20/05/2017
453
Loạt bài suy tư về lòng Thương Xót Chúa trong đời sống-5_Lm. FX Thượng




















LOẠT BÀI SUY TƯ VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG

KỲ 05: LÒNG THƯƠNG XÓT YÊN ỦI NHÂN SINH GIỮA TẤN BI KỊCH CUỘC ĐỜI

Trong tiếng Latinh, “lòng thương xót” được cấu thành bởi hai từ: “khốn cùng” và “tấm lòng”. Chính tấm lòng của Thiên Chúa đến gặp mọi khốn cùng của con người. Những vết thương do tội, sự dữ ẩn núp bên trong chúng ta do buồn bã hay thất vọng - tất cả sẽ được lòng thương xót Chúa viếng thăm. Nguồn mạch dồi dào và nhưng không này đến với mọi người mang một dáng dấp riêng biệt tuỳ theo nhu cầu mỗi người. Đau khổ và phiền muộn thực sự là đối tượng của sự trìu mến nơi Thiên Chúa. Cha Nhân Hậu đầy lòng xót thương đã đến để chăm sóc những vết thương trong nghiệt ngã dòng đời khổ ải của chúng ta.

***

Dưới ánh sáng vầng dương, ai trong cõi hồng trần này cũng muốn đi đến chỗ thiện lành, tốt đẹp để tiếp tục đời sống mới được nhiều an vui, hạnh phúc. Nhân loại cảm nếm, nghiệm sinh nhiều khắc khoải, khổ đau trong cuộc sống. Xuyên suốt lịch sử chiến đấu cho lòng tốt và sự nhiệt tình, mỗi khổ đau, oan cừu triệt để cho thiện hành giống như những bậc thang thăng tiến trợ lực cho các bậc hiền Thánh. Đớn đau nghiệt ngã mà vẫn trung thành với thiện đức là kho tàng quý báu. Thế nhưng, thử hỏi người biết mấy người chịu khó, kiên trì, bền chí, và cố gắng đứng lên sau khi thất bại? Ai can đảm sẽ thắng, thực tế có khi ngược lại, đau khổ, nghiệt oan, ức chế vẫn là hố sâu vực thẳm trên đường trần. Thiên Thượng chỉ nâng đỡ cho cố gắng nỗ lực vươn lên của nhân sinh.

Có lẽ nhiều thức giả đều đồng lòng rằng tác phẩm “Hồng Lâu Mộng” là “tuyệt thế kì thư” phản ánh toàn diện và sâu sắc xã hội, con người Trung Hoa giai đoạn mạt Thanh khi đứng bên bờ vực suy vong, sụp đổ. Tác phẩm được Tào Tuyết Cần sáng tác trong khoảng thời gian giữa thế kỉ 18 khi triều đại phong kiến đã bắt đầu mục ruỗng và đi tới hồi kết. 80 hồi đầu do Tào Tuyết Cần viết, 40 hồi sau do Cao Ngạc viết. Dưới thời Ung Chính, Càn Long (1723-1795) kinh tế Trung Quốc phát triển, nền kinh tế tư bản đã manh nha xuất hiện trong khi chế độ phong kiến đang trên đà tan rã. Từ hoàn cảnh xã hội đó, tầng lớp thị dân thành thị đã ra đời với những nhu cầu thẩm m văn hóa mới. Hồng lâu mộng chính là sự chú trọng vào cuộc sống tinh thần của người thành thị, thể hiện tinh thần dân chủ, phê phán xã hội phong kiến mục nát, phê phán giáo điều cổ hủ, đòi tự do yêu đương và tự do hôn nhân, giải phóng cá tính, khao khát bình đẳng, sống có lý tưởng cá nhân... Cốt truyện dựa trên câu chuyện có thực của dòng họ Tào trước đây, là tác phẩm tự sự lớn của tác giả, vừa thể hiện sự nuối tiếc một thời vàng son, vừa phản ánh bản chất xã hội phong kiến Trung Quốc đương thời. Tào Tuyết Cần viết “Hồng Lâu Mộng” để bày tỏ và giải tỏa nỗi “cô phẫn” trong lòng. Ông đã dồn hết sinh lực và tâm huyết cuối đời vào tiểu thuyết tuyệt vời ấy.

“Hồng Lâu Mộng” như một bức tranh hiện thực về xã hội phong kiến Trung Quốc trên con đường suy tàn. Cái vẻ ngoài tôn nghiêm, nề nếp không che được thực chất mục ruỗng của giới thượng lưu trong Giả phủ. Cuộc sống xa hoa, dâm ô của giai cấp bóc lột với những mối quan hệ tàn nhẫn giữa người với người đã khiến Giả phủ tựa con thuyền đắm, không cứu vãn được. Đó cũng là hình ảnh thu nhỏ của xã hội Trung Quốc thời mạt Thanh. Giả Bảo Ngọc, Lâm Đại Ngọc là những đứa con “bất hiếu”, những thanh niên sống “ngược dòng”, họ chống lại quan niệm trọng nam khinh nữ, chán ghét khoa cử công danh, họ chỉ theo đuổi cuộc sống tự do, không bị khuôn phép ràng buộc. Họ yêu nhau vì chính tư tưởng phản nghịch đó. Đó là cuộc đấu tranh âm thầm giữa cái mới và cái cũ, giữa tư tưởng dân chủ thời kỳ đầu và tư tưởng phong kiến cố hữu.

Thực vậy, thế  giới đa văn hóa, đa tôn giáo, đa nguyên, đa đảng phái của con người là một thế giới phức tạp và nhiều tầng bậc. Cảm xúc và tâm trạng của con người vì thế là những đối tượng rất khó nắm bắt và phân tích rạch ròi. Bi kịch con người cá nhân là tổng hoà, phức hợp của những mâu thuẫn, xung đột, những nỗi đau không thể giải quyết, điều hoà trước tác động của hiện thực. Vì vậy, biểu hiện của bi kịch con người cá nhân là một sự nổi loạn bên trong âm ỉ và chực bùng phát. Có lẽ biểu hiện của bi kịch con người cá nhân, đó là: bi kịch con người cô đơn lạc lõng giữa thời đại; bi kịch con người bị ruồng bỏ; bi kịch con người bị tha hoá, bi kịch của con người đổ vỡ lí tưởng, mất đi niềm tin, bi kịch của con người sống trong sự khốn cùng dưới đáy xã hội. Bởi nỗi éo le đó của kiếp làm người nên có bao nhiêu cách nhìn về cuộc đời. Dostoievski đã tôn vinh về cuộc đời rằng: “Dù người ta có nói gì về cuộc đời đi nữa, tôi vẫn thấy, những gì mà con người có được ở trần gian này thật chẳng có gì hơn nổi.”

Trong một thế giới rối ren, mập mờ, bất an, tạo hóa hay chính cá nhân đã tạo cho bi kịch cuộc đời này một không gian rộng lớn, ồn ào, xô bồ, đối lập kiểu không gian tĩnh tại, đời mênh mông mà lòng người thì chật hẹp, biệt lập lẫn tương đồng. Niềm cô đơn lẻ loi của con người tô đậm thêm cái cảm giác sợ hãi thực tại lạnh lẽo của con người. Vào cuối thế kỉ XIX, chủ nghĩa kinh nghiệm thực chứng với niềm tin tuyệt đối vào chân lí khoa học đã không còn tồn tại. Thay vào đó, người ta nói nhiều đến thuyết tương đối của Einstein, nguyên lí bất định của Heisenberg, lý thuyết đa thế giới của Embfred, lý thuyết hỗn loạn của I. Prigorin,… Mọi chân lí chỉ còn là tương đối, những giá trị đã được định hình giờ đây cũng được con người nhìn nhận lại. Con người nhìn thế giới, nhìn xã hội bằng cái nhìn đầy hoài nghi, thậm chí có phần tiêu cực. Cũng trong thời kì này, chủ nghĩa triết học hiện sinh với tư tưởng lo sợ chiến tranh, không tin vào khoa học, đau khổ, phiền não, tuyệt vọng đã ảnh hưởng mạnh mẽ, rộng rãi trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, ngay sau khi chiến tranh kết thúc, khi dân tộc trở về với bản thể của chính mình sau tiếng súng thổn thức nhiều đêm mất ngủ, chủ nghĩa hiện sinh với cái nhìn đầy hoài nghi đã tác động không nhỏ đến con người. Mọi giá trị đã phải thẩm định lại, tất cả đều trở nên hỗn loạn: hỗn loạn nhân thế, hỗn loạn giai tầng xã hội, hỗn loạn tâm thức. Có lẽ vì thế mà trong giai đoạn này, con người trở nên bất an, mất niềm tin vào thực tại, thậm chí là mất niềm tin ở chính mình. Đây có thể gọi là tấn bi kịch con người đổ vỡ niềm tin, bất an trước cuộc đời thực tại.

Hình tượng con người đổ vỡ niềm tin, bất an trước cuộc đời thực tại dù chỉ xuất hiện trong giây lát thôi nó cũng tạo nên một bi kịch đau khổ cho con người. Trước hết, bi kịch ấy là hệ quả từ việc mất niềm tin vào cuộc đời. Biểu hiện của sự cô đơn, lạc lõng mất niềm tin vào cuộc đời đi đến khủng hoảng nội tâm và không thể bộc lộ những nỗi niềm sâu kín nhất của mình với bất cứ ai mà chỉ có thể bộc lộ với chính bản thân mình mà thôi. Mất niềm tin đối với cuộc đời là một bi kịch đau đớn của con người cá nhân, nhưng đau đớn hơn là bi kịch con người mất niềm tin ở chính mình…

Từ góc độ khác hơn, hiện tại hay quá khứ hoặc có thể tương lai rất xa, bi kịch thân phận cũng có thể là tâm thức bị cuốn phăng theo cơn lốc đam mê không tự chủ, tham muốn vô minh sẽ chẳng bao giờ buông tha cho con người. Nghiệt ngã thay thân phận con người, một đàng muốn tu nhơn tích đức cho mai hậu, đang khác khó chiến thắng ham thích tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, mặc sang, ngủ sướng, và các tiện nghi vật chất khác. Nghiệt ngã không phải nguyên là những đớn đau thân xác, nghèo túng, bần hàn mà nghiệt ngã ở chỗ ta bị trói buộc bởi sự chấp ngã dục vọng, luyến ái giác quan của chính mình. Chính vì vậy mà bị cuốn trôi, bị nhấn chìm trong biển khổ dường như bất tận, bao nhiêu cuộc cách mạng vẫn không thể giải quyết những khổ đau ấy. Oan nghiệt! oan nghiệt!

Triết học hiện sinh lấy nhân loại với hiện cuộc làm tâm điểm suy tư, luận hành. Có phải nhân sinh sẽ sống khổ, trở thành là khổ do dục vọng không lối thoát. Người ta thường nói một hòn đá chỉ đứng trơ trơ, không thể thêm thắt gì cho bản thân mà chỉ mòn đi, rong rêu và xám đậm hơn cách chết chóc. Con người trải qua quá trình tiến hoá, từ thời tiền sử đến nay, con người không ngừng phong phú hóa chính mình, vượt qua gian nan trắc trở. Qua gian khổ, con người học được nhiều, kiến thiết xã hội văn minh. Văn minh tiến bộ ấy có mặt trái là những mất mát và thiệt hại, để tiến lên nền văn minh quy ước, con người thẳng tay gạt bỏ một vài giá trị tích cực nào đó. Nhà thiền sư nhìn bước tiến văn minh ấy như những bước chân trên đồng cỏ, có lúc vô tình dẫm lên sâu bọ, khiến bao sinh vật vô tội phải chết oan uổng. Thực là, con người chưa sao tránh khỏi lầm lẫn, lầm lẫn trong bể khổ ngán ngẫm mơ hồ trong phân định điều thiện-ác, hư-thực. Vẫn còn đau khổ chưa thoát ly hẳn nếu ta chỉ nhìn cuộc sống theo lăng kính “Đau khổ-con đường thành nhân”. Đau khổ tự bản chất là điều dữ triệt để. Ta có thể gán cho sự xuất hiện của nó như mặt trái của sự tiến bộ hay ít ra như lý do biện chứng của sự tiến bộ văn minh nhân loại. Dường như cuộc vận động biến dịch nào cũng nghiệm chứng trong khổ đau, đầy nước mắt và máu hồng? Đối với cha Teilhard de Chardin, đau khổ và sự ác được xem như cái giá phải trả để có tự do đích thật. Đó cũng là cách nhìn của thuyết nhân vị: “Hãy cắn chặt răng để chịu thiệt, đứng vững gót để làm người.” (Lão Tử).

***

Nghiệt ngã và khổ đau trong thân phận con người vẫn là một thực tại không thể chối cải: dễ bị lạc đường và sợ hãi ; dễ bị xúc phạm và tổn thương ; dễ bị trấn áp và hận thù ; dễ bị lôi cuốn và sống ích kỷ ; dễ bị mặc cảm và nóng giận ; dễ bị tự ái và kiêu căng ; dễ bị yếu đuối và sa lầy. Đau khổ làm ta sợ hãi, nhưng đau khổ thực sự là một nhu cầu thiết yếu cho đời sống làm người. Không có đau khổ, hay thiếu vắng đau khổ trong đời, người ta “sẽ không lớn nổi thành người”, không thể hoàn thành “định mệnh” của mình, càng không thể hiểu được giá trị chân thực, sâu xa của đời sống làm người và làm con Thiên Chúa. Đau khổ có một ý nghĩa và giá trị sâu xa để thi hành ý Chúa trong thân phận mong manh của con người: “Đức Giêsu cũng phải trải qua gian khổ để trở thành vị lãnh đạo thập toàn” (x. Dt 2,10) và “…đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (x. Dt 5,8), hầu “để lại một gương mẫu cho chúng ta dõi bước theo Người”. (x. Pr 2, 22).

Đức Giáo Hoàng Benedict XVI suy tư rằng: “Chúng ta phải tin vào quyền năng uy dũng nơi lòng thương xót của Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều là tội nhân, nhưng ân sủng của Người sẽ cải hóa và biến đổi chúng ta”. Lời mời gọi đổi mới nhờ sức mạnh của tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên mọi Kitô hữu bám chặt vào lòng thương xót đầy yêu thương của Chúa, đồng thời, ở lại trong bình an mà chỉ mình Người mới có thể ban tặng. Và đây là chìa khóa giải phóng khỏi những đau khổ nội tại vốn tàn phá nhiều cố gắng tu tập của chúng ta, giúp chúng ta vững tâm: không phải chúng ta chỉ nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa nhưng còn chấp nhận lòng thương xót đó nữa một cách tín thác, bởi chúng ta thường rất thiếu lòng khiêm tốn, vị tha và sự phó dâng chính mình cho Lòng Thương xót của Thiên Chúa. Khiêm tốn tín thác, hy vọng và niềm vui là những cánh cửa dẫn đến đại dương Lòng Thương xót vô ngần của Thiên Chúa.

Lòng Thương xót của Thiên Chúa là một cuộc đối thoại thân tình giữa Thiên Chúa đầy yêu thương và con của Người trong những nghịch cảnh cuộc đời và thậm chí trong kiếp tội lỗi bi thương, Thiên Chúa vẫn đối thoại với tội nhân để chữa lành và mang lại ý nghĩa đời sống sống. Trong suốt cuộc đối thoại đó, Người nhìn những chiếc đầu cúi xuống khẩn xin sự khiêm tốn và lòng tha thứ, chấp nhận cái nhìn chữa lành của Người. Giữa nghịch cảnh cuộc đời đau khổ , ta càng nhận biết và yêu mến Người hơn. Thiên Chúa mời gọi khám phá những chiều kích sâu thẳm nơi lòng thương xót của Người ngang qua nghịch cảnh cuộc đời trầm luân, đi qua đau khổ bằng cảm thức thiêng liêng sâu sắc tiến lên đón nhận ân sủng xuyên qua cái nhìn trìu mến của Chúa Giêsu, Đấng đầy lòng xót thương vốn “mở ra cho chúng ta con đường sự sống”. Lòng thương xót của Thiên Chúa thì hoàn toàn nhưng không. Đó là nguồn mạch dẫy đầy sự trìu mến, lòng quảng đại và tình yêu vô điều kiện. Chúng ta không phải mua hay đáng được nó; lòng thương xót được ban cách nhưng không. Lòng thương xót chứa trọn tình yêu của Thiên Chúa. Tình Yêu đầy xót thương này của Thiên Chúa gặp gỡ mọi người trong sự nghèo hèn và túng quẫn của họ.

Thánh Luca kể chuyện: “Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?  Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?”.  Ông ấy thưa: “Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và người thân cận như chính mình”.  Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống”. Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?”. Đức Giê-su đáp: “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy lê-vi đi tới chỗ ấy cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy, và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác”. Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy”. Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”. (x. Lc 10,25-37). Tin Mừng cho thấy, đức công chính mà Thiên Chúa ưa chuộng đó là biết thương xót, hoàn không vô cảm, không dửng dưng với nỗi đau của con người, nhưng đồng cảm, thấu cảm. Thiên Chúa thích đưa tay chạm đến con người và tìm cách giải gỡ con người khỏi đau khổ. Câu chuyện kể cho thấy tâm hồn chạnh thương phản ánh một con người sống như Thiên Chúa Nhân Hậu. Thánh Luca còn kể rằng khi Chúa Giêsu đến gần cửa thành, thì gặp người ta đang khiêng đi chôn người con trai duy nhất của một bà góa. Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói : Đừng khóc nữa (x. Lc 7, 11-17). Khác với lần Chúa làm phép lạ cho Lazarô sống lại. Lần đó, Chúa chạnh thương vì thấy cảnh những người chị đau khổ khóc thương em, nhưng Ngài vẫn đòi cô Matta phải có một lòng tin và phải tuyên xưng đức tin : Con tin Thầy là Đấng Kitô. Trong phép lạ cho con trai bà góa thành Naim sống lại, Chúa không đợi chờ một lời kêu xin, Ngài cũng không đòi một điều kiện nào. Chúa thực hiện phép lạ hoàn toàn do sự thúc đẩy của tình thương, của trái tim mách bảo. Chúa cảm thông trước hết với cảnh mẹ góa con côi. Người đàn bà này đau khổ đến tận cùng, bà như hoàn toàn mất hết hy vọng vào cuộc sống, cuộc sống của bà sẽ không còn ý nghĩa khi đứa con trai không còn.

Thiên Chúa của lòng thương xót bởi một tình yêu lớn lao như tình yêu của một người cha người mẹ, Ngài thương xót, nghĩa là ban ơn thánh với lòng nhân từ và sự cảm thông. Kiếp hiện sinh con người vùng vẫy trong dục vọng, oán cừu như tiếng kêu than đau đớn lên Thiên Chúa, Đấng duy nhất có thể giải thoát con người.

Martin Luther King đã kể lại chuyện một đêm nọ, sau khi bị dọa giết, ông đã hoang mang, hoảng sợ, và cũng không khác gì Chúa Giê-su trong vườn Giếtsêmani, ông đã nằm rạp xuống sàn trong nỗi sợ, cô đơn và bất lực – rồi cầu nguyện. Ông cảm nhận lời cầu nguyện đêm đó như tiếng van nài xin Thiên Chúa cho ông tìm được phương thế đường đường chính chính để thoát khỏi tình trạng này, nhưng Thiên Chúa muốn một điều gì đó khác nơi ông. Và đây là những lời cầu nguyện của ông trong đêm đó: ‘Nhưng giờ con sợ hãi. Người ta tìm đến nhờ con lãnh đạo, và nếu con đứng lên dẫn đầu họ mà trong con chẳng có sức mạnh và can đảm, thì họ cũng sẽ nao núng. Con đã cạn kiệt sức lực rồi. Con chẳng còn gì nữa. Đã đến lúc con phải tự mình đơn độc đối mặt với nó’.  Rồi ông nói thêm: ‘Chính lúc đó, con cảm nghiệm được sự hiện diện của Đấng Chí Thánh, một trải nghiệm con chưa có bao giờ’. Một thiên thần đã đến bên ông. Khi cầu nguyện thật tâm, thì cho dù nỗi đau của chúng ta có thế nào đi nữa, thiên thần của Thiên Chúa sẽ luôn luôn đến bên chúng ta.

Triết lý nhân sinh có khuynh hướng công nhận chung: cuộc đời là bể khổ, ai trong chúng ta cũng đều gặp đau khổ trong cuộc đời: thử thách, bệnh hoạn, tật nguyền. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn có hy vọng vì Thiên Chúa luôn thương xót. Trong những cơn thử thách thiêng liêng lớn lao, nhất là trong những đêm tối thần bí, lòng tín thác nơi tình yêu thương xót của Thiên Chúa trợ lực cho ta vững tâm đi tới thanh luyện trong lò những gian truân. Khi đó chúng ta thấy sự vững tâm này qúa ít ỏi và lung lay. Nhưng đó chỉ là một dáng vẻ thôi. Sự mãnh liệt của những ước ao thánh thiện là chìm ngập trong đại dương bao la của Lòng thương xót Chúa, một bảo đảm quí giá để khích lệ và nâng đỡ chúng ta. Cơn thử thách sẽ qua đi, vững tâm sẽ nên thánh, cơn đau khổ sẽ lại xuất hiện, nhờ Thiên Chúa thương xót, tôi sẽ mạnh mẽ hơn và vững vàng hơn bao giờ hết. Cậy trông Thiên Chúa là lý do và sự nâng đỡ toàn bộ hành trình Kitô hữu. Thiên Chúa Cha rất yêu thương nhân loại. Ngài vô cùng tốt lành và đầy lòng thương xót.

Ngay từ bây giờ, tôi hiểu rằng : Lòng Thương xót của Thiên Chúa là một nguồn lực mãnh liệt trọ giúp tôi thực hành đức tin giữa muôn vàn sóng gió cuộc đời, cho tôi vững vàng trong một ý tưởng mãnh liệt, không chỉ lý thuyết, nhưng là một ý tưởng thực hành lòng cậy trông, tín thác vào Chúa. Nhân loại đau khổ vì nhận thức sai lầm, trừu tượng và mờ nhạt về Thiên Chúa. Thực vậy, hiện hữu của Lòng thương xót của Thiên Chúa không gợi lên một xúc động nào trong tâm hồn họ. Nếu như tôi hiệp thông với Thiên Chúa của Lòng Thương xót càng sống động, cụ thể và phong phú, thì niềm tín thác sẽ càng mạnh mẽ và vững vàng dù thế giới có đổ sụp ngay dưới chân tôi.

***

Viết tại Nhà Thờ Thới Sơn

Ngày 17.05.2017

Lm FX. Nguyễn Văn Thượng

Gp. Mỹ Tho