03/01/2017
391
Tôi đi trên đại lộ hòa bình_Lm. FX. Thượng 

 

Lúc 12 giờ trưa ngày 25 tháng 12, lễ Giáng Sinh, dõi theo truyền hình trực tiếp của CTV (Catholic Television) qua mạng truyền thông Youtube, thấy ĐTC Phanxicô chủ sự buổi đọc sứ điệp Giáng Sinh và ban phép lành toàn xá Urbi et Orbi cho dân thành Roma và toàn thế giới. Đứng hai bên ĐTC trên bao lơn chính giữa đền thờ Thánh Phêrô có hai Hồng Y Phó tế Franc Rodé, Tổng trưởng Bộ các Dòng tu và hiệp hội tông đồ và Beniamino Stella, Tổng trưởng Bộ Giáo Sĩ. Đây là giây phút của gặp gỡ, ân sủng, hiệp thông và niềm vui hòa bình đích thực. Theo tường thuật của Radio Vatican, trên thềm đền thờ thánh Phêrô, Đội cận vệ Thụy Sĩ và đại diện các binh chủng Italia đứng dàn hàng chào danh dự.

Trong sứ điệp Giáng Sinh năm nay 2016, Đức Phanxicô đã tưởng về những vùng không có hoà bình trên thế giới như Syria, Iraq, Trung Phi, và tha thiết mời gọi mọi người tập trung vào Hài Nhi Giêsu bên máng cỏ khó nghèo để cảm nghiệm và sống thương xót như Thiên  Chúa. Đức Kitô Ngôi Lời là Đấng Cứu Thế đã sinh ra trong hang đá Bethlem mà cũng đang sinh ra trong tâm hồn và cuộc sống mỗi Kitô hữu. Nhân loại mới, khi cưu mang niềm hy vọng của Hài Nhi, Hoàng Tử Bình An, Vua Công Chính thì có bình an, tràn đầy hy vọng và được thương xót để loại bỏ mọi thù hận, chiến tranh xung khắc, bất công, và tìm lại được phẩm giá là người và là con cái Chúa của mình, một ngôi vị “con Thiên Chúa” mà nhân loại đã đánh mất từ thuở hồng hoang.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi dân Kitô giáo hãy can đảm mở rộng con tim để nhận lấy ơn thánh của ngày này, ngày mà ánh sáng Chân Lý đã mọc lên ở chân trời của nhân loại. Ngày của lòng thương xót, trong đó Thiên Chúa Cha đã vén mở cho nhân loại sự dịu hiền mênh mông của Ngài. Ngày của ánh sáng đánh tan đêm tối của sợ hãi và âu lo. Ngày của hoà bình, trong đó có thể gặp gỡ nhau, đối thoại và hoà giải với nhau. Ngày của niềm vui: một “niềm vui lớn lao” cho người bé nhỏ và khiêm tốn, và cho toàn dân (x. Lc 2,10).

Theo Thánh Kinh, hành trình lịch sử của nhân loại là một hành trình cứu độ, thanh luyện, nhận biết và hiển minh. Chính biến cố Con Thiên Chúa làm người vì tình yêu trong cảnh nghèo hèn chính là chìa khóa cho một kỷ nguyên mới, Người đã viết cho trang sử ký nhân loại những dòng kim tự của tình yêu bằng bàn tay của một em bé nghèo trong đêm đông, bằng bàn tay của bác thợ mộc làng Nazareth, và bằng bàn tay tư tế chịu đóng đinh hiến tế chính mình trên thập giá để chu toàn thánh ý Thiên Chúa. Đêm đông của kỷ nguyên ấy không phải của kỷ nguyên bác học, không phải của kỷ nguyên kỹ thuật số mà chính là kỷ nguyên của tình yêu Thiên Chúa. Ngôi Lời vĩnh cửu của Chúa Cha, Đấng cao sang, quyền năng, Đấng sáng tạo vũ trụ, hôm nay đã làm người, làm người “rốt cùng” của đời để nâng cao cuộc đời nhân loại thăng thiên cửu trùng.

Hài Nhi giáng sinh là một sự kiện đặc biệt của lịch sử nhân loại, là sự “hoàn tất” Lời Hứa của Thiên Chúa, là trung tâm của công trình cứu độ của Thiên Chúa, là đề tài trung tâm soi rọi toàn bộ Thánh Kinh.

Ngôi Lời Thiên Chúa có từ muôn đời đã hóa nhiệm thành Hài Nhi Giêsu, mong manh và hữu hạn trong một kiếp tạm phàm trần. Chính để tái tạo nhân loại mà Ngôi Lời nhập thể trong chính thân phận ấy để hóa giải và hòa giải nhân loại với Thiên Chúa, nối kết Đất với Trời. Sự “tái tạo” này, theo thần học, khởi đi từ tha thứ và yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi. Mầu nhiệm Nhập Thể và mầu nhiệm Cứu Độ làm nên trọng tâm sứ điệp của đức tin Kitô giáo: Thiên Chúa yêu thương con người và yêu cho đến tận cùng (x. Ga 3,16-21). Niềm tin vào Tình Yêu ấy được loan báo, được cảm nghiệm và sinh động hóa xuyên suốt thời gian giữa những thách đố, khủng hoảng và âm mưu của thế giới. Mầu nhiệm Giáng sinh là quà tặng tình yêu từ kho tàng quí giá mà Hội Thánh Công giáo đã gìn giữ và ước muốn chia sẻ cho anh chị em mình. Tại làng Bethlem nhỏ bé, vô danh với thế giới hào nhoáng, xa hoa tráng lệ, Thiên Chúa đã nhận lấy thân phận con người, để nhân loại có thể đến được với Thiên Chúa. Chúa Hài Đồng đã thiết lập giao ước với loài người và đã dạy con người giao ước liên đới với nhau trong tình hiệp thông nên một (x. Ga 17,20-26).

Đức Thánh Cha đã nói thay cho tiếng nói của nhân loại tạ ơn Chúa Hài Nhi đã đến viếng thăm nhân loại đau thương tuyệt vời bằng tình yêu tha thiết, lòng thương xót vô bờ và lòng nhẫn nại khôn dò thấu. Chính thế, Chúa Hài Nhi Giêsu, Hoàng Tử Hòa Bình đã giáng sinh mà không được “nhân dân của Ngài” tiếp đón nồng hậu. Ngài vẫn yêu thương. Từ trong hang đá bò lừa lạnh lẽo, hôi hám, Ngài vẫn nở nụ cười và tiếp nhận những ai đến triều bái Ngài bằng con tim biết yêu thương, bằng tâm trí biết khiêm nhường, bằng tâm hồn tha thiết với sự sống vĩnh cửu nơi Thiên Chúa. Từ nhiều thập niên qua, vùng Trung Đông, nơi Hài Nhi chọn nhập thể đã sống các hậu quả thê thảm của cuộc xung đột vũ trang kéo dài gần như bất tận, đã gây ra biết bao nhiêu thương tích cần phải chữa lành. Trong một thời đại văn minh hôm nay mà bạo lực vẫn không ngừng bùng cháy. Nhân loại bất ổn và sự không hiểu biết, thiếu cảm thông và kiên nhẫn với nhau cũng tạo ra sự bất ổn. Trong chiến loạn, xung đột, các quyền căn bản của con người bị khước từ. Làng mạc bị cô lập và nhiều cộng đoàn dân sự và tôn giáo phải rời khỏi vùng đất của mình tìm nơi lánh tiếng súng. Nhân loại của Chúa vẫn sống sợ hãi trong các chia rẽ, thiếu thốn và khổ đau đủ loại. Thông điệp Giáng Sinh năm nay, Đức Thánh Cha đã cùng thế giới Công giáo muốn được gần gũi với những ai phải đau khổ vì các hậu quả của xung khắc ấy.

Ngày hôm nay, nhiều học thuyết hình thành để giải thích dấu chỉ thời đại, nhiều kiến giải mới về nội dung tôn giáo được trình bày mạnh mẽ, rộng rãi đã đưa ra rất nhiều con đường giải thoát cho nhân loại. Có vẻ như vòng xoay này càng lúc càng khó cho nhân loại lựa chọn. Riêng bản thân, tôi tin chỉ có Đức Giêsu Kitô mới là Đấng Cứu Độ, thật là Đấng đem lại nền hòa bình chân chính và vĩnh cửu cho nhân loại. Dẫu phải chịu sức ép đến diệt vọng vì sứ điệp ấy, thì tôi thấy vẫn cần được lặp lại ngay hôm nay và mỗi ngày trong đời rằng: nền hòa bình của hoàng đế Augustô và của biết bao vua chúa, lãnh tụ đảng phái trong lịch sử thế giới, tất cả rồi cũng qua đi chứ không trường tồn, chỉ có nền hòa bình mà Hài Nhi Giêsu mang lại trong đêm Giáng Sinh mới vĩnh viễn trường tồn, nền hòa bình ấy được khơi nguồn từ trong tâm hồn và thể hiện ra bên ngoài qua từng hành vi nhỏ bé rất đời thường của hàng tỷ Kitô hữu trên thế giới.

Dân Kitô giáo đã học biết để sống nền hòa bình chân chính đó bằng cách “mang trong lòng mình những tâm tư của Người” (x. Phil 2,5), nghĩa là, bước đi trong đường lối yêu thương và bỏ mình, hiền lành và khiêm tốn, dấn thân và phục vụ mà chính Đức Kitô Giêsu đã đi trước đến độ hiến dâng mạng sống trên thập giá.

Thiên Chúa đã đến trong lịch sử hữu hạn của nhân loại để chấm dứt tình trạng xung đột, thiếu thiện căn và thiện cảm, Ngài muốn mang đến thiện ích cho tất cả mọi người. Ngôi Lời nhập thể là nỗ lực và sáng kiến của Đấng Siêu Linh nhằm tạo dựng những điều kiện của một nền hòa bình ổn định, dựa trên công lý và tình thương. Thiên Chúa muốn con người thừa nhận các quyền của từng người và dấn thân cho lợi ích tâm linh và an sinh xã hội của nhau. Kitô nhân, tất cả đều được thôi thúc nhập cuộc vào hành trình hiến dâng can đảm quảng đại và sáng kiến phục vụ công ích, xây dựng hòa bình, khuyến khích thừa nhận phẩm giá và tôn trọng tự do của nhau.

Để dấn thân, để có hòa bình và công lý, hãy tự hỏi tôi là ai trước Hài Nhi Giêsu? Tôi là ai trước sự túng bấn của anh em chúng ta ngày nay? Tôi có giống Mẹ Maria và Thánh phụ Giuse tiếp đón Chúa Giêsu và lo lắng cho Người với tình gia đình yêu thương hay không? Hay tôi bây giờ giống như vua Hêrôđê muốn loại trừ Ngài? Tôi lại có giống các mục đồng mau mắn quỳ xuống thờ lạy Hài Nhi rồi dâng cho Ngài các món quà khiêm tốn hay tôi vẫn thờ ơ? Có lẽ tôi chỉ giỏi hùng biện và tư duy đạo đức, giỏi khai thác các hình ảnh của thế sự cho mục đích đánh bóng cá nhân?

Nhớ lại, ngày 27 tháng 11 năm 1895, tại Paris, ông Alfred Nobel đã ký di chúc, dành toàn bộ tài sản - tiền thưởng tích cóp cả cuộc đời làm việc, nghiên cứu sáng tạo của ông... để lập ra giải thưởng Nobel (mang tên ông). Đến nay, giải Nobel được thừa nhận rộng rãi như là giải thưởng danh giá nhất mà một người có thể nhận được trong lĩnh vực được trao giải.

Giải thưởng quốc tế Nobel được tổ chức thường niên kể từ năm 1901, trao cho những nhóm và hoặc cá nhân có thành tựu xuất sắc trong các lĩnh vực: vật lý, hoá học, y học, văn học, kinh tế và hòa bình. Trong đó, giải Nobel hoà bình được trao cho tổ chức hoặc cho cá nhân. Năm 1968, Ngân hàng Thụy Điển (nơi quỹ Nobel đang uỷ thác) đã quyết định trao thêm giải thưởng lĩnh vực "khoa học kinh tế".

Tính đến nay, sau 115 năm lịch sử kể từ lần trao giải đầu tiên năm 1901, thế giới đã có 870 cá nhân và 26 tổ chức vinh dự được nhận giải thưởng danh giá vì những thành tích nghiên cứu - cống hiến xuất sắc cho nhân loại. Mỗi giải thưởng bao gồm: tiền thưởng trị giá 1,1 triệu USD; một huy chương bằng vàng nguyên khối chạm hình Sir Alfred Nobel và một giấy chứng nhận về giải thưởng.

- Kể từ năm 1901 khi giải Nobel đầu tiên được trao, đến nay đã có 820 nam giới và 50 phụ nữ được vinh danh. (Các nhà hoạt động Nữ quyền chắc không thích lắm điều này).

- Độ tuổi trung bình của những người đoạt giải Nobel trên tất cả các lĩnh vực là 59 tuổi.

- Người giành giải Nobel cao tuổi nhất là nhà khoa học Mỹ (gốc Nga), Leonid Hurwicz. Ông được trao giải Nobel Kinh tế vào tháng 10 năm 2007, khi đã 90 tuổi. Tám tháng sau ông qua đời.

- Năm 2007, nữ tác giả người Anh, Doris Lessing, trở thành người phụ nữ lớn tuổi nhất giành giải Nobel Văn học, khi bà 87 tuổi. Bà cũng là một tác giả đặc biệt với tuổi thơ bất hạnh ở xứ độc tài Persia (Iran bây giờ); lớn lên ở xứ sở nghèo khổ và con người bị chà đạp Southern Rhodesia (hiện nay là Zimbabwe); sau 30 tuổi mới chuyển đến Anh sinh sống.

- Người trẻ nhất vinh dự nhận giải Nobel là nữ sinh Malala Yousafzai (17 tuổi, quốc tịch Pakistan), giành giải Nobel Hòa bình vào năm 2014 vì những nỗ lực hoạt động bảo vệ Nữ quyền và Quyền trẻ em.

- Nhà khoa học Marie Curie là người phụ nữ duy nhất được trao 2 giải Nobel: Nobel Vật lý (1903) và Nobel Hóa học (1911).

- Có 06 cặp cha và con trai; 01 cặp cha và con gái; cùng 01 cặp mẹ và con gái... cùng đoạt giải thưởng Nobel. Bên cạnh đó, có 05 cặp vợ chồng cùng đoạt giải Nobel.

- Danh hiệu “Gia đình Nobel” giành giải Nobel Hóa học thuộc về nhà bà Curie, gồm: vợ chồng Pierre-Marie Curie và con gái Irène Joliot Curie cùng con rể của họ là Frédéric Joliot. (Gia đình giành được nhiều giải Nobel nhất hành tinh).

- Giải Nobel Hòa bình năm 2014, trước khi trao cho nữ sinh 17 tuổi người Pakistan, đã nhận được con số đề cử kỷ lục: 278 đề cử.

Với giải thưởng hơn 1 triệu USD, những người giành giải Nobel dùng số tiền đó vào việc gì? Ông Lars Heikensten, Giám đốc điều hành Tổ chức Nobel (Thụy Điển), cho biết những người đoạt giải Nobel không có xu hướng dùng tiền thưởng đi mua sắm. “Tôi nghĩ việc xài tiền thưởng tùy thuộc vào nhiều yếu tố chẳng hạn như họ đến từ quốc gia nào, tình hình tài chính cá nhân của họ ra sao…”, ông Heikensten nói. Khi nhà khoa học người Anh, ông Paul Nurse đoạt giải Nobel Y học hồi năm 2001, ông đã quyết định trích một ít tiền thưởng nâng cấp chiếc xe môtô của ông. Còn nhà khoa học Richard Roberts, người cùng ông Nurse đoạt giải Nobel Y học 2011, chi tiền làm một sân cỏ môn bóng vồ (croquet) ngay trước nhà mình. Nhà văn người Úc, bà Elfriede Jelinek, đoạt giải Nobel Văn học 2004, cho rằng số tiền thưởng giúp bà “tự chủ tài chính”. Có nhiều người đoạt giải Nobel dùng tiền thưởng mua bất động sản, và cũng có một số người công khai việc họ xài tiền thưởng. Giải thưởng 1,25 triệu USD nghe có vẻ nhiều nhưng tiền thưởng sẽ được chia đều nếu nhiều người cùng đoạt một giải. Nhà khoa học Wolfgang Ketterle, thuộc Học viện công nghệ Massachusetts (Mỹ), cùng hai đồng nghiệp khác đoạt giải Nobel Vậy lý 2011, đã lấy tiền thưởng đầu tư mua một căn nhà và đóng tiền học cho con cái của ông. “Gần phân nửa tiền thưởng của tôi đã đem đi đóng thuế ở Mỹ rồi, vì thế cũng chẳng có gì nhiều”, ông Ketterle cho biết.

Nhà kinh tế học Muhammad Yunus của Bangladesh, đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2006, dùng tiền thưởng thành lập một bệnh viện mắt chữa bệnh miễn phí cho người nghèo và một công ty sản xuất thực phẩm giá rẻ cho người nghèo. Ông Yunus là người sáng lập ra ngân hàng Grameen, ngân hàng cho vay lãi suất cực thấp giúp người nghèo thoát nghèo ở Bangladesh. Đây là ý tưởng giúp ông đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2006. Đa số những người đoạt giải thưởng Nobel Hòa bình, thường là các chính trị gia, nhà hoạt động, dùng tiền thưởng làm từ thiện. Chẳng hạn, Tổng thống Mỹ Barack Obama, đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2009 và Liên minh châu Âu nhận giải Nobel Hòa bình măm 2012, quyên góp hết số tiền thưởng cho các tổ chức từ thiện. Tổng thống Obama nói về các tổ chức mà ông tặng tiền thưởng: “Các tổ chức đang thực hiện các công việc đặc biệt ở Mỹ và nước ngoài, giúp đỡ những sinh viên, các cựu chiến binh, và các việc nhân đạo khác. Tôi lấy làm vinh dự được ủng hộ công việc của họ”. Mẹ Teresa (giải hòa bình, 1979), Nadine Gordimer (giải Văn học, 1991), Wole Soyinka (giải Văn học, 1986) và nhiều người khác cũng dành phần tài chính của giải thưởng cho sự nghiệp nhân đạo.

***

Mọi người thiện tâm luôn ước mong về một đời sống được đổ đầy với niềm vui và hy vọng. Hội Thánh đã dạy rằng trong trái tim của mỗi người nam và người nữ luôn thường trực một nỗi khao khát về một đời sống sung mãn, bao gồm khao khát không thể kìm nén được về tình huynh đệ vốn là điều lôi kéo chúng ta đến với người khác và giúp chúng ta đối xử với họ không như là kẻ thù hay người đối địch, nhưng như là anh chị em được đón nhận và ôm ấp.

Hòa bình là tên gọi khác của tương quan huynh đệ. Những cá nhân ưu tú, thiện tâm của nhân loại luôn ý thức sống động về mối tương quan này. Vì lẽ đó, họ nhìn ra anh em mình và đối xử với họ bằng hành vi yêu thương đích thực. Không có tình huynh đệ thì không thể xây dựng một xã hội công bình và một nền hòa bình bền vững và viên mãn dù trang bị võ khí tối tân và hàng triệu binh tinh nhuệ. Tình thương được học biết tại gia đình Nazareth qua khung cảnh Giáng Sinh, mẫu gương về vai trò trách nhiệm và sự giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên, đặc biệt là người cha và người mẹ. Liên đới anh em, nền tảng và là con đường đầu tiên dẫn đến hòa bình.

Năm nay, niềm vui của ngày lễ Giáng Sinh soi sáng những nỗ lực của mỗi Kitô nhân được linh hứng bởi hy vọng. Nhờ được thần hứng nơi máng cỏ khiêm hạ của Chúa Giêsu Kitô, nhân loại được tiếp sức để có thể dấn thân hoạt động cho nền hòa bình và công lý Nước Trời.

Chúa Hài Nhi được sinh ra, niềm hy vọng cho nhân loại được sinh ra. Ai cũng có quyền được hy vọng và nơi hy vọng được sinh ra trong chính tâm hồn mình, con người lấy lại được phẩm giá của họ và mang lấy toàn bộ lịch sử cuộc đời mình với sự hân hoan, tươi trẻ. Đêm đông vẫn còn lạnh lẽo não nùng khi nhiều phụ nữ bị tước đoạt nhân phẩm của họ và sống trong tủi nhục thường xuyên, còn những em bé co ro bên hàng hiên quán, còn những gia đình nghèo đói xác xơ, màn trời chiếu đất, giống như Hài Nhi Giêsu, họ đang phải chịu lạnh, bị lâm cảnh đói nghèo, và bị từ chối. Lễ Giáng Sinh là ngày hội gần gũi, yêu thương, sẻ chia và sưởi ấm khuyến khích mỗi Kitô hữu mở rộng vòng tay để giúp đỡ anh chị em đói nghèo cùng cực do thiên tai, do tai nạn hoặc chiến tranh phải sống lang bạt vô định trong những điều kiện thiếu tính nhân đạo và nguy hiểm cho mạng sống của họ. Chúa Hài Nhi vẫn mời gọi mỗi Kitô nhân của Ngài hãy quảng đại làm việc để cung cấp sự hỗ trợ và chào đón anh chị em kém may mắn, giúp họ xây dựng một tương lai xứng đáng cho bản thân và cho những người thân yêu của họ, và được hội nhập tích cực vào xã hội đang phồn vinh đổi mới từng ngày.

Những vì sao đêm nhấp nháy trong đêm đông như những tia hy vọng trên trời. Tiếng thánh ca dìu dặt vang lên từ cù lao Thới Sơn để các tầng trời mở ra cho ơn bình an dạt dào nhân thế để trong cả những sự việc bé nhỏ hằng ngày luôn luôn là một hồng ân của Thiên Chúa. Chúa Hài Đồng của dân Kitô giáo và của những người thiện tâm có thể xuất hiện ngay cả trong những nơi nhỏ bé nhất. Trái tim của một con người cũng được kể vào trong số những nơi nhỏ bé nhất đó, và nó thường là một nơi kín đáo. Vương quốc bình an của Thiên Chúa có thể biểu lộ ngay cả trong những giấc mơ, chẳng hạn như nó đã xảy ra với Thánh Giu-se, người đang sợ hãi trước việc kết hôn với Đức Maria. Còn chính Đức Maria thì là người luôn có sự bình an trong tâm hồn. Hồng ân đó của Thiên Chúa luôn cần tới một sự nỗ lực nào đó, nghĩa là ta phải lên đường để đi tới đó để lãnh nhận.

Lm. FX. Nguyễn Văn Thượng

Gp. Mỹ Tho