21/11/2022
747
Mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Tại Trung Tâm Hành Hương Ba Giồng



















 

MỪNG KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

TẠI TRUNG TÂM HÀNH HƯƠNG BA GIỒNG

Phêrô Hoàng Anh

(WGPMT) Theo sách chúc lành (De Benedictionibus) số 404 và 405, chúng ta có một chỉ dẫn cho biết ý nghĩa của việc hành hương (Trích từ website của HĐGM Việt Nam, “Nghi thức chúc lành cho những người hành hương):

404. Trong đời sống mục vụ, nên coi trọng những việc hành hương đến những nơi thánh, những mộ của các thánh và những đền thánh, hoặc theo như cách truyền thống, hoặc theo kiểu ngày nay, vì chúng thôi thúc các tín hữu ăn năn hối cải, nuôi dưỡng đời sống Kitô giáo và cổ vũ sáng kiến tông đồ.

405. Phải lo giữ lại điều riêng biệt của việc hành hương Kitô giáo, nghĩa là bản chất thiêng liêng của chúng, và lo trình bày cũng như chuẩn bị cách thích hợp để người hành hương thực sự trở nên “những người đi rao giảng Chúa Kitô” (CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh về Tông đồ giáo dân, số 14) và để họ nhận được hiệu quả dồi dào cho việc hành hương này.

Hoà cùng niềm vui của Mẹ Giáo Hội, cách riêng là Giáo Hội Việt Nam long trọng mừng kính các thánh Tử đạo tại Việt Nam. Người viết cũng muốn đắm mình trong bầu không khí ấy để suy niệm và nhìn lại một chút về hồng phúc Tử đạo, như một đặc ân Chúa ban cho các bậc tổ tiên. Hồng phúc đó như một tấm gương sáng ngời, một con đường chân lý dẫn chúng ta đạt tới cùng đích của đời người. Mặt khác có thể gọi việc tử đạo là phương cách vượt qua “hữu thể người” để đạt tới “hữu thể Vinh Phúc”. Như Công đồng Vaticanô II đã nói: “Mầu nhiệm con người chỉ được sáng tỏ trong Mầu nhiệm của Thiên Chúa”.

Cách riêng là người con của Giáo Phận Mỹ Tho, thật vinh phúc vì Giáo phận có được một trung tâm hành hương tại Giáo xứ Ba Giồng, nơi đây là quê hương của các anh hùng tử đạo. Các ngài đã viết lên một lịch sử oai hùng cho quê hương cho Giáo phận, các ngài đã giặt áo mình trong máu Con Chiên. Vì yêu mến Chúa và bảo vệ đức tin nên các ngài đã sẵn lòng tiến lên pháp trường để chịu “sát tế”. Trải qua hơn hai năm dịch bệnh, biến cố của thời đại, và tất cả mọi người cùng nhau chiến đấu chống lại cơn đại dịch Covid thì giờ đây mọi thứ đã trở lại như nó đã từng là. Tất cả chúng ta như bước vào thời khắc “mùa xuân mới” của cuộc đời. Chính vì thế, cha Giám đốc trung tâm hành hương Ba Giồng Gioan Baotixita Nguyễn Tấn Sang đã viết thư mời Tham dự đại lễ mừng kính các thánh Tử Đạo Việt Nam. Điều này nối lại nhịp cầu cho tất cả mọi người “trở về” với trung tâm hành hương nơi ghi dấu bước chân của các Vị Thánh Tử Đạo Việt Nam để kính viếng các ngài.

Nhân cơ hội này, người viết kính mời bạn đọc cùng tìm hiểu đôi nét về Trung tâm hành hương Ba Giồng để mỗi người chúng ta hiểu biết thêm về quê hương của các thánh tử đạo.

Trung Tâm Hành Hương Ba Giồng thuộc Giáo phận Mỹ Tho, nơi đây có Cha Thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu (1812-1861) và các anh hùng tử đạo.

Trung Tâm hành hương Ba Giồng, có lẽ ít nhiều chúng ta đã biết hay đã từng nghe kể về một vùng đất nổi tiếng mang địa danh Ba Giồng. Trong tiếng Hán gọi là Tam Phụ, nằm về phía Tây Nam Sài Gòn, trong tỉnh Mỹ Tho nay thuộc tỉnh Tiền Giang. Vùng đất nghèo nhưng có truyền thống đức tin mạnh mẽ, theo lời kể của Cha Tổng Đại Diện Phaolô Trần Kỳ Minh nguyên là Cha sở giáo xứ này. Ba Giồng khoảng năm 1700 về trước nơi đây là một vùng đầm lầy khá rộng, những hồ nước mênh mông, mùa mưa có những cơn lốc xoáy dữ dội; chính vì thế nó đã đẩy những đụn cát đi xa và tạo nên ba giồng cát lớn, xa nhất là Củ Chi kế đến là Thân Cửu Nghĩa và sau cùng là xóm nhỏ Ba Giồng ngày nay, và trên mỗi giồng cát được bao phủ bởi những lũy tre tạo nên bức tường thành vững chắc có thể nói “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Chính vì thế, mà nơi đây trở thành một vùng đất trú ẩn an toàn cho lưu dân Kitô hữu di cư từ Phú Yên vào, trong thời vua Gia Long […]. Qua bao nhiêu sóng gió của những cuộc rượt đuổi thảm sát của triều đình nhà Nguyễn, những thăng trầm để hình thành nên vùng đất Ba Giồng và điểm son là năm 1862, 25 vị anh hùng tử đạo đã tuyên xưng đức tin và chịu chết tại chợ Củ Chi cách Ba Giồng 2 cây số, đã giúp cho vùng đất hoang sơ này trở nên “vùng đất thánh”. Những giọt máu đức tin nóng hổi của những con người anh dũng trước thế lực bạo tàn để bảo vệ đức tin của chính mình. Nêu gương Đức Giêsu Kitô, Người Thầy Chí Thánh, Đấng đã chết cho nhân loại chỉ vì tình yêu.

Ba Giồng (!) Ngôi nhà thờ, tháp chuông cùng với cảnh vật nơi đây như bao mãnh đất khác; cũng đất, cũng con người và mọi sự cũng diễn ra đều đặn với nhịp sống bình dị, chân chất, mộc mạc của những người dân quê nhưng pha lẫn chút gì đó sự vội vã của cuộc sống mưu sinh. Nhưng đối với tôi được trở về với những dấu chứng tử đạo, là một niềm hạnh phúc và tự hào biết bao. Cảm nhận được một sự sống mãnh liệt và hào hùng đang chảy tràn trong vẻ bình dị của cuộc sống Giáo xứ Ba Giồng và nơi tất cả những con người Kitô hữu nơi đây.

Ngôi nhà thờ thấp bé bên cạnh tháp chuông vút cao với đỉnh là 2 nhành lá thiên tuế ôm trọn cây thánh giá. Điều này như mang một biểu trưng, vòng nguyệt quế dành cho người chiến thắng; chiến thắng trong một cuộc chiến đấu với thế lực bạo tàn để gìn giữ đức tin, đó là niềm kêu hãnh cho vùng đất anh hùng tử đạo. Ngôi nhà thờ nằm ngay trung tâm được bao quanh bởi những ngôi nhà chạy mất hút theo những con đường uốn lượn. Tất cả như vòng tay giữ lấy viên ngọc bảo quý giá của mình, là đức tin, là gia tài mà thế hệ đi trước đã để lại cho con cháu đời sau. Thật! Một vinh dự biết bao cho mỗi người trong chúng ta khi tới đây, cảm thấy được sự gần gũi và niềm hân hoan lạ kỳ khi đặc chân lên “xứ sở anh hùng” được gặp gỡ những con người trung kiên, chân chất mà mộc mạc nghĩa tình.

Ba Giồng đất vọng tiếng xưa

Bi hùng giây phút tiễn đưa pháp trường

Trăm năm sắc cảnh còn vương

Máu người tử đạo nêu gương sáng ngời.

(Trích: bài thơ Tiếng Vọng – Nguyễn Hoàng Anh)

Là người con của Giáo Phận Mỹ Tho, tôi mang trong mình sự hãnh diện, một cảm thức sâu lắng trong tâm hồn. Theo bước hành trình của đoàn hành hương đã khơi gợi lên trong tôi biết bao điều. Trước tiên, muôn lời chúc tụng Thiên Chúa, Đấng đã ban phúc lành cho Giáo phận, đặc biệt là Giáo xứ Ba Giồng. Để qua đó không chỉ là người con trong giáo xứ Ba Giồng mà mỗi người trong chúng tôi, từng thành viên của Giáo phận luôn ý thức rằng đấy là món quà vô giá và thật lớn lao của Lòng Chúa Thương Xót đã ưu ái đặc biệt cho Giáo phận Mỹ Tho, cho con người Mỹ Tho và cho từng người Kitô hữu trong Giáo phận. Thứ đến, việc đi hành hương không đơn thuần là một chuyến đi thăm một địa danh, mở một chút tầm mắt, hít thở một không khí mới… nhưng khi đi hành hương đã giúp tôi tìm lại nguồn của tình yêu, sức sống của tình yêu, nơi câu chuyện tình yêu thực sự được viết lên bằng máu. Các Thánh Tử Đạo đã nêu một tấm gương sáng ngời về lòng trung nghĩa, một tình yêu đích thực và trung tín cho dù có bị giày xéo, bị giết chết, thì tình yêu và sức mạnh của niềm tin cũng sẽ vượt thắng. Sau cùng, Các Thánh Tử Đạo tại Ba Giồng như một lời đáp trả nhỏ bé chân thành và lòng trung tín của con người với tình yêu Thiên Chúa, Đấng hằng luôn tín trung với con người.

Nguyện xin Cha Thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu và 27 vị Thánh Tử Đạo tại Ba Giồng hãy cầu thay nguyện giúp cho giáo dân giáo xứ cách riêng, và cho toàn tín hữu Giáo phận Mỹ Tho nói chung luôn kiên vững trong đức tin, đầy lòng trung tín với Thiên Chúa là Cha và là Đấng đầy Lòng Thương Xót. Nguyện xin Tình Yêu và ơn lành của Chúa Ba Ngôi ban tràn đầy niềm vui và một cảm thức sâu sa trong tâm hồn mỗi người.