18/09/2019
1821
Cùng Tweet Với Chúa 1

CHÚA NÓI VỚI NGƯỜI TRẺ :
Kinh Thánh: đúng hay sai?

 

1. Vì sao Kinh Thánh quan trọng?

Kinh Thánh không phải là những quyển sách cũ rích khiến bạn có thể phớt lờ đi vì nó đã được viết lâu đời. Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa, được viết ra bởi những người được Thiên Chúa linh hứng.

Dù đã được viết cách đây hàng ngàn năm nhưng các bản văn đều hướng về bạn và cuộc sống của bạn. Bất cứ khi nào bạn đọc Kinh Thánh, Thiên Chúa sẽ nói với bạn và chạm đến bạn theo một cung cách mới. Sứ điệp quan trọng nhất của Kinh Thánh là tình yêu Thiên Chúa dành cho mọi người, bao gồm cả bạn.

 

2. Thiên Chúa chỉ nói với chúng ta qua Kinh Thánh phải không? Ngài còn nói bằng những cách nào khác nữa không?

Có nhiều cách khác nhau để Thiên Chúa mạc khải chính mình. Ngài mạc khải chính mình cả trong Thánh Kinh và Thánh Truyền của Giáo Hội. Qua cuộc sống trần thế, Chúa Giêsu đã giải thích và kiện toàn Kinh Thánh. Mạc khải của Thiên Chúa đã được hoàn tất nơi Đức Giêsu (mạc khải kết thúc với cái chết của vị Tông Đồ cuối cùng).

Ngày nay, Chúa Thánh Thần trợ giúp Giáo Hội gia tăng sự hiểu biết về mạc khải của Thiên Chúa. Để ngăn ngừa những giải thích lệch lạc hay giải thích theo nghĩa đen, Kinh Thánh cần phải được đọc đúng cách. Chúa Giêsu đã thiết lập Giáo Hội để giúp chúng ta trong việc giải thích này.

 

3. Chính Thiên Chúa đã viết Kinh Thánh phải không?

Kinh Thánh được viết ra bởi một nhóm nhiều người, tại nhiều nơi và nhiều thời điểm khác nhau. Nơi cốt lõi của mỗi trình thuật, chúng ta nhận ra chân lý về Thiên Chúa.

Điều này có được là vì các tác giả được Thánh Thần của Thiên Chúa linh hứng. Cũng chính Thánh Thần trợ giúp Giáo Hội hiểu Kinh Thánh như Thiên Chúa muốn.

 

4. Kinh Thánh được viết bằng những ngôn ngữ nào?

Phần lớn các sách Cựu Ước được viết vào giữa những năm 1200 và 100 trước Công Nguyên bằng tiếng Do Thái, ngôn ngữ của dân Israel thời đó. Từ thế kỷ thứ VI trước Công Nguyên trở đi, tiếng Aram đã trở nên phổ biến. Một số sách Cựu Ước được viết bằng tiếng Aram, ngôn ngữ chính được sử dụng tại Đất Thánh vào thời Chúa Giêsu.

Vào khoảng năm 300 và 100 trước Công Nguyên, Thánh kinh được dịch sang tiếng Hy Lạp (gọi là Bản Bảy Mươi), vì trong thời điểm này tiếng Hy Lạp được sử dụng phổ biến hơn tiếng Do Thái. Tân Ước được viết bằng tiếng Hy Lạp.

 

5. Đâu là điểm khác nhau giữa Kinh Thánh và kinh Koran?

Tín đồ Hồi Giáo tin rằng kinh Koran được Thiên Chúa đọc từng chữ cho Mohammad bằng tiếng Ảrập. Kinh Koran linh thiêng đối với những tín đồ Hồi Giáo. Điều này vẫn đúng đối với Kinh Thánh. Là những Kitô hữu, chúng ta tin rằng các tác giả Kinh Thánh đã được Chúa Thánh Thần linh hứng (không phải Thiên Chúa đọc cho viết từng chữ). Chính Thánh Thần giúp cho những người đọc giải thích Kinh Thánh một cách chính xác. Tuy nhiên, ngôn từ trong Kinh Thánh là ngôn ngữ chết cho đến khi chúng được đọc lên.

Về nội dụng, Kinh Koran phủ nhận tín điều Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, phủ nhận việc Chúa Giêsu đã chết và trỗi dậy từ cõi chết. Điều này có nghĩa là mầu nhiệm Thiên Chúa nhập thể nơi Đức Giêsu vì yêu thương loài người không được Hồi Giáo đón nhận.

 

6. Các sách Cựu Ước được sắp xếp thế nào?

Kinh Thánh Cựu Ước Công Giáo có 46 quyển. Năm quyển đầu tiên là sách Sáng Thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số và Đệ Nhị Luật. Năm quyển này được gọi là Ngũ Kinh (tiếng Hy Lạp là “Ngũ Thư”).

Tiếp theo sau Ngũ Kinh là các sách lịch sử, thuật lại lịch sử của dân Israel; các sách tiên tri, trong đó các tiên tri cảnh báo về tội lỗi và loan báo sự xuất hiện của Đấng Mêsia (Chúa Giêsu). Cuối cùng, có một số sách khôn ngoan. Đây là bộ sưu tập về câu trả lời cho những vấn đề tổng quát trong cuộc sống do các tín hữu nêu ra. Những quyển sách chúng ta gọi là Cựu Ước thì người Do Thái gọi là Tanakh.

 

7. Đâu là điểm khác nhau giữa sách Cựu Ước Công Giáo và Tanakh Do Thái Giáo?

Sách Tanakh Do Thái Giáo ít hơn 7 quyển so với sách Cựu Ước Công Giáo (46 quyển). Trọn bộ 39 quyển của Tanakh Do Thái Giáo được sưu tập lại vào năm 70 sau Công Nguyên lúc Do Thái Giáo đang tìm sự chỉ dẫn và ổn định sau khi đền thờ Giêrusalem bị tàn phá. Tuy nhiên, danh sách 46 quyển đã được sử dụng trong những thế kỷ trước đó rồi.

Những quyển sách Cựu Ước và Tanakh (Do Thái) được xếp thứ tự khác nhau. Khác nhau lớn nhất là Tanakh được xem như đã hoàn chỉnh rồi, nhưng Cựu Ước liên kết kết chặt chẽ với Tân Ước: cả hai hợp thành nên Kinh Thánh (Công Giáo). Tân Ước giúp chúng ta gia tăng hiểu biết về Cựu Ước.

 

8. Tân Ước được hình thành khi nào và hình thành như thế nào?

Những trình thuật về Chúa Giêsu trước tiên được lưu truyền bằng truyền miệng. Những trình thuật này đã được viết lại sau khi Chúa Giêsu qua đời. Bản văn được viết sớm nhất là một số lá thư của thánh Phaolô tông đồ gửi cho nhiều cộng đoàn Kitô hữu sơ khai. Trọn bộ Tân Ước gồm có 27 quyển, tính cả sách và các bức thư.

Để xác định bản văn nào được linh hứng bởi Chúa Thánh Thần, Giáo Hội xem xét nhiều khía cạnh về lai lịch của các tác giả và mở rộng phạm vi đến những bản văn liên quan đến toàn bộ giáo huấn của Chúa Giêsu.

 

9. Tân Ước có những thành phần nào?

Tân Ước bắt đầu với các sách Tin Mừng: Các trình thuật của thánh sử Mátthêu, Máccô, Luca và Gioan về cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Phần thứ hai là sách Tông đồ Công vụ, do Thánh sử Luca viết. Đây là quyển sách mô tả lịch sử của Giáo Hội Kitô Giáo thời sơ khai.

Phần thứ ba của Tân Ước gồm có 21 lá thư của các thánh Phaolô, Giacôbê, Phêrô, Gioan và Giuđa. Phần cuối là sách Mạc Khải hay sách Khải Huyền. Trong phần cuối này, thánh Gioan miêu tả thị kiến của ngài về ngày tận cùng của thế giới, những hình ảnh tượng trưng về ngày phán xét chung và thành thánh Giêrusalem trên trời. 

Nhóm dịch Gioan XXIII

Nguồn: tweetingwithgod.com/en/tweets