24/02/2020
295
Thánh lễ ĐTC Phanxicô tại Bari: sự cực đoan của tình yêu


 

 

Vatican News

Đức Thánh Cha đã dâng Thánh Lễ Chúa Nhật VII thường niên. Khởi đầu bài giảng, Đức Thánh Cha trích từ bài đọc của ngày, Tin Mừng theo thánh Matthêu 5,38-48.

Bài giảng Thánh Lễ

Chúa Giêsu đã trích dẫn luật xưa về việc “mắt đền mắt, răng đền răng”, để thấy rằng: ai lấy của anh cái gì thì anh lấy lại của anh ta cái đó. Đây là một tiến bộ để người ta không đáp trả người làm tổn thương mình bằng một hành động tồi tệ hơn. Tuy nhiên, Chúa Giêsu còn đi một bước xa hơn: “Còn Thầy, Thầy bảo rằng đừng chống cự người ác” (Mt 5,39).

Đức Thánh Cha tự đặt câu hỏi: Mà lạy Chúa, làm thế nào được? Nếu một ai đó nghĩ xấu về con, nếu ai đó làm tổn thương con, con không thể trả lại bằng chính hành động đó sao? “Không”, Chúa Giêsu nói rằng: không bạo lực.

Chúng ta có thể nghĩ giáo huấn của Chúa Giêsu để theo đuổi một chiến lược: cuối cùng kẻ ác sẽ từ bỏ thôi. Nhưng đây không phải là lý do khiến Chúa Giêsu đòi phải yêu ngay cả kẻ làm hại mình. Lý do của Ngài là: Chúa Cha, Cha chúng ta, luôn yêu thương mọi người, ngay cả khi không được đáp lại. Ngài “cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.” (c. 45). Và hôm nay, trong Bài đọc 1, Ngài nói với chúng ta: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh!” (Lv 19,2).

Do đó, nếu chúng ta muốn trở thành môn đệ của Chúa Kitô, nếu chúng ta muốn gọi mình là Kitô hữu, thì đây chính là con đường, không có con đường khác. Được Chúa yêu, chúng ta cũng được mời gọi yêu; được tha thứ, chúng ta được mời gọi thứ tha; được đụng chạm bởi tình yêu, chúng ta được mời gọi trao tình yêu mà không chờ người khác bắt đầu.

Chúng ta có thể nói: “Chúa Giêsu cường điệu khi nói: ‘Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ anh em’ (Mt 5,44); Ngài nói như thế để khơi nên sự chú ý thôi, nhưng có lẽ Ngài không thực sự có ý đó.” Ngược lại, Ngài muốn nói như vậy. Ở đây Chúa Giêsu không nói để tạo nên nghịch lý, Ngài không chơi chữ. Ngài nói trực tiếp và rõ ràng. Ngài trích dẫn luật xưa và long trọng nói: “Còn Thầy, Thầy nói với anh em: hãy yêu kẻ thù”. Đây là những lời chủ ý và chính xác.

Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ bách hại anh em. Đó là sự mới mẻ Kitô giáo. Đó là sự khác biệt Kitô giáo. Cầu nguyện và yêu thương là những gì chúng ta phải làm; và không chỉ với những người yêu thương chúng ta, không chỉ với bạn bè hay dân tộc của chúng ta. Bởi vì tình yêu của Chúa Giêsu không có ranh giới. Chúa yêu cầu chúng ta can đảm với một tình yêu không tính toán. Đã bao lần chúng ta bỏ qua lời yêu cầu của Ngài, hành động như mọi người khác! Mệnh lệnh yêu thương không phải đơn giản là một sự hô hào, nhưng là cốt lõi của Tin Mừng. Chúa đòi chúng ta sự cực đoan của tình yêu. Điều cực đoan Kitô giáo duy nhất hợp lệ là sự cực đoan của tình yêu.

Anh em hãy yêu kẻ thù. Chúng ta tự hỏi: Tôi bận tâm về điều gì trong cuộc sống: về kẻ thù, về người tôi muốn xử xấu với họ? Hay về việc yêu? Đừng bận tâm về sự xấu xa của người khác, của những người nghĩ xấu về bạn. Thay vào đó, hãy bắt đầu bỏ vũ khí nơi trái tim vì tình yêu Chúa Giêsu. Bởi vì bất cứ ai yêu Chúa đều không có kẻ thù trong lòng. Thờ phượng Thiên Chúa là đối nghịch với văn hóa thù hận.

Chúa Giêsu biết nhiều điều không ổn, Ngài biết rằng sẽ luôn có một ai đó muốn điều xấu cho chúng ta, thậm chí bách hại chúng ta. Nhưng Ngài chỉ yêu cầu chúng ta cầu nguyện và yêu thương. Đây là cuộc cách mạng của Chúa Giêsu, vĩ đại nhất trong lịch sử. Nếu chúng ta thuộc về Chúa Giêsu, thì đây là con đường, không có con đường khác.

Nhưng bạn có thể phản đối: “Tôi hiểu sự vĩ đại của điều lý tưởng, nhưng cuộc sống là chuyện khác! Nếu tôi yêu và tha thứ, tôi không tồn tại nỗi trong thế giới này, nơi logic của sức mạnh chiếm ưu thế và dường như mọi người chỉ nghĩ cho mình”. Do đó, logic của Chúa Giêsu là một kẻ thua cuộc? Là kẻ thua cuộc trong mắt thế gian, nhưng là người chiến thắng trong mắt Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã nói với chúng ta trong bài đọc thứ hai: “Đừng ai lừa dối mình. Vì sự khôn ngoan của thế gian này là sự dại dột trước mặt Thiên Chúa” (1Cr 3,18-19). Chúa thấy xa hơn, Ngài biết chiến thắng thế nào. Ngài biết chỉ có thể chiến thắng cái ác bằng cái thiện. Ngài đã cứu chúng ta không phải bằng gươm giáo, nhưng bằng thánh giá. Yêu thương và tha thứ là sống như người chiến thắng.

Chúng ta sẽ thua nếu bảo vệ đức tin bằng vũ lực. Chúa cũng sẽ lặp lại với chúng ta những lời mà Ngài nói với Phêrô trong vườn Gethsemani: “Bỏ gươm lại vào vỏ” (Ga 18,11). Nơi những Gethsemani ngày nay, nơi thế giới thờ ơ và bất công, Kitô hữu không thể làm như những môn đệ, những người đầu tiên cầm gươm rồi sau đó chạy trốn. Không, giải pháp không phải là rút gươm chống lại ai đó và thậm chí cũng không phải là chạy trốn khỏi thời đại mà chúng ta sống. Nhưng giải pháp là con đường của Chúa Giêsu: tình yêu tích cực, tình yêu khiêm nhường, tình yêu “đến cùng” (Ga 13,1).

Chúng ta có thể tự hỏi: “chúng ta có làm được không?”. Nếu mục đích là không thể, thì Chúa đã không yêu cầu chúng ta đạt đến. Chúng ta cầu xin Chúa ban sức mạnh để yêu thương, hãy nói với Ngài: “Lạy Chúa, xin giúp con yêu thương, và dạy con tha thứ. Con không thể làm điều đó một mình, con cần Chúa.”

Chúng ta rất thường xin giúp đỡ và tạ ơn vì chúng ta, nhưng chúng ta ít xin để biết cách yêu! Như lời của thánh Gioan Thánh Giá: “Vào lúc chiều tối của cuộc đời, chúng ta sẽ bị phán xét về tình yêu” (Thánh Gioan Thánh Giá, Lời của ánh sáng và tình yêu, 57). Hôm nay chúng ta chọn tình yêu, ngay cả phải trả giá, ngay cả lội ngược dòng.

Kinh Truyền Tin sau Thánh Lễ

Kết thúc Thánh Lễ, Đức Thánh Cha cùng đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu. Trước khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha kêu gọi:

Anh chị em thân mến, trong khi chúng ta đang tụ họp nơi đây để cầu nguyện và suy ngẫm về hòa bình và số phận của các dân tộc vùng Địa Trung Hải, thì ở phía bên kia biển, đặc biệt phía tây bắc Syria, một thảm kịch mênh mông đang diễn ra. Từ trái tim của các mục tử, tiếng kêu được gióng lên đối với các thành phần liên quan và với cộng đồng quốc tế, để làm im đi tiếng ầm ĩ của vũ khí và để lắng nghe tiếng khóc của những trẻ thơ và những người không được bảo vệ; để bảo vệ cuộc sống của thường dân và nhiều trẻ em vô tội hiện đang gánh chịu hậu quả của chiến tranh.

Văn Yên, SJ

(Nguồn: RV)