25/11/2020
1099
Mùa vọng - Đừng ngủ quên trên chiến thắng_Lm. Phêrô Khương

 

Mùa Vọng

ĐỪNG NGỦ QUÊN TRÊN CHIẾN THẮNG

 

“Adventus” tiếng Latinh có nghĩa là “Đến” – “Chúa Đến”. Để diễn tả thái độ chờ đợi (vọng, trông ngóng) Chúa đến, các Kitô hữu sống ba tâm tình:

1. Chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh, kính nhớ Con Thiên Chúa đã đến lần thứ nhất với loài người.

2. Hướng lòng trông đợi Chúa Kitô sẽ đến lần thứ hai, để phán xét và ân thưởng trong ngày tận thế. Giữa hai tâm tình đó, còn có tâm tình thứ ba.

3. Sống trọn vẹn, sống hết mình, sống tốt giây phút hiện tại, với thái độ: Cảnh giác, tỉnh thức và sẵn sàng.

          Cử hành và sống Mùa Vọng năm nay, muốn suy nghĩ, nghiền ngẫm tâm tình thứ ba: Sống tốt giây phút hiện tại bằng ý thức cảnh giác – Xin đừng ngủ quên trên chiến thắng.

          Ở giải vô địch bơi lội thế giới (FINA 2017) diễn ra tại Budapest (Hungary), kình ngư Schooling thi đấu dưới sự kỳ vọng. Ở nội dung 100m bướm, tay bơi từng giành huy chương vàng Olympic Rio 2016 chỉ giành được huy chương đồng với thời gian 50 giây 83.

          Như vậy thành tích của Schooling thụt lùi so với cách đây 1 năm: Dưới làn nước tại Rio (Brazil), vận động viên người Singapore tạo ra tiếng vang lớn trong lịch sử bơi lội nước nhà, khi vượt qua nhiều đối thủ đáng gờm như Michael Phelps và Chad le Clos để giành huy chương vàng nội dung 100m bướm, với thời gian 50 giây 39.

          Trả lời báo chí Schooling không giấu được vẻ thất vọng. Anh thừa nhận đã trả giá vì ngủ quên trên chiến thắng quá lâu: “Đây không phải giải đấu thành công sau thành tựu ở Olympic Rio 2016, tôi giành đến nửa năm để nghỉ ngơi và chỉ trở lại tập luyện nghiêm túc vào tháng 1, và rồi đây là cái giá phải trả…” Chủ nhân huy chương vàng Olympic Rio 2016 thổ lộ.

          Ngủ quên trên chiến thắng là trạng thái mất kiểm soát bản thân, thậm chí không còn biết việc mình làm đúng hay sai. Bởi sự chiến thắng làm cho bản thân buông lỏng, và cứ nghĩ mình phải được thưởng công xứng đáng với công sức đã bỏ ra… Đó là lúc bạn đang ngủ quên trên chiến thắng.

          Nhìn ở chiều kích đời sống tâm linh. Ngủ quên trên chiến thắng, là thái độ chủ quan: Mất cảnh giác trước những cám dỗ, tự mãn và kiêu căng.

- Mất cảnh giác trước những cám dỗ: Cám dỗ luôn vây quanh và rình rập con người trong dáng vẻ hết sức mỹ miều kiều diễm. Nói theo ngôn ngữ tu đức “Khởi đầu thánh thiện, kết thúc xác thịt” (x.Gl 3,3).

          Còn nhớ như in, thuở nhỏ khi học giáo lý được dạy: Cám dỗ khơi dậy lòng ham muốn đến mức làm cho sa ngã. Và được giải thích rất rõ: Tự thân, cám dỗ là những điều xấu.

          Thời nay, cám dỗ không còn đơn giản như vậy nữa. Nó đã nâng tầm đẳng cấp: Cám dỗ khơi dậy những điều tốt đẹp, thánh thiện. Nhưng sau đó, để thực hiện những điều tốt đẹp này, lại có khuynh hướng dùng những phương tiện không phù hợp, thậm chí là bất chính… Nhằm đạt cho bằng được mục đích đã đề ra. Nếu không cảnh giác, rất dễ rơi vào tình trạng: Tự biện hộ cho chính mình dưới vỏ bọc: Phụng sự cho những điều tốt đẹp. Và như vậy, sa chước cám dỗ lúc nào cũng chẳng hay.

- Thái độ tự mãn: Không cần phải nói, thái độ tự mãn là biểu hiện đã in sâu trong ADN, trong di truyền của con người. Nếu không để ý kiểm soát cảm xúc, sự tự mãn sẽ ngay tức thì xuất hiện. Đó chính là thái độ thỏa mãn những gì mình đã đạt được, mà không cần phải cố gắng hơn nữa.

          Sự tự mãn càng có điều kiện phát huy, khi có ai đó khen, tâng bốc, cường điệu hóa, đôi khi thần thánh hóa cho chính đương sự nữa. Tự mãn bộc lộ ra bên ngoài hết sức tinh vi bởi những kiến thức, kỹ năng, khả năng và thậm chí là có cả những nhân đức nữa. Vì thế, phải luôn cảnh giác, chủ động đề phòng, vì nếu không, từ sự tự mãn biến chuyển thành kiêu ngạo, là một khoảng cách hết sức cận kề.

- Sự kiêu căng: Kiêu căng thường gắn liền với những thành công đạt được. Nếu tự mãn là xúc cảm từ bên trong tâm hồn con người, thì kiêu căng lại là những biểu hiện bộc lộ ra dáng vẻ bên ngoài. Kiêu căng thì luôn đi kèm với sự tự mãn, còn tự mãn, là nguyên cớ mạnh nhất dẫn đến kiêu căng.

          Kiêu căng, huênh hoang, vênh váo… Thường diễn ra khi bản thân đắc thủ được một thành công nào đó: Kiến thức, nghề nghiệp, nhân đức, những công trình, tác phẩm, danh tiếng, địa vị và quyền lực. Kiêu căng phá hủy sự cầu tiến và những nhân đức nơi mỗi người, từ đó dẫn đến khó khăn trong việc đối thoại.

Nguy hiểm hơn, kiêu căng phá hủy sự hiệp nhất và bình an trong một cộng đoàn. Thay vì nhẫn nhịn, chịu đựng, lắng nghe và đối thoại, kiêu căng trở thành công cụ chứng tỏ quyền uy và sức mạnh trên kẻ khác. Kiêu căng làm cho người đối diện cảm thấy sợ hãi, vì nó chứng tỏ quyền lực, mà không thể thu phục tâm trí người khác một cách mỹ mãn được. Nói cách khác: Kiêu căng phá hủy nghệ thuật chinh phục lòng người.

Thay vì bắc những nhịp cầu, kiêu căng lại dựng lên những bức tường vô hình, cản trở, ngăn cách giữa người với người. Kiêu căng khi đến cao độ sẽ biến chuyển thành kiêu ngạo và độc tài. Để dẹp bỏ phần nào sự kiêu căng, kiêu ngạo, không cách gì khác hơn là luôn ý thức bản thân mỗi người, chỉ là đầy tớ vô dụng trước mặt Chúa. (x. Lc 17,10)

Nhìn ở chiều kích đời sống xã hội: Thái độ ngủ quên trên chiến thắng, là khởi đầu cho những thất bại. Thất bại này, bắt đầu từ ngay bên trong con người, mà không phải là những tác nhân bên ngoài.

Bắt đầu trước tiên là: Mất kiểm soát bản thân, đồng thời thỏa mãn với những thành công hiện tại, và bắt đầu tự cao tự đại, sau cùng là im lặng với tương lai của chính mình.

Mất kiểm soát bản thân, không giới hạn trong việc kiểm soát cân nặng hay sức khỏe. Nhưng bao hàm cả việc thiếu kiểm soát tư tưởng, lời nói và hành vi của mình. Tự cô lập và đóng khung sự hiểu biết của bản thân vào một thế giới của riêng mình mà không mở ra, không kết nối được với cộng đồng.

Từ đó dẫn đến thái độ tự cao tự đại, “Không ai bằng tôi, và tôi luôn luôn là hơn mọi người”. Điều này rất dễ nhận ra, khi bản thân luôn hoài niệm về thành công của quá khứ, xem đó như là thước đo chuẩn mực bất di bất dịch.

Nguy hiểm hơn, ngủ quên trên chiến thắng, còn là thái độ nhút nhát chối bỏ sự thất bại của bản thân. Không dám nhìn vào sự thật đã diễn ra, đang diễn ra, mà cứ loanh quanh trong thế giới ảo tưởng và hoài niệm về quá khứ.

Chính vì thế, khi đang ngủ quên trên chiến thắng, sẽ có khuynh hướng im tiếng với tương lai của chính mình. Tương lai ở đây, không phải là sự thăng tiến của bản thân. Tương lai ở đây, chính là thái độ lắng nghe để cầu tiến, cập nhật để thêm phong phú, tiên liệu và dự đoán cho những gì có thể xảy ra phía trước.

Mùa Vọng, thời gian để đánh thức tiếng lương tri của chính mình, để nhận biết cách chính xác đâu là những thiếu sót, khuyết điểm tôi cần khắc phục. Đâu là những ưu điểm tiếp tục duy trì phát triển. Đâu là những thay đổi tôi phải bắt đầu ngay giây phút này… Mùa Vọng là thời gian để tự biết mình.

Mùa Vọng, nhìn về tương lai phần rỗi của mình, bằng thái độ sống thật tốt giây phút hiện tại, với ý thức cảnh giác: Đừng ngủ quên trên chiến thắng.

Lm. Pet Trần Trọng Khương

Giáo phận Mỹ Tho