximilian Kolbe đấy.

Fritsch giật mình, y sờ khẩu súng lục đeo sau lưng, rồi lùi lại một bước đề phòng, đồng thời y hô to: Đứng lại! Đồ con lợn Ba Lan, mi định hạ sát ta ư?

Cha Kolbe không chuyển động, cha vẫn đứng đối diện với y, nét mặt bình tĩnh, đôi môi nhẹ nở nụ cười: Tôi muốn chết thay cho 1 trong 10 người này.

Bỡ ngỡ, Fritsch nhìn cha. Con người ấy giờ đây như bị thôi miên trước cái nhìn thấu suốt của cha Kolbe. Fritsch sợ sệt hỏi: Tại sao?

Đấy là câu hỏi tò mò. Trong đầu cha chợt nảy ra một ý nghĩ để nắm lấy phần thắng lợi. Theo luật tập trung trong trại tù Đức Quốc Xã thì các người già yếu phải bị thanh toán trước, nên cha vội trả lời: Tôi già yếu, đời tôi vô dụng. Mi muốn chết cho ai? Fritsch hỏi.

Cha Kolbe trả lời: Cho người có vợ dại con thơ. Vừa nói, cha vừa trỏ vào trung sĩ Francois Gajowniczek trẻ tuổi. Trước cử chỉ anh hùng ấy, máu độc ác của Fritsch dịu đi, nhường chỗ cho tính tò mò. Y muốn tìm hiểu cha Kolbe, nên hỏi: Ông là ai? Cha trả lời: Tôi là linh mục Công giáo. Được! Đi cùng với bọn chúng. Fritsch ra lệnh.

Từ giây phút ấy, người ta thấy Fritsch trầm lặng, không nguyền rủa và thóa mạ như trước nữa. Cha Kolbe nhẹ nhàng mấp máy môi cầu nguyện cho những người chịu chết với cha, cho những ai còn sống, nhất là cho Fritsch.

Palitsch cầm sổ lấy bút xóa một số và thay vào bằng con số khác, con số của cha Kolbe: 16.670. Chàng thanh niên mà tên vừa được xóa khỏi sổ tử, vui như điên. Anh có cảm tưởng mình vừa được sinh lại. Nhưng người mẹ lần này chính là cha Kolbe.

Chiều ngày 14.08.1941, cha bị tiêm liều thuốc kết liễu cuộc đời trong trại giam.

Ngày 10.10.1982, cha Maximilian Kolbe đã được phong Hiển thánh bởi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và có sự hiện diện của trung sĩ Francois Gajwniczek, người được cứu sống bởi vị tân hiển thánh.

 

LÀM VỠ 99 CHIẾC BÌNH

 

Vua nước Nhật có 100 chiếc bình cổ quý giá. Một vị quan đại thần sơ ý làm vỡ một chiếc. Vua sai quân đem đi chém đầu. Một vị quan đại thần khác thấy vậy, liền đến bên chiếc tủ chứa đựng các bình ấy, lấy vai đẩy chiếc tủ, cả 99 chiếc bình đều rơi vỡ tan tành. Vua giận như điên, trước khi trị tội vua hỏi: Tại sao khanh cả gan làm chuyện điên rồ đó?

Vị đại thần đáp: Hạ thần thấy vì làm vỡ một chiếc bình, mà bệ hạ sai giết một tôi trung, thế thì 99 chiếc còn lại, sẽ làm chết 99 người nữa. Nên thần xô cho vỡ hết, để chỉ một mình thần chết mà thôi.

Vua nghe nói tỉnh ngộ, tha cho cả hai người.

Dũng cảm, ý chí, cương nghị và khôn ngoan sẽ góp phần mang lại bình an và thành công trong cuộc sống. Đó là nhân đức hết sức cần thiết, mà các bậc phụ huynh cần hướng dẫn, luyện tập cho con cái của mình ngay từ tuổi thơ ấu của các em. Đức Dũng sẽ giúp con người đứng vững giữa muôn vàn thử thách gian truân của cuộc sống hôm nay.

 

Ban Văn hóa Giáo dục – Giáo phận Mỹ Tho