08/10/2019
1203
Cùng Tweet Với Chúa 2


 

1. Tôi có nên tuân thủ tất cả các lề luật trong Kinh Thánh không?

Chúa Giêsu đã không đến thế gian để bãi bỏ các luật Cựu Ước, nhưng để kiện toàn. Tân Ước soi sáng cho Cựu Ước. Một vài luật trong Kinh Thánh không còn được áp dụng nữa vì Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta một lề luật cao trọng hơn dựa trên việc yêu mến người thân cận. Chẳng hạn, Chúa Giêsu dạy yêu thương kẻ thù thì tốt hơn là tìm kiếm cách trả thù khi những điều xấu xảy đến cho chúng ta.

Các lề luật khác, như Mười Điều Răn, vẫn giữ nguyên giá trị. Dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, Giáo hội giúp chúng ta nhận ra luật nào còn phù hợp, luật nào không.

2. Làm thế nào bạn có thể biết trong Kinh Thánh điều gì đúng theo nghĩa đen và điều gì không?

Chúa Giêsu đã ban Thánh Thần như Đấng Bảo Trợ cho các tông đồ, nhờ đó họ có thể hiểu và loan báo Tin Mừng. Chúa Thánh Thần vẫn hằng trợ giúp Giáo hội giải thích Kinh Thánh cách đúng đắn.

Chẳng hạn, có nhiều điểm chú giải trong Kinh Thánh được viết bởi các thánh, các giáo hoàng và các công đồng. Với sự trợ giúp của Giáo hội, các bản văn này có thể giúp chúng ta hiểu Kinh Thánh. Bằng cách đó, chúng ta có thể nhận thấy phần nào được xem là theo nghĩa đen, phần nào được viết theo lối thi ca hay ẩn dụ để giải thích chân lý sâu xa hơn.

3. Những chuyện lạ thường trong Kinh Thánh có phải là chuyện hư cấu không?

Một vài trình thuật trong Kinh Thánh, tự bản chất, là thi ca, chẳng hạn như các dụ ngôn mà Chúa Giêsu đã sử dụng để giải thích rõ về sứ điệp của Người. Ý nghĩa thâm sâu nơi những câu chuyện đó quan trọng hơn câu hỏi liệu những câu chuyện này có thực như được diễn tả hay không. Những câu chuyện đó không phải chỉ là hư cấu.

Kinh Thánh chứa đựng một lượng thông tin lịch sử to lớn về con người, nơi chốn và sự kiện. Tất cả các câu chuyện trong Kinh Thánh có cùng một thông điệp then chốt: Tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa dành cho chúng ta.

Các sự kiện chính yếu trong Cựu Ước

1. Tại sao Lục Đại Hồng Thủy diễn ra vào thời ông Nôê?

Sách Sáng Thế thuật lại rằng nhiều năm sau khi Adam và Eva sa ngã, Thiên Chúa lại thất vọng về những người sống theo đường hướng tội lỗi và xấu xa. Ngài hối tiếc vì đã dựng nên họ và muốn tiêu diệt họ bằng lục đại hồng thủy. Duy chỉ có ông Nôê là vẫn sống tốt lành. Thiên Chúa bảo ông đóng một chiếc thuyền chứa được gia đình ông cùng với một con đực và một con cái của tất cả các loài động vật trên trái đất.

Sau khi trận lụt bao phủ trái đất, thuyền của ông Noê nổi lênh đênh trên biển bao la. Sau 150 ngày, nước bắt đầu rút xuống. Thiên Chúa đã thiết lập một giao ước với loài người: Ngài sẽ không bao giờ để cho trái đất bị lũ lụt lần nữa. Cầu vồng là dấu chỉ cho lời hứa đó (St 9,16).

2. Tại sao vai trò ông Apraham là rất quan trọng?

Ông Ápraham hầu như đã có được mọi thứ ông muốn khi Chúa bảo ông bỏ lại quê hương và sản nghiệp để cùng với gia đình, đi đến vùng đất mà Thiên Chúa sẽ chỉ cho ông (St 12,1). Thiên Chúa hứa con cháu ông sẽ nên đông đúc. Apraham đã tín thác vào Thiên Chúa, và quả thật như thế, mặc dù tuổi đã cao, ông Ápraham và vợ là bà Sara đã sinh được một cậu con trai là Isaac (St 21,2-3).

Như một thử thách cuối cùng, Thiên Chúa bảo Ápraham hiến tế con trai ông. Bất chấp đau khổ, ông vẫn tự nguyện vâng lời. Nhưng Thiên Chúa đã ngăn ông đúng lúc. Apbraham cho thấy ông đặt tình yêu Thiên Chúa trên tất cả mọi sự, và bằng cách đó ông cộng tác với kế hoạch của Thiên Chúa. Thiên Chúa có thể làm mọi thứ vĩ đại qua chúng ta nếu chúng ta tín thác và cộng tác với Ngài.

3. Tại sao dân Israel đi lang thang trong sa mạc suốt 40 năm?

Tổ tiên của dân tộc sau này gọi là dân Israel đã đến Ai Cập trong thời đói kém. Sau đó họ bị Vua Pharaô tại Ai Cập đàn áp như nô lệ. Thiên Chúa đã chọn ông Môsê giải phóng dân Ngài và dẫn dắt họ đến một cuộc sống tốt hơn trong vùng đất mà Chúa đã hứa cho tổ tiên của họ từ nhiều thế kỉ trước.

Vua Pharaô không muốn để cho dân Israel ra đi, và vì thế, Thiên Chúa đã giáng họa xuống trên ông. Sau đó dân Israel được đi và họ đã thực hiện cuộc hành trình xuyên qua sa mạc. Vì không vâng phục Thiên Chúa và thường vi phạm các điều răn của Ngài, dân Israel đã bị phạt đi lang thang 40 năm (trong sa mạc) trước khi vào đất hứa.

4. Đâu là bài học luân lý trong chuyện về ông Gióp?

Ông Gióp đã từng có một cuộc sống tốt đẹp và trông cậy trọn vẹn nơi Chúa, nhưng sau đó nhiều điều khủng khiếp đã xảy đến với ông (chẳng hạn, ông mất tất cả các con và bản thân bị đau ốm). Mặc dù thân phận trở nên quá tệ hại, ông vẫn tiếp tục tín thác vào Thiên Chúa. Những thứ tệ hại trong đời sống của ông đến từ Satan. Chúng nghĩ rằng ông tin chỉ vì ông đã có một cuộc sống đẹp.

Satan đã làm tất cả mọi thứ có thể để làm ông Gióp mất đức tin, nhưng Gióp vẫn tiếp tục tín thác vào một mình Thiên Chúa. Sự kiên trì của ông cuối cùng cũng đã được đền đáp: sau khi Satan rời đi, Thiên Chúa đã chúc phúc cho cuộc sống của ông Gióp (G 42,12). Phần chúng ta, cũng vậy, thông điệp từ câu chuyện này là sự tín thác cuối cùng sẽ được trọng thưởng, ngay lúc này trên thế gian hoặc sau này trên thiên đàng. Mặc dù phải nhìn thấy và trải nghiệm đau khổ mỗi ngày nơi trần gian, nhưng cả cuộc sống và đau khổ của chúng ta đều không vô nghĩa. Cảm tạ tình yêu Thiên Chúa.

 

Nhóm dịch Gioan XXIII

Nguồn: tweetingwithgod.com/en/tweets