13/01/2023
315
Mầu Nhiệm Giáng Sinh, Nước và Rượu















 


MẦU NHIỆM GIÁNG SINH, NƯỚC VÀ RƯỢU

Fr. Billy Swan - Word on Fire, 22/12/2022

 

Khi tôi cử hành Thánh lễ với tư cách là một linh mục, một trong những cử chỉ và lời nguyện đi kèm luôn đánh động tôi là lúc chuẩn bị lễ vật là bánh và rượu để dâng lên Thiên Chúa Cha. Ngay sau khi dâng bánh, rượu được rót vào chén thánh, tiếp theo linh mục hay phó tế thêm vào một chút nước, đồng thời đọc lời nguyện này: “Nhờ dấu chỉ nước hòa rượu này, xin cho chúng con được tham dự vào thần tính của Đức Kitô, Đấng đã hạ mình để thông phần nhân tính của chúng con”. Khi tôi thực hiện lời nguyện này và xem cách nước hòa với rượu khi chảy vào chén thánh, tôi khiếp sợ vì cách thức mà lời nguyện và hành động mang tính biểu tượng sâu xa này bày tỏ đức tin của Hội Thánh – đó là, nhờ Thánh Lễ chúng ta cử hành và Mình Máu của Ngài chúng ta lãnh nhận, chúng ta hi vọng tham dự vào thần tính của Đấng đã hạ mình để thông phần nhân tính trần tục của chúng ta. Việc hòa lẫn nước và rượu trong Thánh Lễ tượng trưng cho việc hợp nhất thần tính và nhân tính nơi con người của Chúa Giêsu được xảy ra trong mầu nhiệm Nhập Thể mà chúng ta cử hành vào dịp Giáng Sinh.

Cử chỉ mang tính biểu tượng này đã là một phần của Thánh Lễ từ rất lâu đời. Nó là phần còn lại của một lời nguyện có từ rất sớm được tìm thấy trong sách nghi thức cổ nhất (Sách nghi thức Verona) là một lời nguyện Giáng Sinh, theo đó sự ra đời của Đức Kitô là điều kiện cần thiết cho sự kết hợp kì diệu giữa thần tính và nhân tính, được thực hiện bởi sáng kiến yêu thương của Thiên Chúa. Chống lại một số người thuộc phái Thanh giáo ngộ đạo muốn thay thế chất thể rượu trong Bí tích Thánh Thể bằng nước, thánh Cyprianô (k. 200-258) nhấn mạnh ý nghĩa biểu tượng của việc hòa lẫn này. Theo vị Giáo phụ châu Phi này, ngay khi rượu nhận nước vào mình, Đức Kitô cũng nhận chúng ta và tội lỗi của chúng ta vào bản thân Ngài. Do đó, việc hòa lẫn nước và rượu tượng trưng cho sự kết hợp mật thiết của các tín hữu với Đấng mà họ đã kết hợp chính mình trong đức tin; và sự kết hợp này vững chắc đến độ không có gì đảo ngược được, như nước không thể bị tách rời khỏi rượu nữa.

Theo lời của thánh Cyprianô: “Khi một ai đó chỉ dâng rượu, thì khi đó máu của Đức Kitô bắt đầu hiện hữu mà không có chúng ta; nhưng khi chỉ có nước, thì con người bắt đầu hiện hữu mà không có Đức Kitô” (Thư 63 gửi Caecilium). Đối với thánh Cyprianô, vấn đề chính yếu ở đây không phải là chính việc hòa lẫn mà là điều nó biểu lộ. Cùng với các Giáo phụ khác trong Hội Thánh, ngài chống lại sự chia cắt sai lầm giữa Thiên Chúa và nhân tính bị chính Thiên Chúa lấn lướt khi Ngài mang thấy thân phận con người chúng ta qua sự thụ thai và sinh hạ của Ngài.

Nguy hiểm của việc chia cắt các trật tự thần tính và nhân tính xuất hiện một lần nữa trong lịch sử. Chẳng hạn, trong thời Cải cách, Martin Luther (1483-1546) đã tuyên bố phần hòa nước vào rượu trong Thánh Lễ là không phù hợp và đã loại bỏ nó. Tại sao? Vì ông hiểu công trình của Thiên Chúa bị hạ thấp, vì cho thấy chúng ta được nên một với Đức Kitô. Để đáp lại, Công đồng Trentô thẳng thắn bảo vệ cách thực hành này để bảo vệ sự hợp nhất giữa nhân tính và thiên tính mà Chúa Giêsu đã hoàn tất khi thần tính của Ngài được mặc lấy xác phàm trong cung lòng Đức Maria và trở nên hữu hình khi ra đời tại Bêlem (Công đồng Trentô, kì họp thứ 22, Tín biểu số 7)

Đây là mầu nhiệm kì diệu mà chúng ta quỳ suy gẫm tại máng cỏ vào dịp Giáng Sinh và mỗi lần chúng ta tham dự Thánh Lễ. Sự tranh cãi về việc hòa lẫn nước với rượu và sự chiến thắng của tính chính thống đảm bảo rằng khi chúng ta nhìn vào máng cỏ, chúng ta thấy một Thiên Chúa là Đấng đã xóa bỏ ranh giới giữa Ngài với tất cả nhân loại vì tình yêu dành cho chúng ta. Nơi Đức Kitô hài đồng nằm trong máng cỏ, chúng ta nhìn thấy một vị Thiên Chúa, vì sự ra đời của Ngài, đã nối kết cách huyền nhiệm bản thân Ngài với mọi người và đã đưa nhân loại chúng ta vào chính đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì vậy như rượu nhận nước, thần tính của Đức Kitô cũng nhận nhân tính chúng ta, tuy nhiên không có sự lẫn lộn giữa hai bản tính ấy. Theo những lời rất hay của thánh Bônaventura (1221-1274): “Bí tích Thánh Thể chứa đựng Thân Thể thực sự và Thịt tinh tuyền của Đức Kitô, đến độ nó thâm nhập vào hữu thể của chúng ta, hợp nhất chúng ta lại với nhau và biến đổi chúng ta vào trong Ngài bằng tình yêu mãnh liệt mà Ngài đã trao ban chính mình cho chúng ta trong Mầu nhiệm Nhập Thể”.

Điều thánh Bônaventura, thánh Cyprianô, và các thánh khác hết sức nhấn mạnh là tương quan thân tình giữa bản tính con người và tình yêu của Chúa – tình yêu này đảm nhận và biến đổi bản tính con người. Vậy nếu nhân tính của chúng ta được thấm nhuần thần tính, thì bằng cách nào sự việc này định hướng đời sống của chúng ta và tạo ra sự khác biệt? Hoa trái của Chúa Thánh Thần loé lên, đó là những điều hiển hiện trong đời sống của mỗi Kitô hữu: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa và tiết độ.

Ở đây phác thảo những cách thức mà hoa trái của Thánh Thần biểu lộ những màu sắc khác nhau và cách thần tính của Đức Kitô bắt đầu biến đổi nhân tính của chúng ta từ bên trong: Tôi bắt đầu nghĩ ít hơn về sự xứng đáng của tôi nơi công việc, vị trí, tài năng, danh tiếng và những gì người khác nghĩ về tôi, để nghĩ nhiều hơn đến việc làm một người con yêu dấu của Thiên Chúa và được yêu vì chính bản thân tôi; tôi trở nên ít lo sợ thất bại và đau khổ khi được hợp nhất với Đấng đã chịu đau khổ và chết trên thập giá; sự khao khát thành công của con người chuyển thành ước muốn trung thành với Đấng mà tôi được kết hợp cách thiêng liêng trong mọi lúc; thay vì coi năng lực tính dục của tôi như một cái gì đó phải được chế ngự bằng những nỗ lực của mình, nó được Chúa Thánh Thần định hướng làm một sức mạnh để yêu mến Thiên Chúa với toàn bộ con người tôi và để phục vụ người khác, muốn điều tốt cho họ với sự nhiệt tình và yêu mến; khi những cảm xúc oán giận hay bực tức của tôi được chạm tới bởi thần tính của Ngài chúng chuyển thành tha thứ, bình an và phương dược chữa lành; như rượu nhận nước và thần tính nhận nhân tính của chúng ta, cũng vậy tôi bắt đầu thấy rằng điều liên hệ không phải là đưa Thiên Chúa vào thế giới của tôi và cách tôi nhìn nó, nhưng đúng hơn là đi vào thế giới của Thiên Chúa và cách Ngài nhìn nó; khi những cảm xúc đố kị được thần tính thấm nhập chúng dẫn đến lòng biết ơn và sự vui mừng vì những ân huệ Thiên Chúa ban tặng mọi người; thay cho cảm giác tổn thương khi tôi chịu thử thách, tôi xem nó là một lời mời gọi lớn lên, trưởng thành và yêu thương nhiều hơn giống như người yêu thần linh đã kết hợp với tôi. Đây chỉ là một số tác động của ân sủng xảy ra khi nhân tính được thần tính chạm tới và thâm nhập – mầu nhiệm này nằm ngay trung tâm đức tin của chúng ta.

Trong dịp Giáng Sinh này, chúng ta chiêm ngắm Chúa Kitô Hài đồng và tình yêu của Thiên Chúa mà chúng ta thấy nơi máng cỏ khi Thiên Chúa nối liền khoảng cách giữa Ngài với nhân loại bằng Mầu nhiệm Nhập Thể của Con Một Ngài. Tuy nhiên, trong mùa Giáng Sinh này và mãi về sau, chúng ta vẫn ngỡ ngàng trước mầu nhiệm vẫn đang tiếp diễn là sự hợp nhất cách huyền nhiệm nhân tính của chúng ta với thần tính của Đức Kitô – sự hợp nhất này đã được thực hiện khi chúng ta lãnh Bí tích Rửa Tội, đồng thời, được duy trì và luôn mới mẻ khi chúng ta rước lễ. Vào thời khắc kì diệu khi chúng ta rước Chúa, chân lí trong lời nguyện tuyệt vời ở đầu Thánh Lễ được hoàn tất. Vì nhờ mầu nhiệm rượu và nước, chúng ta thực sự chia sẻ thần tính của Đức Kitô, Đấng đã hạ mình để thông phần nhân tính của chúng ta.

Chuyển ngữ: Thanh Phong