07/06/2017
271
Loạt bài suy tư về lòng Thương Xót Chúa trong đời sống-7_Lm. FX Thượng




















LOẠT BÀI SUY TƯ VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG

KỲ 07: MẦU NHIỆM TỰ HUỶ - CẢM HỨNG VÔ BIÊN

CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

Tôi rất yêu mến nhà thơ Thâm Tâm. Đây là một con người đa tài; ngoài tài thơ văn còn vẽ tranh, viết truyện, soạn kịch, minh họa cho sách báo; tuy vậy ông vẫn được người đời biết nhiều bởi khả năng làm thơ tài hoa. Thơ của Thâm Tâm chất rắn rỏi, gân guốc, phảng phất hơi thơ cổ, nhất là những bài hành như Can Trường Hành, Vọng Nhân Hành, Tống Biệt Hành. Đề tài bài thơ là một trong hằng hà sa số những cuộc ly biệt được đưa vào “Thơ Mới” thời 1930 - 1945. Nhưng có lẽ trong văn học Việt Nam, trước và sau Thâm Tâm, không ai viết về chia ly đầy tính bi hùng, trữ tình và mãnh liệt đến như thế. Thâm Tâm đã khắc họa nên một vẻ đẹp quen thuộc nơi người anh hùng của văn chương cổ điển.  Bài “Tống Biệt Hành” đã thực sự thể hiện tâm trạng chung của một lớp người tráng sĩ lên đường. Bài thơ thể hiện được dấu ấn riêng của tác giả bởi hơi thơ trầm hùng, bi tráng biểu đạt tâm tư đầy yêu mến, trân trọng một ước vọng, một mơ mộng với nét đẹp hào hùng của người anh hùng quyết ra đi hi sinh vì đại nghĩa. Nhà thơ Thâm Tâm đã miêu tả thành công vẻ đẹp của cái cao cả trong mối quan hệ nội tâm sâu kín, thể hiện một cách nhìn nhiều chiều và sâu sắc về con người..

Đưa người, ta không đưa qua sông. Từ bao đời nay, con sông, bến nước vẫn là địa điểm của những cuộc tiễn biệt; Dòng sông, con tàu đi vào tiềm thức mỗi người như một biểu tượng của giã biệt, xa cách. Trong thơ ca cũng vậy:

Anh Khóa ơi,

Em tiễn anh xuống tận bến tàu...

(“Anh Khóa”, Trần Tuấn Khải)

Biệt ly,

Sóng trên dòng sông,

Ôi còi tàu như xé đôi lòng,

Và mây trôi, nước trôi, ngày tháng trôi,

Càng lướt trôi.

(“Biệt ly”, Dzoãn Mẫn)

Đối với Nguyễn Bính trong “Những bóng người trên sân ga”, nhiều cuộc đi xa đã khởi đầu trên một bến xe, một sân ga nào đó. Tuy thế, hình ảnh con đò, bến nước trong văn chương và cuộc đời đã hằn sâu trong tác giả tự bao giờ, khiến anh phải thốt lên: “Sao có tiếng sóng ở trong lòng?” (Tống Biệt Hành)

Tác giả thể hiện lòng mến yêu, sự ngưỡng mộ và trân trọng đối với người lên đường đi xa vì nghĩa lớn, gạt bỏ tình riêng với những tâm trạng xao xuyến của lòng người - kẻ ở người đi phút giây đoạn trường cảnh chia ly, tống biệt:

Đưa người ta không đưa qua sông,

Sao có tiếng sóng ở trong lòng ?

Bóng chiều không thắm, không vàng vọt

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong ?”

Hình ảnh quen thuộc khắc họa vào tâm trí người đọc một khung cảnh từ biệt cụ thể với con sông quê hương, bóng chiều, hoàng hôn vương vấn màu lam thương nhớ, nỗi lưu luyến không muốn rời xa với gia đình, với mẹ, với chị, với em. Một nét khác của Thâm Tâm là không chỉ miêu tả tâm trạng buồn thương của người ở lại như Xuân Diệu mà ở đây, ta bắt gặp cả hình ảnh người ra đi với danh xưng “ly khách”:

“Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ,

Chí lớn chưa về bàn tay không”

Thâm Tâm diễn đạt tâm trạng chênh vênh, nao nao như một cuộc tiễn biệt trên một bến đò, dòng sông, để cho nỗi hoài thương da diết xúc động bồi hồi như “tiếng sóng ở trong lòng”, buổi hoàng hôn vẫn như bao nhiêu chiều qua nơi quê hương, đâu có gì lạ lẫm mà sao thu vào tầm mắt cho “đầy hoàng hôn trong mắt trong ?”. Chiều ly biệt không chỉ buồn vương trong cảnh vật mà còn quyện lẫn vào trong chiều sâu của lòng người, tỏa rộng vô hạn trong không gian và thời gian. Con sóng không chỉ trên bến cũ bên mạn thuyền mà còn là là những đợt sóng của tình lưu luyến, nhớ thương vỗ vào lòng người đi xa và kẻ ở lại. Và ở cặp mắt xanh ngây thơ của em thơ, ánh mắt mẹ già và của ly khách ôm đầy hoài bão chinh nhân sao cũng “đầy hoàng hôn”, vương vấn nhiều man mác nhớ thương. Có lẽ, bến đò, dòng sông và chiều tà, hoàng hôn được các thi nhân sử dụng như là một biểu tượng, một chứng nhân về không gian và thời gian đong đầy nỗi buồn ly biệt. Nhiều thi nhân cổ kim và đã viết nên những vần thơ tuyệt bút về cảnh tống biệt trên bến nước như Kinh Kha trên sông Dịch:

Cô phàm viễn ảnh bích không tận

Duy kiến Trường giang thiên tế lưu”

(Hoàng Hạc lâu tống Mạnh hạo Nhiên chi Quảng Lăng)

Nước sông trắng, mây vàng tuôn,

Kẻ đi người ở, cơn buồn bên sông”

(Thơ Đỗ Phủ - Tản Đà dịch)

Đình hôm tiếng sáo não nùng,

Anh đi bến Sở, tôi trông đường Tần”

(Thơ Trịnh Cốc - Ngô Tất Tố dịch)

Anh biết em di chẳng trờ về Dặm ngàn liễu khuất với sương che

Em đừng quay lại nhìn anh nữa Anh biết em di chẳng trở về…”

(Thái Can)

Tất nhiên, những khúc ly biệt ấy đều có những giá trị, những hấp dẫn riêng. Nhưng cũng từ đó ta càng thấy quý hơn những cuộc biệt ly của những tầm cao nhân cách. Đó là những khúc biệt ly mang chất thẩm mỹ mà vẫn lồng lộng chất tráng ca. Tâm hồn thời đại trong bối cảnh không khí thời đại hào hùng khác xa nhân cách an phận, nhàn du nhỏ bé Người tình của chàng trai chí lớn này thì trong ly biệt, hoài niệm một chất nồng say đã được hướng. Phải chăng, bằng chính cuộc đời mình, Thâm Tâm đã hiện thực hóa cái giấc mơ của nhân vật trữ tình trong thơ nh? Mỗi chiều ly biệt trường hành đều được xuất phát từ một điểm chung là khí phách. Văn chương mang dòng chảy lãng mạn đong đầy những cảm xúc cá nhân con người mang đến vô vàn chất liệu để tạo nên cảm hứng lãng mạn, trữ tình lẫn việc thi vị hoá nỗi buồn biệt ly mà thi nhân nghiệm thấy được rung động của chính mình, của những người xung quanh trải qua sự chia lìa trong đời.

Trong một thế giới đang đánh mất chính mình, một nếp sống văn minh vật chất tràn ngập hưởng thụ mà ít ai thật sự có khí phách để lên đường phục vụ lý tưởng sống. Người hùng trên bến nước ra đi đầy khí phách mà không đòi cho được nêu cao danh tánh. Người hùng hôm nay ít ai muốn hy sinh mà không được nổi nang danh phận. Lối sống này cũng đã thấm nhiễm vào đời sống của mọi thành phần trong xã hội lẫn trong các giáo hội: người dấn thân, can đảm ra đi, từ bỏ mọi quyến luyến cho lý tưởng thì ít mà đi để chiếm giữ thì nhiều; hy sinh và sống điều mình  chọn chẳng có bao nhiêu. Chúa Giêsu đã nói: “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (x. Mt 23,4). Đối với các Ki-tô hữu tu thật sự dù trong đời thánh hiến hay tu giữa đời, họ giống như những “bóng người trên sân ga” ly biệt của dòng đời, cuộc ra đi của họ là từ bỏ liên tục, điều kiện để bước theo Đức Giêsu trên con đường hiến thân phục vụ Nước Trời trong trách nhiệm của mình. Chính tinh thần từ bỏ, Chúa Giêsu đã sống thật khí phách, hiên ngang ngay cả khi bi tráng trên thập giá cô đơn. Đó là nguyên tắc của khí chất linh mục - tinh thần bỏ mình và lên đường hăng hái, là dấu chỉ cao vượt có sức thuyết phục nhất để làm chứng cho lòng nhân hậu Thiên Chúa. Trước tiên, từ bỏ cũng là qui luật phát triển cuộc sống Ki-tô.

Đức Giêsu Ki-tô đã hát khúc tráng ca khi can đảm cởi bỏ chiếc áo vinh quang để mặc lấy tấm thân nô lệ của nhân sinh, sống kiếp nô lệ trong nỗi đày đoạ thiếu thốn cơm áo gạo tiền, làm công việc của kẻ nghèo hèn nơi làng Nazareth vô danh. Chính nhờ việc tự hạ, dấn thân không mệt mỏi cho tình yêu của Đức Kitô đã tạo nên động lực kì diệu trong kế hoạch của Thiên Chúa “thôn tính” nhân tâm trong tình yêu và lòng thương xót vô biên. Tác động của Lòng thương xót Thiên Chúa nơi Đức Kitô tiến hành theo kiểu nghịch lý: Người trở thành nghèo khó để làm cho ta nên giàu có; Người trở thành yếu đuối để cho chúng ta sức mạnh; Ngài trở thành điên rồ để cho chúng ta được khôn ngoan. Bài “Tống Biệt Hành” của Đức Giêsu được cảm tác trong tinh thần tự hủy hoàn toàn, tinh thần kenosis. Người đã tự hủy mình ra không để nên tất cả cho mọi người, cử chỉ anh hùng khí chất. Từ một vị Thiên Chúa uy quyền vô song, Người tự hủy để trở nên một con trẻ không nhà, ly hương hối hả trong tuổi ấu thơ vì lý do chính trị; rồi từ một con người thợ mộc nghèo ở Nazareth, Người lại tự hủy để mang lấy bản án chết đền thay cho tội lỗi của con người; và nơi Bí Tích Thánh Thể, Người lại tự hủy một lần nữa để nên bánh trường sinh nuôi lương tri và sự sống con người. Lòng Thương xót của Thiên Chúa nơi Đức Kitô quả thật vô biên đặt trên nền tảng từ bỏ đến tận cùng.

Cuộc “ly biệt” của Đức Ki-tô với vinh quang được Tin Mừng diễn tả sống động, cụ thể: sinh ra nơi hang bò lừa, nằm trong máng cỏ hôi tanh (x. Lc 2,12); sinh sống và lớn khôn ở ngôi làng Nazareth, một địa danh bị coi khinh là “chẳng có chi tốt đẹp” (x.Ga 1,46); hạ mình cho Gioan dìm mình xuống nước sông Giođan như một tội nhân (x. Lc 3,21); bằng lòng trở nên bằng hữu của mười hai môn đệ còn rất nặng tính phàm trần, và thậm chí còn vui lòng quỳ gối rửa chân cho các ông như một đầy tớ; cả đến lúc cuối đời cũng vẫn còn cam lòng chịu chết nhục nhã giữa hai tên gian phi và để cho người ta an táng xác mình nhờ nơi mộ phần của Giuse Arimathia (x.Mt 27,60). “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà chết đi, mà thối đi, thì nó sẽ sinh ra nhiều bông hạt” (x. Ga 12,24). Qua hình ảnh mục nát của hạt lúa mì, Chúa Giêsu mời gọi mọi người bước vào khám phá “mầu nhiệm tự hủy” (kenosis) đến tột cùng của Ngài. Thánh Phaolô đã trình bày mầu nhiệm này trong thánh thi Pl 2,6-8. Chính nhờ sự tự hủy mình ra không của Chúa Giêsu mà kế hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa trong thời sau hết đã được thực hiện. Từ đó, nhân loại liên tục được hưởng nhờ ân sủng nhờ công nghiệp Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa Ki-tô.

Chúa Ki-tô đã kiến trúc nên một Hội Thánh diễm kiều từ một sự tự huỷ đầy kinh ngạc. Lòng Thương xót qua sự tự huỷ của Ngôi Hai Thiên Chúa là một lối bày tỏ tình yêu phi thường mà Thiên Chúa dành cho nhân loại. Đức Kitô mang lấy thân phận huỷ hoại của xác thể phàm trần để liên đới với mọi người trong luân hồi khổ ải của tội bất tuân phục của tổ tông chúng ta, Người đảm nhận vào thân thể những thảm cảnh và bất trắc của bản thể nhân loại. Qua việc hiến thân mình làm lễ hy sinh tuyệt đối trên cây thập giá, Chúa Ki-tô như “ly khách” hát khúc bi tráng của nhân loại, kêu cầu lên vị Thẩm phán từ nhân thay cho nhân loại để cầu khẩn sự tha thứ, giao hoà đích thực và toàn vẹn của Thiên Chúa và loài người hèn mọn. Bằng việc từ bỏ thân phận Thiên Chúa, Đức Ki-tô thiết lập mối dây liên đới trách nhiệm nhân loại, với tư cách là Ađam mới, đã đón nhận toàn bộ thực tại của lịch sử nhân loại mọi thời đại đưa lịch sử nhân loại quay về với thực tại siêu việt vốn có trước khi Adam phạm tội. Lịch sử nhân loại được “siêu việt hoá” bởi chính nơi Đức Ki-tô một cách trọn vẹn và không cần nại đến thẩm quyền nào của nhân loại kể cả hoàng đế Cezar. Đức Ki-tô đã chiến thắng trên thập giá và chiếm lấy trọn vẹn linh hồn và thân xác con người. Từ đây, bằng việc tự hiến trọn vẹn cho tha nhân, tự nguyện bỏ mình, huỷ mình khỏi mọi ràng buộc để mang lấy lòng thương xót, nơi đó Thiên Chúa và phàm nhân nên một với nhau.

Theo tư tưởng của Đức thánh cha Benedict XVI, con người chỉ thực sự trở thành người khi vượt qua được lằn ranh từ loài vật để vươn tới Ngôi Lời, và theo một nghĩa mạnh, khi vượt qua được sinh vật thuần tuý để vươn tới hữu thể tinh thần. Điều này đã và sẽ vẫn được hiện thực nơi và nhờ Đức Kitô - “ly khách” uy phong, khí phách trong dòng lịch sử Cứu độ.

Đức Giêsu Ki-tô là nguồn sinh lực và cảm hứng cho mỗi nỗ lực “ra khỏi chính mính” của những môn sinh của mình. Chính nơi đây, Ki-tô hữu sống đạo rõ ràng, cụ thể sẽ đọc thấy mọi ý tưởng của hành khúc niềm hy vọng Công giáo (x. Ga 13,3-7; Mt 16,25-26; 18, 4; 23, 12; Lc 14,11; 18,4). Thánh Phaolô đã thảo lại cho chúng ta con đường mà Đức Kitô đã đi: con đường vượt lên trên tất cả được khởi đi bằng từng bước đi xuống; con đường để tìm lại chính mình bằng cách cho đi cả bản thân mình; con đường để sống bằng cách đón nhận cái chết; con đường để được Thiên Chúa tôn vinh là con đường của hết mình phục vụ người khác. Đó là thực tại đã được ghi dấu trong biến cố làm người của Đức Ki-tô, để dù có nhận biết hay chưa nhận biết Thiên Chúa đầy lòng thương xót, thì hiến tế của Đức Ki-tô đã trả lời một lần duy nhất câu trả lời từ Thiên Chúa cho vấn đề giao hoà toàn thể nhân loại với Thiên Chúa: “Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô.” (x. Gl 3,28). Bởi thế, cuộc ra đi của Đức Kitô trong khí chất hùng tráng của tinh thần tự huỷ là cuộc giao hoà mãi mãi con người với Thiên Chúa. Cuộc giao hoà ấy vẫn đang diện ra trong mỗi nhịp sống của công trình tạo hoá này cho đến ngày Đức Kitô ngự đến ngày chung thẩm.

Lm. FX. Nguyễn Văn Thượng

Gp. Mỹ Tho