31/05/2017
242
Loạt bài suy tư về lòng Thương Xót Chúa trong đời sống-6_Lm. FX Thượng



















LOẠT BÀI SUY TƯ VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG

KỲ 06: ĐỨC KI-TÔ NHẬP THỂ - LÒNG THƯƠNG XÓT HIỆN DIỆN SINH ĐỘNG NHẤT TRONG TRẦN THẾ

“Trong ngày ấy, sẽ xảy ra là các núi sẽ nhỏ mật ngọt, các đồi sẽ chảy ra sữa; nước sẽ chảy qua các sông ở Giuđa, mạch nước từ đền thờ Chúa sẽ chảy ra tưới suối gai góc. Ai-cập sẽ trở nên hoang vu; Iđumê sẽ trở thành rừng bị tiêu huỷ: lý do là tại chúng ngược đãi con cái Giuđa, và đổ máu vô tội trong lãnh thổ của chúng. Còn đất Giuđa sẽ có người cư ngụ đời đời, và Giêrusalem cũng sẽ có người cư ngụ từ đời nọ tới đời kia. Ta sẽ rửa sạch máu chúng mà trước Ta chưa rửa sạch, và Chúa sẽ ngự tại Sion” (x. Gio-en 4,18-20). Những lời của nhà tiên tri Joel đã mang lại luồng gió mới của niềm vui, sự an ủi và niềm hy vọng bao la cho dân Do Thái. Hình ảnh đồi nương phì nhiêu, sông núi ngọt ngào ngầm tả rằng nhờ sự hiện diện của “thần khí của Thiên Chúa” chuyển vận mang đến sức sống dạt dào,  mãnh lực sinh động. Quả vậy,  chính Thiên Chúa với một quyền lực ban sự sống, cùng với “Ngôi Lời” - yếu tố ban cho các sự vật hữu thể và cấp trật trong Thần Linh tự tỏ mình ra như là nguồn mạch duy nhất phong phú, một nguồn mạch của sự sống mới sinh dưỡng, kiến trúc và tái tạo vạn thể. Vậy nên, đọc thấy sách tiên tri Isaia Lời Thiên Chúa nói: “Vì Ta sẽ đổ nước xuống trên miền đất khát mong và những mạch nước trên mảnh đất khô cằn; Ta sẽ đổ Thần Linh của Ta xuống trên giòng dõi các ngươi, cũng như phép lành của Ta trên con cháu các ngươi. Chúng sẽ trổ sinh như cỏ xanh giữa những giòng nước, như những đám rừng bên những giòng nước chảy” (x. Is 44:3-4). Thiên Chúa hứa tuôn đổ xuống Thần Khí cho vạn thể, ban Ngôi Lời cho nhân loại - đệ nhất thụ tạo trong tình yêu của Ngài, Lòng thương xót sẽ tuôn trào và nuôi dưỡng nhân loại, tái tạo vũ trụ lại tốt tươi nhờ Ngôi Lời - bảo chứng của Lòng Thương xót của Thiên Chúa. Tiên tri Ezekien đùng cùng một cách diễn đạt để so sánh thần lực tự Thiên Chúa như nước tràn tuôn.

Khi Adam và Eva nghe theo lời gạt gẫm của xà tinh cưỡng chống lời Chúa, tước lấy quả “cây tri ngộ thiện dữ” để được quyền lực ngang với Thiên Chúa. Trong ý thức, Eva tự loại trừ Thiên Chúa để đặt mình làm “Chúa” trong quyết đoán phạm tội và giục Adam đồng phạm, con người đã phạm trọng tội với Đấng Toàn Năng. Chẳng những sau khi ăn trái cây đó, con người không thể tự sức mình vươn lên ngang với Thiên Chúa, lại bị đoạ hoàn toàn vào khung cảnh bế tắc và thất vọng do lỗi phạm của mình, và không cách nào để đền tội đặng được Chúa tha thứ, dung nạp trong tình nghĩa tử. Thiên Chúa từ nhân đoái thương con người đang kêu cứu và xoay sở cách tuyệt vọng hầu dẫn mọi người vào chính đạo hy vọng, sự sống và tình yêu.

Ơn cứu độ là quà tặng vô giá mà chính Thiên Chúa đã chạm tới con người trong thực tại tính cụ thể của nó, và trong cảnh huống ấy Thiên Chúa tự tìm tới con người. Thiên Chúa đón nhận thân phận tuyệt vọng thảm thiết của con người (hậu quả của tội bất tuân phục), để Ngài chữa lành, ban lại sự phong nhiêu cho miền đất chết của thân phận tội nhân và định mạng nhục thể khả tử, khả hoại của con người. Lòng Thương xót tuyệt vời đến mức cho phép những kẻ “nổi loạn, bất tuân” được gọi Ngài bằng “Abba, Cha ơi!” và thánh hoá họ trở nên những người con của Thiên Chúa qua mầu nhiệm nhập thể, tử nạn và phục sinh của Con Thiên Chúa. Thánh I-rê-nê đã khẳng định đây chính là nguyên do mà Ngôi Lời đã làm người, nhờ thế con người được bước vào thông hiệp với Ngôi Lời,  rồi cũng được đón nhận vào hệ phả dưỡng tử của Thiên Chúa, và trở nên con cái Thiên Chúa (x. Adversus haereses, 3,19,1: PG 7,939; x. GLGHCG, số 460).

Thế giới như đồi nương của Thiên Chúa, đã hoá khô cằn nay được hồi sinh, phong nhiêu ngào nhờ Con Thiên Chúa đi vào nội tại, đồng số kiếp nhân sinh để tái tạo vườn thế gian bằng Thần Khí và với Lòng Thương xót bao la như trời biển. Khi Chúa Ki-tô bước xuống thế giới con người thì đồi non đổ tràn sự ngọt ngào, đồi nương tuôn chảy sữa và mật. Chân lý thật đơn giản: nơi Ngài là nguồn mạch mọi sự êm ái ngọt ngào. Người đến trần gian làm cho mọi sự trở nên ngọt ngào, tràn đầy hy vọng, hứa hẹn vụ mùa bội thu cho Thiên Quốc. Người mang niềm vui đích thật từ Thiên Chúa, đem hy vọng cho người thiện tâm, đem an ủi cho người sầu khổ, một ánh sáng, một bản tình thánh Gloria in excelsis Deo - tâm điểm của tin vui lớn lao Ki-tô Giáo mà chúng ta đang sống mỗi ngày trong Hội Thánh. Nhập Thể là một hành động thương xót quá lớn, sâu sắc đến nỗi con người hoàn toàn không thể nghĩ đạt, hiểu tới. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể thực hiện, và nơi đó con người nhập cuộc bằng đức tin.

Nền văn minh vật chất của thế kỷ này đưa nhân loại lên tầm cao mới, mặt trăng và các hành tinh trong Solar System không còn quá lạ lẫm, những chủng loại virus được vạch mặt, chỉ tên và đa số bị đánh bại. Tuy vậy, nền văn minh vật chất khủng khiếp ấy cũng có thể giết chết loài người trong vòng vài giây đồng hồ. Nhận định xem, loài người đang ở trong kỷ nguyên công nghiệp với tốc độ gia tăng chóng mặt, không ít người coi trọng chuyện làm kinh tế, bất chấp cả những gì có thể gây hại cho tính mạng của chính bản thân, vì cho rằng đó là chuyện hiển nhiên và tất yếu vì lợi nhuận là cứu cánh tối hậu của nền kinh tế duy vật, duy lợi nhuận. Góc độ an ninh lương thực, số liệu năm 2012 tại “Hội nghị cấp cao về nạn đói” diễn ra ở London cho biết: Mỗi ngày, có 7.000 trẻ em thiệt mạng vì suy dinh dưỡng;  tức là mỗi 60 giây, có khoảng 5 em bé qua đời, tập trung chủ yếu ở các nước đang phát triển. Sức mạnh ghê gớm của “giặc đói” đang thực sự đe dọa trực tiếp mạng sống của những mầm non, tương lai của thế giới. Lại nữa, sự phát triển bất chấp biến đổi môi sinh, làm cho thời tiết khí hậu biến dịch bất khả dự đoán đã trực tiếp dàn dựng những thảm họa khủng khiếp đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia. Người ta ước lượng trung bình mỗi giây, Trung Quốc thải ra ngoài môi trường tự nhiên 0,19kg khí nhà kính, đứng đầu thế giới, xếp sau là Mỹ với 0,18kg (số liệu năm 2009). Chất độc, khí thải công nghiệp làm ô nhiễm nguồn nước, đầu độc không khí và giết hại nhiều chủng loài động thực vật trên địa cầu. Cứ 20 phút (1.200 giây) mới có một loài động, thực vật tuyệt chủng nhưng con số này tính ra một năm sẽ lên tới từ 18.000 - 55.000 loài vĩnh viễn biến mất. Thập niên 90 của thế kỷ trước được coi là đỉnh điểm của việc lây nhiễm HIV, cứ 9 giây lại có một người nhiễm mới, khiến cả năm có tới 3,5 triệu người mang căn bệnh thế kỷ trên toàn cầu. Năm 2004 đạt mức kỷ lục về số người chết do AIDS với 2,2 triệu người/năm. Thử hỏi, trong vòng 100 năm, Trái đất này sẽ còn lại gì?

Trong xã hội hôm nay, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ rệt. Lợi nhuận kinh tế là những con số biết nói. Tuy nhiên, lợi tức ấy không trực tiếp tạo an sinh xã hội, nuôi dưỡng người già, trẻ con, chăm sóc y tế, giáo dục mà lại chạy tuốt vào ngân khoản của đại gia…Trong tâm thức của con người hiện đại, công nhân, nông phu, sỹ phu là những con người sáng tạo, trực tiếp sản xuất của cải, lương thực lại là người nghèo, trớ trêu là họ bị coi như người đáng bị coi thường. Tài phiệt, chính trị gia và đầu cơ thương mãi là lực lượng nắm giữ nhiều nguồn lực, tự xoay sở, diễn biến xã hội theo ý mình. Đứng trên một độ cao thượng tầng kiến trúc xã hội như vậy, họ đã phỏng chiếu Thiên Chúa trong lối suy nghĩ của họ, tức là “bắt” bàn dân thiên hạ suy nghĩ hệ thống về Thiên Chúa phải theo ý niệm có lợi cho họ.

Tuy nhiên, hình ảnh một Thiên Chúa viếng thăm qua biến cố Nhập Thể, hoá thân phận nghèo túng, du mục, lênh đênh, không thân phận của một trẻ thơ vô gia cư, vô xứ trú ổn định giúp đỡ những tâm hồn chính trực trong mọi giai cấp xã hội khám phá ra lý chứng của Lòng Thương xót của Thiên Chúa, đó là Thiên Chúa muốn cứu chuộc con người bằng con đường tự hủy, con đường huỷ bỏ đam mê bất chính, dục vọng bất minh và ý định vô minh để thực hành thiên ý, thiên luật mà đạt đến ánh sáng của Đấng Messiah. Đấng Messiah đã chấp nhận đi xuống tận cùng của sự thiếu thốn, nghèo khổ, cơ cực, vô hữu, xả kỷ để trở thành bạn tương đồng tâm giao của những ai bé nhỏ nghèo hèn, để nâng đỡ và bảo vệ những ai không có tiếng nói, để bênh vực những ai hiền lành và khiêm nhường. Nhất là để giao hòa con người với Thiên Chúa, trả lại tước vị làm con khi con người đã đánh mất thủa ban đầu. Nói như thánh Phaolô: “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (x. 2Cr 8,9).

Ðấng Messiah đến dẫn con người đi sâu vào mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa. Nhập thể không chỉ là một biến cố lịch sử mà còn là biến cố độ mệnh để giải phóng con người thoát khỏi vòng nô lệ tội lỗi, đem an bình, sự công chính cho nhân loại bi thảm trong kiếp sống điêu linh. Lòng Thương xót của Thiên Chúa cất đi cái ách tội lỗi đè nặng trên tâm hồn và cuộc sống đang sợ hãi, hoảng hốt của con người hôm nay. Không có nền hoà bình nào vĩnh tồn nhờ sức mạnh quân sự, sức mạnh quốc phòng, và bằng những vũ khí tối tân, hay bằng giải pháp kinh tế, tài chánh, hay ngoại giao. Đó không phải thứ hòa bình mà Con Thiên Chúa đã muốn ban tặng nhân loại. Ngài đến mang bình an chứ không phải hòa bình: “Vinh danh Chúa cả trên trời. Bình an dưới thế cho người chính trực” (x. Lc 2,14). Tất cả ý nghĩa cuộc đời, ý nghĩa của hạnh phúc và đau khổ của cuộc đời mỗi người, và cũng là ý nghĩa cuối cùng của cuộc sống là niềm hy vọng đến từ ánh sáng của Đức Ki-tô Giê-su. Ánh sáng êm dịu của Ngài không làm cho chúng ta sợ hãi mà tình yêu tự hiến của Người cứu thoát chúng ta, mang lại ánh sáng cho cuộc đời chúng ta và bình an cho tâm hồn chúng ta.

Thiên Chúa yêu thương và muốn đến ở với con người. Ngay từ thời khai nguyên, đức tin đã khẳng quyết cho các kitô hữu biết rõ rằng: Ðức Kitô Giêsu, Ðấng mà họ đã được biết đến và tin theo, là chính Lời của Thiên Chúa, chính Lời đã đến làm người ở giữa loài người. Thánh Gioan đã ghi lại ở trong Lời tựa Phúc Âm của ngài: “Và Ngôi Lời đã thành xác phàm và đã lưu trú nơi chúng ta.” Ngôi Lời đã trở nên con người thật, trong một trạng thái nhục thuộc để hoàn toàn “thích nghi” với điều kiện sống của năng lực loài người, đó không phải một hình thức mạo dạng, biến ảo, nguỵ thân mà hoàn toàn là con người được sinh ra bởi người phụ nữ. Câu chuyện Nhập Thể của Ngôi Lời không chỉ là chuyện quá khứ, bởi mầu nhiệm ấy hiện đang kiện toàn linh trạng siêu nhiên của con người. Có thể tâm thức thời nay - nặng duy lý cùng mê túy phương pháp hiện tượng luận, thích lập luận, thực chứng. Vậy, “xác phàm - nhục thể Giêsu Nazareth” kia là một thực tại, không bao giờ là chuyện hồ như, hay “chuyện cổ tích của bà lão, ông tiên…” Nhập Thể là một thực tại chứng minh tỏ tường cho Lòng Thương xót của Thiên Chúa. Biểu tượng vương quyền của Thiên Chúa không theo kiểu binh hùng tướng mạnh, lợi tức dồi dào, ngân khoản ăm ắp mà là trái tim bừng cháy lửa yêu, yêu cho đến tận cùng. Vậy, nên vui mừng vì tình yêu này, hay đi lướt qua vì không phải “chuẩn kinh tế - quân sự” cường thịnh của nhân gian? Chúng ta thích mình đứng trong lãnh vực nào?

Niềm tin vào Thiên Chúa không thể là thái độ chần chừ, lưỡng lự. Quan niệm Ðức Giêsu Nazarét chỉ đơn thuần là một “vị anh hùng” đầy nhiệt huyết thần cảm và chính trị, là trang tuấn kiệt có đầy uy lực để hiện thực hóa được niềm chờ mong giải phóng của một dân tộc đang bị áp bức hình thành trong tâm tưởng của nhà tư tưởng chính trị, cổ võ bạo lực vũ trang để phân chia lại lợi tức và bênh vực người nghèo. Vũ trang, chính trị là điều mà Đức Ki-tô hoàn toàn không mong muốn. Rõ là, Ðức Kitô khi còn tại thế, một số người thuộc vòng thân cận của Ngài - đặc biệt là những người trong phái Nhiệt Thành (Zelot) - cũng đã từng hiểu như thế.

Những nhà biện thuyết thần bí, thần thoại hoá Ðức Kitô  như một “demi - god” hay là “super - prophet”; nhưng họ vẫn lưỡng lự không biết nghĩ sao về bản chất con người của Ngài. Ngay trong thế kỷ đầu, đã có những người nghĩ Ngài là một thứ ảo thể thần linh: người Do thái tưởng Ngài là Bêeldêbun; người Hy lạp thì cho Ngài là thần Hermê nhập thể. Nietzsche cũng đã coi Ðức Kitô như là một Siêu nhân, có không biết bao nhiêu là năng khiếu. Còn Harnack hoặc, gần đây hơn, Bultmann thì xếp Ngài vào hạng những nhà “đại thần cảm” của lịch sử loài người. Renan cũng quan niệm tương tự như thế; ông nói rằng nếu không phải là Thiên Chúa, thì ít ra Ngài cũng phải là người số một trong loài người.

Trong các thế kỷ đầu, triết học cũng đã hăm hở tranh luận về chủ đề "ưu việt tính siêu nhân" của Ðức Kitô, với những lối giải thích và lý chứng dựa theo các nguyên tắc tân-Platô hoặc cận-Platô. Arius coi Ðức Kitô như là một thứ Hóa công theo kiểu của Platô, tức là “demi-god” nửa Thiên Chúa và  nửa loài người. Arius đã có được một số hậu bối không phải là ít. Thời Trung cổ, dựa theo quan điểm của Hồi giáo và nguyên tắc của Aristốt để giải thích vũ trụ, Averroès đã xếp Ðức Kitô vào hàng các Nguyên Mẫu (Archétypes) xuất phát từ Thượng Ðế Toàn Năng. Ngày nay, hiện có nhiều hình thức ngộ giáo cũng quan niệm tương tự như Averroès, với những dạng kiểu bí truyền khác nhau.

Nhập thể là hóa thành xác phàm, hóa thành nhục thể, đó là hành động khiêm nhường nhất, từ vương quyền hằng hữu, toàn năng, vô tận và bất biến đã tự nguyện làm người để chia sẻ yếu đuối, bất toàn tâm hồn và thể lý của nhân loại. Ngài tự hạn chế trong thân xác nhân loại, cũng cảm thấy đau đớn và bệnh tật, và với linh hồn của nhân loại cũng làm cho Ngài cảm thấy đau khổ, cô đơn, ưu sầu.

Bởi tác động của Chúa Thánh Thần, Con Thiên Chúa xuống thế làm người ngay khi Đức Mẹ khiêm nhường nói lời “xin vâng” (x. Lc 1,38), vì Đức Maria tin tưởng rằng “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (x. Lc 1, 37). Đức Kitô là người như chúng ta về mọi phương diện, ngoại trừ tội lỗi. Ngài không thể phạm tội vì Ngài là Thiên Chúa toàn thiện. Nhưng về các phương diện khác thì Ngài cũng như chúng ta: Ngài có thân xác, có linh hồn, có ý muốn của một con người. Hầu như chúng ta không thể hiểu được điều này theo lý luận của con người. Thánh Gioan Chrysostom nói: “Tôi biết Con Thiên Chúa trở nên con người, nhưng tôi không biết như thế nào”. Mầu nhiệm Nhập thể hoàn toàn vượt ngoài tầm hiểu biết của chúng ta – vì nhân loại bất túc, bất trác, bất toàn. Mầu nhiệm Nhập thể là đại dương thương xót của Thiên Chúa.

Nhân thế này không ngừng ra nhiều vị thần để “giám sát - độ trì” cuộc đời, thậm chí còn “tôn thờ” nhiều thụ tạo mà không biết gì về nguồn gốc của chúng. Hàng ngày chúng ta vẫn tôn thờ nhiều loại ngẫu tượng, nhưng chúng ta cứ cho đó là điều tất nhiên của cuộc sống. Thiên Chúa hằng hữu hoá thành xác phàm, hóa thành nhục thể, bản chất tốt lành của Thiên Chúa được diễn tả tốt hơn khi Ngài tự biến mình thành “không” như thánh Phaolô diễn tả: “Ngài hoàn toàn trút bỏ vinh quang để mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế”(x. Pl 2,7)). Đó là bản chất và hiệu quả của Mầu nhiệm Nhập thể. Ngài tự nhận bản tính nhân loại – nghĩa là Ngài cũng chịu đau khổ, bệnh tật và chết như một người bình thường. Ngài trở nên phàm nhân để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và cứu độ chúng ta, những tử-tội-đáng-nguyền-rủa.

Trong thời này phát triển vượt bậc, nhanh chóng, tỉ mỉ và quy mô này, con người luôn cố gắng đi tìm câu định nghĩa về chính mình. Nhưng những câu định nghĩa đó thường trái ngược nhau: một bên đề cao con người đến mức tự tôn quá đáng; và bên kia là chê bai con người đến nỗi rơi vào tuyệt vọng. Nhờ công trình Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa, chúng ta có được câu định nghĩa xác đáng về định mệnh con người, biết được nguồn gốc thiêng linh, thiên hựu của con người. Mầu nhiệm Lòng Thương xót qua biến cố Giáng Sinh của Thánh Tử Giêsu đã cho con người được Thiên Chúa dựng nên giống và theo hình ảnh của Thiên Chúa (x. St 1,27), và vì thế con người “có khả năng nhận biết và yêu mến Thiên Chúa”. Con người là thụ tạo duy nhất trên trái đất được Thiên Chúa dựng nên cho chính họ. Con người được đặt làm trung tâm của công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Dưới ánh sáng của mầu nhiệm Nhập Thể, Hội Thánh được Thiên Chúa dạy dỗ để vượt lên trên những giới hạn, những yếu đuối kiến tạo phẩm giá và đi tìm thiên chức đích thực của mình.

Cái nét nổi bật nơi con người và cũng là cái làm nên sự phong phú nơi con người là khả năng liên đới cùng nhau để kiến lập hạnh phúc tươi xinh. Hạnh phúc mà Đức Ki-tô mang lại là sự hào hùng của con cái Chúa, chứ không phải là biến trở thành nô lệ (xc. Gl 5,1-25). Con người “được gọi để thừa hưởng tự do”. Nhưng trong thực tế, con người lại “sống theo tính xác thịt” (x. Gl 5,13). Trong cuộc sống hiện đại hôm nay, nhân thế dày đặc những ước muốn theo tính xác thịt: “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy” (x. Gl 5,19-21). Thiên thần hát vang bài ca Gloria nhắc nhở trong đêm Nhập Thể hãy có thiện tâm để có bình an của Chúa, hãy tìm kiếm Chúa và bái thờ Người.

Vận mệnh con người bắt nguồn từ Lòng Thương xót của Thiên Chúa. Khi con người muốn đi ra khỏi tầm ảnh hưởng của Người thì chính lúc đó con người sẽ đánh mất vận mệnh, mất đi phẩm giá con người. Nhưng trong thực tế, con người đã lạm dụng nhiều lần Lòng thương xót ấy để đi ngược lại, hay nói một cách khác, quá ỷ lại vào văn minh của mình và muốn gạt Chúa ra ngoài cuộc đời mình, biến mình thành cùng đích đời mình. Thực tế, khi con người tách ra khỏi Thiên Chúa, con người có thực là người nữa không, hay chỉ là sinh vật tiến hoá bậc cao và mất đi nguồn gốc Thần Khí? Con Thiên Chúa mang lấy thân xác của một hài nhi Trung Đông, đến với chúng ta không vì một lý do tầm thường, nhưng vì nhắm đến lợi ích cực kỳ to lớn của chính chúng ta. Người đã thực hiện một cuộc trao đổi, bởi vì khi nhận lấy một thân xác cùng với  linh hồn, và chấp nhận sinh ra từ một trinh nữ, chỉ có một ước nguyện để ban tặng thiên tính của Ngài cho chúng ta, theo thánh ý Chúa Cha. Thánh Phaolô đã viết: “Nhờ chúng ta tin, Ngài mở lối cho chúng ta vào hưởng ân huệ mà chúng ta đang được hiện nay; và chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của con cái Thiên Chúa” (x. Rm 5,2).

Mầu Nhiệm Nhập Thể mở ngỏ cho nhân loại kết hiệp với Thiên Chúa, bản tính nhân sinh thấp hèn được nâng cao đến nỗi được hợp nhất với Ngôi vị Thiên Chúa. Vì thế, Kinh Thánh thuật lại, sau biến cố Nhập thể, Thiên sứ không để cho Thánh Gioan thờ lạy (x. Kh 22, 8-9), trong khi trước đây Thiên sứ lại cho phép ngay cả các tổ phụ vĩ đại được làm điều đó. Vì thế, con người phải luôn nhắc nhớ và suy niệm vinh dự ấy; nhờ vậy con người sẽ giữ gìn không để cho mình và bản tính của mình bị ô uế vì tội lỗi. Đó là điều Thánh Phêrô đã dạy: “Nhờ Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã thực hiện những lời hứa quý báu và trọng đại, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa, sau khi đã thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian” (x. 2 Pr 1,4).

Thật vậy, không có bằng chứng nào về Lòng Thương xót của Thiên Chúa rõ ràng hơn việc Thiên Chúa Tạo thành lại trở nên một thân phận thụ tạo nhỏ yếu đuối. Thánh Gioan đã viết: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của mình” (x. Ga 3,16). Chính việc suy nghĩ về điều này sẽ giúp khơi dậy và nung cháy nơi chúng ta lòng yêu mến Thiên Chúa. Đức Kitô Nhập Thể là lãnh đạo của chúng ta, những kẻ khao khát được ở với Người và được kết hiệp với Người. Thánh Phaolô cũng ước ao “được ra đi để ở với Đức Kitô” (x. Pl 1,23). Chắc hẳn nếu suy gẫm về Lòng Thương xót qua cuộc Nhập thể của Đức Kitô, thì chúng ta sẽ gia tăng lòng ước ao ra đi để ở với Chúa chứ không phải luyến tiếc nền văn minh tiến quá nhanh mà vô cùng lạc hậu về sự thật, thiếu thốn lòng thương cảm, mất dần khả năng liên đới, cứng rắn bất tha thứ và lãnh cảm không mở rộng sẻ chia. Mầu Nhiệm Nhập Thể Niềm mang đến vui vở òa với những tiếng cười giòn tan của thế nhân bao đời được nhận lại tước vị làm con Chúa, càng khiến cho tôi cảm thấy đó là cả một hành trình của những tấm lòng lớn lao, của toàn thể thế giới đồng tâm hợp sức lại bước theo Thầy Giêsu. Nguyện cho tất cả chúng ta và tất cả mọi người đều được phúc thật, an lành và sâu sắc.

Lm. FX. Nguyễn Văn Thượng

Gp. Mỹ Tho