21/12/2016
373
Yêu con đường chính nghĩa Kitô_Lm FX. Thượng




 

Nghe một bạn trẻ kể chuyện, thấy thương thay. Ngẫm nghĩ lại cũng đúng. Đây là một trường hợp rất điển hình cho đời sống đức tin Kitô giáo hôm nay trong giới trẻ và cả những người sống lâu năm trong đức tin Kitô. N.L.T.H khoảng 25 tuổi, là một giáo viên tiếng Anh dạy trường tiểu học T.H.Đ. Cô phải trải qua một thời gian khó khăn trong đức tin. Khi bắt đầu đời sống sinh viên với những đổi thay về giờ giấc, môi trường và tư tưởng trên giảng đường, nơi phố xá, cô bắt đầu lo lắng – điều mà cô chưa từng có khi còn ở giáo xứ quê nhà với thói quen hàng ngày của một Kitô hữu gương mẫu. Điều này phát xuất từ cảm giác sợ hãi dữ dội. Những cách sống vội vàng của giới trẻ, tư tưởng duy lợi nhuận có mặt khắp nơi, và trong một góc độ nào đó, người ta có thể “bán tất cả” để có tiền sống và xa hoa, đua đòi. Làm sao cô có thế cảm nhận được các giá trị nhân văn, sự thanh tịnh của nghề giáo, vẻ đẹp của tâm hồn trước những cơn sóng đánh đổ cương thường, lẽ đạo.

Thật đáng ngại. Kinh nghiệm truyền thụ các giá trị sống và đức tin ngày hôm nay có những bế tắc cần được khai phóng. Mỗi Kitô nhân cần biết đó là những thứ gì. Mỗi môi trường tôn giáo là một ngôi trường giáo dục về sự khai phóng này. Những giáo dân Thới Sơn mà tôi đang phục vụ có những “kiểu suy nghĩ” mà tôi thấy rất buồn cười (buồn mà phải cười vì không biết phải làm sao hơn!). Anh chị Tư mừng lễ Giáng Sinh (Công giáo) nhưng tôi thấy họ cũng ăn chay ngày rằm tháng bảy – lễ Vu Lan Thắng Hội của Phật Gia, trên bàn thờ là Chúa, dưới chân tường là ông Địa và Thần Tài lão gia! Hết phương! Họ lập luận cách rất “táo bạo” và “hội nhập” kinh khủng: “gia đình con mần ăn nên cũng phải cúng bái chứ cha! Có kiêng có lành!”. Hết phương! (lần hai)

Tôi biết không phải chỉ có giáo xứ Thới Sơn mới có trường hợp này mà bất cứ đâu cũng có thể có khi đức tin vào Thiên Chúa chưa lấp đầy nỗi cái “khát” và cái “vọng” của thường dân. Khát hạnh phúc đâu có xấu, vọng thành công có gì sai, mong buôn bán lời lãi có gì quấy? Lễ vong nhân ngày Vu Lan có gì bại hoại không, thực chất đó là ngày báo hiếu và thực hành chân thiện để tích đức cho vong nhân? Nhưng, khi tôi phải chọn lựa, khi tôi thấy cái nào cũng tốt lúc đó tôi thực sự không biết mình tin gì, tin ai và đang làm gì. Bụt nào cũng thiêng nhưng linh hồn chỉ dung nạp được một Đạo và mang lấy tư cách của Đạo ấy trong thực hành thì mới thật chính nhân. Đáng tiếc, sự phân biệt ấy không phải lúc nào cũng dễ dàng cho người bình dân. Hiểu, thương, dạy dỗ hơn là trách, cấm, dọa, và đọa họ. Bây giờ nhìn lại, tôi thấy nhiều người đối mặt với tình trạng như tôi trình bày: lập lờ Đức Tin.

Như cô gái kia và trường hợp giáo dân của tôi, cảm thấy phải có gì đó tốt hơn đối với cuộc sống không khi “dung nạp” tất cả vào trong “bầu tâm hồn” mà không cần phân định, chắt lọc và gạn đục khơi trong? Khi cảm thấy trong tâm hồn dễ dàng dung nạp phong tục như thế, có thể bạn đang trải qua cơn “dư chấn” khủng hoảng Đức Tin ở tầng sâu tiềm thức đi tới lập lờ, thiếu lập trường trong Đức Tin. Cảm giác này là lời cảnh báo rằng có thể đã đến lúc cần quan tâm và khám phá thêm về đời sống tâm linh trên hành trình Kitô Đạo chiều sâu.

Nhận thức nội tâm và vấn đề của cuộc sống có thể khiến Kitô nhân trở thành những kẻ cực kỳ bảo thủ trong đời sống đức tin, không ngừng đòi hỏi và bất mãn kinh niên với các giới huấn, với giáo sĩ, với đồng đạo Kitô hoặc có thể cấp tiến đến dễ dãi, buông tuồng, phóng mạng phiêu lưu với đức tin Kitô giáo của mình. Có thể trong một lúc, Kitô nhân không thỏa mãn với niềm tin hiện tại của họ nên những khuynh hướng mà họ thấy “hợp lý” sẽ tự thực hành mà không cần biện giải đức tin. Đào sâu Đức Tin của mình trong thời đại đa nguyên, đa văn hóa, đa tôn giáo như bây giờ thật là cấp thiết.

Hoài nghi đức tin là điểm căn bản nhất của Kitô nhân hiện đại. Với sự khám phá ngày càng sâu, rộng của khoa học đem đến những câu trả lời rất thỏa đáng sẽ có thể làm cho Kitô nhân nghi ngờ về những điều mà họ vẫn luôn cho là đúng. Đôi khi, truyền thống bao đời nay hoàn toàn tin điều gì đó, nhưng bất ngờ lại đảo ngược bằng một chứng minh khoa học rất chính xác thì phải làm sao? Mất đức tin hay trở nên ngây thơ tin vào những điều ấy. Môi trường hiện đại giúp Kitô nhân thêm kinh nghiệm, và chính kinh nghiệm có thể biến đổi niềm tin của Kitô nhân, thậm chí làm thay đổi toàn bộ hành trình đức tin của Kitô nhân kỳ cựu.

Qua nhiều cuộc tiếp xúc với những người lập lờ trong đức tin, rất dễ nhận diện cơn khủng hoảng chiều sâu mà chính đương nhân không hề hay biết. Giới chuyên môn gọi đó là “vùng xám” – vùng chuyển tiếp từ trắng sang đen hoặc từ đen chuyển dần sang trắng. Nếu nhận ra những “vùng xám” trong các tình huống nhiều hơn bình thường, có thể đương nhân đang trải qua cơn khủng hoảng Đức Tin tầng sâu. Dĩ nhiên, với nhiều “vùng xám” như thế, lập lờ, dung nạp đức tin theo kiểu “đạo nào cũng là đạo. Đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành” sẽ dần dần đi tới chỗ mất đức tin khi lý thuyết Kitô Đạo không phải lúc nào cũng dễ nghe, dễ chấp nhận như những giáo lý “thỏa hiệp” đến từ lập luận tương đối hóa mọi sự, ba phải và lập lờ trong sống niềm tin Kitô Đạo.
Tất nhiên là đời sống hiện đại đòi hỏi nhiều hơn, đòi dấn thân và cảm nghiệm hơn là “đọc kinh như con két mà làm thì ôi thôi như…”. Niềm tin Kitô Đạo không đơn giản chỉ là vài ba kinh nguyện, vài chục phút ê a trong giáo đường, nghe thuyết giảng và làm mấy việc từ thiện cỏn con từ túi tiền lẻ. Sống niềm tin là một sự chọn lựa quyết liệt và dứt khoát. Đâu có kiểu lên thiên đàng với đường luôn luôn êm đềm như thảm lụa. Vì thế, Kitô nhân biết mình sẽ luôn thân thưa với Đức Kitô Giêsu như tiền bối: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con” (x. Lc 17:5). Phải, cuộc đời con người có lúc thăng, lúc trầm, lúc thế này, lúc thế kia nhưng cốt cách niềm tin Kitô là trách nhiệm hoàn thành kiếp nhân sinh của mình, mà cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Nikolai A.Ostrovsky gọi là bạn phải tự cho thấy bạn là loại thép nào, xứng với “Thép đã tôi thế đấy” không.

Mọi nỗ lực sống niềm tin của mình trong bất cứ hoàn cảnh nào đều mang lại nhiều giá trị lớn lao cho hành trình Kitô Đạo. Chỉ những ai biết phấn đấu với niềm tin, sự kiên trì và tình yêu mới thấy mãn nguyện về mình, sẽ được Đức Kitô Giêsu và Thiên Chúa Cha đề cao, ngưỡng mộ, yêu mến và tỏ mình ra cho. Để làm được điều lớn lao cho niềm tin, Kitô nhân phải chọn được lẽ sống đúng cho mình, và sống phải lẽ theo lẽ sống ấy, không bị những điều vô nghĩa, những cạm bẫy, những điều xã hội không mong muốn làm tha hóa...

Giáo hội là cộng đoàn Kitô đang đi trên Kitô Đạo với tất cả ý chí và tình yêu. Đã đành các cá nhân có cách lựa chọn lẽ sống riêng nhưng sẽ không bao giờ là muộn khi hoạch định cho mình một lẽ sống dứt khoát trung thành. Thành tựu của niềm tin thể hiện rõ ý định muốn sống tận cùng ý nghĩa cơ bản của đời người nơi mỗi Kitô nhân nhiệt thành. Trong cuộc sống xã hội thích thành tựu trong công việc, được quan tâm chăm sóc, ảnh hưởng đối với xã hội, có vị trí trong lòng những người thân yêu.

Kitô nhân sẽ chịu rất nhiều áp lực lương tâm, xã hội và bản ngã trên hành trình đức tin này. Đức Kitô Giêsu, lành đạo duy nhất của mỗi Kitô nhân trên hành trình về Nhà Cha đã mang trong tâm hồn một lòng can đảm khi đối mặt với những thời khắc, những nhiệm vụ lớn lao, khó khăn, cam go, nghiệt ngã của cuộc sống cá nhân, cuộc sống đồng loại và cơn cám dỗ sau cùng trong khủng hoảng chơi vơi.

Sự khủng hoảng của đời sống Kitô nhân được cưu mang tất cả trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong Vườn Cây Dầu. Con đường dẫn đến vườn Cây Dầu của Chúa Giêsu đầy những lời diễn tả của Chúa Giêsu, làm cho người ta cảm nhận được cái chết đã gần của Người và nói trước việc phân tán của các môn đệ. Người cảm nhận sức nặng tâm lý trong việc duy trì một niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa Cha mà mọi thế hệ Kitô nhân sẽ phải trải qua. Chúa Kitô Giêsu đã chuẩn bị cho việc cầu nguyện riêng, cũng là chuẩn bị tâm hồn cho một “phép rửa” thanh tẩy toàn bộ bản tính nhân loại sợ sệt, kích động, mất phương hướng, nước đôi ba phải và thói háo danh, lánh nặng tìm nhẹ của các thế hệ môn sinh. Thánh Marcô nói trong nhiều trường hợp Chúa Giêsu thường tránh những đám đông và các môn đệ của Người, và ở lại “một nơi thanh vắng” (x. Mc 1, 35) hoặc lên “núi” (x. Mc 6, 46). Tuy nhiên, trong vườn Cây Dầu, Người đã bảo Thánh Phêrô, Giacôbê và Gioan ở gần hơn với Người. Mỗi Kitô nhân đều được mời gọi “gần hơn với Chúa” trong thinh lặng khi chuẩn bị cho mọi quyết định và các biến cố trong cuộc đời mình. Kitô nhân cũng là những môn đệ được mời gọi ở cùng Đức Kitô Giêsu trên núi Thabor hiển quang để nhận thấy vinh quang rạng ngời của mỗi Kitô nhân sẽ thành tựu sau khi đã “vượt qua” với Đức Kitô Giêsu bằng sự liên tục thanh tẩy mình mỗi ngày trong “máu Chiên Thiên Chúa” (x. Mc 9:2-13). Trong bối cảnh cầu nguyện trong vườn Cây Dầu, cả ba môn đệ này cũng phải “nghiệm ra” những thổn thức thâm sâu nhất của Kitô nhân trên đường đức tin, những đau khổ sẽ phải hứng chịu khi muốn quyết liệt thực hiện Thánh Ý Chúa dẫu phải trả giá bằng mạng sống. Chính sức mạnh được mặc lấy qua việc cầu nguyện thổn thức sẽ tạo sức mạnh đi vào cuộc vượt qua trên thập giá cuộc đời mình. Đây là điều đáng kể trong đời sống Kitô nhân. Chúa Kitô Giêsu có một liên đới mật thiết với Chúa Cha đến nỗi không gì có thể khiến Ngài lập lờ trong việc xác tín ““Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (x.Gioan 4, 34)

Mối liên hệ của Đức Kitô với Thiên Chúa Cha là mối liên hệ duy nhất và đôc đáo: mối liên hệ của Con Một Chúa Cha. Mỗi Kitô nhân là duy nhất trong thánh ý Chúa về họ. Một sự gần gũi về không gian, sự hiện diện tình yêu trong lúc Đức Kitô cảm thấy cái chết đã gần, nhưng nhất là một sự gần gũi trong cầu nguyện, để một cách nào đó bày tỏ thái độ vâng phục tuyệt đối không điều kiện. Là Kitô nhân nghĩa là chu toàn thánh ý Chúa Cha cho đến cùng. Đó là sứ mạng tuyệt với cho các Kitô nhân đang đi theo Chúa Kitô trên đường Thập Giá.

Khi theo đuổi sứ vụ được Thiên Chúa trao phó dù gặp phải thù nghịch, tẩy chay và bách hại, hay một thử thách bi thảm, Kitô nhân không khỏi than vãn như ông Môsê khi dân Do thái quá ngỗ ngược, thất chí, bất ý, bất đắc dĩ ông phải thân thưa đau đớn: “Chúa ơi, con không thể gánh vác dân này một mình được nữa, vì chúng quá nặng nề cho con! Nếu đây là cách Ngài đối xử với con, thì xin làm ơn giết con ngay đi, để con không còn phải đương đầu với cảnh khốn nạn này nữa!” (x. Ds 11,14-15). Ngay cả đối với ngôn sứ Êlia, việc phục vụ niềm tin vào  một Thiên Chúa tuyệt đối, duy nhất không phải là dễ dàng. Sách Các Vua I kể lại: “Còn ông thì đi một ngày đường trong sa mạc. Ông đến ngồi dưới gốc một cây kim tước. Ông xin cho được chết và nói: ‘Lạy Chúa, đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con’” (x. 1 V 19,4).

Biển đời là biển trầm luân đầy những sợ hãi và đau khổ. Chính Đức Kitô cũng phải cảm nhận trong nhân tính của Người nỗi cô đơn cuối cùng và sâu thẳm trong giờ phút mà kế hoạch của Thiên Chúa đang được thực hiện. Sự sợ hãi và thống khổ của Chúa Giêsu gồm tóm tất cả sự kinh hoàng của con người trước cái chết của mình. Kitô nhân có chắc chắn tránh được sự thống khổ ấy và có nhận thức được sức nặng của sự dữ đang ăn mòn sự sống và ý chí không?

Thánh Sử Marcô kể lại rằng “Đi xa hơn nữa, Người sấp mình xuống đất mà cầu xin cho mình khỏi phải qua giờ ấy, nếu có thể được” (x. Mc 14,35). Chúa Giêsu sấp mình xuống đất, là một tư thế cầu nguyện diễn tả sự vâng phục, chết cho ý riêng mình để thực hiện thánh ý của Thiên Chúa. Kitô nhân có biết tin tưởng phó thác cho Thiên Chúa bằng cử chỉ ấy như Đức Kitô Giêsu không? Mỗi khi cúi chào Thiên Chúa, bái gối thờ lạy Chúa Kitô Giêsu trong Thánh Thể ước khi Kitô nhân nào cũng có thể lặp lại trong chính đời sống mình thái độ sấp mình vâng phục Thiên Chúa, chuẩn bị cho mình thông phần cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Kitô vào Thứ Sáu Tuần Thánh.

Với lần đi gieo quẻ bói toán, tin tưởng thần tài, thổ địa, thủy thần, thủy quái làm sao Kitô nhân có thể đón nhận Thiên Chúa đi vào hành vi sống đạo bằng cả thân xác, rồi tín thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa, sự tín thác hiệp nhất với Thiên Chúa bằng trọn vẹn hữu thể - ngôi vị con người của mình. Nỗi sợ hãi và thống khổ của Đức Kitô trước thập giá là một biến động nội tâm của Con Thiên Chúa, Đấng thấy sức nặng của sự dữ khủng khiếp mà Người phải tự mình gánh lấy để thắng vượt nó, để tước đi quyền lực của nó. Nếu Kitô nhân không thấy nội tâm mình biến động trong nỗi khắc khoải Thiên Chúa thì khó có thể nói họ đang tin tưởng tuyệt đối nơi Thiên Chúa.

Thật, con người, nhờ ân sủng Chúa Thánh Linh, có khả năng mang đến trước Thiên Chúa những vất vả của mình, những đau khổ từ một số hoàn cảnh sống, một số ngày sống, và quyết tâm sống niềm tin hàng ngày của mình cách dứt khoát. Mỗi Kitô nhân mang lấy sức nặng của sự dữ trong những quyết đinh sai lầm của mình, trong việc chiều chuộng những đam mê không lành mạnh. Sức nặng tội lỗi khiến họ không vác nỗi thánh giá của mình rồi không ngừng than trách Thiên Chúa. Tuy nhiên, niềm hy vọng và sự bất tử trong tình yêu làm cho Kitô nhân cảm thấy sự gần gũi với Đức Kitô của mình tìm lại được ánh sáng trên con đường của cuộc sống, đẩy lùi sự dữ, đam mê bất chính.

Tình phụ tử của Thiên Chúa là niềm an ủi rất lớn cho hành trình Kitô Đạo. Chẳng vậy mà trong cơn đau đớn tột cùng, Chúa Kitô Giêsu đã thốt lên trong tín thác mà không than oán: “Abba, Lạy Cha! Mọi sự đều có thể được đối với Cha, xin cất chén này khỏi con. Nhưng xin đừng theo điều con muốn, mà theo điều Cha muốn!” (x. Mc 14:36). Trên con đường hoàn thiện, Thiên Chúa Cha vừa là cùng đích, vừa là niềm an ủi động viên. Lời thống thiết đau khổ hay niềm vui an ủi thâm sâu, Kitô nhân kêu lên Thiên Chúa như người cha nhân lành: “Abba, Lạy Cha” (x. Mc 14,36 a). Tiếng “Cha” diễn tả mối liên hệ huyết thống, chặt chẽ nhất với sự ân cần, yêu thương, tin tưởng và phó thác. Trong tình phụ tử với Thiên Chúa, con người tìm lại được thiên đường đã đánh mất. Đức Kitô đã dẫn đạo vào con đường về, cho nhân loại tìm thấy sự thực hiện cách đầy tràn trong việc phó thác đầy hiếu thảo, vâng phục, yêu mến với Chúa Cha, Đấng được gọi là “Thiên Phụ” một cách hoàn toàn. Thần học xác quyết rằng từ giây phút tạo dựng con người nam nữ, ý chí của con người hướng về ý chí của Thiên Chúa và chính trong lời “xin vâng” với Thiên Chúa mà ý chí của con người được thật sự tự do hoàn toàn và được thể hiện.

Khi Kitô nhân cảm thấy đời sống mình khủng hoàng tự nhiên sẽ theo quán tính tội lỗi, chạy tìm những phương tiện tức thời mà quên mất xác tín phụ tử này với Thiên Chúa. Đức tin biến dạng thành thứ bùa chú hoặc món trang sức hời trong đời sống, tất cả thiện hảo thiêng liêng đã biến đổi thành ngược lại. Chúa Kitô Giêsu làm cho ý muốn của mình phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa, đạt được sự cao cả đích thực của mình, trở thành “thần linh”; chỉ khi Kitô nhân biết “ra khỏi chính mình”, ý muốn được hoàn toàn tự do mới được hiện thực. Đó là điều Chúa Kitô Giêsu đã hoàn tất với cái chết trên thập giá chấm dứt kỷ nguyên phải chết của nhân loại qua việc chuyển ý muốn nhân loại sang ý muốn của Thiên Chúa, con người đích thực được sinh ra, và vì thế sự sống được phục hồi cho nhân loại. 

Nếu những người giáo dân của tôi ở Thới Sơn, những cô cậu sinh viên Công giáo đang lung lạc hay lập lờ trong đời sống đức tin có thể nhận ra niềm tin ki-tô giáo đích thật là niềm hy vọng tuyệt vời mang lại cho ta an ủi. Thiên Chúa, vì tình yêu thương vô tận, có thể trở nên bé nhỏ, có thể cúi mình xuống, đã thực sự đi vào một con người, đã mặc lấy xác phàm nhân – không phải mặc như mặc một chiếc áo rồi lại cởi ra – và đã trở nên chính con người đó, đối với Kitô nhân, lại là một chiều kích hoàn toàn không ngờ về sự lớn lao của Thiên Chúa. Sức mạnh của niềm tin vào Thiên Chúa có sức mạnh ngoài sức tưởng tượng và tác động sống còn tới tương lai nhân loại.

Đức tin không phải là một câu chuyện cải lương mà có thể cải biên theo ý riêng, đức tin không đơn giản là một thứ gì mờ mờ ảo ảo, mà tôi chỉ việc cứ yên tâm thả mình vào đó. Đức Thánh Cha Benedict XVI nói: “Đức tin mang tới cho tôi nhận thức”. Tình yêu Thiên Chúa không bao giờ là một kiến thức thuần tuý mà là lời mời gọi liên tục tiến sâu vào trong mầu nhiệm Thiên Chúa. Kitô nhân có được nhận thức này sẽ tràn nghị lực bước ra khỏi mình, vươn lên bằng tất cả bản thể con người mình tới Thiên Chúa. 

Khi Kitô nhân cảm thấy lúng túng trên con đường đến với Thiên Chúa thì trong ý thức sẽ khó phân biệt, suy lường để nhận chân giá trị. Trong lý thuyết Phật Gia luôn lấy tâm làm chủ, tâm dẫn đầu, tâm tạo tác tất cả. Muốn tâm ý luôn ngay thẳng, chân chánh kiên định không điên đảo thì phải luôn chánh niệm. Kitô nhân thành tựu trên hành trình Kitô Đâọ, ngoài sự tỉnh giác cao độ khi đối diện với trần cảnh còn có sự trợ duyên vô cùng to lớn của giới luật. Giới luật là những điều răn cấm, là hàng rào để ngăn ngừa phát sinh tội lỗi, tạo cho Kitô nhân một nền tảng luân lý vững chắc, sau đó sẽ nâng cao bản thể thăng hoa, hướng thượng.

Trong kinh Di Giáo, Phật Đà dạy: “Này các Tỳ kheo, sau khi ta diệt độ, các ông phải lấy giới luật làm thầy. Như đi đêm tối gặp đèn sáng, như người nghèo gặp của báu, dầu ta sống bao lâu trên đời vẫn không bằng pháp này vậy”. Kitô nhân còn lập lờ trong đức tin khi thiếu nỗ lực phấn đấu, rèn luyện. Kitô nhân tốt luôn có ý thức muốn trở thành một con người tốt, muốn trở nên như Đức Kitô Giêsu. Lấy Tin Mừng làm nền tảng sống. Muốn Ánh Sáng không tắt nơi tâm hồn mình thì phải nỗ lực chắn che mưa gió. Nhân gian thường nói: muốn ngựa hay nên phải thắng dây cương. Có niềm tin kiên định vào Kitô Đạo, sẽ diệt đoạn xấu ác, sẽ trở thành hiền thiện.

Cuộc đời là hàng ngàn, hàng vạn những ngã rẽ cắt chéo, chồng chất lên nhau mà đòi hỏi mỗi người khi đi trên con đường đời của chính mình phải chọn lựa. Người Kitô trước thực tế cuộc sống khó khăn luôn phân vân: “Làm thế nào để chọn đúng?”

Kitô nhân là người dám từ bỏ những khuynh hướng, ra khỏi chính mình để mặc lấy cách sống hoàn toàn thanh thoát. Vì trong con người cũ vẫn luôn chứa đựng những ham muốn hưởng thụ, lợi nhuận, thói kiêu căng, thích theo đuổi con đường tiến thân theo thế gian, sống xa rời với những bất hạnh và khổ đau của tha nhân, phục vụ chỉ dừng lại nơi hình thức bên ngoài nhưng thiếu chiều sâu của Tin mừng. Vì Chúa Giêsu Kitô làm gương cho mỗi Kitô nhân, Người cũng muốn cho người môn đệ phải thực hiện đó là thái độ từ bỏ nghiêm túc, nhờ vậy sứ vụ tiếp nối sau này sẽ mang lại hoa trái tốt lành cho chính bản thân người môn đệ và tha nhân.

Việc mà mỗi Kitô nhân cần làm để gìn giữ Đức Tin dứt khoát, rõ ràng và kiên nhẫn là vác thập giá. “Ai không vác thập giá mình mà theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được”(x. Lc14, 27). Thập giá mà Chúa Giêsu vác là nghịch lý của kiếp sống, nghịch lý mà Kitô nhân cũng phải đảm nhận để bước tới vinh quang cuối cùng của Kitô Đạo. Thế giới đầy những nỗi khiếp sợ là hiểu lầm, ghen ghét, thù hận, bệnh tật, nghèo đói, kỳ thị, cô đơn, tuyệt vọng, cái chết… Chúa Kitô Giêsu đã đón lấy tất cả những sự dữ này. Người tự nguyện chấp nhận chúng như thập hình định mệnh của nhân sinh. Sự hy sinh trên thập giá vì nhân loại không phải do Thiên Chúa ưa thích sự khổ đau.
Người môn đệ Chúa Kitô Giêsu khi theo bước chân của Thầy mình sẽ đứng trong hoàn cảnh của tha nhân. Chấp nhận gánh vác mọi sự dữ trong cuộc sống để bảo vệ niềm tin chính đáng của mình. Nếu người Kitô can đảm đón nhận lời dạy của Đức Kitô Giêsu là từ bỏ và vác thập giá, lúc này Kitô nhân sẽ xứng đáng là “người của Chúa”. Sống đức tin kiên định là sống chứng tá sống động. Cũng chính cách sống hoàn thiện này, hằng ngày Kitô nhân góp phần đem niềm vui và hạnh phúc viên mãn cho bản thân mình và phục vụ sự sống của Thiên Chúa trong những anh chị em xung quanh.

Viết tại Nhà Thờ Thới Sơn, ngày 19 tháng 12 năm 2016

Lm. FX. Nguyễn Văn Thượng

Gp Mỹ Tho