08/11/2016
972
Tâm tình tháng 11



 

Tháng 11, tháng Giáo Hội dành riêng để tưởng nhớ và cầu nguyện cho các anh chị em của mình đã qua đời. Tôi nhớ lúc nhỏ, tôi đã được ba mẹ dạy rằng phải siêng năng tham dự thánh lễ, đặc biệt là để cầu nguyện cho các linh hồn.

Hôm nay, sau khi đọc kinh cầu nguyện cho các linh hồn tại nhà mồ Giáo xứ Nữ Vương Hòa Bình, dưới không gian yên ắng, nhìn ngắm những di cốt đang đặt tại nơi đây, làm cho lòng tôi như dừng lại, dường như không gian cũng chùng xuống để cho những lời kinh được tỏa bay lên trước Nhan Thiên Chúa.

Khi còn ở nhà, tôi thường cầu nguyện và hay viếng mộ những người thân mà tôi yêu quí. Nhưng giờ ở nơi xa xôi này, tôi chỉ có thể đến với các ngài qua kinh nguyện, thánh lễ và những hy sinh âm thầm nhỏ bé của tôi để nguyện cầu cho các ngài…

Khi quay bước ra về, rảo nhìn quanh một lần nơi nhà mồ mà lòng tôi khắc khoải, hỏi con người sống được bao năm trong cõi đi về này… Con người giống như những bông hoa sớm nở tối tàn, nay còn mai mất. Phận người mong manh ngắn ngủi là thế: “Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã qua rồi” (Tv 89).

Đúng thế, cái chết đến với con người ta có khi đột ngột và vô chừng, hỏi ai có thể biết trước mà rút kinh nghiệm. Nhưng cái chết đối với người tin vào Thiên Chúa thì lại là một khởi đầu cho sự sống mới. “Sự sống không mất nhưng chỉ đổi thay, mắt nhắm lại rồi là thấy tương lai...” Chết không phải là cùng đích của mọi sự, nhưng là một sự chuyển giao của đời sống tạm bợ nơi trần gian, để hướng đến sự sống vĩnh cữu bên Thiên Chúa. Đời sống ấy chỉ có thể bắt đầu khi ta nhắm mắt xuôi tay. Thậy vậy, không ai có thể biết được mình sẽ đi về đâu nơi “bên kia thế giới”. Nhưng với niềm xác tín vào sự sống lại nơi Đức Kitô, chúng ta không còn đơn độc như lúc xuôi tay nhắm mắt, không còn bị bỏ rơi trong cái chết của tử thần, nhưng sẽ được đổi mới, được sống một đời sống mới trong Nước Trời. Đó là “quê thật” mà tất cả con cái Thiên Chúa đều hướng về, và cũng tại đó, chúng ta sẽ có câu trả lời cho tất cả mọi sự.

Đến đây, tôi chợt nghĩ rằng rồi một ngày nào đó tôi cũng sẽ được yên nghỉ tại một ngôi nhà mồ nào đó như các ngài, mà liệu sau khi chết tôi sẽ ra sao? Khi mà thần chết gõ cửa, liệu trong cái balô nhỏ bé của tôi đã có gì để mang theo hay không?

Suy nghĩ về cái chết này nhắc nhở tôi về cách sống. Miên man trong dòng suy nghĩ ấy, tôi thấy tôi như người thợ dệt đang mãi dệt đời mình… Và trong ngần ấy tháng năm tôi đã dệt được cái gì, tôi cũng không biết nữa. “Tấm vải” tôi dệt sẽ như thế nào khi Chúa cắt đứt ngay hàng chỉ. Phải chăng tấm vải của tôi được thêu dệt bằng những sợi chỉ sáng đẹp của niềm tin, tình yêu thương phục vụ, bằng đức mến hiền hòa, đầy nhẫn nãi và khiêm tốn; hay là bằng những sợi chỉ đen xám với đường nét vụng về của sự bất nhẫn, giận dữ, bực tức và đầy giả dối… Thật sự, nếu tấm vải của tôi là thế thì thật là tệ quá. Có lẽ tôi phải bắt đầu lại và tháo đi những sợi chỉ “đen xám” không đẹp đẽ kia, mà dệt lại bằng những sợi chỉ màu xanh của niềm hy vọng, màu đỏ của hy sinh, màu vàng của sự phục vụ, màu tím của trung thành và màu hồng của tình yêu dâng hiến.

Thật thế, con người ta có tự do Chúa ban mà lựa chọn cách sống sao cho đẹp lòng Ngài và tha nhân. Dù là đẹp đẽ sáng láng hay tối tăm mờ ám, đều do chính mình lựa chọn cả. Nghĩ đến đây tôi cảm thấy một điều gì đó nhức nhối, tôi thấy hối hận, tôi tiếc nuối vì những việc tôi đã làm trong quá khứ. Giá như tôi có thể làm tốt hơn…

Chậm chạp trong từng bước đi, tôi thầm dâng lời nguyện của mình: tôi xin Chúa tha thứ cho tôi những lầm lỗi, những thiếu xót của tôi. Xin Chúa cho tôi biết nhìn nhận lỗi lầm, biết đau khổ vì có những lúc tôi không thể hối lỗi để quay về với Ngài. Để làm tốt hơn những gì tôi có thể làm trong hiện tại. Và mong rằng khi đến giờ đến buổi, tôi được ra trước tòa chung thẩm mà trình diện Chúa với một tâm hồn ngay thẳng, không gì đáng trách và Ngài sẽ đưa tôi vào trong Nước của Ngài cùng với các Thánh.

Jos. Sơn

Gp. Mỹ Tho