19/12/2020
2142
Mùa Giáng Sinh-đất với trời se chữ đồng


 

Không biết từ khi nào, lễ Giáng Sinh (Noel) ở Việt Nam của người Công giáo đã trở thành lễ hội. Tại sao dám khẳng định điều này? Bởi vì: Cứ đến mùa Giáng Sinh, không chỉ nhà thờ, không chỉ gia đình người Công giáo, nhưng khắp nơi trên các nẻo đường, từ thành thị đến thôn quê, không phân biệt niềm tin tôn giáo, nghề nghiệp, quan điểm chính trị xã hội, địa vị…

Bầu khí Noel như thấm nhập vào mọi sinh hoạt của người dân: Nhạc chờ điện thoại được cài đặt là nhạc giáng sinh, trước nhà treo ngôi sao, dựng cây thông, hang đá, máng cỏ. Đi đến những nơi mua sắm, vui chơi giải trí, quán ăn, café, siêu thị, câu lạc bộ… được dàn dựng trang trí bắt mắt, hoành tráng, sinh động của khung cảnh và bầu khí Noel.

Cụ thể nhất, vào ngày lễ Giáng Sinh, người ngoại giáo tấp nập đến khuôn viên những nhà thờ lớn để tham quan, chụp hình lưu niệm mùa Noel. Người Công giáo thì tự hào, vì đây là dịp giới thiệu gương mặt lịch sử của Đấng Cứu Thế, và cũng phần nào cho thấy dáng vẻ lộng lẫy, huy hoàng ngày lễ của đạo Công giáo.

Nhân dịp lễ này, nhiều dịch vụ buôn bán thương mại cũng ăn theo, như: Khuyến mãi, giảm giá, sale… Mùa Noel. Dành ra vài phút lướt face sẽ thấy thiên hình vạn trạng những hình thức bán hàng online giảm giá dịp Noel đang về.

Nếu đặt vấn đề: Tại sao ngày lễ Sinh Nhật Chúa Giêsu lại trở thành lễ hội? Trả lời câu hỏi này một cách thuyết phục không phải là dễ. Có thể phát triển thành một đề tài nghiên cứu có tính tôn giáo và xã hội học.

Ở đây không trả lời cho câu hỏi trên, nhưng muốn gợi lên những suy nghĩ về đức tin. Đó là: Trong bầu khí lễ hội như vậy, sự thiên thánh của ngày lễ Giáng Sinh là gì?

Phải thành thật nhìn nhận rằng: Hằng năm, mỗi khi chuẩn bị mừng lễ Sinh nhật Chúa, chúng ta thường bị cuốn vào bầu khí lễ hội: Kịch nghệ, diễn nguyện, âm thanh, ánh sáng, nhạc họa, trang hoàng, chưng dọn, đèn nến, quà tặng, thiệp mừng, tiệc vui… Dường như sự linh thiêng của ngày lễ giảm dần, dường như sự thánh thiêng của ngày lễ trở nên đậm màu trần thế.

Trong bầu khí lễ hội như vậy, bạn sẽ trả lời: Sự thiêng thánh của ngày lễ là Thánh Lễ Giáng Sinh. Hoàn toàn đồng ý, nhưng không chỉ lễ Giáng Sinh mà tất cả những thánh lễ cử hành mỗi ngày trong Hội Thánh, dù là cử hành riêng tư, hoặc cử hành có cộng đoàn tham dự đông đảo, đều thánh thiện, cao trọng và linh thánh như nhau.

Vấn đề đặt ra là trong bầu khí lễ hội, nghĩa là sứ điệp thiêng thánh nhất muốn truyền tải đến cho tất cả mọi người, không phân biệt niềm tin tôn giáo, không cần am hiểu nhiều về kinh thánh, thần học… mà vẫn có thể cảm nhận được sự linh thiêng của ngày lễ.  

Có thể trả lời theo suy nghĩ và cảm nhận của riêng mình. Nhưng đối với tôi, hình ảnh một trẻ thơ nằm trong máng cỏ, bên cạnh là cha mẹ của bé quỳ gối thờ lạy, và những người chăn chiên cùng cúi mình phủ phục kính thờ - Đó là hình ảnh linh thiêng nhất, giàu ý nghĩa nhất, gợi hứng cho cuộc sống, và tràn đầy năng lượng để loan truyền những sứ điệp được ẩn giấu, che khuất.

Nói theo ngôn ngữ thi ca: Đất với trời xe chữ đồng. Vì, không ai có thể vẽ rõ chân dung thiên Chúa cho bằng chính Thiên Chúa. Vì thế, Thiên Chúa đã vẽ chân dung của Mình, bằng việc Thiên Chúa hạ sinh làm người. Bản tính Thiên Chúa và bản tính con người, cùng lúc, đồng thời hiện diện nơi Hài Nhi Giêsu. Nhìn bằng đôi mắt đức tin: Thiên Chúa đã trở nên xác phàm. Trẻ nhỏ Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa làm người.

Vì thế, giây phút Ngôi Hai Thiên Chúa được Mẹ Maria hạ sinh và đặt trong máng cỏ dành cho gia súc, nơi hang đá Belem, giây phút đó đã trở thành vĩnh cửu. Vĩnh cửu là bởi vì: Thiên Chúa ngự giá từ trời cao xuống đất thấp, bằng con đường không tưởng – Không có trí khôn nhân loại nào tưởng tượng ra được, để mở ra những nẻo đường đầy hiện thực, và hy vọng cho con người trở về với Thiên Chúa.

Giây phút đó trở thành vĩnh cửu, vì trời cao và đất thấp đã được nối kết giao hòa qua trung gian Hài Nhi Giêsu. Vì thế, loài người và Thiên Chúa nắm lấy được tay nhau qua trung gian một trẻ sơ sinh, bé nhỏ… Ôi! thật là diệu kỳ. Thật là vi diệu.

Hình ảnh Hài Nhi bình yên nằm trong máng cỏ, nhưng đó là kết quả chiến thắng của một trận chiến – Trận chiến giành lấy linh hồn con người. Ma quỷ đã thất bại trước quyền năng của Thiên Chúa, xiềng xích tội lỗi đã được tháo cởi. Bóng đêm tăm tối mịt mù của tuyệt vọng, cô đơn, lần trong đêm tối nay không còn nữa. Thay vào đó là niềm hy vọng tràn trề vì được giải thoát, con người đã tìm thấy ánh sáng ở cuối đường hầm là Chúa Giêsu Kitô.

Không cần biết bạn là ai. Không cần biết bạn từ đâu. Không cần biết bạn đang suy nghĩ những gì. Nhưng nếu đêm nay, bạn tan chảy vào dòng người lễ hội mừng Sinh Nhật Chúa. Bạn hãy hân hoan vui mừng, vì cuộc sống của bạn luôn có một tương lai vĩnh cửu phía trước, tương lai đó là: Bạn được ở trong vòng tay của Đấng Tạo Hóa. Tâm hồn bạn và Thiên Chúa được hòa điệu, nếu bạn có đủ can đảm tiến đến hang đá máng cỏ, cúi mình trước Hài Nhi Giêsu, với niềm Tin và lời khẩn nguyện:

Lạy Chúa, Con tin Ngôi Hai Thiên Chúa đã hạ sinh làm người để cứu lấy con. Giây phút ấy, bạn đã trở nên vĩnh cửu. Giây phút ấy, đất với trời xe chữ đồng.

Lm. Pet Trần Trọng Khương

Giáo phận Mỹ Tho