25/11/2016
1111
Một người hành hương, một vị giám mục, và chiếc iphone của ngài 


















 

Giám mục Robert Barron, 15.11.2016

 

Tôi đang đọc lại một tác phẩm thiêng liêng cổ điển theo Truyền Thống Chính Thống Giáo Nga: Con đường của một người hành hương. Bản văn ngắn này, mà chúng ta không biết ai là tác giả, kể về một người đàn ông Nga vào giữa thế kỷ 19 đã nhận thấy bản thân mình bị hoang mang sâu sắc bởi lời thánh Phaolô trong thư thứ nhất gởi tín hữu Thessalônica rằng chúng ta nên “cầu nguyện không ngừng”. Anh tự hỏi: Giữa mọi đòi hỏi của cuộc sống, điều này sao có thể được? Làm sao Thánh Tông Đồ có thể yêu cầu một điều rõ ràng là vô lí như vậy?

Cuối cùng, sự bối rối đã thúc giục anh đến một tu viện và trao đổi với một bậc thầy linh đạo cao tuổi, người đã vén mở điều bí ẩn này. Ông đã dạy anh một cách cầu nguyện đơn giản nhưng chiếm vị trí trung tâm truyền thống thần bí Kitô giáo Đông Phương, được gọi là “lời khẩn cầu Chúa Giêsu”. Ông nói với anh: “Khi bạn hít vào, hãy nói: ‘Lạy Chúa Giêsu Kitô’, và khi bạn thở ra, hãy nói: ‘Xin thương xót con’”. Khi vị thầy thấy cái nhìn của anh có một chút hoang mang, ông bảo anh về phòng mình và cầu nguyện những lời này 1.000 lần. Khi chàng trai trẻ trở lại và báo cáo đã hoàn thành nhiệm vụ, thì anh lại được bảo: “Bây giờ hãy đi cầu nguyện thêm 10.000 lần nữa!” Đây là cách mà vị thầy linh đạo đặt lời cầu nguyện đó lên môi miệng của người học trò, để lời cầu nguyện đó thấm nhập vào lòng và trở thành nhịp thở của anh, cuối cùng trở nên như bản chất thứ hai của anh đến nỗi, dù ý thức hay không, anh vẫn nguyện lời đó mọi lúc mọi nơi, anh đã thật sự cầu nguyện như thánh Phaolô hướng dẫn cộng đoàn Thessalônica.

Trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, chàng trai trẻ bắt đầu lang thang qua những khu rừng và cánh đồng của nước Nga, và lời khẩn cầu Chúa Giêsu được lặp đi lặp lại không ngừng trên môi anh. Thứ giá trị duy nhất anh có trong balô là quyển Kinh Thánh và với hai đồng rub cuối cùng, anh đã mua một quyển sách cũ kĩ Mến yêu cái đẹp (Philokalia). Bằng cách ngủ ngoài trời, hầu như tự nuôi sống mình, thỉnh thoảng cậy dựa vào lòng tốt của những người xa lạ, đọc các sách anh có và cầu nguyện bằng lời nguyện của mình, anh thực hiện con đường của anh. Ngày kia, có hai tên đào ngũ từ quân đội Nga bắt chuyện với anh trên đường, sau đó đánh anh ngất xỉu, và cướp đi hai món đồ quí giá của anh. Khi tỉnh dậy và phát hiện sự mất mát của mình, anh rụng rời và khóc lớn tiếng: Làm sao anh có thể tiếp tục nếu không có lương thực cho linh hồn? Nhờ hàng loạt tình huống bất ngờ, anh tìm lại được hai tài sản bị mất, và khi có lại chúng, anh ôm chặt vào ngực, siết chặt đến nỗi hầu như những ngón tay của anh đã hằn dấu trên chúng.

Tôi mời bạn lưu lại hình ảnh ấy một chút. Chúng ta thấy một con người không tài sản, không quyền lực, không có ảnh hưởng trong xã hội, không có gì đáng để nói đến, không của cải vật chất – nhưng với tất cả sức lực và với sự bảo vệ mạnh mẽ, anh gắn bó với hai thứ có mục đích duy nhất là để nuôi dưỡng linh hồn anh. Đây là câu hỏi của tôi dành cho bạn: Bạn sẽ gắn chặt với cái gì theo cách thức như thế? Chính xác nó là gì, mà một khi mất đi sẽ khiến lòng bạn thấy hoang mang? Điều gì sẽ làm bạn khóc, một khi bạn nhận ra rằng bạn không có nó nữa? Và để làm những câu hỏi này rõ ràng hơn, chúng ta hãy thừa nhận rằng bạn đang ở trên một hoang đảo hoặc, giống như người hành hương Nga, bạn không có nguồn lực nào để đi mua một cách khác thay thế. Nó có phải là xe hơi? Nhà? Câu lạc bộ golf? Máy tính của bạn? Thành thật mà nói, tôi nghĩ đối với tôi nó có thể là chiếc iphone của tôi. Nếu bất thình lình tôi mất khả năng thực hiện cuộc gọi, mất danh bạ, nhạc, GPS, bản đồ, email của tôi,… tôi sẽ hoang mang - và tôi có thể sẽ khóc lớn vì niềm vui trọn vẹn khi có lại chiếc điện thoại, và những ngón tay tôi, giống như bộ móng vuốt, sẽ giữ chặt nó. Xưng thú điều này khá khó khăn vì 10 năm trước, tôi thậm chí không có được một cái điện thoại. Tôi đã sống một cuộc sống hoàn hảo mà không cần nó, và nếu lúc đó bạn nói với tôi rằng tôi không bao giờ có điện thoại, điều đó sẽ chẳng làm phiền tôi chút nào.

Điều tôi đặc biệt yêu thích nơi người hành hương này là anh bị cuốn hút không phải bởi những điều tốt đẹp chóng qua của thế giới, nhưng là lời cầu nguyện, là mối liên hệ lâu dài với Thiên Chúa vĩnh cửu. Anh không quan tâm đến những thứ ám ảnh hầu hết chúng ta qua nhiều thời đại: tiền bạc, quyền lực, danh tiếng, thành đạt. Và tài sản duy nhất khiến anh lo lắng là những quyển sách đơn giản nuôi dưỡng mối quan hệ của anh với Thiên Chúa. Hoặc, theo một hướng khác, anh không hoảng sợ vì lạc mất những thứ hữu hạn, nhưng anh hoảng sợ đến tột độ khi nghĩ đến viễn tượng lạc mất mối quan hệ của anh với Thiên Chúa hằng sống.

Vì thế, giống như con vật lúc tuyệt vọng, bạn sẽ gắn bó với cái gì? Bạn sợ mất cái gì? Rốt cuộc, bạn yêu thích cái gì?

Nhóm dịch thuật Chủng viện thánh Gioan XXIII, Mỹ Tho

Nguồn: wordonfire.com