10/02/2022
948
Ủy Ban Giáo Dân: Các bài thường huấn tháng 02-2022_Bài 1
























 

CÁC BÀI THƯỜNG HUẤN THÁNG 02-2022
 

BAN NGHIÊN HUẤN

UỶ BAN GIÁO DÂN TRỰC THUỘC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

BIÊN SOẠN



 

BÀI I

Thái độ cần có khi tham gia tiến trình hiệp hành

1. Lắng nghe

Tiến trình hiệp hành là một tiến trình thiêng liêng đặt trên nền tảng Đức tin. Việc tham vấn ý kiến không phải là thu thập dữ liệu, cũng không phải trưng cầu dân ý, càng không phải là những cuộc họp thảo luận mang tính nghị trường, nhưng việc tham vấn ở đây thể hiện tính hiệp hành trong một sợi chỉ xuyên suốt: hiệp thông, tham gia và sứ vụ.

Khởi sự của tiến trình này chính là lắng nghe nhau. Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra nhận định: “Chúng ta phải nhìn nhận rằng, sở dĩ một phần các tín hữu đã rửa tội của chúng ta thiếu ý thức thuộc về Hội Thánh, đó cũng là do một số cơ cấu và một số bầu khí thiếu thân thiện cởi mở tại một số giáo xứ và cộng đồng của chúng ta, hoặc cũng do tính quan liêu trong cách xử lý các vấn đề đơn sơ hay phức tạp trong đời sống các tín hữu của chúng ta. Tại nhiều nơi, phương thức quản trị lấn lướt phương thức mục vụ, cũng như sự tập trung vào việc ban các Bí tích tách rời với các hình thức truyền giáo khác.

Trong cuộc đối thoại cần phải có, yếu tố lắng nghe là yếu tố thiết yếu để khơi mở cho cuộc canh tân hoán cải chính mình. Chúng ta lắng nghe nhau, lắng nghe truyền thống đức tin của chúng ta và lắng nghe các dấu chỉ thời đại để nhận biết những gì Chúa đang nói với chúng ta[1]. Đức Giáo Hoàng Phanxicô mô tả hai mục đích tương thuộc của tiến trình lắng nghe là: “Lắng nghe Thiên Chúa, để cùng với Ngài chúng ta có thể nghe thấy tiếng kêu của Dân Ngài; lắng nghe Dân Ngài cho đến khi chúng ta hòa hợp với ý muốn mà Thiên Chúa kêu gọi chúng ta đón nhận ý muốn đó”[2]. Lắng nghe để đi ra khỏi chính mình, khỏi lâu đài ích kỷ của “cái tôi” hầu kiến tạo mối tương giao với người khác, những người chúng ta thích và những người xa lạ cũng như người đối nghịch với chúng ta. Chúng ta lắng nghe những người cùng quan điểm và không cùng quan điểm, và đặc biệt trong tiến trình hiệp hành này yêu cầu chúng ta cần phải quan tâm và lắng nghe những người mà chúng ta xem thường, những kẻ như bị lãng quên trong các mối tương giao của chúng ta.

a- Lắng nghe tiếng Chúa

Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, tiến trình hiệp hành không phải thu thập ý kiến, không phải cuộc điều tra, nhưng là một hành vi đức tin vì thế, trước tiên phải cầu nguyện để nghe tiếng Chúa: chúng ta phải lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần đang hoạt động trong Giáo Hội. Lắng nghe tiếng Chúa để “hiểu thấu được sự hiện diện của Người, nhận ra đường đi và hơi thở ban sự sống của Người”[3].

Không lắng nghe được tiếng Chúa không thể nào khởi sự tiến trình hiệp hành theo đúng hướng đi của Đức Thánh Cha khi khai mở Thượng Hội Đồng lần thứ XVI. Bởi Ý nghĩa cuộc hành trình mà tất cả chúng ta được mời gọi thực hiện, trước hết, chính là ý nghĩa hành trình tái khám phá khuôn mặt và hình thức của một Hội Thánh hiệp hành, trong đó mỗi người đều có điều gì đó để học biết... Trong hành trình cùng nhau cất bước, chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta khám phá ra rằng việc hiệp thông, vốn kết hiệp các ân ban, đặc sủng, và tác vụ khác nhau lại, là để thi hành sứ vụ: Hội Thánh hiệp hành là Hội Thánh ‘ra đi’, Hội Thánh truyền giáo là ‘Hội Thánh luôn mở rộng cửa’”[4].

b- Lắng nghe nhau

Tại cuộc gặp gỡ phái đoàn đông đảo đại diện cho Giáo phận Rôma tại đại sảnh Phaolô VI vào ngày 18.09.2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về tiến trình hiệp hành: “Hành trình này được quan niệm như một năng động tính của việc lắng nghe lẫn nhau, tôi muốn nhấn mạnh điều này: một năng động tính của việc lắng nghe lẫn nhau, được thực hiện ở mọi bình diện của Giáo Hội, bao gồm toàn bộ Dân Chúa. Đức Hồng Y Đại Diện và các Giám Mục Phụ Tá phải lắng nghe nhau, các linh mục phải lắng nghe nhau, các tu sĩ phải lắng nghe nhau, giáo dân phải lắng nghe nhau. Và sau đó, mọi người cùng lắng nghe nhau. Lắng nghe chính anh chị em; nói chuyện và lắng nghe nhau”[5].

Đây là điểm mới của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới: Mọi tín hữu đều được mời gọi phát biểu, đóng góp ý kiến. Đức Phanxicô kêu gọi: “Anh chị em sẽ phải cố gắng tự phát biểu, trên con đường hiệp hành này. Nếu không có Chúa Thánh Thần, thì đó sẽ là một hội nghị giáo phận, chứ không phải là Thượng hội đồng. Chúng ta không lập hội nghị giáo phận, chúng ta không nghiên cứu điều này hay điều khác, không: chúng ta đang thực hiện một cuộc hành trình lắng nghe lẫn nhau và lắng nghe Chúa Thánh Thần, thảo luận và cùng thảo luận với Chúa Thánh Thần, vốn là một cách cầu nguyện”[6].

Thế nhưng để có thể lắng nghe nhau, đòi hỏi chúng ta phải noi theo Đức Kitô bài học về sự hiền lành và khiêm nhường. Bởi sự lắng nghe là lời mời gọi đi ra khỏi chính mình, khỏi tính tự ái kiêu căng. Một cuộc hành trình đi ra khỏi chính mình để lắng nghe người khác chính là chúng ta đang nói với người khác, lời được cất lên trong thinh lặng nơi môi miệng, và được nói ra từ tâm trí của sự thấu hiểu với thái độ tôn trọng, và nhã nhặn, đây là tiếng nói của trái tim mà âm vang của nó được phát ra từ tấm lòng khiêm cung.

Cuối cùng là học cách lắng nghe trong sự kiên nhẫn. Đức Phanxicô trong bài giảng Thánh lễ khai mạc Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị đã nói: “Chúng ta có giỏi lắng nghe không? ‘Thính giác’ của trái tim chúng ta tốt đến mức nào? Chúng ta có cho phép mọi người bộc lộ bản thân, bước đi trong đức tin dù họ gặp khó khăn trong cuộc sống, và trở thành một phần của đời sống cộng đồng mà không bị cản trở, từ chối hoặc phán xét không? Học cách lắng nghe lẫn nhau là một bài tập chậm và có lẽ mệt mỏi... Chúng ta đừng làm cách âm trái tim chúng ta; nhưng phải làm sao để chúng ta không bị bao vây trong những điều chắc chắn của chúng ta. Quá thường là những điều chắc chắn của chúng ta có thể khiến chúng ta đóng cửa. Chúng ta hãy lắng nghe lẫn nhau”[7].

2. Biện phân

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh: “Thượng Hội Đồng là một tiến trình của sự phân định tâm linh, sự phân định của Giáo Hội, diễn ra trong sự tôn thờ, trong cầu nguyện và đối thoại với Lời Chúa. Lời Chúa hiệu triệu chúng ta đến với sự phân định và mang lại ánh sáng cho quá trình đó. Lời Chúa hướng dẫn Thượng Hội Đồng, ngăn không cho nó trở thành một đại hội của Giáo Hội, một nhóm học tập hay một cuộc tụ họp chính trị, một quốc hội, nhưng đúng hơn là một sự kiện đầy ân sủng, một tiến trình chữa lành được hướng dẫn bởi Thánh Linh. Trong những ngày này, Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta, như đã từng kêu gọi người đàn ông giàu có trong Tin Mừng, hãy trút bỏ chính mình, hãy giải thoát mình khỏi tất cả những gì thuộc về thế gian, kể cả những mô hình mục vụ hướng nội và hướng ngoại của chúng ta; và tự hỏi Chúa muốn nói gì với chúng ta trong thời điểm này, và hướng đi nào Chúa muốn dẫn dắt chúng ta”.[8]

Dĩ nhiên việc biện phân cũng đòi hỏi một sự can đảm loại bỏ định kiến in sâu trong trí não chúng ta. Bởi định kiến là chìa khoá khoá chặt tâm hồn không cho phép chúng ta mở rộng lòng để lắng nghe người khác. Định kiến luôn có sẵn một khuôn đúc, và nó không chấp nhận bất cứ một quan điểm nào khác với cái khuôn đúc có sẵn đó. Định kiến cũng là hố sâu chôn vùi tiếng nói của Chúa Thánh Thần, và làm cho Giáo Hội mất đi khả năng đối thoại với người khác. Đức Phanxicô trong bài nói chuyện với hơn 30 ngàn tín hữu tại Quảng trường thánh Phêrô vào thứ Tư ngày 23.10.2019 đã nhấn mạnh: “Qua sách Tông Đồ Công Vụ ta thấy nổi bật bản chất của Giáo Hội, không phải là một pháo đài, nhưng là một cái lều có khả năng mở rộng không gian của mình, và để mọi người có thể đến được. Giáo Hội hoặc ra đi ra ngoài hoặc không phải là Giáo Hội, là ‘một Giáo Hội với những cánh cửa mở rộng’, ‘được kêu gọi luôn luôn là nhà mở rộng của Chúa Cha. [...] Vì thế nếu có ai muốn theo sự thúc đẩy của Thánh Linh và đến gần, tìm kiếm Thiên Chúa, thì họ không gặp cánh cửa khép kín lạnh lùng’”[9]. Vâng, định kiến giết chết tình yêu mà Chúa Kitô muốn mọi môn đệ của Người phải thi hành: yêu thương hết mọi người ngay cả kẻ thù.

Tiến trình hiệp hành trong việc đối thoại cần loại bỏ các thành kiến và khuôn mẫu sẵn: Chúng ta có thể bị trì trệ bởi những yếu đuối và tội lỗi của mình. Bước đầu tiên để lắng nghe là giải phóng trí óc và con tim khỏi những thiên kiến và khuôn mẫu dẫn vào đường lầm, đưa đến u mê và chia rẽ[10].

3. Phát biểu

Trong cuộc hành trình này của Dân Thiên Chúa với các vị chủ chăn của mình, trong tiến trình Thượng Hội Đồng, mọi người đều tham gia, mỗi người tùy theo chức năng của mình - Dân Thiên Chúa, Hội đồng Giám mục, Giám mục Rôma... Giáo hội tiến bước trên con đường của mình dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh. Chúng ta không được giấu giếm sự thật rằng, có lẽ trong quá khứ, đã quá chú trọng đến sự hiệp thông phẩm trật, đến mức nảy sinh ý tưởng rằng sự hiệp nhất trong Giáo Hội chỉ có thể đạt được bằng cách củng cố thẩm quyền của hàng giáo sĩ... Tuy nhiên, đó không thể là cách sống thông thường của sự hiệp thông trong Giáo Hội, vốn đòi hỏi sự tuần hoàn, có đi có lại, đồng hành với nhau liên quan đến các chức năng khác nhau của Dân Thiên Chúa. Do đó, hiệp thông trở thành sự tham dự của tất cả mọi người vào đời sống của Giáo hội, mỗi người tùy theo tình trạng và chức năng cụ thể của mình. Quy trình Thượng Hội Đồng chứng minh điều này rất rõ ràng[11]

Như vậy, toàn thể Dân Chúa được mời gọi tham gia vào tiến trình của Thượng hội đồng như là chủ thể của đời sống Giáo Hội, do đó mỗi người cần phải phát biểu với ý thức về việc đồng trách nhiệm trong việc xây dựng Hội Thánh Chúa. Tiến trình hiệp hành tiến tới Thượng Hội Đồng luôn cần đến sự tham vấn của mọi thành phần Dân Chúa, mỗi người cần phải thể hiện tính công giáo mà mình “là” Nhờ đặc tính công giáo ấy, mỗi phần tử mang những ân huệ riêng của mình đến cho các phần tử khác và cho toàn thể Giáo Hội, để tất cả và mỗi người được vững mạnh nhờ cùng chia sẻ mọi sự và cùng hiệp lực đạt đến tình trạng viên mãn trong tình hiệp nhất”[12] .

Điểm chính yếu của việc phát biểu là chia sẻ kinh nghiệm qua việc lắng nghe Lời Chúa và lắng nghe nhau, từ đó đưa tới một hành động thiết thực mang lại lợi ích cho việc loan báo Tin Mừng. “Như Phêrô đã được biến đổi bởi kinh nghiệm của ngài với Cornêliô, chúng ta cũng phải để chính mình được biến đổi bởi những gì Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta. Với Tiến trình hiệp hành, Thiên Chúa dẫn dắt chúng ta trên con đường hoán cải thông thường đó là qua những gì chúng ta cùng nhau trải nghiệm. Thiên Chúa thường đến với chúng ta qua người khác và Ngài đến với người khác qua chúng ta theo những nẻo đường bất ngờ”.[13]

Theo sự chỉ dẫn của cẩm nang cho Thượng Hội Đồng Giám mục về tính hiệp hành, việc chia sẻ kinh nghiệm không chỉ gói gọn trong những cảm nghiệm tích cực mà còn cho thấy những trải nghiệm mang tính thách thức và tiêu cực. Trong việc phát biểu cũng nên truyền đạt điều gì đó về kinh nghiệm của cuộc hiệp hành: thái độ của những người tham dự, niềm vui và những thách thức khi cùng nhau phân định[14].

Kết

Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI mong muốn Dân Chúa thể hiện vai trò đồng trách nhiệm trong đời sống của Hội Thánh như là chủ thể được biểu tỏ trong các cuộc tham vấn qua tiến trình hiệp hành. Trong việc tham vấn này Đức Giáo Hoàng Phanxicô ước mong mọi người được nói và được lắng nghe, bởi sự lắng nghe chính là tiến trình hoán cải mục vụ của Giáo Hội. Trong tiến trình hiệp hành đòi hỏi người tham dự phải biểu lộ sự tin tưởng, thẳng thắn và can đảm “bước vào chân trời mở rộng của Thiên Chúa" để "bảo đảm cho một bí tích hợp nhất hiện diện trong thế giới và nhờ đó, con người không bị buộc phải phân tán và nhầm lẫn”.[15]

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã minh định: “cùng nhau tiến bước là con đường cấu thành ra Giáo Hội; là hình tượng cho phép chúng ta giải thích thực tại bằng con mắt và trái tim của Thiên Chúa; là điều kiện để theo chân Chúa Giêsu và là tôi tớ phục vụ sự sống trong thời bị thương tích này. Hơi thở và nhịp độ của Thượng Hội Đồng cho thấy chúng ta là gì, và sự năng động của hiệp thông vốn làm sinh động các quyết định của chúng ta; chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể thực sự đổi mới thừa tác vụ mục vụ của mình và thích nghi nó với sứ mệnh của Giáo Hội trong thế giới ngày nay”.[16] Vì thế mỗi người cần ý thức trách nhiệm và chỗ đứng của mình đối với Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI, để thái độ tham gia của chúng ta thể hiện trọn vẹn tâm tình mến yêu Giáo Hội cách chân thành, qua việc chúng ta thực hiện sự hiệp hành đúng theo tinh thần mà Đức Thánh Cha đã đề ra.

 

Lm. Antôn Hà Văn Minh

 

 

 

 

 

 

 

 


[1] Cẩm nang cho Thượng Hội Đồng về tính Hiệp hành, số 2.2.

[2] Đức Phanxicô, Diễn từ Mừng kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập Thượng Hội Đồng Giám Mục (17.10.2015).

[3] Nt

[4] Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội Đồng Giám Mục lầ thứ XVI (2021-2023), số 15.

[5] Đức Phanxicô, Bài nói chuyện với Giáo Phận Roma ngày 18-9- 2021, bản tiếng việt do Vũ Văn An chuyển ngữ Nguồn: http://www.vietcatholicnews.net/News/Home/Article/271325

[6]Nt

[7] Đức Thánh Cha Phanxicô, Bài giảng trong Thánh lễ khai mạc Thượng Hội Đồng về tính Hiệp hành ngày 10-10-2021 tại Roma, Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An nguồn: Vietcatholic News 10/Oct/2021

[8] Nt

[9] Nguồn: https://vietnamese.rvasia.org

[10] Cẩm nang cho Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành, số 2.3.

[11] Cardinal Grech: Transformation of Synod to create space for People of God, nguồn:https://www.vaticannews.va/en/vatican-city/news/2021-05/cardinal-grech-interview-synod-secretariat-changes.html

[12] Cẩm nang cho Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành, số 4.2.

[13] Nt, số 4.1

[14] Nt.

[15]Đức Thánh Cha Phanxicô, Diễn Văn trước Bộ Giám Mục, 27 tháng 2, 2014.

[16] Đức Thánh Cha Phanxicô, Diễn Văn Khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 70 của Hội Đồng Giám Mục Ý, 22 tháng 5, 2017.